Trang chủ Đời sống Nghệ thuật sống Mỗi ngày thêm mới

Mỗi ngày thêm mới

57

Vẻ đẹp của bông hoa là vẻ đẹp của vườn hoa


Một xã hội văn minh luôn có nhu yếu hướng đến những giá trị văn hoá, giá trị đạo đức cao đẹp. Chân, thiện, mỹ được dùng làm thước đo cho mục tiêu ấy. Con người – thành viên của một xã hội – là nhân tố quan trọng quyết định sự thành bại cho hướng đi của xã hội ấy. Cụ thể là lối sống và cách ứng xử của mỗi người.


Thật vậy, nếu cá nhân có nếp sống đẹp đẽ, có đời sống đạo đức thăng hoa thì nó là nền tảng xây dựng hòa bình giữa người với người trong gia đình, cộng đồng, xã hội, đất nước hay giữa các quốc gia.  Đó là kết quả của cả một quá trình. Và yếu tố làm mới không thể nào vắng mặt trong kho kinh nghiệm góp nhặt trên con đường đi đến kết quả ấy.


Ông bà ta có câu: “Gương vỡ lại lành”. Làm lành lại là hàn gắn lại vết rạn nứt sau những đổ vỡ. Làm lành lại cũng có nghĩa là làm mới. Điều này chứng tỏ, từ rất xa xưa, nhu yếu làm mới đã có, nhưng có thể sự nhìn nhận về bản chất của sự làm mới chưa đủ về bề rộng, lẫn cả chiều sâu.


Đạo Phật có mặt với cuộc sống như là một cách sống đã đưa cái hiểu, cũng như thực tập làm mới lên một tầm mức cao hơn. Làm mới theo quan niệm Phật giáo giúp cải thiện toàn diện con người vật chất, lẫn con người tinh thần, đồng thời hướng con người đến quỹ đạo đã vốn có tự nhiên.


Làm mới là con đường tâm linh


Một sự thật là chúng ta, kể cả những loài khác đang sống trong mối tương quan chặt chẽ với nhau. Hạnh phúc cá nhân gắn liền với hạnh phúc cộng đồng. Cá nhân đau khổ thì chắc gì cộng đồng được hạnh phúc. Nên hạnh phúc và khổ đau không thể nào là vấn đề cá nhân được. Làm mới trong cái thấy như vậy là thể hiện tinh thần trách nhiệm. Hơn nữa, nó còn thể hiện nếp sống tỉnh thức.


Bắt đầu từ đâu?


Chúng ta có thật sự giải quyết được khó khăn, mâu thuẫn và tái lập truyền thông với những người xung quanh, trong khi những vết thương trong nội tâm vẫn còn đau nhức? Câu trả lời chắc chắn là không thể. Nếu càng cố gắng làm trong tình trạng ấy, càng gây thêm đổ vỡ trong mối quan hệ với người, càng làm vết thương nơi tâm mình thêm lớn.


Phật có dạy: Tâm bình, thế giới bình. Chúng ta phải bắt đầu từ yếu tố nội tại.  Phải bắt đầu từ mỗi cá nhân. Do đó trước tiên nên hiểu làm mới là để chuyển hoá, trị liệu những khó khăn, mâu thuẫn, thương tích của quá khứ, để làm đẹp đẽ tình thương trong tâm hồn.


Yếu tố nội tại được thông suốt, cùng lúc ấy thực trạng hoàn cảnh cũng trở nên sáng sủa. Nếu chưa làm được như vậy, chúng ta sẽ mãi mãi ngủ mê trong tình trạng như cụ Nguyễn Du đã từng viết trong truyện Kiều: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu. Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.


Nhìn lại và chấp nhận thực trạng bản thân


Chư tổ thường ví tâm của chúng ta như một khu vườn. Khu vườn ấy vốn có nhiều trái ngọt quả lành. Nhưng chúng ta đã để cho thất niệm – không chính niệm – chiếm cứ cuộc sống của chính mình quá lâu. Ta đã đọc sách báo, xem phim ảnh, truyền hình, nghe nhạc, chuyện trò, vui chơi giải trí thiếu sự chọn lọc, thiếu sự bảo hộ. Ta đã để cho những độc tố và phiền não xâm chiếm vườn tâm của chính mình. Và những hạt giống xấu: bạo động, căm thù, thèm khát được gieo vào, tưới tẩm và lớn mạnh mỗi ngày.


Đó là những hạt giống do ta huân tập trong đời sống hằng ngày. Bên cạnh đó, mỗi người đều tiếp nhận từ tổ tiên những hạt giống tốt và cả những hạt giống chưa tốt. Đời cha ăn mặn đời con khát nước, điều này cũng nằm trong đạo lý nhân quả. Tổ tiên với con cháu  không phải hai, tổ tiên với con cháu  thuộc cũng một dòng sống liên tục. Tổ tiên làm lành thì con cháu được hưởng. Tổ tiên làm dữ thì con cháu phải lãnh chịu.


Có thể, trong những kiếp trước, tổ tiên ta đã từng gây ra những nghiệp như: sát, đạo, dâm, vọng. Sát là giết hại, giết hại con người, giết hại các loài khác. Đạo là tham lam, trộm cướp, chiếm hữu và sử dụng những cái không phải là của mình để người khác phải đói khổ. Dâm là liên hệ tà dục, gây nên đổ vỡ trong chính gia đình mình và gia đình người khác, làm tan nát cuộc đời người mình và cuộc đời người kia. Vọng là nói dối, nói thêu dệt; nhiều lời nói đã khiến người khác khổ đau dẫn đến phải tự tử. Và là con cháu, chúng ta phải thừa tự tất cả những nghiệp ấy.


Nếu chúng ta tiếp tục sống trong thất niệm thì đến một lúc nào đó, những hạt giống xấu – do ta thừa tự từ tổ tiên hoặc do ta huân tập – đủ mạnh, chúng sẽ gây cho ta nhiều phiền lụy. Phiền luỵ là phiền não và hệ luỵ. Phiền não là những tâm tư đốt cháy ta và khiến ta phải điêu đứng như: tham, sân, si, ganh tỵ, sợ hãi, lo lắng, buồn phiền.


Hệ lụy là những hoàn cảnh khó gỡ, những tình huống chìm đắm, vướng mắc, không thoát ra được. Chúng ta bị những tâm hành xấu ấy thao túng. Chúng ta hoàn toàn đánh mất quyền tự chủ. Điều đó dẫn đến biết bao vụng dại, lỡ lầm trong suy nghĩ, nói năng và hành xử với người khác. Dù ta không có ác ý làm cho người kia khổ và tự thân ta khổ, nhưng vì thiếu khôn khéo ta đã vẫn tiếp tục hành xử sai lạc như vậy.


Quán chiếu mối quan hệ giữa ta và người


Phần lớn những khổ đau của ta phát sinh từ liên hệ giữa ta với người thân hoặc những người xung quanh. Người đó có thể  là người bạn hôn phối của ta hay là con của ta, hoặc cha mẹ, anh, chị, em, thầy hay là huynh đệ của ta. Nguyên nhân nào đã gây nên khó khăn trong những mối quan hệ ấy? Thất niệm. Do thất niệm mà ta sống nông nổi, không tiếp xúc sâu sắc với những gì xung quanh ta trong mỗi phút giây của đời sống. Do thất niệm mà ta sống trong quên lãng, không duy trì được sự thực tập miên mật.


Ta quên bẵng đi sự có mặt của những người thương, những người xung quanh ta. Sống với ta mà họ có cảm tưởng như đối diện với một bức tường, hoặc còn tệ hơn sống với người dưng nước lã. Hoặc ta có quan tâm, nhưng chỉ để lấy chiếu, lấy lệ, chưa được sâu sắc lắm.


Quan tâm kiểu như vậy, chẳng thà đừng quan tâm. Càng quan tâm càng khiến người khác tổn thương. Thiếu nội dung của sự quan tâm, ta đâu thấy được những vết thương của những người bên cạnh. Ta cứ ngang nhiên chọc vào vết thương ấy bằng lời nói, hành động theo tập khí của mình. Sống như thế giống như cái kiểu sống “bây chết mặc bây”.


Thử hỏi hạnh phúc và bình an làm sao có được nơi ta, nơi người. Chẳng những hạt giống tốt mỗi ngày mỗi lụi tàn, mà hạt giống xấu thì tha hồ mà “tươi tốt”. Đến một lúc nào đó “tức nước thì vỡ bờ”, quan hệ rạn nứt. Nhưng vì thiếu chiều sâu của đời sống tâm linh, chẳng thấy được “công đóng góp phần lớn” vào đổ vỡ ấy là của mình. Ta tiếp tục lý luận theo thói quen để đổ lỗi cho người kia. Dù vẫn biết lý luận có hay đến mấy cũng chẳng đem lại kết quả gì mà càng làm cho hố ngăn cách giữa ta với người thêm rộng, nhưng ta vẫn tiếp tục lý luận.


Hiển nhiên là nội kết sẽ hình thành nơi ta và nơi người – Nội kết là những khổ đau do lâu ngày không chuyển hoá được, kết lại thành khối trong chiều sâu tâm thức; nó âm thầm điều khiển mọi hoạt động của chúng ta. Và ta không muốn nhìn mặt người, người cũng không muốn thấy mặt ta.


Sự chán ghét thể hiện rõ rệt trên khuôn mặt của cả hai. Không hạnh phúc khi gặp nhau thì đâu muốn gặp nhau. Cũng như không biết sử dụng ái ngữ khi nói chuyện với nhau nên ta cảm thấy không có hạnh phúc. Không có hạnh phúc thì sẽ không có mong muốn, hứng thú lắm để nói chuyện với nhau.


Có đôi lúc chúng ta cũng biết nhìn lại những lỗi lầm của chính mình, nhưng lại để cho tâm mình rơi vào trạng thái dằn vặt bởi mặc cảm tội lỗi mà không phải là sự ăn năn. Dằn vặt là thứ hối hận không có lợi. Trong 51 tâm sở, có tâm sở gọi là hối. Đây là tâm sở bất định, vì nó có thể xấu hoặc tốt. Nó là tâm sở thiện khi nó có nghĩa là sám – là khả năng nhận diện được những lỗi lầm và quyết tâm không lập lại. Còn nếu chỉ là mặc cảm tội lỗi, luôn đeo sát mình thì nó là tâm sở bất thiện. Dằn vặt tạo ra sự khổ đau. Dằn vặt tạo ra sự dày vò.


Cụ thể trước thực trạng khó khăn của bản thân và mối quan hệ với người khác ngày thêm xấu, ta nghĩ rằng, không còn cách để chuyển hoá, để vượt thoát lên được. Ta hết hy vọng. Tâm tư ta bị tràn ngập bởi cái buồn, cái chán và cái lo âu. Buồn vì không thấy được niềm vui trong cuộc sống, ta sinh ra chán nản không còn nghị lực để đi tới. Buồn và chán là năng lượng tiêu cực làm ta khổ đau và không còn muốn sống. Lo âu vì chưa biết cách chuyển hoá nghiệp cũ. Lo âu là một tâm hành xấu, còn được gọi là ưu.


Làm mới qua tiêu thụ chính niệm


Có người hỏi: Làm thể nào để thực tập thương những người khó thương? Bụt dạy: trước tiên, phải biết tự thương mình.


Thân tâm là một dòng sống linh động, thay đổi từng giây từng phút. Bởi nó cũng như tất cả các hiện tượng khác đều chịu chi phối của luật vô thường. Dù ta có làm mới hay không làm mới thì nó vẫn thay đổi. Tuy nhiên, sự thay đổi này có thể theo chiều hướng tốt hoặc là xấu. Làm mới có nghĩa là điều chỉnh sự thay đổi theo hướng tích cực.


Bởi lẽ chúng ta thường sống trong lãng quên vì chúng ta hay hướng ngoại. Hướng ngoại là tập khí thâm căn cố đế nơi mỗi người chúng ta. Nó còn được gọi là hiện tượng phóng thể. Khi phóng thể, liên lạc giữa thân và tâm bị cắt đứt. Do vậy mà trong suốt một thời gian dài, ta đã sống chưa thật đàng hoàng. Chưa có sự cẩn trọng, chưa quan tâm thích đáng đến chế độ ăn uống, ngủ nghỉ, vận động hay sự tiêu thụ các sản phẩm giải trí.


Ta ăn uống quá thoải mái, chẳng cần quan tâm đến việc các thức ấy có phù hợp với thể trạng sức khoẻ của bản thân hay không. Hoặc khi lòng trống trải, ta tha hồ dán mắt vào truyền hình, phim truyện, tiểu thuyết hay nhập cuộc vào những lần trò chuyện, những cuộc chơi vô bổ.


Ta nghĩ rằng, làm như vậy sẽ giải quyết được sự cô đơn trong lòng, nhưng càng lao vào càng thêm cô đơn. Bao nhiêu độc tố ta đã tiếp nhận, kế đến là bao nhiêu bệnh tật đã sản sinh trong thân tâm ta. Giờ đây, ta quyết làm mới lại thân thể. Ta sống chính niệm trong đời sống hằng ngày. Ta sẽ có thể tiếp nhận được nhiều thông tin gởi đến từ cơ thể của ta. Ta sẽ biết được tình trạng sức khoẻ của chính mình. Và ta biết cần phải làm gì và không nên làm gì để mang lại những điều tốt đẹp nhất cho cơ thể của ta.


Cụ thể, ta sẽ chọn những thức ăn đơn giản, thanh đạm ít độc tố mà cơ thể dễ dàng chuyển hoá và tiếp thu. Chế độ ngủ nghỉ thích hợp và nhu cầu vận động mỗi ngày để dương hoá cơ thể cũng được ta quan tâm. Hoặc khi cô đơn, ta sẽ không hành xử như ngày xưa, ta biết thực tập hơi thở có ý thức, để quay về nương tựa nơi chính mình, để tìm hiểu căn nguyên và chuyển hoá chúng.


Tất cả những sự thực tập trên đang góp phần làm mới và làm lớn lên tình thương trong ta. Đặc biệt là lòng biết ơn và sự hiếu kính. Thật vậy, khi mọi ý nghĩ, lời nói, hành động được đặt trong chính niệm là ta đang chăm sóc, bảo vệ và nuôi dưỡng gia sản quý báu của tổ tiên trao truyền cho – thân thể.


Có thể tổ tiên ta chưa làm được điều này, ta làm giúp tổ tiên ta là thể hiện sự hiếu kính. Hoặc khi ta dùng thức ăn hoặc tiêu thụ sản phẩm nào đó trong chánh niệm, ta biết nguồn gốc chúng đến từ đâu, ta ý thức được bao nhiêu công sức, bao nhiêu sự hy sinh của nhiều người, của các loài đã góp nhặt nên chúng. Ta sẽ biết trân quý những gì mà sự sống mang lại cho ta.


Thái độ bất cần và cách xài phung phí trong ta sẽ dần được chuyển hoá thành ý thức và hành động bảo vệ. Đó là thể hiện lòng biết ơn.


Giải toả nội kết. Thay đổi dần thói quen


Ai dám chắc rằng, từ thuở ấu thơ đến bây giờ, chúng ta chưa hơn một lần rơi vào trạng thái uất ức, buồn tủi, thất vọng,…Nguyên nhân là do những ham muốn, những khao khát không được đáp ứng, không được thoả mãn trong lĩnh vực tình cảm, vật chất, ái dục… bởi sự cản ngăn của xã hội, luân lý, đạo đức, tôn giáo và gia đình.


Những ham muốn, khát khao trong lĩnh vực vật chất và tinh thần bị dồn nén, chưa được đả thông, lâu ngày sẽ kết lại thành khối trong chiều sâu tâm thức. Ta không nhận thấy được sự chi phối của chúng, mặc dù nó vẫn thường trực góp mặt vào tất cả những suy nghĩ, lời nói, hành động của chính mình.


Tu tập là thực tập chính niệm để nhận diện mặt mũi những chỗ bế tắc ấy để, để hiểu được căn nguyên, để chúng có thể phát khởi trở lại. Từ đó ta mới tạo ra sự lưu thông trong tâm thức, mới có thể hiểu được bản chất về tình cảm, thói quen và tâm thức của chúng ta.


Có một bà mẹ, hồi còn bé rất thích mặc áo dài màu đỏ. Nhưng vì nhà nghèo, sở thích ấy của bà chưa một lần được thực hiện. Đến khi lấy chồng, sinh con gái, bà rất muốn con gái bà mặc áo dài màu đỏ. Bà đã sắm cho con gái nhiều kiểu áo dài đỏ. Mỗi khi con gái bà mặc áo dài đỏ, bà rất sung sướng và say sưa ngắm nhìn. Bà hãnh diện với mọi người về điều này. Sở thích thời thơ ấu của bà, nay đã được con gái bà làm giúp. Bà đã được thoả mãn.


Ai cũng biết, tu là sửa đổi, sửa đổi theo hướng tích cực. Và đời sống người tu là một chuỗi dài thay đổi theo hướng tích cực. Thay đổi tập khí xấu thành tập khí tốt. Tập khí lo âu thành tập khí nhẹ nhàng. Thói quen lăng xăng thành thói quen thảnh thơi… Tập khí là công năng của nghiệp lực tức là sự vận hành của những hạt giống ở trong tàng thức như giận, trách móc, buồn chán…


Công phu tu tập là nhận diện tập khí để thay đổi. Buồn ơi, chào em. Lo lắng, hối hả ơi, chào em. Ta nhận mặt từng tâm ý, từng cảm thọ một cách dễ thương, vô tư và thân thiết như thấy mặt những người thương của mình. Ta không xua đuổi nổi buồn. Mà cũng không chìm đắm vào chúng. Ta vừa thở vừa nhìn nỗi buồn. Nỗi buồn đang có mặt và hơi thở thương yêu cũng đang có mặt nên ta thấy được bản chất của nỗi buồn, từ đó ta có thể ôm ấp, chăm sóc và chuyển hoá nổi buồn thành an vui hạnh phúc.


Muốn làm được những điều này ta phải thường xuyên thực tập chính niệm. Sự thực tập chính niệm trong đời sống hằng như sự huấn luyện, tập dợt. Độ sáng suốt, tỉnh giác phụ thuộc hết vào sự chuẩn bị này. Độ tỉnh giác càng cao, càng dễ dàng nhận thấy những tập khí khi nó biểu hiện, để không còn làm nô lệ cho chúng mà tạo ra khổ đau, tuyệt vọng cho ta và người.


Hơi thở là dược liệu quý


Đông y quan niệm rằng, thân tâm có ba nguồn năng lượng nhiệm màu: tinh, khí, thần. Tinh là tinh lực làm bằng những chất tinh tuỷ và máu huyết của cơ thể. Nó làm ra sức khoẻ. Nếu ăn uống không đủ, thiếu dinh đưỡng hoặc dâm dục quá độ sẽ hao tinh. Thần là năng lượng của tâm linh. Tâm linh mạnh khoẻ thì thần sắc sẽ mạnh khoẻ và tươi sáng. Lo âu nhiều, phiền muộn nhiều sẽ làm tiêu hao năng lượng của thần. Khí là năng lượng thuộc về khí lực được làm bằng dưỡng khí.


Hơi thở làm nhiệm vụ đưa dưỡng khí vào cơ thể. Dưỡng khí sẽ góp phần điều hoà và làm mới lại những tế bào trong cơ thể. Nếu ta thở đúng cách thì hơi thở có công năng như những liều thuốc quý có thể chữa lành nhiều bệnh tật trong cơ thể.


Hơi thở lại có khả năng làm thư giãn những căng thẳng trong thân tâm. Bao nhiêu lo âu phiền muộn đều được hơi thở đưa ra ngoài. Bao nhiêu giận hờn, hồi hộp, hấp tấp đều nhờ hơi thở mà dịu bớt. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, ta chỉ cần theo dõi hơi thở và tập buông thư cơ thể trong mười lăm phút thì sức khoẻ sẽ được hồi phục một cách hữu hiệu.


Tâm ta cứ rong ruổi về quá khứ hoặc tương lai gần như tất cả thời gian ta có. Hết suy nghĩ chuyện này rồi đến suy nghĩ chuyện khác. Hết mong chờ chuyện này rồi lo âu tính toán chuyện khác. Hết lý luận rồi lại phán xét. Nó như con vượn chưa bao giờ dừng nghỉ.


Trở về với hơi thở có ý thức, ta sẽ cắt đứt được những ràng buộc của quá khứ, tương lai; ta ngừng được đường lối suy tư phán xét ấy. Vừa thở vừa nhìn sâu, ta sẽ thấy nguồn gốc và hướng giải quyết của mọi vấn đề khó khăn. Tâm ta sẽ trở nên thư thái, dễ chịu. Do vậy, bắt đầu thực tập hơi thở có ý thức là bắt đầu có sự chữa trị những tật bệnh nơi thân và nơi tâm.


Tặng người và tặng chính mình những nụ cười dễ thương


Người biết cười là người biết nghệ thuật sống vui. Hẳn nhiên không phải chỉ có nụ cười mới tạo nên nghệ thuật sống vui. Nhưng nó là công cụ rất đắc lực giúp cho đời sống mỗi người thêm đẹp. Một ánh mắt, cái nhìn kèm theo nụ cười dễ thương luôn tạo được thiện cảm. Ta đang mơ màng, phiêu lãng, nụ cười ý thức giúp ta quay về hiện tại, quay về với chính ta. Nụ cười ý thức là niềm vui, là tình thương, là hạnh phúc.


Nếu nụ cười kết hợp với hơi thở ý thức thì nụ cười sẽ thật hơn, nhẹ nhàng hơn và bền bỉ hơn. Nụ cười như vậy làm ta vui lên lập tức. Những căng thẳng trên khuôn mặt được thư giãn, những nếp nhăn trên trán được xoa dịu. Những phiền muộn trong tâm được vơi bớt. Nếu ta thường xuyên đem tặng nụ cười ấy cho những người thương của mình, những người xung quanh mình thì chắc chắn khoảng cách giữa ta và người sẽ được rút ngắn lại.


Ưu phiền rơi rụng trên từng bước chân


Chư tổ có dạy: “Bộ bộ thanh phong khởi” (từng bước gió mát dậy). Đi như vậy là phép thiền hành. Ta gởi hết những thương yêu và chú ý tới mỗi bước chân nên tâm ý ta ngưng tụ lại, vì vậy ta có mặt thật sự trong giây phút hiện tại. Ta tiếp xúc được với bao điều mầu nhiệm có công năng làm mới thân tâm, nuôi dưỡng hạnh phúc.


Bước từng bước vững chắc, có giá trị như những dấu ấn của vị quốc vương. Bước đi như có gió mát trỗi dậy trên từng bước chân, bao nhiêu phiền luỵ rơi rụng hết. Bước đi như một người tự do, không bị ma quá khứ, tương lai rượt đuổi, lôi kéo. Thực tập bước đi vậy là đang thực tập làm mới.


Hàn gắn vết rạn nứt giữa ta với người


Vết rạn nứt trong quan hệ giữa ta với người muốn được hàn gắn, trước tiên cần chữa lành được những vết thương trong tâm hồn của chính mình. Nếu cố gắng chạy chữa cho mối quan hệ giữa ta với người trong khi bệnh của ta chưa khỏi thì chỉ hoài công mà thôi.


Như vậy, chúng ta có thể hiểu về cách làm mới là thực tập nhìn lại tình trạng của mình và mối liên hệ giữa mình và người thân để có thể hoá giải  buồn giận, phá tan mây mù của sự hiểu lầm, đem hạnh phúc trở về. Mỗi tuần ta nên làm mới một lần, dù giữa ta và người kia không có vấn đề với nhau.


Làm mới cũng là một hình thức của sự thực tập sám hối, cần đến tâm thành khẩn và ý chí thực tập để chuyển đổi tình trạng.


Sự thực tập làm mới dễ nhất là làm mới giữa hai người. Nếu thấy hơi khó khăn thì mời thêm người thứ ba, một người mà cả hai bên đều thương kính và tin cậy. Đó có thể là một thầy, một sư cô hay một người bạn tu. Làm mới cũng có thể thực hiện trong một nhóm tăng thân nhiều người.


Trong thời gian làm mới, ai cũng thực tập theo dõi hơi thở và sử dụng phép lắng nghe. Chỉ khi nào được mời ta mới chắp ta xá và mở lời mà thôi. Khi nói ta phải sử dụng ái ngữ, nghĩa là lời nói dịu dàng, trầm tĩnh không lên án, không trách móc. Đây là quá trình thực tập:


Tưới hoa: Trong phần này ta nhắc đến những điểm tích cực và dễ thương của người đối diện. Đây không phải là nói nịnh để làm lớn sự tự hào, tự phụ của người kia, mà là để giúp người kia có thêm đức tin nơi chính bản thân họ và do đó sẽ cố gắng phát triển những điểm tích cực ấy, những điểm có thể tạo dựng hạnh phúc cho tự thân và kẻ khác.


Tự tỉnh: Trong phần này ta tự nói về những thiếu sót của chính ta, những lúc ta thiếu chánh niệm và vì vậy đã vụng về nói những lời hoặc có những cử chỉ đã có thể làm buồn lòng người khác. Ta hứa sẽ thực tập khá hơn trong những ngày sắp tới để không còn lặp lại những vụng dại vừa qua.


Nói lên niềm đau: Trong phần này ta có thể nói lên niềm đau của ta, niềm đau mà ta ngỡ rằng đã được phát sinh do một lời nói hay một cử chỉ của người khác. Ta có thể thêm rằng vì sự thực tập của ta còn kém nên ta còn dễ buồn dễ giận như vậy và ta mong người kia yểm trợ ta trong sự thực tập, lần sau xin đừng nói và đừng làm như thế.


Thực tập lắng nghe: Khi nghe người kia nói lên niềm đau, ta có thể nghĩ rằng người ấy có tri giác sai lầm và đã tự làm khổ mình, chứ ta không hề có ý làm cho người kia khổ. Tuy nhiên ta không nên đính chính ngay để biến giờ làm mới thành một cuộc tranh luận.


Ta chỉ nên học cách lắng nghe của bồ tát Quán Thế Âm, nghe với tâm từ bi, và cho người kia biết rằng ta đã lắng nghe và ghi nhận những điều người ấy nói và ta nguyện sẽ chiêm nghiệm và nhìn kỹ lại những gì đã xảy ra. Sau đó, ta tìm cơ hội tới với người đó để giúp cho họ thấy được rằng họ đã có nhận thức sai lầm.


Nếu ta thấy được sự vụng về và lầm lỡ của ta thì ta phải lập tức gọi điện thoại hoặc viết thư xin lỗi và hứa thực tập hay hơn trong những ngày tới. Hạnh phúc của tăng thân tuỳ thuộc rất nhiều nơi khả năng lắng nghe và ái ngữ của ta.