Trang chủ Tin tức 700 năm ngày mất vua Trần Nhân Tông: 40.000 người dự lễ...

700 năm ngày mất vua Trần Nhân Tông: 40.000 người dự lễ (cập nhật bài viết, hình ảnh)

52

Các chùa Cẩm Thực, Long động và nhiều chùa khác trong tỉnh Quảng Ninh, hôm nay đã mang một dáng vẻ lộng lẫy, khác thường. Tăng Ni và Phật tử ở nước ngoài và từ nhiều tỉnh thành trong cả nước đã trở về dự lễ giỗ Tổ mỗi lúc một đông. Ban tổ chức Đại lễ đang họp khẩn lần cuối.


Những chiếc xe hoa trang trí sự tích Phật hoàng Trần Nhân Tông đang được gấp rút hoàn thiện. Trong số những xe hoa này, chúng tôi nhận thấy có một chiếc đặc biệt – xe hoa của Phật giáo Nam Tông Khmer, trang trí hình hai con rồng chầu hai bên, phía trường có tượng Đức Phật nhập thiền định, phía sau là ngôi chùa Khmer được làm công phu có hình đức vua Trần Nhân Tông tọa thiền.


Chiếc xe hoa này được các sư thuộc phái Phật giáo Nam Tông có mặt ở chùa Trình từ hai ngày trước để thực hiện. “Mặc dù Phật giáo có Bắc tông Nam Tông khác nhau, nhưng sự giác ngộ chỉ có một. Qua những gì sách sử ghi lại về công hạnh của Điều ngự Giác Hoàng, chúng tôi rất ngưỡng mộ Ngài. Vì vậy chúng tôi thực hiện xe hoa này để cúng dường lên Ngài bằng tất cả lòng thành của mình”, Sư Danh Lung, Phó Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, nói.


Lời phát biểu đó đã nói lên được sự ngưỡng mộ của toàn thể đồng bào, Phật tử các giới, không phân biệt sắc tộc, hệ phái đối với Điều ngự Giác Hoàng.


Ban hậu cần chuẩn bị cho đại lễ cũng đang tích cực chuẩn bị chu đáo mọi thứ. Tất cả mọi người đang làm việc với lòng hoan hỷ và một tinh thần trách nhiệm rất cao. Mặc dù đã qua nhiều ngày chuẩn bị mệt nhọc nhưng chúng tôi vẫn thấy vẫn tươi cười với nhau rất hoan hỷ..


Nhiều sinh viên của khoa Môi trường Đại học KHTN thuộc Trường Đại học Quốc Gia Hà Nội cũng đã về Yên Tử tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường xung quanh khu vực chùa Trình và các chùa khác trong chương trình lễ Tưởng niệm.


Các sinh viên trong những bộ đồng phục màu da cam, trên lưng mang bảng đề khẩu hiệu “Hãy đừng để lại gì ngoài những dấu chân. Hãy đừng mang theo gì ngoài những bức ảnh”, họ đi nhặt những cộng rác, thu dọn và chỉnh trang lại khuôn viên chùa.


Các sinh viên làm việc hầu như không biết mệt nhọc, miệng luôn luôn nở nụ cười rất tươi. “Vào mỗi mùa Yên Tử diễn ra lễ hội, khoa chúng em tổ chức cho sinh viên đi làm vệ sinh môi trường, với thiện nguyện hoàn toàn, mục đích là nhằm quảng bá tinh thần ý thức gìn giữ vệ sinh môi trường lành mạnh trong mỗi người dân”. Em Hà Anh Thư, một sinh viên, cho biết.


Có thể nói, được về dự lễ Tưởng niệm đức vua Trần Nhân Tông lần này là một niềm hạnh đối với các Tăng Ni và Phật tử ở trong và ngoài nước. “Chúng tôi rất xúc động và hạnh phúc khi được sống trên mảnh đất Yên Tử, nơi đã sinh ra Phật hoàng Trần Nhân Tông, và rất hạnh phúc khi được tham dự lễ quốc giỗ kỉ niệm ngày mất của Ngài”. Chị Đào Thị Mai, một Phật tử thuộc thành phố Hạ Long, tâm sự.


Không chỉ các Phật tử ở tỉnh Quảng Ninh, mà các Phật tử khác ở trong và ngoài nước, cũng bày tỏ lòng háo hức khi về đến Yên Tử. “Đức vua Trần Nhân Tông không chỉ là người khai sinh ra dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, một dòng thiền mang đậm bản sắc văn hóa Việt, mà còn là một vị anh hùng dân tộc, hai lần lãnh đạo toàn dân đại thắng quân Nguyên Mông.


Ngài là niềm tự hào không chỉ của những người Phật tử mà còn là niềm vinh hạnh chung của tất cả những người con dân Việt Nam. Được về dự lễ giỗ Tổ lần này, đối với tôi là một niềm hạnh phúc rất lớn. Chúng tôi đang nóng lòng chờ đợi lễ Tưởng niệm Ngài diễn ra, nhất là được tham dự vào buổi hội thảo về công hạnh của Tổ sư”. Anh Trần Sỹ Thành, một Việt kiều trở về từ Cộng hòa Séc, tâm sự.


Một trong những hoạt động dự kiến sẽ đóng góp thành công lớn lao cho lễ Tưởng niệm lần này chính là hội thảo khoa học kỷ niệm 700 năm ngày mất của Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông, diễn ra vào ngày 26/11/2008 tại hội trường khách sạn Thương Mại, thị xã Uông Bí.


Hội thảo này được tổ chức với quy mô lớn, dự kiến sẽ có gần 200 đại biểu với sự đóng góp 90 tham luận của các giáo sư, tiến sĩ, các nhà nghiên cứu học giả đến từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.


Đại lễ còn có các hoạt động văn hóa lớn khác như: trình diễn văn nghệ với nhã nhạc cung đinh Huế, nhã nhạc Bát âm truyền thống Bắc bộ, múa Bài Bông, rước lễ vật tiến cúng đức vua Trần Nhân Tông và diễn vở chèo Trần Anh Tông kế nghiệp.


Ngoài ra, còn có các đàn cúng cầu siêu cho các liệt sĩ thời Trần và chư vị anh linh có công dựng nước, giữ nước. Tại các đại lễ trai đàn này, 700 đèn trời, 700 chim bồ câu và 700 quả bóng bay sẽ được thả để cầu nguyện tổ quốc vinh quang, thế giới hòa bình.


Ban Tổ chức cũng sẽ làm lễ dâng hương tại các thánh địa Yên Tử và diễu hành xe hoa tại thị xã Uông Bí, Đông Triều và Cẩm Phả. Đặc biệt, chương trình lễ Tưởng niệm chính thức sẽ được Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng trực tiếp trên kênh VTV1.


Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật Giáo tỉnh Quảng Ninh, lễ giỗ Tổ Trần Nhân Tông hằng năm có khoảng 7-8 nghìn Tăng Ni về dự.


Tuy nhiên, năm nay để kỉ niệm 700 năm ngày mất của vua, lễ được Trung ương GHPGVN chủ trì tổ chức long trọng nên số lượng Tăng Ni về đông dự kiến gấp 5 lần so với mọi năm.


Sau đại lễ tưởng niệm lần này, từ đây ngày 1/11 âm lịch hằng năm sẽ là ngày quốc giỗ của Phật giáo Việt Nam. Chúng tôi sẽ lập dự án đệ trình lên Chính phủ, kiến nghị UNESCO công nhận Phật hoàng Trần Nhân Tông là danh nhân văn hóa thế giới”, Thượng tọa cho biết.



Họp triển khai tổ chức Đại lễ lần cuối





Cổng chào tại chùa Trình – Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh


Trang trí lễ đài








Trang trí xe hoa


Khách thập phương về Yên Tử dự Đại lễ


Sinh viên làm vệ sinh môi trường





Trang trí lễ đài chính





Đêm thơ, nhạc Yên Tử





Chùa Lân (Long Động Tự) – Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử