Chùa Sà Lôn nằm trên địa bàn của xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên-Sóc Trăng. Theo Hoà Thượng Quách Mến trụ trì Chùa cho biết: “Chùa Sà Lôn được cất bằng lá vào khoảng năm 1815 trên một nền đất rộng thuộc khu vực Sà Lôn. Qua hai cuộc chiến tranh, chùa bị bom đạn làm hư hại nhiều, bổn đạo Phật tử đóng góp xây dựng lại trên nền đất cũ vào năm 1969 với hiện trạng như đến nay.
Lúc ấy, tất cả các Phật tử đều nghèo, kinh phí chùa không có nên các nghệ nhân sáng tạo bằng cách sử dụng các mảnh vỡ chén kiểu để trang trí và chùa có tên gọi là “Chén kiểu” cho đến giờ”
Kỹ thuật ốp sứ độc đáo đã tạo nên vẻ đẹp riêng rất ấn tượng của ngôi chùa. Hiện tại chùa Chén Kiểu còn lưu giữ một bộ sưu tập đồ gỗ quý hiếm được chạm, khảm rất tinh tế, nhà chùa mua lại trong phần gia sản của công tử Bạc Liệu năm 1947.
Cũng giống như bao Chùa Khmer ở Nam Bộ, Chùa Chén Kiểu với kiến trúc độc đáo hài hoà trong cảnh sắc thiên nhiên. Những hình ảnh trang trí nơi chính điện mang nét văn hoá Khmer, mang nét đặc thù dựa trên nền tảng của Bà Lamôn giáo, ảnh hưởng sâu đậm văn hoá Ấn Độ, Thái Lan.
Các bức hoạ đều nói về Phật giáo và các chuyện truyền kỳ theo kinh Phật…
Các gò mái có thần rắn Naga, đuôi cong vút tượng trưng cho sự dũng mãnh vĩnh cửu. Ngay bên dưới mái là những tượng người đầu chim (Krud hay Garada) với tay đỡ mái. Rắn thần và chim thần là hai thế lực đối nghịch luôn luôn cùng hiện diện.
Hồ Cheang là ô tam giác đầu hồi mái, được đắp nổi trang trí tỉ mỉ. Quanh chính điện có trụ cột hàng rào với thần Bayon bốn mặt: Tượng chằng Yeak mặc áo giáp, khuôn mặt dữ tợn, mắt lồi, hai răng nanh dài nhọn…tất cả đều có sự tham gia của nhiều loại chén kiểu chạm vào.
Từ xa, đã thấy nóc chùa nổi lên màu sắc sặc sỡ bởi chúng được cẩn bằng mảnh chén, mảnh tô kiểu. Trước cổng chùa là hai con sư tử bằng đá ngồi trên một bệ cao, mặt hướng ra đường như bảo vệ ngôi chùa.
Trên thành cổng có dòng chữ Khmer và chữ quốc ngữ: “Chùa Sà Lôn (Chén Kiểu)”. Cổng chùa nổi bật bởi sắc màu đỏ và vàng, bên trên đó là 3 ngôi tháp, tháp giữa cao hơn hai tháp hai bên, được chạm khắc, đắp nổi các hình tượng mang tính biểu trưng văn hóa truyền thống Khmer Nam bộ.
Đặc biệt, ở ngôi tháp màu vàng chính giữa cổng còn có hình ảnh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đặt trong lòng tháp và được bảo vệ bằng một tấm kiếng. Phải chăng vị Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đang phóng tầm mắt nhìn thấu những nỗi đau của con người để phù hộ độ trì chúng sinh hay là biểu trưng cho sự an lành cho khách thập phương đến viếng chùa, tạo cho họ cảm giác an nhiên tự tại và rất đổi thanh bình khi viếng chùa…
Cũng như các ngôi chùa khác của người Khmer, nóc chùa Chén Kiểu gồm 3 mái so le, mái trên cùng nhỏ hơn hết. Ở gờ mỗi lớp mái đều có trang trí hoa văn, họa tiết, các tượng truyền thống của văn hóa Khmer, mang ước vọng an lành và siêu thoát.
Mái trên hình tam giác được trang trí đẹp như tấm thảm nhiều màu sắc phơi mình giữa bầu trời. Hai đầu đao ở hai bên cong vút như có sự giao cảm tâm linh với đấng cứu rỗi cho linh hồn con người, phù hộ độ trì cho chúng sinh được an bình, lạc nghiệp.
Mặt sau chính điện là một mảng tường được đắp nổi bởi nhiều mảnh chén kiểu vỡ trông rất đẹp mắt và sắc sảo, cho thấy tài nghệ và công phu của các nghệ nhân Khmer xưa đối với một kiến trúc nghệ thuật.
Chính điện chùa rộng rãi, thoáng mát, với 16 hàng cột to. Quanh các cây cột đều được chạm khắc, đắp nổi các hình ảnh trong truyền thuyết văn hóa Khmer. Chính điện chùa gồm có 16 cột được đắp nổi các hình ảnh mô tả những truyền thuyết của người Khmer xưa. Cột chùa chạm nhiều hoa văn, đường viền độc đáo.
Hai bên bức tường thì có rất nhiều tranh vẽ kể về cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ khi ra đời cho đến lúc đắc đạo. Gian thờ chính giữa gồm có một quần thể 20 tượng Phật lớn nhỏ với nhiều tư thế đứng, nằm, ngồi, được bố trí hợp lý và mỹ thuật.
Khói hương nghi ngút, ánh sáng của các ngọn nến lắt lay theo từng cơn gió nhẹ làm cho ngôi chùa vốn đã tôn nghiêm lại càng tôn nghiêm hơn. Có thể nói, chùa Chén Kiểu là một ngôi chùa rất ấn tượng đối với bất cứ ai đã có dịp đến thăm.
Khuôn viên chùa Chén Kiểu rất rộng với nhiều cây xanh, tạo cho bạn cảm giác thật thoải mái, thư nhàn, giúp bạn từ từ chiêm ngưỡng các công trình xây dựng như: Chính điện, sa la, cột cờ…
Nếu vì đường xa mệt, bạn muốn nghỉ ngơi thì có thể ngồi dựa lưng trên những chiếc ghế xếp, hoặc nằm võng dưới gốc cây trong quần thể cây xanh của chùa. Thả mình trong ghế, nhâm nhi ly cà phê hay ngụm nước mát lành, gió hiu hiu thổi, cành cây xào xạc, một vài chiếc lá vàng rơi sẽ làm cho tâm hồn bạn lâng lâng niềm cảm khoái….
Bước vào bên trong khuôn viên chùa bạn sẽ cảm nhận được một không gian xanh và thật thoáng đãng. Đi một vòng qua hết chính điện bạn sẽ thấy được tài nghệ của những người nghệ nhân Khmer trong việc xây dựng ngôi chùa này. Từng mảnh tường đều được đắp nổi bởi nhiều mảnh chén kiểu vỡ một cách sắc sảo.
Bên cạnh đó, ở mỗi lớp mái chùa là các hoa văn truyền thống của người Khmer, nổi bật lên bầu trời như một tấm thảm nhiều màu sắc. Kiến trúc của ngôi chùa như phần nào thể hiện được ước vọng an lành và siêu thoát của người Khmer vùng đất này.