Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Chùa Bồng Lai: Một di tích kiến trúc nghệ thuật đặc sắc...

Chùa Bồng Lai: Một di tích kiến trúc nghệ thuật đặc sắc của Phú Thọ

82

Chùa Bồng Lai được xây dựng trên một quả đồi có hình dáng một con voi. Từ đây có thể nhìn bao quát bốn phía. Chùa Bồng Lai quay hướng Tây Nam nhìn ra sông Hồng.


Đến gần chùa Bồng Lai, ngay từ đê sông Hồng ta có thể chiêm ngưỡng một hòn đảo “Bồng Lai tiên cảnh” giữa đồng lúa xanh, gần đó là nhà thờ và những nếp nhà cổ kính thấp thoáng sau những đám lá cây cổ thụ, bồng bềnh ẩn hiện giữa nền trời xanh biếc.


Chùa có kiến trúc đẹp, ở giữa quả đồi đẹp cao nhất khu vực, như một dấu nối giữa trời và đất, giữa âm và dương. Từ đê bước tới chùa, ta phải leo một con dốc dài mới tới cửa Phật. Một không khí mát mẻ, êm dịu của hương hoa đại, của tán lá cổ thụ tạo nên cảm giác khoan khoái và lắng đọng.


Truyền thuyết dân gian cho rằng chùa Bồng Lai được làm vào đời Trần. Di duệ của lần khởi dựng đó còn một bộ đất nung mang dấu ấn của thời ấy. Tấm bia đá có niên đại Chính Hòa thất thiên (1686) cho biết lần trùng tu lớn này với các công việc chính là làm tòa tiền đường, thiên hương, thiên điện, tạo tượng Thích Ca và các tòa khác.


Di tích “Bồng Lai thiên tạo” được lưu truyền trong nhân dân Hà Thạch gắn liền với tên tuổi của ông Đỗ Nguyên Cảnh, người có công giúp dân dựng chùa.


 


Ông Đỗ Nguyên Cảnh, một vị tướng của Trịnh Doanh, là người Hà Thạch thấy sự rắc rối của làng bèn đem quân về đóng ở Xuân Lũng ông cho gọi các thợ cả đến bàn bạc rồi đêm đến mới điều quân về làng tựu xà xếp cột dựng chùa, chọn hướng Thao Giang (nhìn ra sông Hồng) để tránh việc làng tranh cãi.


Ông ra lệnh mỗi đầu xà, đầu cột đều phải đệm vải tấm để việc dựng được nhanh chóng và bí mật. Vì vậy chỉ qua một đêm. Sáng ra dân làng bỗng thấy một ngôi chùa đồ sộ như có phép thần thông biến hóa. Từ đó chùa rất được sự ái mộ của tăng ni phật tử và dân trong vùng, họ đều cho rằng chùa do trời dựng, do vậy chùa được gọi là “Bồng Lai thiên tạo”.


Hiện dòng họ nhà Đỗ Nguyên Cảnh con cháu còn giữ được một đại sắc phong cho ông là “Đại nguyên soái”, sắc có niên đại 1741. Theo văn bia, chùa Bồng Lai thời Lê có kiến trúc kiểu nội công ngoại quốc, gồm 36 gian, tượng trưng cho 36 chòm xóm làng Hà Thạch.


Trải qua những biến cố của lịch sử xã hội, chùa Bồng Lai đồ sộ bị mai một dần. Đến nay mặt bằng kiến trúc của chùa được bố cục như sau: Ngoài chùa là cổng tam quan làm lại (tam quan cũ bị phá năm 1953) từ cổng theo một lối đi thẳng tắp đến sân chùa lát gạch đỏ rộng 200m2, bên tả sân là ngôi nhà 3 gian mới xây, bên hữu dựng hàng bia đá. Kiến trúc chính của chùa gồm 2 tòa hình chữ đinh, được xây dựng trên nền đất cao nhất.


Tiền đường 5 gian dài 14m, rộng 3,1m, mới làm cách đây trên 20 năm, kết cấu kiến trúc kiểu quá giang gối tường bổ trụ. Tòa thứ hai kiến trúc thượng điện 5 gian, dài 13,5 m, rộng 8,7 m. Kết cấu vì kèo của tòa nhà này gồm câu đầu và trụ báng chống nóc.


Thượng điện chùa Bồng Lai còn lại tương đối nguyên vẹn các thành phần kiến trúc cũ. Tất cả có 20 cột gỗ lớn nhỏ, cột cái cao 3,6 m, chu vi 1,25 m; cột con cao 2,5 m, chu vi 1,0m; thân cột được sơn son và vẽ hình rồng cuốn. Đáng chú ý là còn hai vì kèo của thế kỷ 17, lần trùng tu lớn thời Chính Hòa.


Đặc biệt trong chùa còn nhiều tảng kê chân cột, chất lượng bằng đá xanh mịn hạt, hình vuông mỗi cạnh 0,4 m, trên mặt trạm khắc một bông sen hai lớp, mỗi lớp 18 cánh, vòng tròn trong cùng là nơi để tiếp xúc với chân cột. Đây là những hòn kê từ lần trùng tu lớn ở thế kỷ 17.


Về bệ tượng đất nung chùa Bồng Lai, đã có nhiều tác giả quan tâm và đều cho rằng chúng có niên đại nửa cuối thế kỷ XIV. Đây là chiếc bệ được làm bằng đất nung duy nhất còn lại trên đất Phú Thọ được coi là nghệ thuật trang trí Phật giáo thời đại Lý Trần. Bệ được thiết kế giật cấp 3 tầng.


Kết cấu bệ gồm các viên đất nung có kích cỡ khác nhau được lắp vào nhau, mỗi mặt là một khối hình trang trí nổi, tạo thành một tác phẩm nghệ thuật bệ đất nung hoàn chỉnh. Các họa tiết trang trí gồm: Hoa cúc, hoa văn cánh sen, hoa hải đường và trang trí hình con ly đang trong tư thế vờn mây. Nhìn chung đây là chiếc bệ đất nung quí hiếm còn sót lại của chùa Bồng Lai.


Chùa Bồng Lai có hơn 200 pho tượng tròn làm bằng chất liệu gỗ và đất, kỹ thuật tạo dáng đẹp, sơn thếp hài hòa, được bài trí ở 2 tòa trên các bệ xây giật cấp cao dần về phía trong.


Các pho tượng chùa Bồng Lai đều được các nghệ nhân tạc với kỹ thuật cao, tràn đầy tâm hồn dù chất lượng bằng gỗ hay đất cũng được phủ sơn nhiều lớp, bên ngoài thếp vàng, thếp bạc cẩn thận, xứng đáng là những pho tượng có tiếng là đẹp xưa nay. Tượng được bài trí cân đối hài hòa từ tòa tiền đường vào thượng điện. Dáng tượng đẹp, đạt tới trình độ Phật tính cao bởi nghệ thuật tạo tượng còn khá nguyên vẹn của thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18.


Là di tích kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, với bệ tượng đất nung, hệ thống tượng thờ, bia và các di tích vật quý khác, khu di tích chùa Bồng Lai là biểu hiện rực rỡ của một thời đại lịch sử phật giáo huy hoàng trênđất nước ta. Chùa Bồng Lai để lại một dấu tích khang trang với quy mô bề thế bên bờ sông Hồng, phong cảnh hữu tình, đã một thời là trung tâm sinh hoạt của cư dân trong vùng.


Chùa Bồng Lai đã được Bộ văn hóa thông tin cấp “Bằng công nhận di tích lịch sử – văn hóa” cấp quốc gia.