Trang chủ Văn học Tùy bút Tản mạn về nụ cười của các thiền sư

Tản mạn về nụ cười của các thiền sư

191

Thực tế, mọi người cũng từng có nhiều lúc nở nụ cười, nhưng niềm vui đó không có giá trị bền vững, dài lâu. Đó là niềm vui của sự thoả mãn lòng ham muốn khi sáu căn tiếp xúc sáu trần. Đức Phật dạy: “Các dục vui ít, khổ nhiều, và làm cho nguy hiểm càng nhiều hơn”.


 


Chính lẽ đó,trong hội Linh Sơn,khi đươc phật đưa một nhánh hoa đưa lên trước đại chúng, mọi người đều im lặng, chỉ có Tôn giả Ca Diếp mỉm cười. Nụ cười này đã làm hoan hỷ toàn thể Pháp hội, và Đức Thế Tôn đã hoan hỷ trao lời phó chúc: “Ta có Chánh pháp nhãn tạng, Niết bàn diệu tâm, thực tướng vô tướng, pháp môn vi diệu, chẳng lập văn tự, truyền riêng ngoài giáo, nay trao truyền cho Ma Ha Ca Diếp”.


 


Âm vang nụ cười ấy đã đi vào lịch sử, và các thiền sư sau này cũng đã thể nghiệm nụ cười sâu lắng ở khắp nơi, từ thiền đường trang nghiêm cho đến đồng hoang cỏ nội, hay thành thị huyên náo trước cuộc hành trình dạo chơi sinh tử.


 


Tương truyền, sư Thuỷ Lạo đến tham vấn Mã Tổ (709-788), vừa hỏi về ý nghĩa Đông du của Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma liền bị Mã Tổ giáng cho một đạp khiến sư té nhào. Đang từ từ bò dậy, sư hoát nhiên đại ngộ, vỗ tay cười ha hả. Từ đó về sau, sư thường khoe: “Từ khi ăn cái đạp của Mã Tổ, về sau lão tăng cứ cười mãi không thôi”. Chưa hết, chúng ta còn được tiếp nhận nụ cười giác ngộ của sư Bách Trượng Hoài Hải (724-814) khi theo hầu sư Mã Tổ, giữa không gian bao la chợt gặp bầy vịt trời bay ngang, Mã Tổ hỏi:


– Có cái gì vậy?


– Thưa, bầy vịt trời.


– Đi đâu vậy?


– Thưa, bay qua!


 


Mã Tổ quay đầu lại, nắm mũi sư vặn mạnh. Đau quá, sư la lên. Tổ nói:


– Sao không nói bay qua nữa đi!


Sư bèn tỉnh ngộ và khóc nức nở. Huynh đệ dỗ dành mãi, nhưng sư không nín. Có người trình Mã Tổ:


– Hoài Hải chẳng rõ vì sao dạo này cứ nằm khóc mãi?


Mã Tổ đáp:


– Hắn ta ngộ rồi đó!


 


Người huynh đệ trở về phòng thuật lại lời Tổ cho sư hay, sư bật cười ha hả. Mọi người ngạc nhiên, sư bình thản trả lời: “Hồi nãy khóc, bây giờ thì cười”.


Rõ ràng, các thiền sư đã hoát nhiên đại ngộ và biểu lộ sự chứng đạt với niềm vui hỷ lạc vô tận bằng những tiếng cười sảng khoái, vô tư, tự tại bất hủ giữa trời xanh, giữa chim bay cá lặn và hoa nở bên đường. Thú vị hơn nữa là chính các thiền sư còn “ngẫu hứng qua cầu” dùng tiếng cười thay cho lời thuyết giảng để khai thị tâm thức cho các thiền sinh. Thiền sư Phương Hội (?-1054) ở Dương Kỳ là thí dụ điển hình. Một hôm sư thượng đường và ngồi lặng thinh. Giây lâu, sư phá lên cười ha hả. Tăng chúng ngạc nhiên, sư bảo: “Cái gì vậy? Thôi, trở về trai đường uống trà đi”. Thiền sư Tùng Thẩm (778-897) ở Triệu Châu lại thường dùng tiếng cười để thay cho lời đáp mỗi khi có môn đồ đến hỏi. Một hôm có ni cô đến hỏi:


– Lìa hết những những gì đã nói từ trước đến nay, xin Hoà thượng chỉ dạy.


Sư hét lớn:-


– Đem bình đi châm nước đi!


Ni cô đem bình đi châm nước xong, thưa:


– Thỉnh Hoà thượng đáp câu hỏi.


Sư bật cười.


Dạo khác, có vị Tăng đến hỏi:


– Pháp thân vô vi, không rơi vào các loài, nói được hay không?


– Làm sao nói?


– Tức là không nói.


 


Sư cũng bật cười. Thiền sư là thế. Bất cứ điều gì, kể cả nụ cười cũng khai thị được tâm thức người học trò. Thậm chí ngay cả trước bến bờ sinh tử, các thiền sư vẫn nở nụ cười, vẫn rong chơi giữa cuộc đời với lòng an nhiên tự tại. Theo thiền sử ghi lại thì vua Đường Hiển Tông rất ngưỡng mộ danh sư Vô Nghiệp (760-821) đã cử sứ giả nhiều lần đến thỉnh sư, nhưng lần nào sư cũng cáo bệnh từ chối. Lần cuối, sứ giả nài nỉ mãi, sư biết không thể từ chối nên sư mỉm cười bảo:


 


– Lão tăng đức độ gì mà làm phiền thí chủ thế. Thôi quý vị về trước, lão tăng sẽ đi đường riêng!


 


Sứ giả hớn hở quay về báo tin. Sư liền đi tắm gội, từ biệt đồ chúng an nhiên thị tịch. Thiền sư Phật Ấn (?-1908) cũng thế, trong lúc cùng khách đàm đạo, chợt nghe tin có người ngộ đạo, thiền sư liền cười một cái rồi thị tịch. Thiền sư Giới Không thời Lý Thần Tông (1128-1138) sau khi nói bài kệ dạy đồ chúng xong liền cười lớn một tiếng và thị tịch. Xem ra, chuyện sinh tử đối với các ngài chẳng có nghĩa lý gì: “Sinh tử chỉ là được mất/Nếu biết sinh tử, sinh tử/Mới hiểu lão tăng chỗ nào” (Sinh tử chỉ thị đắc thất, Nhược ngôn sinh tử di đồ, Trám khước Thích Ca Di Lặc, Nhược tri sinh tử sinh tử, Phương hội lão tăng xứ nặc). Tuệ Trung Thượng sĩ cũng xem sinh tử là chuyện nhàn – “sinh tử nhàn nhi dĩ”. Có gì phải nói đâu chứ, cười cũng là đủ rồi. Vấn đề là làm thế nào thoát ly sinh tử, tự tại ngay trong cõi đời đầy những mối ràng buộc này.