Trang chủ Tin tức 10 Sự kiện Phật giáo Việt Nam nổi bật năm 2008

10 Sự kiện Phật giáo Việt Nam nổi bật năm 2008

194

1. Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc tại Việt Nam


Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008 được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam với sự tham dự của gần 5.000 đại biểu đến từ 74 quốc gia và vùng lãnh thổ, sự hưởng ứng của hàng triệu Phật tử trên khắp cả nước đã thành công viên mãn, vượt xa sự mong đợi của cộng đồng Tăng Ni, Phật tử. Sự thành công đó khẳng định sức sống của Phật giáo Việt Nam được tiếp nối trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, không bị giới hạn bởi bất cứ tên gọi tổ chức nào mà người ta cố tình gán cho nó những ý đồ chính trị bất ổn, nhằm chia rẽ tinh thần Phật giáo Việt Nam.



Cố tác giả Lý Khôi Việt đã khẳng định đại lễ là một cơn mưa pháp vĩ đại nhất, dịu dàng, tươi mát nhất, một trận pháp vũ rộng lớn nhất, huy hoàng, tuyệt vời nhất, chưa từng có trong lịch sử hơn 20 thế kỷ của Phật giáo Việt Nam. Qua Đại lễ, dân tộc Việt Nam đã thức dậy trong ánh đạo vàng cứu khổ, cứu nạn của Phật giáo, dân tộc ta đã được tắm gội trong dòng sông tươi mát của một giáo lý mầu nhiệm, đầy tính tự do, bình đẳng, nhân từ, khoan dung và giác ngộ của Đức Phật.


Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc được tổ chức tại Việt Nam cũng khẳng định sự quan tâm, nhìn nhận của Nhà nước đối với vai trò và đóng góp của Phật giáo đối với dân tộc, như phát biểu của Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết tại lễ khai mạc: “Ngay từ buổi đầu tiên, với tư tưởng Từ bi, Hỷ xả, Phật giáo đã đựơc nhân dân Việt Nam đón nhận, luôn đồng hành cùng dân tộc với phương châm nhập thế, gắn bó giữa Đạo và Đời, phấn đấu vì hạnh phúc và an vui cho con người. Trong các thời đại, thời nào lịch sử Việt Nam cũng ghi nhận những nhà Sư đại đức, đại trí đứng ra giúp đời hộ quốc an dân…. Phật giáo Việt Nam luôn gắn Đạo với Đời, là một Tôn giáo có truyền thống yêu nước, gắn bó với dân tộc.”



Đại lễ cũng được hầu hết các cơ quan truyền thông của Việt Nam bầu chọn là một trong 10 sự kiện tiêu biểu của Việt Nam năm 2008.


2. Đại lễ tưởng niệm 700 năm ngày Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn


Gần 10 vạn Tăng Ni, Phật tử, nhân dân, trong đó có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã vân tập về Yên Tử (Quảng Ninh) dự Đại lễ tưởng niệm 700 năm ngày Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn. Nhiều hoạt động đã được tổ chức trong dịp đại lễ như Cầu siêu anh hùng liệt sĩ thời Trần tại sông Bạch Đằng, dâng hương tại Tháp Tổ Huệ Quang, diễu hành xe hoa, đặc biệt Hội thảo về Phật hoàng Trần Nhân Tông đã khẳng định Ngài là một vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, triết gia có tâm hồn thi sĩ, một vị Tổ khai sáng dòng Thiền mang đậm bản sắc Việt Nam, một vị hoàng đế được tôn làm Phật.



Đại lễ tưởng niệm 700 năm ngày Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn là dịp để Tăng Ni, Phật tử và nhân dân Việt Nam khắc ghi công đức, đạo nghiệp của Ngài, là động lực để phát huy tinh thần nhập thế, đoàn kết hòa hợp, phát huy đạo pháp và dân tộc Việt Nam.


Ban Tổ chức đại lễ cũng đề nghị Thủ tướng có công văn chỉ đạo các ban ngành liên quan hoàn chỉnh hồ sơ công nhận Đức Vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông là danh nhân văn hoá Việt Nam và đề nghị UNESCO công nhận Ngài là danh nhân văn hóa thế giới.


3. Chuyến hoằng pháp lịch sử của GHPGVN qua một loạt nước châu Âu như Séc, Ukraina, Nga, Pháp, Ba Lan, Hungary…


Chuyến đi đã mang đến cho đồng bào ở xa tổ quốc một món quà tinh thần to lớn, đó là thông điệp từ bi, trí tuệ, hòa bình, hòa hợp của Đức Phật, những giá trị văn hóa tâm linh truyền thống của dân tộc Việt Nam. Chuyến đi cũng là nhịp cầu nối giữa cộng đồng Phật giáo Việt Nam ở trong nước và hải ngoại, đem đến sự chia sẻ, cảm thông và hiểu biết lẫn nhau.



Sự thành tựu của chuyến hoằng pháp không chỉ nằm ở ý nghĩa Phật sự thông thường, mà đó còn là sự đón nhận thành tâm và nồng nhiệt giáo lý chân chính và văn hóa nguồn cội của cộng đồng người Việt hải ngoại.


4. Đại lễ cầu siêu các anh hùng liệt sĩ tại huyện đảo Phú Quốc ngày 19/10/2008 và 20/12/2008


Đại lễ do Trung ương Giáo hội, BTS THPG Kiên Giang và Tổ đình Vĩnh Nghiêm tổ chức. Cũng trong năm 2008, nhiều đại lễ cầu siêu anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn được tổ chức trên khắp cả nước như Ngã Ba Đồng Lộc, Nghĩa trang Trường Sơn, chùa Bà Đá (Hà Nội), sông Bạch Đằng (Quảng Ninh), sông Lục Đầu (Hải Dương), Sơn Mỹ (Quảng Ngãi), Bạch Mã (TT. Huế)…


Các đại lễ này diễn ra với sự đồng tổ chức, ủng hộ, phối hợp, trợ duyên của các cấp Chính quyền, đoàn thể chứng tỏ Nghi lễ Phật giáo nói riêng, Phật giáo nói chung, chứ không phải bất cứ tôn giáo nào khác đang tìm lại và khẳng định chỗ đứng trong đời sống văn hóa tâm linh của đại đa số người dân Việt Nam.



Điều này cũng đặt ra trách nhiệm của Ban Nghi lễ nói riêng và GHPGVN nói chung trong việc chuẩn hóa và tổ chức các nghi lễ mang tính quốc gia đại sự, vào những dịp đặc biệt, ví dụ như Đại lễ cầu quốc thái dân an vào đầu năm mới âm lịch được tổ chức đồng thời trên khắp cả nước, trong đó có ba nơi tổ chức với quy mô lớn, có sự hiện diện của lãnh đạo Nhà nước, là Hà Nội, Huế và TP. Hồ Chí Minh; Đại lễ cầu siêu và tri ân những người hi sinh vì tổ quốc vào dịp rằm tháng bảy…


5. Đại giới đàn Huệ Lưu (PG TP.HCM) với gần 1400 giới tử, Đại giới đàn Bích Nguyên (PG Lâm Đồng) với hơn 700 giới tử


Cũng trong năm, BTS các tỉnh hội Phật giáo trên cả nước cũng tổ chức giới đàn để truyền giới cho hàng ngàn giới tử. Như vậy, lực lượng kế thừa mạng mạch Phật giáo, giúp đạo pháp tồn tại lâu dài trên đất nước Việt Nam đang được bổ sung và tiếp nối đáng kể. Đó cũng là dấu hiệu cho thấy giáo pháp và con đường giải thoát nỗi khổ đau của chúng sinh do Đức Phật trao truyền từ hơn 2500 năm trước đang là một lựa chọn của thời đại.



Tuy nhiên, việc nghiêm trì giới luật của một bộ phận giới tử mới thọ giới, của Tăng Ni trẻ vẫn đang là nỗi bức xúc không nhỏ trong mắt Phật tử và người dân. Nhiều người xuất gia chưa chắc đã tốt, thậm chí trở thành một hiểm họa như đã từng xảy ra trong lịch sử Phật giáo Việt Nam nếu như giới luật không được tất cả coi là thọ mạng của Phật pháp.


6. Trại họp bạn ngành nữ toàn quốc Gia đình Phật tử Việt Nam


Gần 2300 huynh trưởng, đoàn sinh Gia đình Phật tử Việt Nam đã về dự Trại họp bạn ngành nữ toàn quốc và trại học tập Vạn Hạnh II, III tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để gặp gỡ, giao lưu sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm, xác định quyết tâm xây dựng ngành Nữ vững mạnh trong đại Gia đình Phật tử Việt Nam.



Tiếp nối Trại họp bạn ngành Thiếu toàn quốc năm 2007, Trại họp bạn ngành Nữ năm 2008 chứng tỏ sinh hoạt của Gia đình Phật tử Việt Nam đang được quan tâm nhiều hơn, có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Trong năm, nhiều hoạt động của tuổi trẻ Phật tử như Hội trại Phật giáo và Tuổi trẻ do báo Giác Ngộ tổ chức, Hội trại thanh thiếu niên Phật tử miền Bắc… cũng để lại nhiều ấn tượng và dư âm trong lòng các bạn trẻ.


7. Tuần văn hóa Phật giáo tại Huế


Tại tuần văn hóa đã diễn ra nhiều hoạt động như triển lãm ảnh, trình chiếu bộ phim của Iran Hương vị Anh đào, hòa nhạc thính phòng mang tính tâm linh được chọn lọc từ sáng tác của các nhạc sĩ Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, thuyết trình với sự hiện diện của nhiều nhân vật nổi tiếng như GS.TS. Cao Huy Thuần (đề tài Xung đột văn minh), Doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo (Bạn có muốn trở thành doanh nhân không), BS. Đỗ Hồng Ngọc (Thiền và sức khỏe), GS.TS. Thái Kim Lan (Phật giáo trong bối cảnh văn hóa đa cực), Nhà Nghiên cứu Trần Đình Sơn (Thăm lại những ngôi chùa đã mất), nhà văn Hồ Anh Thái (Tính cách Ấn Độ)…


Tuần Văn hóa Phật giáo đã thực sự gây ấn tượng đối với công chúng, đồng thời đánh thức những sinh hoạt văn hóa, tri thức phong phú tại thành phố Huế, một trong những trung tâm văn hóa – giáo dục có nhiều nét đặc thù của Việt Nam. Nó cũng hứa hẹn mở ra những tiếp xúc gần gũi và thiết thực, cùng quan tâm đến những vấn đề xã hội nổi trội, dần kiến tạo một không gian tri thức hay tìm một tiếng nói chung trong một “mặt bằng trí thức” còn nhiều biến động. Điều đáng tiếc là chưa thấy Tạp chí Văn hóa Phật giáo tổ chức tuần văn hóa tương tự tại những nơi khác, đặc biệt là tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.


8. Đại lão HT. Thích Huyền Quang – nguyên Tổng thư ký Viện hóa đạo GHPGVNTN viên tịch


Sự ra đi của Hòa thượng là mất mát, tổn thất lớn lao, để lại niềm kính tiếc cho Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước.



Cũng trong năm, Gia đình Phật tử Việt Nam chịu một tang lớn: huynh trưởng Võ Đình Cường, một trong những người sáng lập mái nhà lam đã ra đi. Bằng tinh thần phụng sự đạo pháp, báo Phật ân đức, hơn 90 năm hiện hữu cõi trần, hơn hai phần ba cuộc đời cống hiến cho đạo pháp, phục vụ nhân sinh, anh cả Võ Đình Cường không ngừng đóng góp cho ngôi nhà Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh, trang nghiêm trong lòng dân tộc.


9. Nhạc sĩ Lê Cao Phan – tác giả bài hát “Phật giáo Việt Nam” – đạo ca của PGVN được GHPGVN tuyên dương công đức


Nhạc sĩ Lê Cao Phan, xuất thân từ Quảng Trị, đã sáng tác bài “Phật giáo Việt Nam” nhân đại hội thống nhất Phật giáo Việt Nam thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam năm 1951 tại chùa Từ Đàm. Từ đó, bài hát đã đồng hành, gắn liền với lịch sử Phật giáo Việt Nam trong một giai đoạn đầy biến động của nửa cuối thế kỷ 20. Tại Đại hội Phật giáo Việt Nam lần thứ VI tổ chức tại Hà Nội tháng 12/2007, bài hát đã chính thức được công nhận là đạo ca của Phật giáo Việt Nam.


04-Cuoc-hoi-ngo-7608-300A2.jpg


Mặc dù không phải là sự kiện có quy mô lớn, nhưng việc nhạc sĩ Lê Cao Phan được Giáo hội tuyên dương công đức lại có ý nghĩa và sức lay động rất lớn. Dù muộn mằn, nhưng điều đó chứng tỏ Giáo hội đã thực sự nhìn nhận sự đóng góp và vai trò của cư sĩ đối với sự phát triển của Phật giáo Việt Nam trong quá khứ. Vậy còn trong hiện tại và tương lai, Giáo hội có nhìn nhận, chiến lược, giải pháp gì để phát huy sức mạnh của cư sĩ, nhất là các cư sĩ trẻ trong sự nghiệp hoằng dương Phật pháp? Làm sao để Giáo hội thực sự là ngôi nhà của tứ chúng, làm sao để Phật giáo không chỉ hiện diện qua những hình tướng, lễ lạt, mà trở thành thế giới quan, nhân sinh quan, triết lý sống, văn hóa tâm linh của đại bộ phận dân tộc Việt Nam? Câu hỏi này không dễ được trả lời, nhưng hi vọng sự kiện tuyên dương công đức của Nhạc sĩ Lê Cao Phan là một sự khích lệ, tiếp nối và khởi đầu mới cho những đóng góp của cư sĩ Phật giáo Việt Nam.


10. Khởi công xây chùa Bạch Long Vĩ giữa vịnh Bắc Bộ


Trung tuần tháng 4, tại huyện đảo Bạch Long Vĩ (TP. Hải Phòng), cách đất liền Hải Phòng 110 km đã diễn ra một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt: khởi công xây dựng chùa Bạch Long Vĩ. Dự kiến chùa Bạch Long Vĩ sẽ hoàn thành năm 2010 với kinh phí khoảng 10 tỷ đồng. Chùa sẽ là địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh cho hơn 1.000 cư dân trên đảo là bộ đội và thanh niên xung phong. Ngoài ra, hơn 5.000 ngư dân đánh cá thường xuyên qua lại trên đảo cũng có cơ hội đến lễ chùa.



Sự hiện diện của một ngôi chùa trên hòn đảo tiền tiêu, giữa trời nước mênh mông của vịnh Bắc Bộ sẽ mang lại cho cư dân và ngư dân đi biển một cuộc sống an lạc, thanh bình, thỏa ước mong nguyện vọng, ước muốn của mọi người.


Ngoài ra, sự hiện diện của ngôi chùa trên đảo Bạch Long Vĩ cũng giúp giữ vững chủ quyền biển đảo của đất nước, khẳng định tinh thần hộ quốc an dân, đồng hành cùng Dân tộc của Phật giáo Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đã và đang cụ thể hóa giấc mộng bá chủ biển Đông. Hy vọng một ngày không xa sẽ có những ngôi chùa hiện diện trên quần đảo Trường Sa thân yêu.


Xem thêm: