Ngọn tháp cổ có thể cao trên 42m…
Cách đây hơn một tuần, khi đào móng để xây lại ngôi Tam bảo (thuộc Dự án trùng tu chùa Phật tích) thì Đại Đức Thích Đức Thiện phát hiện ra một dải sỏi, cào nhẹ thì thấy móng gạch, theo đó đào xuống khoảng 3,2m thì phần móng của ngôi tháp cổ thời Lý hoàn toàn lộ ra.
Những viên gạch xây tháp được nung lõi cứng như sành, trên viên gạch nào cũng có chữ đề: “Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo” (Vua thứ ba đời Lý, năm Long Thụy Thái Bình thứ 4 xây dựng). Có viên khác thì đề: Chương Thánh Gia Khánh.
Đối chiếu với lịch sử thì được biết Long Thụy Thái Bình là niên hiệu của vua Lý Thánh Tông từ năm 1054 đến năm 1058. Đến năm 1059, ngài đổi sang niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh cho đến năm 1065. Long Thụy Thái Bình năm thứ tư tức là năm 1058…
Những viên gạch trên giống y như đúc những viên gạch của tầng văn hóa thời Lý phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long. Căn cứ vào tên làng Phật tích trước đây là Hỏa Kê, đại đức Thích Đức Thiện phỏng đoán đây có thể là một trung tấm gốm sản xuất gạch để xây tháp và xây Hoàng Thành…
Trong cuốn Nghệ thuật Đông Dương của nhà nghiên cứu người Pháp L. Bezacier có một chương về chùa Phật Tích, trong đó có miêu tả cuộc khảo cổ thám sát của ngôi tháp thì đo được chiều ngang phần móng là 8,5m.
Căn cứ vào đó Bezacier cho rằng ngọn tháp cao tới 42m. Nhưng phát lộ hiện nay với phần móng của tháp hoàn toàn lộ ra thì nó dài tới 9,1m, chiều dầy 2,4m. Vậy chắc chắn ngọn tháp này có thể còn cao hơn nữa. Trước khi ngọn tháp này đổ vào thời cuối nhà Trần đầu nhà Hồ, thì đó là nơi đặt tượng Phật A Di Đà, pho tượng Phật vào loại đẹp nhất, cổ nhất nước ta hiện còn lưu giữ qua nghìn năm cho đến giờ.
Chiếc đầu rồng tinh xảo và những hiện vật quý giá…
Phải trải qua vài phút thận trọng trò chuyện, thì Đại đức Thích Đức Thiện mới hoàn toàn cởi mở và mời chúng tôi vào kho để xem những “báu vật” nghìn tuổi vừa đào được.
Đó là 2 phù điêu lá đề bằng đá nặng mỗi phiến 40kg có chạm trổ hình rồng chầu (kích cỡ khoảng 40 x40cm) nguyên vẹn 100% và một chiếc đầu rồng đá cực kỳ tinh xảo (khoảng 30x50cm). Đại đức tự hào rằng tất cả hiện vật khai quật ở Hoàng Thành hiếm có chiếc đầu rồng đẹp bằng hiện vật này (ảnh).
Chiếc đầu rồng và hình lá đề bằng đá cực kỳ tinh xảo
Khi đào ở xung quanh chân tháp, thì những người đào đã phát hiện ra một mảnh 1/4 đài sen bệ tượng. Theo những nghiên cứu trước đây, thì đó chính là phần úp ngược của đài sen bệ tượng A Di Đà. Điều đó rất quý cho việc khôi phục lại dáng vẻ ban đầu của bệ tượng gồm 5 phần: Đế bát giác, đài sen úp ngược, đầu con sấu đá, đài sen hướng xuôi. Cuối cùng là tượng đặt trên tòa sen.
Đại đức Thích Đức Thiện cho biết ông cũng đã làm công văn gửi Sở Văn hóa và Viện bảo tồn để nhân dịp này tu bổ phần bệ pho tượng quý này.
Hiện nay đã phát hiện tới gần 200 hiện vật là các phù điêu đá, mảnh vỡ có chạm khắc hoa văn, mà do mới phát hiện, nên chưa tiến hành lau rửa kỹ. Đại đức Thích Đức Thiện đành để tạm vào một cái kho cạnh nhà tổ.
Viên gạch chân tháp có chữ “Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo”
Hai phù điêu lá đề và chiếc đầu rồng đá mới chỉ là một phần rất nhỏ của những hiện vật đào được. Đa phần hiện vật của ngôi tháp tìm thấy ở hướng Đông Bắc, đúng với phỏng đoán của các nhà nghiên cứu trước đây cho rằng tháp bị đổ về phía Đông Bắc.
Khi chúng tôi vừa đến, thì cán bộ quản lý di tích trên tỉnh cũng vừa khảo sát ra về, có lẽ là để kiểm tra để lên phương án khai thác và bảo vệ những phát lộ mới trên. Đại đức Thích Đức Thiện cho biết sau khi xây chùa xong sẽ tiến hành lập một bảo tàng để trưng bày những hiện vật nghìn tuổi vừa đào được.