Nhiều năm trước đây tôi có hướng dẫn những khóa tu học với chủ đề về bố thí (dāna) như là một phương pháp tu tập. Những người đến tham dự là một nhóm tình nguyện viên của một trung tâm thiền tập trong vùng.
Chúng tôi khám phá ra một điều khá ngạc nhiên là chỉ có một vài người trong nhóm nghĩ rằng, sự phục vụ của mình cũng là một phương pháp tu tập. Còn đa số thì cho rằng, họ bỏ công sức và thì giờ làm việc là vì không có đủ tiền, cho nên họ tình nguyện giúp việc trong các trung tâm để có thể tham dự các khóa tu học miễn phí.
Trong tâm của những người ấy, họ chú trọng về những gì mình được tiếp nhận hơn là những gì mình mang ra ban cho. Cũng có một số người nói rằng, họ tình nguyện là vì nó thích hợp với “triết lý sống” của họ, phụng sự là một việc cao thượng “đáng làm”, thế thôi! Họ không cảm thấy một cái gì đặc biệt trong công việc ấy hết. Và họ cũng không thấy được một tương quan nào giữa sự tình nguyện của mình với một phương pháp tu tập.
Họ nghĩ rằng rằng dāna, bố thí hay cúng dường, chỉ có nghĩa là ta kính dâng tặng một số tiền cho vị thầy hướng dẫn sau mỗi khóa tu.
Theo tôi thì các tình nguyện viên này đã vô tình không ý thức được những hạnh phúc lớn trong sự bố thí công sức và thời giờ của họ. Chúng ta ai cũng biết rằng, mình cần bỏ công sức vào những việc gì mình tin và trân quý, nhưng ít ai trong chúng ta hiểu được sâu sắc về lợi ích của nó.
Và tôi cũng ngờ rằng, trong chúng ta có mấy ai hiểu được lý do vì sao sự bố thí lại được xem là rất quan trọng trong đạo Phật. Chúng ta ai cũng biết ban cho là một điều tốt lành, và ta sẵn sàng giúp đỡ người khác mỗi khi có ai cần đến. Nhưng chúng ta có nhìn sâu sắc và thấy được rằng bố thí cũng là một con đường tu tập giải thoát chăng?
Có một vị thầy rất nổi tiếng nói như thế này, “Trong cuộc sống đầy những thúc đẩy chạy theo vật chất này, mà gốc rễ là do lòng tham ái, bố thí là con đường đưa ta đến Niết-bàn.”
Khi giảng dạy cho những người mới bước vào con đường tu tập, đức Phật thường bắt đầu bằng cách dạy họ bố thí. Và có nhiều người tin rằng, sở dĩ đức Phật đặt nó vào địa vị đầu tiên trong các ba-la-mật (pāramitā) là vì bố thí là nền tảng căn bản nhất, các ba-la-mật khác đều phát triển từ sự bố thí.
Nhưng cũng có khi vì nó được nhắc đến đầu tiên, mà ta có thể cho rằng nó không quan trọng, chỉ là bước đầu cho người sơ cơ mới vào đạo. Ta có thể bỏ qua để thực tập những cái khác “cao” hơn! “Biết rồi, biết rồi, bây giờ thực tập tiếp sang cái khác đi!”
Nhưng thật ra bố thí, cúng dường, không phải chỉ là một phần của con đường tu học, mà nó chính là nền tảng căn bản của sự tu tập. Và chính từ cái nền tảng đó mà tất cả những cái khác được xây dựng lên.
Có một vị sư trưởng trong truyền thống của Ngài Ajahn Chah nói rằng, sở dĩ đức Phật dạy bố thí đầu tiên hết, là vì nếu như một người không thể thực tập bố thí, thì ta không thể nào dạy đạo cho người ấy được. Nếu ta không thấy được tầm quan trọng của sự bố thí, và không có một kinh nghiệm gì về nó, thì những hình thức tu tập khác – như là trì giới, thiền quán, hoặc tâm từ – sẽ không thể nào cất cánh nổi.
Ta cần phải có một sự mềm mỏng của con tim, một sự nhẹ nhàng êm ái, một thái độ vị tha, trước khi có thể bắt đầu bước đi trên con đường tu tập! Và sự nhẹ nhàng êm ái ấy chỉ có thể được phát triển bằng kinh nghiệm trực tiếp của sự bố thí.
Tôi nghĩ không hề quá đáng khi cho rằng, hiểu và ý thức được rõ năng lượng của bố thí là một điều kiện tiên quyết trên con đường giải thoát. Như thế thì ta thực hành bố thí trên con đường tu tập của mình như thế nào?
Câu trả lời là thế này: bằng cách tiếp xúc lại với hạt giống rộng lượng trong ta, và học trực tiếp từ ngay chính kinh nghiệm thực tập bố thí. Tôi biết điều đó không đơn giản như mình nghĩ, nhưng sự thực tập bố thí có công năng chuyển hóa được cái Ngã chấp của mình.
Với sự thực tập này, chúng ta sẽ chuyển hóa được những chấp giữ trong ta – chỉ biết có mình, của mình và cho chính mình – và ta thay thế chúng bằng sự quan tâm đến những an lành của kẻ khác.
Trên con đường tu tập, bố thí là một phương pháp thực tập rất nhiệm mầu. Ta hãy kinh nghiệm trực tiếp từ hai hành động của mình: ban cho và nắm giữ lại, cái nào sẽ mang đến cho ta khổ đau và cái nào sẽ mang lại cho ta nhiều hạnh phúc hơn?
Đức Phật có nói thế này: “Này các thầy, trong cuộc sống này, một người biết ban cho sẽ có ba hạnh phúc. Ba hạnh phúc ấy là gì? Trước khi bố thí tâm người ấy cảm thấy hạnh phúc. Trong khi bố thí, tâm người ấy cảm thấy an lạc. Và sau khi bố thí tâm người ấy cảm thấy rất hân hoan.” (Anguttara, 6.37)
Ta hãy thử thực tập và hãy tự chính mình kinh nghiệm đi!
There’s More to Giving Than We Think
Hiện Trú lược dịch