Trang chủ Đời sống Chuyện đời - Ý đạo Người đẹp

Người đẹp

68

– Anh đưa các con vào trong thành dạo chơi, dân chúng trong thành trông thấy các con anh, nếu có người chê một trong bảy cô xấu thì anh đưa cho tôi năm trăm lạng vàng, bằng như không có ai chê thì tôi thua anh cũng năm trăm lạng.


Ông nhà giàu đồng ý đánh cược với người bạn. Thế là hai người dẫn bảy cô gái đi dạo khắp nơi trong thành. Họ đi đến đâu, mọi người đều ngợi khen bảy cô con gái xinh đẹp. Thời gian dạo chơi đến chín mươi ngày mà không nghe thấy một ai chê xấu nửa lời.


Bấy giờ hai ông nghe tin Đức Phật đang giảng pháp tại tinh xá Kỳ Viên, bèn rủ nhau đến gặp Phật và thưa rằng:


– Bạch Thế Tôn, Ngài thường du hóa nhiều nơi, đi khắp các nước, Ngài đã từng thấy có người con gái nào xinh đẹp như các con của tôi không?


Đức Phật mỉm cười đáp:


– Những cô gái, con của ông chưa phải là những người đẹp nhất.


Ông nhà giàu tỏ ra không bằng lòng, thắc mắc:


– Cả nước này không một ai chê các con tôi xấu, cớ sao Ngài lại chê?


Đức Phật đáp:


– Người đời họ cho rằng dáng vẻ yêu kiều của sắc thân là đẹp, còn Ta cho rằng ngoài vẻ đẹp hình tướng, cái thân chẳng làm điều xấu ác, cái miệng chẳng nói lời xấu ác, tâm ý chẳng nghĩ điều xấu ác mới là đẹp vậy.


(Kể theo kinh Thất Nữ)


Bài học đạo lý


Đa phần người đời thường chú trọng vẻ đẹp bên ngoài. Với họ, một người đẹp là đẹp về hình dung, tướng mạo tức đẹp về cái răng, cái tóc, đôi mắt, làn da, vóc dáng v.v…


Ngược lại, quan niệm của Đức Phật về cái đẹp chú trọng đến nét đẹp tâm hồn. Một người có nhân phẩm, đạo đức tốt; lời nói, việc làm và tâm ý trong sạch, không nhiễm ô, không làm các việc xấu ác và những điều tồi tệ, đó mới thật sự là một người đẹp.


Đức Phật muốn khẳng định chân giá trị của một con người ở chỗ phẩm chất đạo đức của người đó chứ không phải hình thức bên ngoài. Một người đẹp lý tưởng là người không chỉ đẹp về nhan sắc mà phải đẹp cả lời nói, việc làm, nhất là tâm hồn phải đẹp, và người đó sống hữu dụng, có ích.


Còn một người có dáng vẻ bên ngoài xinh đẹp mà cử chỉ, lời nói kém thanh lịch, nhã nhặn hoặc có những suy nghĩ hay hành động, việc làm không tốt đẹp, xấu xa, độc ác, hại mình hại người, thì người đó không thể xem là người đẹp được, mà phải nói đó là một con người rất xấu, rất đáng chê.


Quan niệm về người đẹp của Đức Phật hết sức tích cực. Bởi vì khi người ta hướng về vẻ đẹp tâm hồn, tôn vinh những giá trị nhân phẩm, đạo đức thì xã hội sẽ tươi đẹp hơn. Người Việt Nam ta cũng có cái nhìn rất chính xác và thẳng thắn về cái đẹp bên ngoài vốn không bằng những phẩm chất đạo đức bên trong, “Cái nết đánh chết cái đẹp”.


Vì thế, bên cạnh việc làm đẹp thân thể là trau giồi đạo đức, làm đẹp tâm hồn. Nhận thức được như vậy, con người không quá xem trọng hình thức, đồng thời nỗ lực chuyển hóa để hoàn thiện nhân cách, làm sáng ngời vẻ đẹp đạo đức, thắp sáng lương tri.


Ngày nay người ta thường hay tổ chức nhiều cuộc thi chọn người đẹp, như các cuộc thi hoa hậu quốc gia, hoa hậu thế giới v.v… Những tiêu chí về người đẹp ngoài hình thể, nhan sắc được thể hiện với các loại trang phục thì một hoa hậu (hay hoa khôi) còn phải có trình độ văn hóa, đạo đức biết ứng xử và có những đóng góp tích cực cho cộng đồng xã hội.