Trang chủ Nghiên cứu Phật giáo và Khoa học Người dám nói tổ tiên nhân loại là… vượn

Người dám nói tổ tiên nhân loại là… vượn

104

Vậy cha đẻ của thuyết tiến hóa là người như thế nào? Matthias Glaubrecht, thành viên Ban giám đốc Bảo tàng Tự nhiên học Berlin đã tìm cách trả lời câu hỏi đó qua cuốn sách của ông có nhan đề khá dài: Như thể là vừa thú nhận mình đã mắc tội giết người – một ngày trong cuộc đời của Charles Darwin. Cuốn sách này sẽ ra mắt trong tháng Giêng này nhân dịp thế giới tiến tới ngày kỷ niệm tròn 200 năm ngày sinh của Charles Darwin (12/2/1809 – 19/4/1882).

 

Hơi khập khiễng, nhưng Matthias Glaubrecht đã so sánh việc Charles Darwin tuyên bố loài người có nguồn gốc từ vượn cũng khó khăn như khi một người thú nhận mình đã mắc phải tội sát nhân. Để giúp bạn đọc tìm hiểu thêm về nhà bác học này, TT&VH xin trích dịch bài viết của tác giả Matthias Glaubrecht viết về Charles Darwin đăng trên báo Die Welt (Đức) số mới đây:

Darwin là ai?


Có lẽ không có người thứ hai nào làm đảo lộn cách hiểu của ta về muôn loài khi đưa ra nhận định rằng con người có tổ tiên là… vượn. Luận thuyết của Darwin là một cuộc cách mạng trong khoa sinh học. Không chỉ nhà thờ, mà ai cũng thích tin rằng con người là tạo vật từ bàn tay Chúa và do đó được đứng ở đẳng cấp siêu việt nhất để thống trị các loài khác. Đã thế ông còn cả quyết rằng mọi sinh vật đều có khả năng biến đổi được chọn lọc tự nhiên, nghĩa là chúng sẽ tồn tại và phát triển tiếp khi thích nghi với tự nhiên và không thích nghi được thì sẽ bị hủy diệt.


Cách đây đúng 200 năm, cậu bé Charles chào đời trong gia đình giàu có của bác sĩ Robert Waring Darwin và vợ là Susannah. Lớn lên trong không khí quý tộc cấp tiến, Charles thừa hưởng của gia đình quan điểm khá tiến bộ về sự biến đổi của sinh vật chứ không chỉ do Chúa nặn ra. Ông nội của cậu, Erasmus Darwin, dạy cho cháu những bài thơ do ông sáng tác theo chủ đề này.


Đi tìm dấu vết thần đồng


Các nhà sử học và người viết tiểu sử của Darwin cố lục lọi trong cuộc sống của nhà khoa học vĩ đại để chứng tỏ nguồn gốc thiên tài ấy. Thuở nhỏ, khi Darwin sống ở Shrewsbury, họ không tìm ra dấu vết nào, ngay cả thời sinh viên Darwin cũng không tỏ ra một trí tuệ vượt trội. Thoạt tiên ông học y khoa ở Edinburgh (1985-1987) để theo nghiệp bố, nhưng lại bỏ lửng để học môn thần học. Bản thân Darwin khi viết tiểu sử mình ở tuổi 67 cũng công nhận mình là một đứa trẻ bình thường như trăm ngàn đứa khác. Có khác chăng chỉ là sự thích thú nghiên cứu thiên nhiên, song cũng không phải ở mức đặc biệt.

 


Nhà bác học Charles Darwin

Một sự kiện ngẫu nhiên đưa chàng trai trẻ Darwin mới 22 tuổi lên chiếc tàu thủy trắc đạc H.M.S. Beagle. Từ 12/1831 đến 10/1836, nghĩa là ngót 5 năm Darwin chu du khắp thế giới – sự kiện mang tầm quyết định cho phần đời còn lại của ông.


Trước đó, thuyền trưởng Robert FitzRoy tìm một trợ lý có nguồn gốc quý tộc để làm bạn đồng hành cho vui. Darwin là con nhà dòng dõi, hiểu biết, lại thêm năng khiếu làm các tiêu bản nghiên cứu và biết sử dụng kính hiển vi. Nhờ vậy Darwin được giáo sư môn thực vật học của mình là John Stevens Henslow giới thiệu cho thuyền trưởng. Trong những ngày trên tàu Darwin mới dần dần trở thành một người sưu tầm có phương pháp các mẫu vật và kiến thức về tự nhiên.


23 năm sưu tầm và nghiên cứu

 

Cuộc du hành trên tàu Beagle đưa Darwin đến Cabo Verde, Tierra del Fuego, quần đảo Falkland, dãy núi Andes của Chile và Peru, rừng san hô của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Trong 5 năm, ông có đủ thời gian để chiêm nghiệm về sự biến đổi đầy năng động của bề mặt trái đất. Darwin tìm được mẫu hóa thạch của một số loài vật đã tuyệt chủng ở Patagonia (Nam Mỹ) và nhận ra sự biến đổi của các giống vật tùy theo vị trí địa lý. Những quan sát thực tế đó đã làm nảy sinh trong óc ông sự hoài nghi về bàn tay sáng tạo của Chúa. Một thế giới quan mới lạ dần dần hình thành.

 

Trở về Anh, Darwin cưới cô em họ Emma Wedgwood năm 1839 và sinh được 10 đứa con. Năm 1842 ông chuyển nhà đến trang trại Down House ở Kent và làm một nhà nghiên cứu độc lập. Đó là những năm để ông hệ thống hóa kết quả sưu tầm và nhật ký khoa học của mình, biến chúng thành một học thuyết về chọn lọc tự nhiên. Mãi đến khi các công trình nghiên cứu chi tiết về địa lý Nam Mỹ và rặng san hô được công bố, ông mới dám đặt chân vào “vùng đất cấm” mang cái tên mà sau này học sinh phổ thông nào cũng phải học đến: thuyết tiến hóa.


Sau này người ta ít biết đến một nhân vật nữa tên là Alfred Russel Wallace, một đồng hương của Darwin. Wallace phát triển độc lập một luận cứ giống như Darwin, điều đó thúc đẩy Darwin viết ra cuốn The Origin of Species nói về nguồn gốc xuất hiện của muôn loài. Tác phẩm này ra đời cuối năm 1859 và được tái bản 6 lần cho đến khi ông qua đời trên đỉnh cao của khoa học. 23 năm sau, Darwin, một trong những nhà khoa học danh tiếng nhất và gây tranh cãi nhiều nhất, được mai táng ở Westminster Abbey, bên cạnh triết gia John Herschel và nhà vật lý học Isaac Newton.