Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Về cố đô Hoa Lư thăm chùa Bái Đính

Về cố đô Hoa Lư thăm chùa Bái Đính

58

Chúng tôi đang đi vào vùng linh địa cũ và mới của Ninh Bình trong giá trị của hai ngôi chùa Bái Đính cũ và Bái Đính mới xây dựng cách nhau khoảng mười thế kỷ trong một không gian núi đá rộng lớn có tên là núi Bái Đính.

Chùa Bái Đính cũ được xây trên núi Bái Đính. Tương truyền Thiền sư họ Nguyễn pháp danh là Minh Không sinh vào đời vua Lý Thánh Tông (1054-1072) quê ở xã Đàm Xá, phủ Trường Yên, nay là xã Gia Thắng và Gia Tiến thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.


Ông là một thầy thuốc nổi tiếng từng chữa khỏi bệnh cho Hoàng Thái tử Lý Dương Hoán. Ngài được vua ban tước hiệu Quốc Sư và ngài được gọi là Lý Quốc Sư. Đền thờ Lý Quốc Sư ở Hà Nội là đền thờ Thiền sư Nguyễn Minh Không sau ngày ngài mất.


Chuyện xưa truyền lại ngài thường đến vùng Bái Đính này tìm cây thuốc quý chữa bệnh cho mọi người. Cũng chính vì việc từ tâm ấy ngài phát hiện ra vùng núi đá này có hang động đẹp rất thích hợp với cảnh Thiền. Ngài đã tôn tạo và đặt tên cho hang Sáng và một số hang động khác thành nơi thờ Phật và Thần linh. Từ đấy chùa hình thành và phát triển dần.


Như vậy, chùa Bái Đính có thể có từ thời Lý và do Thiền sư Nguyễn Minh Không góp công đầu tạo dựng, được Nhà nước ta công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia từ ngày 18/6/1997.









Ba pho tượng Tam Thế bằng đồng lớn nhất tại chùa.



Công việc xây dựng chùa Bái Đính mới đang trong giai đoạn khẩn trương. Những người xây dựng chùa cho biết dự kiến sẽ hoàn thành cơ bản công việc này vào năm 2010 dịp kỷ niệm một nghìn năm vua Lý Thái Tổ ban chiếu Thiên Đô và quyết định chuyển đô từ Hoa Lư ra Thăng Long.


Công trình có được hôm nay thể hiện sự quan tâm của Nhà nước, của nhân dân, sự tín mộ chân thành của phật tử…


Qua một thời gian không dài, từ ý tưởng nhen nhóm đến ngày thực hiện với rất nhiều vượt trội ngỡ như khó thực hiện nhưng nay đang dần dần hiện hình trên vùng đất Bái Đính một công trình văn hoá tâm linh mới với nhiều kỷ lục tầm quốc gia đã được ghi nhận!


Tam Quan Nội được dựng toàn bằng các loại gỗ tứ thiết với chiều cao là 16,50m, chiều dài 32m, chiều rộng 13,50m. Đặc biệt, ở ngôi Tam Quan Nội này có bốn cột cái bằng gỗ lim nặng tới 10 tấn và có độ cao gần 14m với đường kính là 0,85m.


Đưa được những cây lim cổ thụ to cao như thế từ rừng về, cha ông ta đã từng làm thời xây dựng nhà thờ Phát Diệm nổi tiếng nhưng cột cũng mới chỉ cao tới 11m. Có được bốn cột lim cao chừng ấy dựng ở chùa Bái Đính là một công lênh lớn của người thợ hôm nay.


Tháp chuông chùa Bái Đính đã xây dựng gần xong. Tháp chuông này dùng để treo một quả chuông nặng tới 36 tấn do những người thợ đúc dày dạn kinh nghiệm và có tiếng ở Huế thực hiện.


Chiếc chày kình thỉnh chuông cũng được làm bằng gỗ tứ thiết có đường kính khoảng 0,3m, dài 4,2m và nặng tới 5 tạ. Điện Quan Thế Âm Bồ Tát có bức tượng ngài với rất nhiều mắt và nhiều tay nặng tới 40 tấn cũng được coi là bức tượng đồng về ngài vào loại lớn nhất nước.


Dưới chân núi Bái Đính, những người xây dựng chùa còn cho tôn tạo, mở mang thêm khu giếng Ngọc vốn là giếng của ngày xưa. Giếng Ngọc đã có cách đây khoảng 1.000 năm. Tương truyền đây là nơi mà Thiền sư Nguyễn Minh Không thường lấy nước để sắc thuốc chữa bệnh cho mọi người. Nay giếng được tôn tạo lại và mở mang thêm với đường kính là 30m trong một độ sâu 6m.


Giếng Ngọc chùa Bái Đính đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam cấp bằng xác nhận: Ngôi chùa có giếng lớn nhất Việt Nam. Bằng công nhận ghi ngày 12/12/2007!


Đến chùa Bái Đính mới hôm nay ta đã bước đầu cảm nhận được dáng vẻ cổ kính của nơi thờ tự cho dù công trình do đời nay tạo dựng. Đây là thành công của những người thiện tâm mà sự đóng góp của họ là vô cùng. Có người có những đóng góp lớn khi được hỏi ông chỉ cười nói đây là công sức chung của mọi người, của các phật tử.


Tín ngưỡng tự tâm thành. Từ tâm thành mà có tâm linh và phúc lộc lâu dài. Vài dòng cảm nhận này cũng chỉ là những phác họa chân thành của một khách hành hương.


Ngày mai khi công trình khánh thành chắc chùa Bái Đính sẽ hoàn hảo và uy nghiêm lên nhiều và đất nước ta sẽ có thêm một công trình văn hóa tâm linh Phật giáo mới mang tầm vóc quốc tế!