Chùa Quốc Ân do Thiền sư Nguyên Thiều khai sáng khoảng năm 1682 – 1685, đời vua Lê Huy Tông, lúc đầu mang tên chùa Vĩnh Ân.
Thiền sư Nguyên Thiều hay Thọ Tôn, húy là Siêu Bạch, hiệu là Hoán Bích (1648 – 1728), thọ giới với Hòa Thượng Khoáng Viên ở Quảng Đông. Năm 1677 Ngài theo thuyền buôn sang Việt Nam, lập chùa Thập Tháp Di-đà ở Bình Định. Sau khi khai sơn chùa này, Thiền sư Nguyên Thiều đi khắp nơi truyền đạo, ra Huế dựng chùa Hà Trung ở Vinh Hà (Phú Vang) rồi lên khu vực núi Ngự Bình dựng chùa Vĩnh Ân. Đến năm 1689, Chúa Nguyễn Phúc Trân đã đổi tên chùa Vĩnh Ân là Quốc Ân, ban cho chùa tấm biển “Sắc Tứ Quốc Ân Tự” và chuẩn phê miễn thuế ruộng đất cho chùa.
Vào thời Nguyễn, chùa Quốc Ân được trùng tu nhiều lần. Năm 1805, bà Long Thành (chị ruột vua Gia Long) đã cúng dường tiền bạc để trùng tu chùa. Nhưng lúc bấy giờ đây cũng chỉ là một ngôi chùa tranh tre đơn giản. Năm 1822, Hòa thượng Hoằng (Tăng cang chùa Linh Mụ) được vua Minh Mạng giao nhiệm vụ trùng tu chùa Quốc Ân. Năm1825, Hòa thượng viên tịch, tháp mộ được xây dựng trong vườn chùa. Năm 1837 và năm 1842, chùa lại được tiếp tục trùng tu. Từ năm 1846 đến năm 1863, vị Hòa thượng kế nghiệp cho xây cổng tam quan, hai miếu thờ Ngũ hành và Thiên Y A Na.
Lối kiến trúc chùa Quốc Ân theo kiểu chữ khẩu truyền thống của xứ Thuận Hóa xưa. Chùa hiện lưu giữ được nhiều tượng khí và pháp khí xưa quý từ thời khai sơn cho đến nay. Như bộ tượng Tam Thế Phật, tượng Phật Thích Ca được chú tạo vào khoảng năm 1851. Gian bên trái thờ Bồ tát Quan Thế Âm, hai bên là Hộ pháp, phía trước thờ Bồ Đề Đạt Ma, gian bên phải thờ Quan Thánh (Quan Vân Trường), các tượng khí này đều do Tổ Nguyên Thiều mang đến từ Trung Hoa. Hậu liêu thờ chân dung Tổ Nguyên Thiều và nhiều long vị của chư tổ và chư vị trú trì kế thế… Ngoài ra, chùa còn lưu giữ chiếc khánh đồng có hoa văn rất đẹp đúc từ thời Minh Mạng và nhiều pháp bảo, pháp khí khác như đại hồng chung, bia ký…
Trong chùa có nhiều hoành phi và câu đối với nét bút điêu luyện, chạm trổ tinh xảo.
Ở sân trước chùa có dựng tấm bia khắc bài minh của Chúa Hiển Tông Nguyễn Phúc Chu vào năm 1729, ca ngợi đạo đức của Thiền sư Nguyên Thiều.
Ngày nay, đến chiêm bái tham quan chùa Quốc Ân, chúng ta như đi vào một bảo tàng thu nhỏ trưng bày thờ tự nhiều tượng khí, pháp khí mang những dấu ấn văn hóa đặc trưng của Phật giáo xứ Đàng Trong nói chung và xứ Thuận Hóa nói riêng. Cũng chính vì lẽ đó, ngày 8-10-1993 UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ra quyết định số 1046 bảo vệ chùa Quốc Ân.
Toàn cảnh chùa ngày nay
Chính điện
Khánh đồng thời Minh Mạng