Bản sắc của một tôn giáo không cưỡng lại những biến động, thăng trầm. Lịch sử dân tộc đã ghi nhận điều này, từ thời người dân đi ngủ không cần phải đóng cửa, đến thời mà nơi đặt tượng Phật, bia đá, chuông đồng phải đề phòng cài then, chốt cửa.
Nói đến chuyện thăng trầm, xin kể đôi điều về một nhà vua anh minh và một vị “Trạng Phật”.
Trong lịch sử Việt Nam, vua anh minh có nhiều, nhưng thời Lê rất đáng kể vì có một số vị vua như Lê Thần Tông (1607-1662) sùng mộ Phật, vua Lê Hy Tông (1663-1716) lúc đầu ngăn cấm đạo Phật, nhưng sau được sự khuyến hóa của thiền sư Tông Diễn đã quay trở về đạo Phật, cho tạc tượng mình quỳ mọp đội tượng Phật trên lưng để tỏ lòng sám hối.
Thiền tông bản hạnh đã viết: “Bụt sinh hoàng giác Lê gia… Hưng sùng đạo Bụt chợ quê khắp miền”. Gần như triều đại nào cũng có “Bụt sinh”, nhưng thời Lê đáng để nói vì có người cho rằng vào thời này, Phật giáo bị đẩy về những nơi thôn quê. Khái niệm “bị đẩy” này xuất hiện do một vài vị vua nhà Lê có lúc đã ra lệnh thải bớt tăng đồ, không cho tăng sĩ tiếp xúc với người trong cung và hậu đình…
Thời ấy, đạo Phật tuy rời xa chốn cung đình nhưng vẫn là nền tảng tâm linh trong cuộc sống của đa số người Việt, nên tư tưởng Nho giáo chỉ có thể hấp dẫn với những người có chí hướng ra làm quan. Khi nhà nho nhận thức được sự thăng trầm, vinh nhục trong chốn quan trường, thấu tỏ được quan niệm “cùng thông đắc thất”, “công thành thần thoái”, “xuất xử hành tàng”, cũng là lúc đạo Phật trở nên gần gũi với họ nhiều hơn.
Có những bậc trọng nho, túc nho, một lúc nào đó trong đời đã “lệch chuẩn” để lui tới chốn chùa chiền, đàm đạo với các thiền sư… Vì thế mà dần hình thành xu hướng “cư Nho mộ Thích” ngay trong thời Nho giáo phát triển, đến mức có vị vua phải ra lệnh cấm đại thần thờ Phật trong nhà.
Thực tế Phật giáo chưa từng đi khỏi nơi thôn quê bao giờ nên không có chuyện bị đẩy về. Vậy nó suy tàn ở chỗ nào? Không có lực lượng trí thức đông đảo chốn quan trường mà bảo nó suy tàn chăng? Đó không phải mục đích của đạo Phật, bởi vậy muốn hiểu đạo Phật, hiểu nhân cách người Phật tử dấn thân nhập thế, tư cách học giả (bác học) không thôi thì chưa đủ, mà còn phải có tư cách của một hành giả.
Danh nho Nguyễn Trãi thường lui tới làm bạn thiền sư Đạo Khiêm, từng phát biểu: “Ta dư cửu bị nho quan ngộ” (Bấy lâu ta bị cái mũ nhà nho nó chụp làm cho sai lầm) và “Lâm kỳ ngã diệc thượng thừa thiền” (Gặp dịp tôi cũng sẽ đi tu đạo thiền). Thiền sư Đạo Khiêm hẳn phải là người có sức cảm hóa lớn đối với trí thức đương thời.
Trên nền tảng là niềm tin lớn của dân chúng, Phật giáo tiếp tục được mở ra trong nhận thức của vua Lê Hiến Tông (1461-1504). Đại Việt sử ký bản kỷ thực lục chép: “Vua Lê Hiến Tông tên húy là Sanh, lại húy là Huy, là con trưởng của Thánh Tông, ở ngôi 7 năm, thọ 44 tuổi… Vua thiên tư anh minh thông duệ, giữ vận thịnh trị, thái bình, mới trong khoảng 7 năm mà thiên hạ bình yên, xứng đáng là bậc vua giỏi giữ cơ đồ…” (1).
Vua Lê Hiến Tông là con trưởng của vua Lê Thánh Tông. Chính sử chép rằng, vua Lê Thánh Tông ở ngôi lâu mà chưa có con nối dõi, Hoàng thái hậu Quang Thục làm lễ cầu đảo và sai Nguyễn Đức Trung đến cầu tự ở am Từ Công núi Phật Tích (chùa Thầy núi Sài Sơn). Hoàng hậu Trường Lạc ở cung Vĩnh Ninh tức thì có mang, đến khi đầy đủ ngày tháng, chiêm bao thấy rồng vàng từ trên trời sa xuống, bay vào trong phòng, một lát thì sinh ra hoàng tử, ứng thân của sao Thiên Lộc.
Trong văn bia chùa Thiên Phúc (chùa Thầy), Nguyễn Bá Bằng có viết: “Trường Lạc hoàng thái hậu có điềm rồng vàng nhập vào sườn bên tả”. Đây cũng là lý do mà sau một năm lên ngôi, vua Lê Hiến Tông đã cho sửa chùa Thiên Phúc và cho dựng bia theo ý nguyện của Trình quốc công Nguyễn Đức Trung, thân phụ của Hoàng thái hậu" (2). Cần nói thêm, các vị vua anh minh thời xưa đều gắn với những truyện tích về điềm sinh kỳ lạ.
Nói lan man như vậy để dễ đi vào chuyện chính của vị “Trạng Phật”. Vì câu chuyện này liên quan đến quốc sách giáo dục của vua Lê Hiến Tông.
Tháng Tư, Kỷ Mùi, Cảnh Thống năm thứ 2 (1499), vua Lê Hiến Tông ra sắc dụ rằng: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí mạnh thì đạo trị nước mới thịnh…” (3).
Tháng 12 năm Tân Dậu, Cảnh Thống thứ Tư (1501), vua Hiến Tông ra sắc chỉ quy định các thể lệ thi Hương (tương đương với tú tài hiện nay). Trong sắc chỉ này, đáng chú ý là xã trưởng ở các xã phải bảo đảm cho học trò của xã mình. Nếu xã trưởng nào khai nhận, đảm bảo không đúng, quan phủ, huyện châu khảo không kỹ để đến nỗi học trò vào thi còn nhũng tạp và có người viết bất thành văn, hay vì họ hàng con em mà gửi gắm thì sai nhân của khoa, đài đó phải dò xét cho ra sự thật, giao hết lên để xét hỏi trị tội. Khi học trò vào khi thì khám xét kỹ càng từ ngoài cửa. Nếu thấy mang tài liệu vào hoặc cho người vào thi hộ thì phải bắt ngay để xét hỏi. Những người can phạm như trên bị sung làm quân bản phủ 3 năm, suốt đời không được vào trường thi và bổ dùng nữa. Các viên giám thị niêm phong bài thi, kẻ nào bất minh thì biếm hay giáng chức… (4).
Tháng 2, Nhâm Tuất, Cảnh Thống năm thứ 5 (1502), diễn ra kỳ thi Hội, tuyển các cử nhân trong nước, số dự thi 5.000 người. Vua đích thân ra đầu bài văn sách hỏi về đế vương trị thiên hạ. Người không có kiến thức rộng về đạo Nho, ắt không thể vượt qua kỳ thi này.
Đến kỳ thi Đình vua đã chọn Lê Ích Mộc (1458-1538) làm Trạng nguyên, “vua sai tuyên đọc chế từ, bưng lư hương cháy rực lửa ra trước, bị bỏng tuột cả tay mà không biết. Vua ngự điện Kính Thiên, Hồng lô đích thân truyền loa xướng danh. Mọi năm bảng vàng vẫn treo ở ngoài cửa Đông Hoa, đến nay vua sai Lễ bộ bưng ra, đánh trống nổi nhạc rước ra treo ở cửa nhà Thái học. Bảng vàng treo ở cửa nhà Thái học bắt đầu từ đó…” (5). Có thể nói, mọi vinh dự đều đến với Trạng nguyên Lê Ích Mộc.
Lê Ích Mộc bưng lư hương bỏng tuột cả tay mà không biết. Nhưng cả triều đình đều biết Lê Ích Mộc đỗ Trạng nguyên vì thông tỏ Phật pháp. Trong kỳ thi cao nhất (thi Đình) cấp quốc gia, vua Lê Hiến Tông đã bỏ qua bao nhiêu đạo lý trị nước của Nho giáo để bất ngờ hỏi về Phật pháp, nhằm thử sức những trí thức Nho giáo đương thời. Bài trắc nghiệm bất ngờ và táo bạo này đã chứng minh thêm cho tư tưởng coi trọng hiền tài, tập hợp mọi sức mạnh tư tưởng của vua Lê Hiến Tông. Các trí thức Nho giáo có một phen để suy nghĩ về việc học phiến diện của mình. Điều này cho thấy “nguyên khí quốc gia” không thể bị bó rọ vào một “bộ óc”, “tư tưởng” đặc thù nào.
Với bài thi Phật pháp của Lê Ích Mộc, vua Lê Hiến Tông đã phải sửng sốt mà rằng: “Bài văn của Lê Ích Mộc hơn hẳn mấy tầm so với bạn đồng khoa. Trẫm rất hài lòng duyệt cho người ấy xứng đáng bậc khôi nguyên” (Công dư tiệp ký).
Trong hơn 100 câu hỏi về các lĩnh vực khác nhau từ lịch sử đến giáo lý Phật giáo, Lê Ích Mộc đều biện giải trôi chảy. Có đoạn ông đã nói về đạo Phật như thế này: “…Kính nghĩ bậc thánh thiên tử Thánh triều ta, kế thừa các bậc vua thánh, gặp gỡ vận hội lớn lao, để tâm nội điển, xoay chuyển pháp luân, trên có thánh từ Thái hoàng thái hậu và thánh Thái hậu, cõi Nam nuôi dưỡng công đức, Thiên Trúc ngưng hội tinh thần, vui sướng nơi quê Trường lạc, siêng năng chăm đạo chí chân. Lại thêm có ngài Bình Cao Vương và các bậc đại thần trông coi việc nước, thảy đều tha thiết với việc thờ Phật, gió vua nhân thổi mãi, mặt trời Phật sáng lâu, tăng thêm vẻ sáng của tổ thành, giúp thêm thánh hóa của Hoàng triều. Cả những hạng đệ tử chúng tôi, sinh gặp đời thịnh trị, được học tập pháp môn, phát Bồ đề vô thượng đạo tâm, thụ Như Lai vi mật giáo pháp, phàm là Phật pháp, thảy đều thi hành. Song nay đấng thánh minh đã sách vấn, vì vẫn cầu đạo đấy, cho nên mới hỏi lũ hạ thần…”.
Bấy nhiêu lời của Lê Ích Mộc và sự chứng thực của vua Lê Hiến Tông, ai có thể nói rằng đạo Phật thời ấy suy tàn. Một anh minh sách vấn tài tình, một Phật tử hùng biện xứng danh “Trạng Phật”. Họ đã cùng nhau để lời tuyên ngôn giáo dục “hiền tài là nguyên khí quốc gia” trở thành bất hủ, khẳng định thêm Phật pháp trường tồn.
Thời Lý – Trần, Phật giáo cực thịnh, đêm ngủ người dân không phải đóng cửa. Vậy có thể nhìn hành vi ứng xử thường ngày của người dân mà nhìn ra bóng dáng của vị “trụ trì”, của đạo Phật được không? Chắc chắn Phật giáo nên nhìn thật kỹ vào những ứng xử như vậy của dân chúng để điều chỉnh mình. Nếu cứ nhằm vào sự “cực thịnh” bằng chùa to, Phật lớn với nhiều kỷ lục và các sư có nhiều “thần thông” đi mây về gió như hiện nay thì sẽ có người đẩy ngay thời đại Phật giáo Lý – Trần vào tút mút vùng sâu vùng xa, vùng biên địa hạ tiện.
Mở cửa có cái hiên ngang của mở cửa. Cài then có cái cẩn thận của cài then. Làm ra cái cửa cũng để nhằm mục đích ra vào và phải biết lúc nào nên mở, lúc nào nên đóng. Mở đóng là vô thường, là đi qua ngày đêm, đi qua không gian thời gian và đi qua vui buồn.
Ở thời nào mà nhà chùa phải đóng cửa? Đóng mở là chuyện của mọi thời, điều quan trọng là đứng trước cái gì thì phải đóng, đứng trước cái gì thì nên mở. Không phải chỉ do mất trộm nhiều mà phải đóng kín cửa chùa. Bởi với những người có quyết tâm chiếm thì dù có cài then, khóa cửa cũng chẳng ích gì. Khóa được cái lòng tham thì cửa chùa ban đêm cũng như ban ngày. Không khóa được cái lòng tham thì ban ngày cũng chẳng khác ban đêm.
Cơn gió lòng tham (cả chủ quan lẫn khách quan) mà thổi vào nhà chùa thì đúng biến thành sai, ngày biến thành đêm, có giấy tờ biến thành không giấy tờ, nhân chứng thật biến thành nhân chứng giả… Nói chung các giá trị sẽ bị đảo chiều, quy ngược.
Thời Lý – Trần, ban đêm đi ngủ không cần đóng cửa, vì có những vị vua anh minh như Trần Nhân Tông chống gậy đi khắp trong thôn ngoài làng khuyên dân giữ gìn mười điều thiện. Giữ gìn điều thiện như giữ con ngươi của mắt mình thì đêm tối nào có thể ngăn cái tính sáng trong lòng mình đi được. Nay lòng tham nổi lên như ong, không lẽ vì thế mà cứ đóng mãi cửa vào. Đóng vào thì biết giao du với ai? Còn ai khác ngoài dân, bởi càng gần láng giềng, gần dân, thân dân thì càng giảm áp lực cho cái cửa, cho người đóng mở cửa. Vậy sự thăng trầm, liên quan gì đến người đóng mở?
Liên quan nhiều lắm, vì nếu đóng lúc không đáng đóng, mở lúc không đáng mở thì tâm sẽ cứ canh cánh, bất an, thậm chí cả lo sợ nữa. Đạo Phật là đạo trí tuệ, đạo của những người có trí tuệ. Đạo Phật là đạo từ bi, đạo của những người có lòng từ bi. Thế thì phải làm gì để cho dân thấy trước mắt họ là những người có trí tuệ và từ bi, ở nhà gặp người có trí tuệ từ bi, ra đường, vào chợ gặp người có trí tuệ từ bi… Người đóng mở cửa là người phải có được nhận thức đầy đủ về hai vấn đề lớn ấy. Bằng không thì không thể dung hòa được cái nhà và cái chùa. Là cái “nhà” mà không biết giữ gìn, sử dụng đúng thì hoang phí của đàn na tín thí. Là cái “chùa” thì phải biết mở rộng lòng, mở rộng đường hướng thượng, phát bồ đề tâm. Nhà sư là nhà chùa. Các vị sư đã tự xưng mình như thế, nhằm xóa nhòa cái tôi, đề cao sự “vô ngã”.
Người đóng mở cửa chùa không chỉ là người làm công quả bình thường trong chùa đâu, nên đừng xem đó là việc vặt, việc nhỏ. Người “đóng mở” cửa chùa phải là người mang danh “trụ trì” (trụ Pháp vương gia, trì Như Lai tạng).
Chuyện “nhà chùa”, chuyện cái cửa, cái tâm, chuyện “đóng mở” cũng là những chuyện liên quan đến thăng trầm, thúc đẩy cho thăng trầm diễn ra. Người ta thường ví von “lắm sãi không ai đóng cửa chùa”. Không chỉ là đóng cái cửa vật lý đâu, vì cái cửa ấy ngày nào mà không có người đóng. Chùa không sư thì hư mất chùa (hư chùa và mất chùa). Thời Pháp thuộc, đạo Phật Việt Nam mất quá nhiều chùa bởi người ta nghĩ chùa không có bằng khoán, khế ước, nên nếu bỏ trống mà không có người kế tục thì gọi là đất “vô chủ”, rất đáng phá.
Đó là cái nhìn sai lầm, vì điều đáng bàn là xưa nay người Việt vẫn quan niệm “chùa của dân, sư của dân”, “đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”. Dân xây chùa và dân mời sư về ở chùa. Chùa là sở hữu của dân, là tài sản vật chất và tinh thần chung của dân, là di sản văn hóa truyền đời của dân. Sao có thể gọi nó là vô chủ được. Chừng nào còn một người dân Việt Nam tin Phật thì chừng ấy chùa chiền vẫn còn có chủ. Ở thời thịnh Nho, cụ Nguyễn Trãi (1380-1442) trong đời có lúc cần đến sự “nhờ gửi” đã khiêm tốn nói thế này: “Ao quan thả gửi hai bè muống. Đất Bụt ương nhờ một lảnh mùng”. Muốn làm gì trên đất ấy phải nhờ phải gửi, bởi “ao quan” và “đất Bụt” là hai giá trị mang hình hài của đất nước, non sông, mang tâm tình của dân chúng.
Hóa ra cái chùa (đất Bụt) ấy không chỉ là tài sản vật lý thông thường, nó là là biểu tượng của cái đẹp, cái thiêng, cái cao cả, là niềm tin lớn vào các giá trị. Cái đó có ý nghĩa, giá trị hơn nhiều chứng từ và khế ước. Vì lẽ đó chùa ấy, sư ấy đã sống trong tâm niệm của dân, kỳ vọng của dân. Đáp ứng sự tin tưởng đó, người giữ chùa phải có từ bi và trí tuệ. Có được hai điều đó thì sẽ biết cách đóng mở cửa chùa đúng lúc, không quay lưng lại với niềm tin lớn của dân tộc.
Lê Ích Mộc thời hàn vi ở nhờ nhà chùa và được các vị sư giao cho việc chép dịch kinh Phật. Có ai ngờ đạo Phật được nối tiếp ở đời lại nhờ cả vào những người (chỉ mới) “ở nhờ” chùa như vậy. “Trạng Phật” Lê Ích Mộc gắn với câu chuyện “thăng trầm” của Phật giáo thời Lê, thời mà không có nhà sư nào học làm danh thần, tiến sĩ, nhưng vẫn hấp dẫn các tiến sĩ, danh thần đến với đạo thiền.
Trước mắt việc đi mãi… Đã hơn 5 thế kỷ trôi qua (550 năm ngày sinh Lê Ích Mộc), không biết có những ngôi chùa Việt nào đã nhắc đến khôi nguyên Lê Ích Mộc như một vị Trạng Phật và nhắc đến vua Lê Hiến Tông như một vị trọng hiền tài? Và ngày mai biết có còn ai “ở nhờ” chùa sẽ tiếp danh “Trạng Phật”?
Chú thích:
(1), (2), (3), (4), (5) Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 3, bản in Nội các quan bản năm Chính Hòa thừ 18 (1697), Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.