Tuy nhiên, với nhiều du khách của chuyến đi, cảnh đẹp, ngọn gió biển trong lành, mát mẻ và tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn tuyệt đẹp nằm trên đỉnh núi chỉ là sự khởi đầu cho một chuyến hành trình vào nội tâm.
Tranh thủ nghỉ lễ 1/5, chúng tôi rủ nhau đi Phan Thiết để có thể ghé qua Tá Cú để tham quan tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn lớn nhất Đông Nam Á nằm trên đỉnh núi. Ngoài hành lý thông thường cho một chuyến đi hai ngày, tụi tôi mỗi đứa sắm sửa một chiếc ba lô nhỏ, trong đó nhét nào là nón, dù, áo khoác và nước uống vì bị “đe” rằng đi vào mùa này thì phải leo núi khi trời rất nắng. Leo núi khi trời rất nắng, ôi trời, quả là một sự thử thách!
Tuy nhiên cả ngày chúng tôi đi trời hoàn toàn an râm rát. Cả bọn hồ hởi bảo nhau rằng chắc là do lòng thành nên được chư Thiên và Hộ Pháp phù hộ. Khi xe rẽ vào Tà Cú, trời tự nhiên đổ mưa nhỏ, cả bọn rầu rĩ vì lo rằng mưa lớn mà trút xuống thì giấc mơ lên tới đỉnh Tà Cú vẫn chỉ hoàn là mơ.
Vậy mà khi xe vừa đến tới khu du lịch Tà Cú thì trời tạnh hẳn. Bước xuống xe, cả đám chúng tôi lóa mắt trước cảnh quang hùng vĩ tại đây, chung quanh chúng tôi toàn là núi, trời mênh mông và cây cối xanh tươi, hệt như một bức tranh thủy mạc mênh mông.
Chúng tôi mua vé đi cáp treo rồi leo lên xe điện để đi từ cổng đến ga cáp treo tại chân núi. Trong khi chờ tới phiên mình vào cáp, chúng tôi đứng nhìn mái chùa Linh Sơn Trường Thọ vươn lên từ đám cây xanh trùng điệp trên đỉnh núi xa xa.
Do trời không có nắng nên đã 10g30 mà chùa vẫn còn chìm sau làn mây mù che phủ. Cảnh quan thật lãng mạn, tiếc là cả bọn chẳng đứa nào có tâm hồn thi sĩ, bằng không có kẻ sẽ tức cảnh mà làm thơ ngay lập tức!
Rốt cuộc thì chúng tôi cũng leo vào cáp treo. Tòan cảnh của thành phố trải ra như một bức tranh bên dưới khi cáp treo đưa chúng tôi lên cao. Con sông ngoằn nghèo chảy qua tấm thảm xanh mướt được làm từ những cánh đồng lúa mênh mông và những vùng cây xanh ngắt, rải rác giữa tấm thảm xanh ngát đó là những ngôi nhà mái ngói đỏ thắm.
Thành phố xa dần rồi mất hút khi cáp treo đưa chúng tôi lên cao hơn, xung quanh chúng tôi giờ đây toàn là núi đá mấp mô nằm nối tiếp nhau được bao phủ bởi đủ các loại cây cỏ xanh rì.
Xa xa tận chân trời là những rặng núi xám nhô lên từ biển xanh. Khi cáp treo đến gần đỉnh núi, chúng tôi gần như không còn nhìn thấy gì hết do các đám mây trắng phau bắt đầu xuất hiện dày đặc che chắn tầm nhìn.
Ra khỏi cáp treo, chúng tôi bắt đầu đi bộ qua khu rừng tuyệt đẹp. Anh chàng hướng dẫn viên đẹp trai của chúng tôi nói rằng khu rừng có nhiều cây già hơn trăm tuổi và rất nhiều cây thuốc quý. Để đến ngôi chùa Dưới hay Long Đoàn nằm ở độ cao 400m chúng tôi phải leo hơn một trăm nấc thang, vừa leo vừa thở, may mà trời không có nắng!
Chúng tôi được kể rằng vào giữa thế kỷ 19, nhà sư Trần Hữu Đức (1812-1887) pháp danh Thông Ân, pháp hiệu Hữu Đức, từ Phú Yên vào Bình Thuận dựng một thảo am ở làng Kim Thạnh (Bàu Trâm) vừa tu hành vừa bốc thuốc.
Trước đó, sư đã từng tu tập và góp nhiều công sức chăm lo Phật sự ở nhiều chùa tại Bình Thuận như chùa Cổ Thạch, chùa Linh Sơn (Tuy Phong), Phước Hưng (Phan Thiết) và một số chùa ở đảo Phú Quý.
Năm 1872, nhà sư lên núi Tà Cú xây một ngôi chùa nhỏ để tu hành và phát nguyện không xuống núi nữa.
Đương thời, sư Hữu Đức là một thầy thuốc giỏi. Tương truyền năm Tự Đức thứ 33 (1880), hoàng thái hậu bệnh nặng, các danh y trong nước đều bó tay, chư thần tâu với vua xin rước sư về giúp trị bệnh nhưng sư từ chối về kinh do lời phát nguyện của mình. Để chữa bệnh cho hoàng thái hậu, nhà sư yêu cầu tường thuật lại các triệu chứng của bà để bốc thuốc.
Nhờ uống thuốc của nhà sư, hoàng thái hậu hết bệnh, vua Tự Đức quá đỗi vui mừng nên ban tên cho chùa là Linh Sơn Trường Thọ và phong nhà sư là “Đại lão hòa thượng”.
Đến khi sư Hữu Đức viên tịch, sư Tâm Hiền lập ngôi chùa mới ở phía dưới, sau này gọi là chùa Dưới hay chùa Long Đoàn còn chùa Linh Sơn Trường Thọ là chùa Trên. Chùa Dưới hiện nay đang được xây dựng lại.
Do chùa đang xây dựng nên chúng tôi không ghé vào. Tiếp tục leo lên, chúng tôi đến nơi có bộ tượng tam thế Phật đang đứng trầm tư miên viễn trong thiền định, tượng A Di Đà ở giữa, bên phải là Bồ Tát Quán Thế Âm Bồ Tát, bên trái là Đại Thế Chí, mỗi tượng cao 7 mét.
Chúng tôi dừng lại để đỉnh lễ vị Phật và chư vị Bồ Tát của cõi Cực Lạc. Trong lúc đứng nghỉ chân, lòng chúng tôi bất chợt chợt thanh thản khi nghe tiếng chim hót líu lo vọng ra từ khu rừng xanh ngát mênh mông phía sau các bức tượng. Cực Lạc thế giới là chính nơi này, thật chăng?
Sau đó chúng tôi tiếp tục chuyến hành trình leo lên tới đỉnh. Hiện ra trước mắt chúng tôi là tượng đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn tuyệt đẹp dài 49m cao 10m do điêu khắc gia Trương Đình Ý thực hiện vào năm 1962. Công việc kiến trúc đồ sộ này hoàn toàn dựa vào sức người, không có sự giúp đỡ của máy móc hoặc thiết bị xây dựng, quả thật là một công trình lao động vĩ đại xuất phát từ sự thành tâm.
Tượng Phật nằm quay về bên phải, nụ cười từ bi và thanh thản hiện trên khuôn mặt cao quý của Ngài khiến người tham quan xúc động. Chúng tôi im lặng đứng ngắm đức Thế Tôn trong sự bồi hồi, xúc cảm. Nhiều người tìm cách trèo lên chân của tượng Phật đứng hoặc ngồi trên đó để chụp hình làm kỷ niệm. Mặc cho chúng sinh quấy nhiễu, trên khuôn mặt tự tại của Ngài vẫn luôn nở một nụ cười thầm lặng.
Chúng tôi đang đắm mình trong cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp và thưởng thức ngọn gió mát từ biển thổi lên thì từ bên dưới vọng lên tiếng chuông chùa ngân nga như rửa sạch tất cả mọi phiền não thường ngày của mình.
Trong khoảng khắc đó, chúng tôi lắng lòng lại, dường như quên mọi hối tiếc về quá khứ cũng như các lo toan về tương lai. Chúng tôi hòa mình với thiên nhiên bao la và nhận thức sâu sắc hơn bao giờ hết hạnh phúc thật sự đơn giản chính là sự an lạc trong tâm hồn trong giờ phút hiện tại.
Chúng tôi lạy Phật từ giã để leo xuống núi. Do đi xuống khỏe hơn rất nhiều so với đi lên nên chúng tôi cố gắng quan sát nhiều hơn cốt để ghi nhớ các cảnh đẹp ở hai bên đường. Nhiều đòan người vẫn tiếp tục leo lên.
Đang leo lên các bậc thang một cách chậm rãi, vừa đi vừa nghỉ vừa nhai trầu là một cụ già từ Bắc vào đội khăn mỏ quạ ước chừng gần 80 tuổi. Cũng có những em bé được mẹ dắt lên các bậc thang hoặc được bố cõng trên vai, tất cả đang cố gắng leo lên đỉnh núi để một lần được nhìn nụ cười tự tại tỏa ngời sự an lạc trên gương mặt từ bi, cao quí của đức Phật.