Trang chủ Quốc tế “Bụt đang đi trên quốc độ ngày xưa Ngài đã sinh ra”

“Bụt đang đi trên quốc độ ngày xưa Ngài đã sinh ra”

62

Ngày 14 tháng 10 năm 1956, tiến sĩ Baba Saheb Ambedkar, lãnh tụ chính trị và xã hội của giới Cùng Đinh (Dalit) đã mở đầu lịch sử : Ông và bốn trăm nghìn người cùng đinh Dalit đã quy y theo Bụt và tạo nên một đợt sóng cuồn cuộn giúp cho đạo Bụt trở về đất Ấn. Sự kiện lịch sử này đã xảy ra tại một địa điểm mà bây giờ được gọi là Quy Y Địa (Diksha Bhumi) tại thành phố Nagpur.


Ngày đức Thế Tôn nói bài pháp thoại đầu tiên của Ngài ở Vườn Lộc Uyển, ngày ấy được gọi là ngày Chuyển Pháp Luân (Dhammachakra Pravartan Din). Ngày đến Nagpur, tức là ngày 07.10.2008, Thầy và tăng đoàn thấy hàng trăm biểu ngữ chào đón Phật tử từ toàn cõi Ấn độ về Quy Y Địa để ăn mừng ngày Quy Y vĩ đại ấy.


Dân Dalit (cùng đinh) ăn mừng ngày này như là ngày Đệ Nhị Chuyển Pháp Luân. Thầy và tăng thân cùng ban tổ chức Ahimsa Trust đã gặp trên một triệu Phật tử Ấn Độ đang trở về viếng thăm Quy Y Địa và đã chia sẻ giáo lý, pháp môn và thiền ca với họ. Vào đêm 08.10.2008 lúc 20 giờ, Thầy đã nói một buổi pháp thoại cho hàng trăm ngàn người tại Quy Y Địa.



Buổi pháp thoại đầu của Thầy ở Nagpur chiều ngày 07.10 là để dành cho giới trí thức và các vị xuất gia người Ấn. Vị Đại đức có hạ lạp cao nhất đã nói rằng trong buổi pháp thoại ấy cả hai phái Phật tử xuất gia và tại gia đều “sửng sốt” khi nghe Thầy nói “xây dựng tăng thân” là việc làm cấp thiết và quan trọng nhất.


Đó là món quà lớn nhất của Thầy qua bài pháp thoại. Thầy dạy rằng trở về chăm sóc cho tự thân và xây dựng cho tăng thân hùng mạnh là công tác thiết yếu cho những ai muốn tranh đấu cho công bằng xã hội. Điều này làm cho ai nấy đều ngạc nhiên và buộc người ta phải xét lại tình trạng.


Những Phật tử đi tiền trạm cho chuyến hoằng pháp của Thầy đã khám phá ra một điều rất bất ngờ. Đó là Phật tử người Ấn đã tạo ra được một liên hệ rất thân thiết với ấn bản bằng tiếng Hindi của tác phẩm Đường Xưa Mây Trắng.


Sách này không những đã được đọc với tính cách cá nhân mà còn với tư cách gia đình, nghĩa là cả nhà đều đọc và nghe chung với nhau, và không phải chỉ đọc có một lần. “Tôi đã đọc Đường Xưa Mây Trắng hai lần rồi và hiện giờ thì ba tôi đang đọc”.


Đó là một trường hợp rất điển hình. Những người dân cùng đinh Dalit trong nhiều thế kỷ qua chưa hề được học chữ, nay mới bắt đầu học và đọc được chữ Hindi, những người ấy là những người cốt lõi của phong trào phục hưng Phật giáo Ấn Độ.


Những người ấy rất thèm được học hỏi và tu tập chánh pháp, và sách Đường Xưa Mây Trắng đã đem những giáo nghĩa căn bản của Bụt tới cho họ bằng một ngôn từ rất đơn giản qua một câu chuyện dễ hiểu dễ đọc.


Trong dịp lễ kỷ niệm năm nay, một ấn bản đặc biệt bán giá rất rẻ của sách Đường Xưa Mây Trắng đã được bán sạch sành sanh tại Nagpur. Người ta cảm thấy rằng cuốn sách này cũng cần được dịch ra nhiều thứ tiếng địa phương của Ấn độ nữa trong những năm sắp tới. Làm được chuyện này thì có thể quảng bá chính pháp rất mau chóng trong quần chúng Ấn Độ.


Khóa tu hai ngày tại Nagpur cũng rất đặc biệt cho những người đến tham dự, phần lớn từ 40 tuổi trở lên, và tuổi trẻ cũng khá đông.


Cảnh tượng đẹp đẽ và mầu nhiệm mà tôi chứng kiến là trong chuyến đi khám phá đầu tiên ở Nagpur là giới phụ nữ rất thường ưa tới chùa địa phương. Họ thức khuya  từng nhóm từ 10 đến 20  người, và xúm lại đọc kinh dưới ánh nến. (Thành phố Nagpur này cứ bị cúp điện liên miên, có khi cúp tới sáu giờ đồng hồ mới có điện lại.)


Chính những người như thế đã đến với khóa tu và họ là lực lượng chính cho phong trào phục hưng Phật giáo tại Ấn độ. Khi nghe Thầy giảng, ngồi thiền với Thầy, đi thiền hành với Thầy, ăn cơm im lặng với Thầy, họ cũng chăm chú hết lòng như thế.


Ngày thứ ba của khóa tu, Thầy dẫn đại chúng đi thiền hành và ngồi xuống dưới một cội cây. Trên 700 người ngồi yên với Thầy, thật im lặng, rất bình an, không hỏi gì, không nói gì, ai cũng rất thoải mái và hạnh phúc.


Vào cuối khóa tu, một nhóm người trẻ từ 18 đến 22 tuổi đã tới với tôi và chia sẻ những gì họ cảm nhận được trong khóa tu. Họ nói : “Nghe Sư Ông nói pháp thoại mình có cảm tưởng là mình đang được ngồi thiền. Đơn giản quá mà hạnh phúc quá!”


Một chàng thanh niên nói: “Sư Ông dạy rằng phải cảm thấy sự có mặt của Bụt và của bác sĩ Ambedkar trong hình hài của mình để cảm nhận được năng lượng của các vị ấy. Trước đây tôi chưa bao giờ tưởng tượng rằng mình có thể tiếp cận được với Bụt và với bác sĩ Ambedkar như thế. Thật là quá đơn giản, dễ dàng và ai cũng có thể làm được”.


Một thiếu phụ trẻ đã nói: “Khi nhìn thấy Thầy bước đi, em cũng có cảm tưởng rằng ngày xưa Bụt cũng đã đi giống hệt như thế. Và khi Thầy ngồi xuống và hằng trăm người ngồi xuống chung quanh Thầy một cách im lặng thì em cũng cảm nhận rằng ngày xưa đức Thế Tôn chắc chắn cũng đã ngồi giống hệt như thế với tăng đoàn nguyên thỉ 2550 năm về trước. Nói thì ít mà thực tập thì nhiều.”


Riêng tôi, người viết bản tường trình này, tôi cũng đã có những cảm tưởng y hệt như người thiếu phụ trẻ kia, là khi thấy Thầy bước đi ở Nagpur, trên lãnh thổ Ấn độ, tôi thấy là Bụt đang bước đi trên quốc độ mà Ngài đã sinh ra ngày xưa.



Sư cô Tường Nghiêm dịch