Trang chủ Quốc tế Những ngày ở Bhutan

Những ngày ở Bhutan

84

Đã trên một tuần từ khi tôi quay trở về hiện tại để lo toan cho cuộc sống.

Tôi vừa bay sang Montreal làm MC cho một chương trình văn nghệ cuối tuần, được song ca với Quang Dũng bài hát ‘Chỉ Có Một Thời’ của chị Diệu Hương, và sau đó lái xe sang Ottawa để tiếp tục theo đuổi việc giúp những người Việt tỵ nạn vô quốc gia ở Thái Lan và Cambodia.

Nhưng nói thật là tôi đã không thể nào quên được tuần lễ trước đó.

Có lẽ cái lạnh của đất nước Canada trong những ngày đầu lập đông này đã làm cho tôi da diết nhớ lại những đêm se lạnh ngồi bên cạnh đống lửa hồng trò chuyện với thằng bạn học cũ của tôi ở Bhutan.

Trên một trong những ngọn đồi thiêng của rặng núi cao Himalaya hùng vĩ. Ở đó hình như trăng to và sáng hơn ở Mỹ.

Nó to đùng như một bóng đèn floodlight quá khổ phủ tràn ngập ánh trăng ngà trong khu vườn thượng uyển tĩnh mịch. Có lẽ là vậy.

Nhưng có lẽ cũng vì khu vườn đó trực thuộc hoàng gia của vương quốc Bhutan. Và thằng bạn học năm xưa của tôi ở Oxford vừa được lên làm vua.

Giống người Tây Tạng

Trong đời tôi có lẽ chuyến đi vừa rồi sang Bhutan để tham dự lễ tấn phong bạn tôi, Jigme Khesar Namgyel Wangchuck, lên làm vua là lần đầu tiên và cũng sẽ là lần cuối cùng trong đời mà tôi có dịp tham dự (xin nói thật là tôi không còn một người bạn nào khác sắp được lên ngai vàng!).

Trăng ở Bhutan
Trịnh Hội có cảm giác trăng ở Bhutan to và rõ hơn

Nhưng để học hỏi về đất nước và con người của xứ Bhutan thì có lẽ tôi cần phải đến đó nhiều lần nữa trong tương lai. Nơi mà chỉ vào tuần trước, tôi đã có dịp nghe, thấy và cảm nhận được một văn hóa và cách suy nghĩ khác với người Việt của chúng ta.

Những câu chuyện huyền bí và diệu kỳ trong đạo giáo. Và nhất là con đường đã được vạch ra để đất nước này có thể đi đến dân chủ trong một thời gian gần nhất. Và an bình nhất.

Mặc dù trong hiện tại thì có thể nói là hầu như chẳng có ai ở Bhutan muốn thay đổi thể chế hiện tại.

Điều đáng cho ta suy ngẫm là ở chỗ đó.

Bhutan không có quá một triệu dân, là một vương quốc nhỏ nằm trên những rặng núi cao của dãy Hi Mã Lạp Sơn danh tiếng. Đất nước này nếu bạn nhìn vào bản đồ thế giới thì sẽ càng thấy nhỏ hơn vì nó nằm ngay cạnh giữa hai anh láng giềng khổng lồ: Ấn Độ và Trung Quốc.

Từ thủ đô Thimphu, bạn có thể leo núi băng rừng sang Tây Tạng khá dễ dàng. Có lẽ vì thế từ sắc vóc cho đến đạo giáo, người Bhutan nhìn từ ngoài vào trông giống người Tây Tạng hơn bất kỳ dân tộc nào.

Cũng có lẽ vì thế mà trong văn hoá cũng như trên phương diện ngoại giao, Bhutan ‘chơi’ thân với Ấn Độ hơn là Trung Quốc. Họ sợ là nếu không suy tính kỹ, một ngày nào đó, họ cũng sẽ bị thôn tính như Tây Tạng và chẳng ai sẽ làm được gì đối với người khổng lồ Trung Quốc.

Họ thuộc làu lịch sử chống giặc Tàu từ phương bắc như người Việt, và họ cũng đồng ý với tôi là anh Trung Quốc nói chung là rất khó… chơi.

Biểu tình phò vua

Trở lại với câu chuyện của tôi về Bhutan. Sau những ngày lễ tấn phong long trọng mang đậm ảnh hưởng Phật giáo và những điều huyền bí mà chính tôi đây sau năm ngày trực tiếp tham dự từ sáng đến tối cũng không thể nào hiểu hết được, tôi đã có dịp trò chuyện nhiều hơn với người bạn của tôi về thiên chức mà bạn tôi vừa đảm nhận.

Lễ lên ngôi
Quốc vương Jigme Khesar Namgyel Wangchuck lên ngôi khi chỉ mới 28 tuổi

Và con đường mà anh sẽ phải đi qua cùng với quần thần khi tuổi đời chỉ vừa tròn 28.

Đó là một hãnh diện có một không hai trên đời. Nhưng nó cũng là một trọng trách mà không phải ai cũng có đủ khả năng và tư cách để có thể mang đến hạnh phúc thật sự cho mỗi người dân trong đất nước.

Nhất là đối với một đất nước chỉ vừa bắt đầu hội nhập vào thế giới và chưa thoát hẳn ra được khỏi cảnh túng nghèo của đa số người dân Bhutan.

Bạn tôi hiểu được điều đó khi chúng tôi ngồi bên cạnh đống lửa tàn tâm sự về những khó khăn, trăn trở và cả hạnh phúc trong cuộc sống của hai đứa trong đêm cuối cùng trước khi chia tay.

Anh cho là những sắp đặt và việc tổ chức tổng tuyển cử lần đầu tiên trong lịch sử nước Bhutan vào đầu năm nay được thế giới hết lòng khen ngợi và nể vì phần lớn là do công của thân phụ anh.

Ông là vị vua thứ tư của vương triều Wangchuck, trị vì trên 30 năm không gián đoạn và có toàn quyền tuyệt đối của một vị vua mà đối với tuyệt đại đa số thần dân, ông được cho là phật sống, một thánh nhân hoàn hảo nhất, một vị vua được thương yêu, sùng bái nhất.

Ngay cho đến bây giờ mỗi khi ông đi qua, những ai đứng hai bên đường đều tự đứng nghiêng mình, cuối mặt, mắt chỉ biết nhìn thẳng xuống đất để tỏ ý kính cẩn ông, bất kể người đó là ai, ngoại quốc hay thần dân, tin vào lễ giáo hay đã bị hoàn toàn Tây hóa.

Ngày ông quyết định nhường ngôi báu lại cho con và long trọng tuyên bố nước Bhutan cần phải lập ra một thể chế mới, có một quốc hội thật sự của dân, cho dân và vì dân thông qua việc tổ chức tổng tuyển cử vào năm 2008, ngay lập tức đã có nhiều cuộc biểu tình xuống đường do chính người dân phát động.

Họ không biểu tình đòi hỏi phải có dân chủ ngay lập tức. Họ chỉ biểu tình xin vua tiếp tục làm… vua và không tổ chức bầu cử. Đối với họ cuộc sống đang vui ổn, thay đổi làm gì?

Tương lai tươi sáng

Nhưng bạn tôi có nhắc đến một câu chuyện riêng tư giữa hai người, cha và con, mà tôi sẽ luôn nhớ mãi trong lòng.

Tu viện Taktsang (Hang Hổ)
Bhutan theo phật giáo và gần gũi với Ấn Độ hơn là Trung Quốc

Đó là một tâm niệm, một niềm tin mà cha anh luôn theo đuổi và chia sẻ với anh: Đất nước Bhutan cần có một thể chế đủ mạnh để bảo vệ người dân khi quốc gia phát triển cũng như lúc lâm nguy.

Nếu tiếp tục để vương triều Wangchuck cai trị muôn dân, khi minh quân xuất hiện thì chắc là sẽ tốt cho đất nước. Nhưng nếu như vô quân, vì thể chế quân chủ, lên ngôi vua trị vì thiên hạ thì sao?

Có lẽ chính ông cũng tin vào câu nói bất hủ của nhà cách mạng, chính trị gia nổi tiếng nhất thế giới, Nelson Mandela: Absolute power corrupts absolutely (quyền lực tối cao sẽ làm cho con người hoàn toàn bị thối rữa).

Và đó cũng là điều mà làm cho tôi suy ngẫm nhiều nhất khi máy bay cất cánh lượn vòng sang phiá đông lần cuối để lại sau lưng đỉnh núi Everest ẩn hiện trong sương mù, những người bạn Bhutanese tôi vừa quen biết, những kỷ niệm riêng tư đầy nhân ái, và một vị vua trẻ vẫn và sẽ luôn cố gắng đi tìm một tương lai tươi sánghơn cho đất nước.

Tôi thầm cảm ơn bạn tôi đã cho tôi có dịp tận mắt thấy được một minh quân nơi cha anh, một đất nước may mắn đang được thay đổi từng ngày, từng giờ nhờ vào sự hiểu biết và cái nhìn sâu sắc của những người đang ủng hộ con đường mà ông đã chọn.

Sẽ không bao giờ tôi quên được cái ôm thật chặt của thằng bạn học ngày xưa trước lúc chia tay.

Cùng với niềm hy vọng và ước mơ là trong một ngày gần nhất, quê hương tôi cũng sẽ có những minh quân có đủ niềm tin và lòng can đảm để mang đến cho người dân Việt nam những giá trị tự do nhân bản nhất.

Trịnh Hội tốt nghiệp Cao Học tại Magdalen College, Đại Học Oxford, Anh Quốc vào năm 2002 nơi anh kết bạn với Hoàng Thái Tử Jigme Wangchuck, người vừa được tấn phong lên ngôi vua vào ngày 6 tháng 11 năm 2008.

Xem thêm: