Trang chủ Đời sống Nghệ thuật sống Tăng thân là gia đình tâm linh

Tăng thân là gia đình tâm linh

44

Để xua tan những khổ đau, chúng ta phải học cách ngồi cho thật yên. Mỗi khi ngồi xuống, phải giống như là mình đang ngồi trong thiền đường, buông thư thân, tâm, chú ý tới hơi thở, miệng nở một nụ cười nhẹ để cho những căng thẳng trên khuân mặt có cơ hội được giãn ra. Sau đó buông thư toàn bộ cơ thể. Bạn chỉ cần buông thư một phút thôi là cảm nhận được ngay năng lượng bình an. Thời gian buông thư càng lâu thì sự bình an càng lớn. Ngồi yên như vậy là sự rèn luyện khả năng định tâm.  « Ngồi » ở đây không phải là ngồi bán gìa hay kiết già, mà đơn giản là ngồi ở bất cứ nơi đâu ta cũng có thể thực tập thở và buông thư toàn bộ thân tâm.


Mỗi khi phải di chuyển bằng hai chân chúng ta cũng có thể áp dụng pháp môn thiền hành để cho tâm bớt lăng xăng. Mỗi khi bước đi, chúng ta nhớ mỉm cười, buông thư toàn thân và chú ý tới hơi thở. Thở vào bước hai bước, thở ra bước hai hoặc ba bước tùy theo hơi thở của ta dài hay ngắn. Việc theo dõi hơi thở kết hợp với bước chân khiến cho những hoạt động trong tâm ý của ta chậm dần lại và những hoạt động về thân cũng trở nên có ý thức hơn, điều này giúp cho cách hành xử của ta càng ngày càng trở nên nhã nhặn, duyên dáng. Nếu bước được một bước, hai bước hay ba bước chân mà có ý thức, tức là đưa được thân trở về với tâm, thì khi ấy định lực trong ta phát khởi và ta tiếp xúc được với những nhiệm màu của cuộc sống luôn có mặt trong ta và xung quanh ta. Có bình an trong lòng thì nhìn đâu ta cũng thấy đẹp, bông hoa đẹp đã đành mà viên sỏi cũng thấy đẹp.


Dù bạn đang trong tình trạng nóng giận, bức xúc bạn cũng phải nắm lấy hơi thở, trở về với giây phút hiện tại để làm lắng dịu thân tâm. Khi tâm bình an rồi thì khi ấy bạn sẽ biết phải giải quyết vấn đề làm sao cho hợp lý. Trở về với giây phút hiện tại bằng bước chân, bằng hơi thở và buông thư toàn bộ thân tâm sẽ giúp chữa lành những vết thương, những đau nhức trong thân tâm. Khi uống một cốc nước, ngắm nhìn bầu trời xanh một cách trọn vẹn tức là ta đang thực tập trở về với giây phút hiện tại rồi. Duy trì sự thực tập bền bỉ thì khi khó khăn tới ta mới ứng phó kịp thời. Nếu không, tới lúc đụng chuyện ta sẽ không nhớ được để mà trở về với hơi thở.


Nếu bạn được cùng với tăng thân tu tập, đó là một điều hết sức quý giá. Bởi vì mọi người xung quanh bạn ai cũng đang tu tập. Môi trường ấy tạo điều kiện giúp bạn rèn luyện thói quen mới – thói quen sống trong chánh niệm, là cơ hội để định lực được un đúc.


Có một tăng thân để thực tập thì phải coi tăng thân như là nhà của mình. Phải biết trân quý bởi vì đó là nơi để ta nương tựa. Trong chuyến đi Anh vừa qua của tăng thân Làng Mai, có một người hình như là chưa tiếp xúc với đạo Bụt bao giờ, đã tới hỏi sư cô Diệu Nghiêm rằng :  « Quý vị từ tổ chức nào tới ? » Sư cô Diệu Nghiêm trả lời : « Chúng tôi không từ một tổ chức nào tới hết, chúng tôi chỉ là một gia đình rất lớn thôi ».


Tăng thân chính là gia đình tâm linh của ta, dù là tăng thân xuất sĩ hay tăng thân cư sĩ. Vì vậy, mỗi người chúng ta phải có trách nhiệm đóng góp sự thực tập của mình để xây dựng ngôi nhà tâm linh ấy. Sống trong tăng thân thì những khó khăn của ta sẽ được năng lượng tu tập từ xung quanh làm cho phai mờ dần.


Mỗi vị Phật tử khi tới chùa tu tập thì phải học lấy những phương pháp chuyển hóa  khổ đau để đem áp dụng vào đời sống hàng ngày của chính mình. Chứ đừng lâu lâu mới tới chùa một lần, hối lộ cho Bụt nải chuối rồi xin hết cái này tới cái nọ, như vậy thì phi thực tế quá. Tới chùa tu tập rồi, các vị Phật tử cũng phải học cách xây dựng tăng thân trong chính gia đình mình, trong lớp học của mình, trong nơi làm việc của mình. Để cho những người xung quanh cũng biết thực tập thở mỗi khi trong tâm bất an, biết dừng lại không nói khi cơn giận phát khởi… Đừng nói rằng điều đó quá khó, chỉ cần qúy vị thực tập cho mình khá một chút thôi thì những người xung quanh quý vị sẽ dần thay đổi.


    Biên tập và tóm tắt pháp thọai :  Linh Linh