THÀNH PHẦN VÀ MỤC ĐÍCH
Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo thế giới lần thứ năm đã diễn ra tại Hyogo, thành phố Kobe, Nhật Bản, từ ngày 1-5 tháng 11 năm 2008, trong không khí của mùa thu an bình và thanh lương. Hội nghị đã đón nhận sự tham dự của trên 300 đại biểu lãnh đạo Phật giáo thế giới đến từ 33 quốc gia thành viên và 10,000 Phật tử của Niệm Phật tông, Nhật Bản.
Chủ đề của hội thảo lần này là: “Bình minh của nền văn minh tâm linh” (The dawn of spiritual civilization) nhằm đánh dấu sự có mặt của Phật giáo ở châu Phi trong gần thập niên gần đây, đồng thời khẳng định trụ sở Phật giáo thế giới cần thiết lập để điều hành Phật sự toàn cầu.
Phật tử Nhật Bản chào mừng Hội nghị
Lãnh đạo các quốc gia gồm có thái thượng hoàng Norodom Sihanouk và mẫu hậu Norodom Monineath Sihanouk, thủ tướng Tích-lan Ratnasiri Wickramanayaka, vua vương quốc Tooro – Uganda, Oyo Nyimba Kabamba Iguru Rukidi IV, mẫu hậu Best Kemigisa Akiiki và các thành viên hoàng gia, thủ tướng Uganda W.R. Nyakatura, cựu tổng thống Mông Cổ Natsagiin Bagabandi và phu nhân, cựu thủ tướng Malaysia Mahathir bin Mohammad và phu nhân, cựu thủ tướng Lào Sisavath Keobounphanh, công chúa Bhutan Ashi Dechan Wangchuck; phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Hoàng gia Cambodia Kong Som Ol.
Ngoài ra còn có các bộ trưởng Tín ngưỡng và Tôn giáo Cambodia Khun Haing, bộ trưởng bộ giáo dục Lào Somkot Mangnomek, bộ trưởng giao thông Malaysia Datuk Ong Tee Keat, Bộ trưởng tôn giáo Tích Lan Pandu Bandaranaike, bộ trưởng bộ Giáo dục, cố vấn tổng thống và thủ tướng Tích Lan, cố vấn chủ tịch quốc hội Thái lan Montri Tantavirat, bộ trưởng Tư pháp Uganda Rukidi-Mpuga Esp, trưởng ban tôn giáo chính phủ Việt Nam Nguyễn Thế Doanh và nhiều viên chức chính phủ của các quốc gia thành viên.
Về cấp đại sứ các quốc gia tại Nhật Bản có đại sứ Bangladesh, Cambodia, Ấn-độ, Lào, Mông Cổ, Nepal, Tích-lan, Thái Lan, Uganda và đại sứ Việt Nam Nguyễn Phú Bình.
Đoàn GHPGVN do HT. Thích Chơn Thiện làm trưởng đoàn. Đi cùng đoàn còn có HT. Thích Giác Toàn, HT. Thích Giác Quang, TT. Thích Bảo Nghiêm, GS. Lê Mạnh Thát, ĐĐ. Thích Đức Thiện, CS. Trần Tuấn Mẫn và chúng tôi Thích Nhật Từ.
HT. Thích Chơn Thiện – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN (hàng trên, bên phải ngoài cùng)
Đoàn chính phủ do ông Nguyễn Thế Doanh làm trưởng đoàn. Đi cùng đoàn còn có đại diện văn phòng chính phủ, bộ ngoại giao, vụ Phật giáo, vụ quan hệ quốc tế thuộc Ban tôn giáo Chính phủ.
Mục đích của Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo thế giới lần này là nhằm tìm giải pháp Phật giáo cho các vấn nạn toàn cầu và quốc gia, cầu nguyện thế giới hoà bình và phát triển bền vững, tái khẳng định sứ mệnh hoà hợp, đoàn kết các trường phái và tông môn Phật giáo thế giới, chia sẻ những kinh nghiệm nhập thế của Phật giáo trong thời hiện đại và phát triển dân số Phật tử ở các châu lục, đặc biệt là châu Phi, châu Mỹ và châu Âu.
Trong bài thuyết trình chính, HT. TS. Kyuse Enshinjoh, Chủ tịch sáng lập Thượng đỉnh Phật giáo, đã tha thiết kêu gọi: “Vương đường của Phật giáo thế giới được xây dựng như trung tâm tâm linh thế giới cho hơn 370 triệu tín đồ Phật giáo khắp năm châu bái viếng và tu học. Đã đến lúc tất cả chúng ta, những nhà lãnh đạo Phật giáo thế giới, nối kết tâm lực phá vỡ các rào cản trong các truyền thống, nhằm mang lại hòa bình đích thực cho tất cả chúng sinh. Hãy đứng dậy cùng nhau, với mục đích tạo nên sự kết tập mới Phật giáo trong thế kỷ 21, nỗ lực hoàn thành sứ mệnh được Phật truyền trao cho tất cả chúng ta.”
Lãnh đạo Phật giáo thuộc 33 nước thành viên và lãnh đạo của chính phủ đã lần lượt chia sẻ mối quan tâm của mình về các vấn đề xã hội mà sự đóng góp của Phật giáo được xem là nhu cần bức thiết, không thể thiếu.
Đại diện GHPGVN, HT. Thích Chơn Thiện kêu gọi nâng cao thẩm quyền của Thượng đỉnh Phật giáo thế giới để đảm bảo tính hiệu quả trong các hoạt động Phật sự của Thượng đỉnh, bên cạnh các hoạt động hoằng pháp theo phong cách hiện đại hoá, đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhân loại.
Trong bài phát biểu của mình, GS. Lê Mạnh Thát đề nghị cần thành lập tổ chức Phật giáo thế giới để giám sát và ứng dụng tinh thần của thông cáo chung của Thượng đỉnh tại 33 quốc gia thành viên và những nơi có sự hiện diện của PG.
Theo giáo sư, mỗi quốc gia cần thành lập một tổ chức Phật giáo “mẹ” đại diện các trường phái Phật giáo trong nước, nhằm khẳng định tiếng nói chung nhất của Phật giáo trong từng quốc gia và các vùng lãnh thổ. Đồng thời phải quan tâm đào tạo các kỷ năng hiện đại để các nhà truyền giáo Phật giáo có thể sử dụng các dữ liệu văn hóa, văn học, kiến trúc và nghệ thuật quốc gia trong việc truyền bá đạo Phật hiệu quả hơn.
Mặc dù các lãnh đạo Phật giáo ở 33 quốc gia chưa thống nhất trong việc hình thành một tổ chức hành chánh quốc tế, điều hành các Phật sự toàn cầu như Thiên chúa giáo, tại Hội nghị thượng đỉnh PG lần này, tất cả đang hướng về mục đích đó trong tương lai gần, với ý thức rõ rằng việc thiết chế hóa hành chính Phật giáo trong cơ chế quản trị quốc gia và toàn cầu sẽ làm cho đạo Phật phát triển vững mạnh hơn, phục vụ được nhiều người hơn và kết quả dấn thân sẽ cao hơn.
KHÁNH THÀNH VƯƠNG ĐƯỜNG PHẬT GIÁO
Bắt đầu chuỗi các sự kiện trọng đại của Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo thế giới là lễ khánh thành Vương đường Phật giáo, diễn ra vào ngày 1-11-08. Đến tham dự lễ khánh thành về phía giáo hội Phật giáo thế giới gồm có các đức tăng thống, chủ tịch giáo hội và lãnh đạo Phật giáo của 33 nước thành viên.
Vương đường đạt kỷ lục Guinness này là công trình kiến trúc vĩ đại, được xây dựng trong vòng 7 năm, với sự đóng góp của 3 triệu 500 ngàn nghệ nhân của Trung Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản.
Với quần thể kiến trúc gồm nhiều tòa và đường trải dài trên diện tích gần 50 mẫu, bao bọc bởi núi đẹp, Vương đường này thể hiện được sự hoà hoà giữa nét kiến trúc vương điện cổ xưa và phong cách hiện đại. Vương đường được xây dựng trong mãnh đất bao bọc bởi dãi núi 8 ngọn như hoa sen, mà người dân địa phương thường gọi là thung lũng rắn vì sự hiện hữu quá nhiều của loài bò sát này.
Ngoài các điện thờ, trung tâm của Vương đường Phật giáo là tòa kiến trúc tam gian, chính giữa là Chính điện nguy nga lộng lẫy, có trên 100 bức phù điêu bằng gồm quý với những hoa văn và hoạ tiết đặc sắc, toà bên trái thờ các đức Phật theo phong cách kiến trúc của các quốc gia thành viên và toà bên phải thờ đại tạng kinh của các quốc gia Phật giáo.
Tiếng niệm Phật trầm hùng đã ngân vang, chuông bát-nhã thúc giục liên hồi, lễ sái tịnh và tụng kinh khai vương đường đã diễn ra trong không khí trang nghiêm với ba nghi thức Pali, Mật tông và Đại thừa Nhật Bản, đánh dấu sự vương dậy của nền văn minh tâm linh Phật giáo ở thế kỷ 21.
Trong bài phát biểu khai mạc, Hoà thượng giáo phẩm Niệm Phật tông Shinkai Kori khẳng định rằng vương đường này được xây dựng làm trung tâm Phật giáo thế giới, có tầm vóc hoạt động theo dự kiến như Vatican của Thiên chúa giáo và Mecca của Hồi giáo.
KHÁNH THÀNH TRUNG TÂM HỘI THẢO PHẬT GIÁO QUỐC TẾ
Trung tâm Hội thảo Phật giáo quốc tế mang tên thái thượng hoàng Norodom Sihanouk của Cambodia đã được khánh thành vào chiều ngày 1-11-08, một mặt tán dương tấm gương Phật tử của đức vua trong việc quản trị quốc gia theo tinh thần Chuyển Luân Thánh Vương, mặt khác, thiết lập nhịp cầu hoằng pháp của các lãnh tụ Phật giáo trên khắp thế giới, cùng chia sẻ kinh nghiệm, cũng như những khó khăn và thuận lợi trong sứ mệnh giới thiệu chân lý Phật pháp đến với nhân loại.
Thái thượng hoàng Norodom Sihanouk chia sẻ nỗi xúc động: “Vương quốc Cambodia là nước Phật giáo từ nền tảng. Văn hoá Khmer và kho tàng di sản vương triều Khmer cũng chính là văn minh Phật giáo. Các tiên đế của đất nước và và tôi đã sống theo nguyên lý Phật giáo. Khi nhìn lại 86 năm sống trên cõi đời này, tôi có thể nói từ đáy lòng mình rằng tôi rất hạnh phúc được làm một Phật tử. Tôi tiếp tục mong mỏi được sống theo lời Phật trong quãng đời còn lại của mình.”
Theo ông, nhờ quản trị quốc gia theo tinh thần Phật giáo, vương quốc Cambodia đã đạt được sự hoà giải dân tộc và sự vững mạnh, hoà bình và hoà hợp.
LỄ ĐỘNG THỔ XÂY DỰNG ĐẠI HỌC NALANDA
Gắn liền với hội nghị thượng đỉnh Phật giáo thế giới, nổi bật là lễ động thổ xây dựng trường đại học Phật giáo Nalanda, theo mô hình và nội dung của trường đại học Phật giáo đầu tiên trên thế giới. Trong tương lai gần, trường đại học này là viện giáo dục Phật giáo quốc tế, nhằm truyền trao kiến thức Phật pháp theo phương pháp luận hiện đại, hài hòa với truyền thống của Phật giáo Nam tông, Bắc tông và Kim cang thừa.
Trong thời cổ đại, đại học Nalanda của Phật giáo Ấn-độ là trường đại học lớn nhất thế giới, đã từng đào tạo hằng nghìn nhân sĩ Phật giáo về các lãnh vực truyền thống và nhập thế của Phật giáo.
Trong tương lai, trường đại học này sẽ là nơi đào tạo và cung cấp nhân tài hoằng pháp Phật giáo khắp toàn cầu, nhằm đáp ứng nhu cầu tu học của nhân loại trong thế kỷ 21.
HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH PHẬT GIÁO TẠI VIỆT NAM
Với sự nối kết tại Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc 2008 tại Hà Nội vừa qua, thay mặt chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm và GS Lê Mạnh Thát đã có buổi làm việc với Thượng tọa tổng thư ký Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Fujikura và đã chính thức gửi công hàm đề nghị Hòa thượng Tiến sĩ Kyuse Enshinjoh, chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo, ủng hộ Việt Nam làm nước đăng cai tổ chức Thượng đỉnh PG năm 2010 nhằm chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.
Sau khi Thượng tọa Tổng thư ký Fujikura báo cáo tổng kết các hoạt động chính của Thượng đỉnh, trong lễ bế mạc, ông Trưởng ban TGCP Nguyễn Thế Doanh, đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Phú Bình và Hòa thượng Thích Chơn Thiện đã thay mặt chính phủ VN và PGVN tiếp nhận đăng cai Thượng đỉnh Phật giáo thế giới lần thứ 6 tại Hà Nội.
Những tràng vỗ tay liên hồi đã kéo dài gần 3 phút, khi chủ tịch tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo tuyên bố Thượng đỉnh Phật giáo lần 6 sẽ được tổ chức tại Việt Nam, để lại những ấn tượng tốt đẹp về đất nước và Phật giáo Việt Nam.
TUYÊN BỐ CHUNG
Sau một thập niên thành lập, Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo thế giới đã đạt được mục đích đoàn kết các giáo hội Phật giáo trên thế giới cho mục đích hoằng truyền Phật pháp, mang lại lợi lạc cho chúng sinh, tại Thượng đỉnh lần này, lãnh đạo Phật giáo tại 33 quốc gia thành viên đã nhất trí thông qua nghị quyết gồm các nội dung chính:
a) Thượng đỉnh Phật giáo là sứ mệnh hoằng pháp trong thời hiện đại, nhằm phục hưng và truyền bá Phật giáo hữu hiệu hơn.
b) Giá trị chân lý trong các truyền thống Phật giáo là nền tảng tâm linh cần thiết cho các quốc gia và con người nói chung, nhưng việc cống hiến chúng đến mọi người đòi hỏi trí tuệ phương tiện trong sự thích nghi và hiện đại hóa.
c) Khích lệ hành trì tâm linh như con đường chuyển hóa nỗi khổ niềm đau, xây dựng một niết-bàn tại thế.
d) Xây dựng các trung tâm giáo dục Phật giáo là nền tảng cần thiết để Phật giáo được phổ biến rộng rãi, sâu sắc và hiệu quả hơn.
CẦU NGUYỆN HÒA BÌNH THẾ GIỚI
Sau lễ bế mạc Thượng đỉnh Phật giáo, từ ngày 6-9 tháng 11 năm 2008, lãnh đạo Phật giáo tại 33 quốc gia đã lên tàu Venus Cruise rời cảng Kobe đến Hiroshima và Nagasaki làm lễ cầu nguyện hòa bình thế giới, đánh dấu kỷ nguyên mới của văn minh tâm linh, xóa bỏ hận thù, chuyển hóa xung đột, kêu gọi hòa bình và thiết lập tình hữu nghị giữa con người với con người.
Thế chiến thứ nhất đã cướp đi mạng sống của 26 triệu người. Thế chiến thứ hai đã tạo ra cảnh sinh ly tử biệt đối với 53 triệu người vô tội. Nhật là một trong ba quốc gia (hai nước còn lại là Đức và Ý) đã tạo ra sự tang thương trong thế chiến này.
Lễ cầu nguyện hòa bình gồm có hai phần. Phần cầu siêu cho các nạn nhân chiến tranh, bất luận chính hay tà, từ ý thức hệ nào, giúp các hương linh giủ bỏ hận thù, siêu sinh tịnh độ. Phần cầu nguyện người sống được sống an lành, không còn chiến tranh, xóa bỏ ranh giới xung đột, góp phần chia sẻ niềm vui và hạnh phúc của kiếp người.
Ước nguyện có được cuộc sống hòa bình và an vui là ước muốn bản năng của con người, cần được tôn trọng. Trong khi một số tôn giáo nhất thần khích lệ thánh chiến dưới nhiều hình thức, Phật giáo là tôn giáo khích lệ và truyền bá hòa bình trên tinh thần “chiến thắng chính mình là chiến công oanh liệt nhất” đã được các lãnh tụ Phật giáo nhấn mạnh như kim chỉ năm của văn minh tâm linh.
Nếu hận thù không thể dập tắt hận thù một cách dứt điểm thì lòng từ bi dưới sự đạo diễn của trí tuệ sẽ là giải pháp nhổ tận gốc chiến tranh và hận thù, theo tinh thần Phật giáo. Tiếng tụng kinh và niệm Phật thuộc các truyền thống tâm linh Phật giáo khác nhau với các ngôn ngữ khác nhau đã truyền sức mạnh từ bi đến với hành tinh này, để cầu mong mọi loài và mọi người được sống hạnh phúc trong thái bình và phát triển bền vững.
Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo thế giới và các hoạt động cầu nguyện hòa bình đã kết thúc sau 10 ngày làm việc. Tinh thần của nó vẫn còn đọng lại trong tâm thức của mỗi người, như nguồn năng lượng tâm linh bất tận, hỗ trợ người con Phật trên con đường hoằng pháp lợi sinh, cứu khổ ban vui, theo phương pháp nhập thế hiện đại, để đáp ứng nhu cầu đạo đức và tâm linh đa dạng của con người. Mong sao tinh thần nhập thế này sẽ là nguồn động lực chính của Tăng Ni và Phật tử khắp thế giới, góp phần truyền bá thông điệp hòa bình, từ bi, trí tuệ, hạnh phúc và chuyển hóa đến với mọi loài và mọi người.
Mong mỏi từ Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo quốc tế lần V Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Ban Ki-moon “Lời Phật dạy về tôn trọng, khoan dung và từ bi có nhiều điểm chung với Liên Hợp Quốc. Dù hơn 2500 năm đã trôi qua, các khái niệm của Phật giáo soi sáng nguyên lý tương thuộc của mọi sự vật, cần được áp dụng vào các thách đố mà chúng ta đang đối diện trong thế giới toàn cầu hóa, nơi mà các vấn đề vượt khỏi biên giới của các quốc gia và giải pháp cho các vấn nạn đó cần được giải quyết bằng nỗ lực tập thể của tất cả quốc gia.” Thái thượng hoàng Norodom Sihanouk “Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo thế giới là bước diễn tiến có ý nghĩa nhất trong việc truyền bá đạo Phật trong thời hiện đại.”
Thủ tướng Tích-lan Ratnasiri Wickramnayaka Các nước Phật đang đối diện với nhiều thách đố và do vậy nhu cầu hiển nhiên là là chúng ta phải thiết chặt sự hợp tác giữa các nước Phật giáo để giúp đỡ lẫn nhau.
Cựu tổng thống Mông Cổ, Natsagiin Bagabandi Như cây bồ-đề có nhiều nhành nhưng chỉ có một thân cây và gốc rễ. Tương tự, chúng ta là Phật tử từ mọi miền của thế giới, cùng có gốc rễ tâm linh từ lời dạy của Phật, nguồn chân lý vĩ đại với tuệ giác, từ bi vì hạnh phúc cho con người. Cựu thủ tướng Malaysia, Tiến sĩ Mahathir bin Mohammad Vương đường Phật giáo thế giới sẽ đóng vai trò thống nhất và truyền bá thông điệp về các giác trị Phật giáo cho giới trẻ. Nó sẽ là nơi mà mọi người có thể chia sẻ kinh nghiệm và đón nhận các lời khuyên minh triết để sống trọn vẹn và an lành. Cựu thủ tướng Lào, Sisavath Keobounphanh Tôi đánh giá cao các nỗ lực không mệt mỏi của HT chủ tịch sáng lập Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo thế giới, nhằm thống nhất các lãnh đạo Phật giáo thế giới, thiết chặt tình hữu nghị giữa Phật tử các nước, góp phần truyền bá Phật pháp và giúp cho con người hiểu và hợp tác trong việc thiết lập hòa bình, hạnh phúc và thịnh vượng cho nhân loại. Vua vương quốc Tooro, Oyo Nyimba Kabamba Iguru Rukidi IV Là người kế thừa tiên vương, tôi tuyên bố cam kết ủng hộ sự hoằng truyền Phật giáo tại châu Phi, Uganda và vương quốc của tôi, Tooro. Gia đình tôi đặc biệt là các vị tiên vương tôi nỗi tiếng là người truyền bá tôn giáo tại châu Á. Lịch sử đã được lập lại. Đến thời đại của tôi, Phật giáo là sứ mệnh và trách nhiệm của tôi. Thủ tướng vương quốc Tooro, w. R. Nyakatura Thật là một diễm phúc khi tôi nhận chân được rằng Phật giáo có những giáo nghĩa đánh giá trị về hòa bình thế giới và hạnh phúc của con người như chính chúng ta có. Đại đức Buddarakkhita, Trưởng đoàn PG Uganda Phật giáo có mặt tại vương quốc Uganda, châu Phi do công của đại đức Buddharakkhita vào tháng 4-2005. Số lượng Phật tử từ từ gia tăng từ năm người đầu tiên, trong đó có mẹ và người thân của tôi. Từ năm 2006 đến nay, chúng tôi đã có được 100 người quy y Tam bảo. Tôi đang nỗ lực mời gọi các nhà hoằng pháp đến nước tôi để giúp cho dân tộc tôi bớt khổ, từ vật chất lẫn tinh thần. Công chúa Bhutan, Ashi Dechan Wangchuck Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo đã đóng góp lớn trong việc phổ biến Phật pháp và tạo nên sự hiểu biết và tình thân hữu giữa các truyền thống Phật giáo khắp toàn cầu. Tăng thống Bangladesh, HT. Dharmasen Mahathero “Tôi tha thiết kêu gọi chư tôn đức lãnh đạo Phật giáo, quý quan khách và toàn thể Phật giáo đồ hãy thống nhất dưới giáo pháp Phật và các công tác Phật sự, vì lợi ích, thịnh vượng và hạnh phúc của nhân loại.” Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó chủ tịch GHPGVN Thông qua Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo, tôi mong rằng lãnh đạo Phật giáo thế giới sớm thành lập một hình thái “Liên Hợp Quốc Phật giáo” để điều hợp các Phật sự toàn thế giới, với những chiến lược phát triển, với kế hoạch hỗ trợ các quốc gia chưa có đạo Phật được tiếp nhận giáo pháp Phật để sống hạnh phúc hơn. Thượng tọa Homero Sunantho, Trưởng đoàn PG Brazil Phật giáo đang được đón nhận tại Brazil. Người không có tín ngưỡng Phật giáo vẫn xem đạo Phật là cái gì đó gắn liền với hòa bình và sự tích cực. . . Brazil cần nhiều Tăng Ni, tự viện và các nhà hoằng pháp. Dù biết là một ước mơ không thể thành hiện thực, tôi vẫn mong sao cho đất nước tôi trở thành nước Phật giáo, giúp cho quần chúng tại đây hiểu và hành trì Phật pháp để giải phóng khổ đau. Tăng thống phái Đại chúng của Campuchia, HT. Tep Vong Chúng ta quy tụ về đây dưới danh nghĩa và vì hơn 370 triệu tín đồ Phật giáo trong thế giới chúng ta ngày nay. Vì họ, với họ, chúng ta sẽ không bao giờ đơn độc trên hành trình. Chúng ta vân tập vì sự lợi lạc của mọi người, bất luận tín ngưỡng hay truyền thống tâm linh mà họ đang theo. Thượng tọa Brahmavamso, Cố vấn tinh thần Trung tâm Phật giáo Tây Úc “Cộng đồng Phật giáo tại châu Úc đã bắt đầu hình thành “Giáo hội Phật giáo Úc châu” (đại diện cho các trường phái chính Phật giáo, đại diện cho tăng ni và Phật tử Úc châu), bên cạnh “Tổng hội các Hội đồng Phật giáo Úc châu”, theo cách hình thành các tổ chức cao nhất, cất tiếng nói đại diện mối quan tâm của Phật giáo Úc châu trong sự tương tác với chính phủ, phương tiện truyền thông và những điều quan trọng khác.” Thượng tọa Zarko Andricevic, Trưởng đoàn PG Croatia Croatia là một tiểu quốc với dân số 4,5 triệu người, được hình thành từ sự tách rời khỏi nước Yugoslavia. Trở thành Phật tử tại nước này với Thiên chúa giáo ngự trị, không phải là vấn đề ngược lại với truyền thống tôn giáo, lại càng không phá vỡ tinh thần yêu nước. Thượng tọa Tae Hye Sunim, Trưởng đoàn PG Phần Lan Phần giáo tại Phần Lan còn non trẻ. Từ một hội Phật giáo đầu tiên được thành lập tại đây vào năm 1947, nay chúng tôi đã có hơn 20 nhóm Phật giáo. Phật giáo là khoa học về đời sống. Phật giáo không mâu thuẫn với kiến thức khoa học. Phật giáo giúp ta sống tích cực hơn, có ý nghĩa hơn và hạnh phúc hơn. Thượng tọa Raffaello Longo, Chủ tịch Liên đoàn PG Ý Trước khi đến với đạo Phật, chúng tôi có gốc rễ đạo Thiên chúa và Tin lành, vốn gắn liền với nhiều niềm tin mê tín và không có sự hành trì đích thực và liên tục. Phật giáo dạy ta quan tâm đến vấn nạn về sự hiện hữu của con người. Đến lúc nào nỗi khổ của sinh, già, bệnh, chết vẫn còn, sự quan tâm đó vẫn phải còn tiếp tục. Thượng tọa Tiradhammo, Trưởng đoàn PG New Zealand Tôi đến với đạo Phật trong bối cảnh văn hóa khi tham quan Tích Lan và Thái Lan, như một phần của nghiên cứu hiện trường khi còn là sinh viện đại học. Theo tôi, giáo pháp Phật nỗi bật hơn bất kỳ sự mô tả văn hóa nào. HT. Jamyang Tashi Dorje , Trưởng đoàn PG Tây Ban Nha Trong những năm qua, dù gặp nhiều khó khăn, chúng tôi đã mở rộng Phật pháp ở Tây ban nha. Chúng tôi đã thành lập được 2 trung tâm chính và 60 chi nhánh khắp nước. Trong vòng một thập niên qua, nhờ sự phát tâm của các tín chủ, nhờ sự năng nỗ của tăng ni, chúng tôi đã truyền Phật pháp đến với lục địa Nam Mỹ, và đã thành lập được các trung tâm Phật giáo tại các thủ đô Bolivia và Peru. |