Một lúc dường như đã chán, chú bé vất chiếc bong bóng xuống vỉa hè. Một cơn gió thổi đến cuốn chiếc bong bóng bay xuống lòng đường. Nhiều chiếc xe vụt đến, tôi ngỡ nó sẽ bị vỡ tung ra. Thế mà không. Những bánh xe va chạm không hề làm vỡ chiếc bong bóng, mà chỉ làm nó tung lên hoặc bay qua lại, theo chiều tác động của các lực.
Đột nhiên một cơn mưa trút xuống ào ạt. Xe cộ trên đường tấp vào hai bên hàng hiên để trú mưa. Chiếc bong bóng bị những cơn mưa cuốn dạt vào vệ đường. Nó hồn nhiên nằm đó dưới cơn mưa. Và cơn mưa chiều đã giội sạch lớp cát bụi trên người nó. Mưa càng lúc càng lớn, lòng đường bắt đầu ngập nước, và chiếc bong bóng bị cuốn trôi theo nước đen ngòm.
Hình ảnh của chiếc bong bóng trong mưa trông thật là bình dị và tầm thường, quá đỗi tầm thường, nhưng sao lại giống như một đóa sen trong bùn đến vậy? làm thế nào chúng ta có thể sống được giữa đời với một cái tâm bong bóng? Làm sao giữ được tâm thanh thản như chiếc bong bóng bị đánh dạt giữa dòng xe cộ và dưới cơn mưa?
Xe cộ cứ việc va đập vào nó. Va đập mạnh thì nó bay xa, nhẹ thì bay gần. Cứ lăn lóc nhẹ nhàng giữa dòng xe cộ xô bồ tấp nập. Gió cuốn thì bay theo gió, mưa dập thì trôi vào vệ đường, nước dân thì trôi theo dòng nước. Như một người sống giữa đời với cái tâm nhẫn thuận tuyệt đối.
Triết học hiện sinh phương Tây một thời hay nhắc đến câu nói chua chát trong tác phẩm Huis Clos: “Địa ngục, đó chính là tha nhân” (L’enfer, c’est les autres), vì quan niệm rằng sự tự do của người khác luôn luôn xung đột với sự tự do của ta và ngược lại, vì người khác muốn xem chúng ta như một đồ vật, luôn luôn muốn biến chúng ta thành hư không trống rỗng, muốn “néantiser”chúng ta và giảm trừ chúng ta thành một nhân vật nào đó trên sân khấu cuộc đời.
Bởi thế, nền triết học đó cho rằng sự cảm thông giữa con người luôn dẫn đến thất bại. Thỉnh thoảng trong những cơn phiền não buồn bực khi gặp phải những điều bất như ý trong đời – mà trong đời thì hết chính phần mười là những điều bất như ý, ta thấy câu đó quả thật sâu sắc và thấm thía, không phải theo nghĩa triết học, mà theo nghĩa của những cảm xúc đời thường.
Khi cuộc sống mất đi sự hòa điệu và sự cảm thông thì những người chung quanh lắm lúc quả là địa ngục đối với ta. Hạnh phúc của người khác có thể làm ta ghen tỵ. Tai họa của người khác đôi khi lại làm ta thấy hả hê, dù bề ngoài ai cũng làm ra vẻ xót thương bằng bộ mặt đưa đám.
Đôi khi ta thấy không sao chịu đựng nỗi những người chung quanh. Sự thông minh của họ làm ta khó chịu. Sự khờ khạo của họ làm ta nổi đóa. Khi tâm không còn thanh thản để quán sát sự vật đúng như thực, thì từ cái nhìn, cách đi đứng cho đến bộ quần áo của người khác đều có thể làm ta bực bội.
Nếu có đủ quyền lực, hẳn ta chỉ muốn tống khứ cái “lũ người” ấy đi cho khuất mắt! Mỗi người đều co ro vào tháp ngà để sống như một óc đảo cô đơn. Nhịp sống hối hả xô bồ cứ xô ta đi về phía trước, mà không có thời gian để thử nhìn lại và lắng nghe tiếng nói chung quanh. Con người đôi khi cảm thấy lạc loài vì bị cuộc đời và cứ để cuộc đời đẩy xa đi mãi.
Từ thuở hoa niên, chúng ta đã đáp xuống thuyền để trôi theo cơn lũ của cuộc sống. Trôi đi, trôi đi mãi. Như một một tảng đá cứ lăn, lăn mãi và không có thời gian dừng lại để cho kỷ nhiệm và sự cảm thông kịp bám vào đó một đám rêu xanh. Ta không còn thời gian để sống nữa, ta chỉ hối hả chạy theo nhịp điệu điên rồ nào đó mà không một phút giây dừng chân tự hỏi “Đâu là chân tướng của cuộc đời”.
Thiên Sơn mộc trong Nam hoa kinh của Trang Tử chép: “Thuyền lớn vượt sông, có con đò nhỏ không người trôi đến chạm vào, thì dù là người có bụng hẹp hòi cũng không giận. Nhưng nếu trên đò có người, tất thuyền lớn sẽ hô hoán lên. Nếu gọi một hai lần mà không nghe ắt sẽ gọi lần thứ ba, rồi buông lời thóa mạ theo ngay.
Lúc trước không giận mà bây giờ giận, vì lúc trước là chiếc đò không (hư) mà bây giờ là đò có người (thực). Người ta nếu biết làm mình trở thành chiếc đò không để trôi giữa đời, thì ai mà hại được? (nhân năng hư kỷ hữu dĩ du thế, kỳ thục năng hại chi)”
Con thuyền không của Trang Tử là hình ảnh của người sống với cái tâm bong bóng. Ta sống với cái tâm như chiếc bong bóng kia thì ai có giận được? nếu ta có thể giữ lòng “hư kỷ” đến trình hạn sống “không ta”, như “con đò không” trôi giữa dòng đời thì sẽ khiến người khác không thấy có nhân tướng, không có chúng sanh tướng.
Mà một khi đã không có nhân tướng, không có chúng sinh tướng thì lấy đâu ra ngã tướng và thọ giả tướng? Và khi con người ta không còn thấy có nhân tướng, chúng sinh tướng tức là không còn thấy cái “địa ngục của tha nhân”, thì cuộc sống sẽ mở đầu cho sự cảm thông.
Sống được giữa đời với cái tâm bong bóng có lẽ là điểm mà kinh Phật dạy là tùy thuận nhẫn, chứng quả sơ địa để bắt đầu bước vào con đường tu tập của Bồ – tát –đạo.
Thiền tông kể về một giai thoại về Thiền sư Triệu Châu. Thành Triệu Châu có cây cầu bằng đá do Lý Ưng kiến tạo. Có một vị Tăng đến hỏi Triệu Châu.
– Từ lâu nghe danh cầu đá Triệu Châu, mà đến đây chỉ thấy cây cầu khỉ.
Triệu Châu đáp:
– Xà-lê chỉ thấy cầu khỉ mà chẳng thấy cầu đá Triệu Châu.
– Thế nào là cầu đá?
– Đưa lừa qua, đưa ngựa qua. (Độ lư, độ mã)
Chỉ bốn chữ đơn giản mà dường như hàm chứa được công phu đạo hạnh thâm hậu của vị thiền sư lỗi lạc thời mạt Đường. Nhìn chiếc bong bóng trong cơn mưa, thốt nhiên tôi lại nghĩ đến câu chuyện thú vị đó. Chiếc cầu đó như cái tâm bong bóng. Tâm như cây cầu, cứ yên lặng nhẫn thuận cưu mang mọi gánh nặng của thế gian.
Mặc cho mọi gót chân chà đạp, cây cầu cứ điềm nhiên lặng lẽ nhìn dòng nước cuốn trôi theo năm tháng, như kẻ đạt ngộ quán sát dòng sông đời trôi chảy vô thường bằng cái tâm tịch nhiên bất động. Bạn gọi đó là cây cầu khỉ thì đó là cây cầu khỉ, gọi đó là cây cầu đá thì đó là cây cầu đá. Bạn có thể gọi nó bằng trăm ngàn cái tên khác, nhưng nó chính là cây cầu Triệu Châu với cái tâm bong bóng.
Cơn mưa ngớt dần, chiếc bong bóng không còn nơi vệ đường. Có lẽ nó đã trôi vào cống rãnh nào đó, hoặc bị nổ tung khi chạm vào một cây đinh nhọn trên dòng chảy. Xem như đã có một chu kỳ trôi qua, thật nhẹ nhàng và thanh thản, giữa cơn mưa và dòng nước bẩn.
Cám ơn cơn mưa chiều và chiếc bong bóng màu xanh….