Trang chủ Văn học Tùy bút Chánh niệm giữa mùa lụt

Chánh niệm giữa mùa lụt

65

Người Huế vốn tình cảm dạt dào, đi thì nhớ ở thì thương. Hơn nữa cùng là người làng đồng hương và đồng đạo trong cái thời no đói cực khổ có nhau, nên nhiều bà con dân làng cũng là đạo hữu Phật tử lớn tuổi đã nếm đủ mùi cực khổ của những mùa “lụt lội” đã giúp nhau vượt những mùa lụt nên dù họ đi đâu, ở đâu mỗi khi nghe tin quê hương lụt lội là đều rất lo lắng.


Nỗi ám ảnh của cuộc sống nghèo khó nơi những miền quê Thừa Thiên, Quảng Trị cơm không đủ ăn áo không đủ mặc. Có người còn kể lại rằng: “Tôi nhớ hoài cái cảnh mấy mạ con tôi ngồi trên tra đói xỉu đến toát mồ hôi nhớt đợi ba sắp nhỏ chống bè chuối đi xin cơm hàng xóm mà thương quá”.


Cái thời mà tuổi trẻ hồn nhiên của họ sinh sống trong những làng quê êm đềm nhưng đã bị khốn khó với miếng cơm manh áo. Thời mà họ phải sống trong những ngôi nhà tranh tre tạm bợ thấp lè tè sau những lũy tre của những ngôi làng âm u chưa mưa đã lụt, chưa gió đã bay tung tóe… làng trên xóm dưới chỉ qua một đêm mưa to gió lớn là sáng ra đã thấy ruộng đồng nhà cửa nước tràn lai láng. Người người kêu nhau ơi ới giữa mưa gió bão bùng, tay xách nách mang những đứa con, đứa cháu lên chùa tránh lụt chỉ bằng những chiếc bè chuối mỏng manh đã ám ảnh cả đời dân làng quê.


Thời ấy, trong các làng quê chỉ có những ngôi chùa làng mới có được cái nền đất cao, nước lụt ít khi ngập vào nên bà con dân làng thường “chạy lụt” lên chùa, có khi bà con leo lên đến điện Phật, ngồi chung với Phật trên bệ thờ. Cứ sau mỗi cơn lụt là tứ chi Phật sứt gãy, lấm lem bùn, nhưng các cụ, các bác trong khuôn hội vẫn lấy làm vui, bởi chùa, Phật đã cưu mang được dân làng thoát qua một cơn lụt lội an lành.


Bây giờ mỗi khi có dịp về quê trúng vào mùa lụt, thấy cảnh lụt lội của làng quê bây giờ thấy đỡ lo hơn. Nhìn những đứa cháu gọi nhau ơi ới ngoài đường rủ nhau đi lội lụt mà nhớ cái thời cha mẹ mình cực khổ vật lộn với nước lụt quá.


Thế hệ tuổi trẻ bây giờ được sinh ra và lớn lên sau khi đất nước đã đổi thay, nhà cửa đã được xây cao và bền vững, lương thực, gạo cơm no đủ chúng chỉ biết ăn biết chơi, mỗi khi mùa lụt về là chúng lại rủ nhau đi “lội lụt”.


Khắp các nẻo đường trên, ngõ dưới từng đoàn từng tốp dù xanh dù đỏ nối nhau lội lụt bì bà bì bõm qua những con đường làng, đường thôn ngập tràn nước bạc mà nhớ cái thời mẹ cha âu lo cho mình mỗi khi lụt về.


Lụt lội ở làng quê vì vậy mà đã đi vào ca dao “tháng Bảy nước nhảy lên bờ” báo hiệu cho một mùa lụt bắt đầu với những làng quê, người dân quê theo đó mà có sự chuẩn bị tinh thần để… đón lụt. Cứ mỗi lần ra đường nghe các cụ hỏi nhau “nước bạc xỉa chưa?” là chắc chắn đã có lụt về.  Nước bạc xỉa là nước từ các sông tràn vào ruộng vườn, đường sá…Và kết thúc mùa lụt cũng bằng câu ca dao “ông tha mà bà chẳng tha, làm cho cái lụt hăm ba tháng Mười”.


Hàng năm làng quê miền Trung cứ vào những ngày cuối tháng 10 âm lịch là thấp thỏm lo sợ một cái lụt to, bởi đó là cái lụt “khóa chốt” của cả mùa lụt lội nên thường rất to.


Bởi vậy mỗi năm khi mùa lụt về là người ta rộn lên một tâm trạng bâng khuâng rất khó tả. Người dân làng quê bây giờ mỗi khi mùa lụt về không còn cảnh “chạy lụt” lên chùa nữa nhưng họ vẫn giữ thói quen lên chùa mỗi khi mùa lụt về để thắp nén hương cầu nguyện Phật Tổ gia hộ cho họ có thêm nghị lực vượt qua mùa lụt mới…