Với đoạn kinh nói trên, Đức Phật thẳng thắn khuyến cáo, thực tế ở đời có một số đông người do không thực thi đời sống hướng thượng nên phải sanh ra trong một môi trường nhiều khổ đau, sau khi thân hoại mạng chung phải đọa lạc vào địa ngục, ngạ quỷ và bàng sanh. Trái lại, có một số ít người so với số đông đó, do thực thi đời sống hướng thượng, sống theo năm giới, nên sau khi thân hoại mạng chung, được tái sanh làm người và sống trong một môi trường tốt đẹp. Xem ra, con người tùy theo nghiệp nhân và nghiệp quả mà thọ nhận những đời sống khổ đau hay hạnh phúc khác nhau.
Chính Đức Phật cũng chỉ ra rằng, một cá nhân hiện hữu, nếu không thực thi nếp sống hướng thượng, ngay cả việc thực hành năm giới, căn bản đạo đức nhân cách của con người thì quả báo sẽ chờ đợi người đó một cách cụ thể:
“Này các Tỷ kheo, sát sanh được thực hiện, tạo thành thói quen làm cho đầy đủ sẽ đưa tới địa ngục, đưa đến loài bàng sanh, đưa đến cõi ngạ quỷ. Quả dị thục hết sức nhẹ của sát sanh là được làm người với tuổi thọ rất ngắn”.“Này các Tỷ kheo, lấy của không cho được thực hiện, tạo thành thói quen làm cho đầy đủ sẽ đưa đến địa ngục, đưa đến loài bàng sanh, đưa đến cõi ngạ quỷ. Quả dị thục hết sức nhỏ của lấy của không cho là được làm người với tài sản bị tổn hại”.
“Này các Tỷ kheo, tà hạnh trong các dục được thực hiện, tạo thành thói quen làm cho đầy đủ sẽ đưa đến địa ngục, đưa đến loài bàng sanh, đưa đến cõi ngạ quỷ. Quả dị thục hết sức nhỏ của tà hạnh là được làm người với sự oán thù của kẻ địch”.
“Này các Tỷ kheo, nói dối được thực hiện, tạo thành thói quen làm cho đầy đủ sẽ đưa đến địa ngục, đưa đến loài bàng sanh, đưa đến cõi ngạ quỷ. Quả dị thục hết sức nhỏ của nói dối là được làm người nhưng thường bị vu cáo không đúng sự thật.”
“Này các Tỷ kheo, nói hai lưỡi được thực hiện, tạo thành thói quen làm cho đầy đủ sẽ đưa đến địa ngục, đưa đến loài bàng sanh, đưa đến cõi ngạ quỷ. Quả dị thục hết sức nhỏ của nói hai lưỡi là được làm người nhưng mất hết bạn bè”.
“Này các Tỷ kheo, nói lời ác được thực hiện, tạo thành thói quen làm cho đầy đủ sẽ đưa đến địa ngục, đưa đến loài bàng sanh, đưa đến cõi ngạ quỷ. Quả dị thục hết sức nhỏ của nói lời ác là được làm người nhưng phải nghe những lời ác độc không vừa ý”.
“Này các Tỷ kheo, nói lời phù phiếm được thực hiện, tạo thành thói quen làm cho đầy đủ sẽ đưa đến địa ngục, đưa đến loài bàng sanh, đưa đến cõi ngạ quỷ. Quả dị thục hết sức nhỏ của lời nói phù phiếm là được làm người nhưng phải nghe những lời khó chấp nhận”.
“Này các Tỷ kheo, uống các chất rượu men được thực hiện, tạo thành thói quen làm cho đầy đủ sẽ đưa đến địa ngục, đưa đến loài bàng sanh, đưa đến cõi ngạ quỷ. Quả dị thục hết sức nhỏ của việc uống các chất rượu men là được làm người nhưng với tâm điên loạn”.
“Trái lại, một cá nhân hiện hữu thực hành nếp sống hướng thượng, thực hành năm giới thì được thọ hưởng nghiệp quả tốt lành chờ đợi người đó, có chánh kiến và chấp nhận các nghiệp được chánh kiến chi phối, sau khi thân hoại mạng chung được sanh vào thiện thú, thiên giới. Theo đạo Phật, sống đúng năm giới là điều kiện cơ bản để xứng đáng được sống như con người, có cơ duyên tái sanh làm người sống trong môi trường hạnh phúc, với năm lợi ích như sau: “Một là sự có tiền của dồi dào vì sống không phóng dật. Hai là tiếng tốt đồn xa. Ba là đi vào hội chúng nào, tâm lý cũng không có sự sợ hãi. Bốn là khi mạng chung, chết với tâm thanh thản. Năm là sau khi mạng chung sẽ sanh vào cõi an lành, cõi trời” (Kinh Trường Bô, số 16).
Như vậy, Đức Phật đã xác chứng nguyên nhân và kết quả của một đời sống khổ đau hay hạnh phúc thật sự cho mỗi cá nhân hiện hữu ở đời. Không có sự chọn lựa nào khác hơn là thực thi đời sống hướng thượng. Tại đây, mỗi cá nhân phải nỗ lực hành trì năm giới như là quy tắc chuẩn mực đạo đức để chuyển hóa thân tâm nhằm mang lại một nếp sống có giá trị, tạo dựng sự hạnh phúc, thiết thực hiện tại, ngay trong đời này, có thể thấy biết được, chứ không phải là một thế giới xa xăm nào trong trí tưởng tượng. Nếp sống ấy còn thể hiện sự đề cao giá trị con người và chứng minh khả năng con người có thể hướng tâm đến sự giải thoát tối thượng, tức là đạo đức tối thượng, nếu con người có đủ ý chí và nỗ lực hành trì liên tục.
Điều đáng nói, trong đời sống kinh tế thị trường, cuộc sống luôn biến động, khi mỗi cá nhân con người thực thi nếp sống hướng thượng, có nghĩa cá nhân đó trở về sống với con người thật của chính mình, không sống với con người giả, chạy theo sự đắm say hưởng lạc từ các dục của sáu trần đem lại. Mọi mâu thuẫn của con người trong các mối quan hệ giữa con người với con người; con người với thiết chế xã hội, cộng đồng, sắc tộc; con người với thiên nhiên, môi trường sống sẽ bị dập tắt, thay vào đó là thế giới an lành, ấm áp tình người và hạnh phúc thật sự ngay giữa cõi đời này.