Vốn chỉ là một bà già rất đỗi bình thường không mối quan hệ, không học vị, nhưng với cái tâm của người “ăn mày” cửa Phật bà đã vận động và lập ra một Ban y tế với sự tình nguyện tham gia của khá nhiều bác sĩ có tiếng đi khám và chữa bệnh cho hàng trăm tăng – ni – sinh Học viện Phật giáo và hàng chục ngôi chùa vùng quê xa xôi, hẻo lánh…
Việc thiện từ tâm chứ không vì sự “vi diệu”
Khi hỏi về mối nhân duyên của bà với nhà chùa, bà cười bảo: “hồi trẻ tôi cũng yêu và giờ là người vợ, người mẹ hạnh phúc của một gia đình đầm ấm. Khổ đau, sung sướng, hạnh phúc tất cả đều do con người tạo ra chứ không phải do số phận, duyên trời sắp đặt. Làm việc thiện phải từ tâm chứ không nên mong chờ sự “vi diệu” (kỳ diệu) đền đáp đến với mình”.
Không phải là người có “duyên” với cửa Phật nhưng từ nhỏ bà đã thích đi chùa, không ít lần bà trốn gia đình lên “ăn mày”cửa Phật. Lớn lên cả nhà ai cũng thấp thỏm lo bà xuống tóc lên chùa làm ni cô, chỉ đến khi bà đưa người yêu về ra mắt, cả nhà mới thở phào nhẹ nhõm. Lấy chồng có con, công việc bận rộn nhưng vào ngày rằm, mùng 1 hàng tháng bà vẫn theo bà nội đi vân du (hành hương) các chùa.
Mục đích của những chuyến vân du là đi cầu xin công đức, sức khoẻ và sự bình an. Thế nhưng suốt mấy chục năm, từng đi hàng trăm chùa bà chỉ làm “cai đầu dài” mang gạo, tiền và công sức đi giúp đỡ những người nghèo.
Không phải là người nương tựa nơi cửa Phật, nhưng chùa ở đâu trùng tu cần người làm, ngay tức khắc bà có mặt. Năm 2006 trùng tu ở chùa Đồng, suối giải oan (Yên Tử – Quảng Ninh) bà tự nguyện ở nhiều tháng tham gia cùng đội bốc vác.
Suốt mấy chục năm bà “ăn mày” cửa Phật, hết trùng tu lại làm “cai đầu dài” đi quyên góp công đức giúp đỡ người nghèo. Trong lần lên chùa Ngoạ Vân – Đông Triều, Quảng Ninh thấy cuộc sống của các Ni cô khốn khó đủ đường. Các ni cô phàn nàn về khớp chân, khớp tay đau ê ẩm, người mệt mỏi như có bệnh mà đã 3 năm chưa thể xuống núi để khám bệnh vì đường sá đi lại khó khăn.
Tình cảnh này không chỉ có ở chùa Ngoạ Vân mà bà còn gặp ở nhiều nhà chùa khác. Thông cảm và họ thương bà nảy sáng kiến thành lập Ban y tế để khám bệnh cho các tăng – ni – sinh…
Điểm tựa của những người nương nhờ cửa Phật
Được sự đồng ý của Hoà thượng Thích Thanh Tứ – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, bà lên kế hoạch hoạt động của ban.
Bà bảo, việc vận động thuyết phục bác sĩ, y tá đi khám chữa bệnh miễn phí cho các nhà sư không đơn giản, nhất là trong thời buổi lương bác sĩ được tính theo giờ.
Đang bế tắc, bà bỗng nghe được lời ta thán của bác sĩ Khánh – nguyên Trưởng khoa tim mạch – Bệnh viện Việt Xô: ” Câu lạc bộ cho người hưu trí nhiều không đếm xuể, nhưng “vô bổ” vì đều nặng mục đích kinh doanh. Ở nhà không tham gia thì buồn, nhưng đi thì thất vọng quá“.
Bà liền đề nghị bác sĩ Khánh cùng tham gia “gỡ bệnh” cho các tăng, ni, sinh. Được sự ủng hộ của bác sĩ Khánh, một tháng sau Ban y tế ra mắt gồm 9 bác sĩ đầu ngành các chuyên khoa Nội, Sản, Tim mạch, Khớp, Thần kinh…
Xác định đi khám chữa bệnh cho các tăng – ni sinh là đi “bòn” công đức chứ không vì lợi ích cá nhân, nên mỗi chuyến đi ngoài tiền đóng góp thì tập thể bác sĩ, y tá còn chuẩn bị khá nhiều loại thuốc điều trị miễn phí cho các tăng – ni – sinh ở các chùa. Với mục đích lấy “thiện là tâm”, Ban y tế đã thu hút gần 40 bác sĩ và y tá cùng tham gia.
Hoạt động giàu tính nhân văn của Ban y tế khiến bác sĩ Phạm Hồng Tuyến – Nguyên Phó trưởng khoa Phụ sản – Bệnh viện Y học cổ truyền Việt Nam “phải lòng”.
Hơn một năm nay, chuyến đi nào cũng có chị. Chị tâm sự : “Ngỡ tưởng khi mình về hưu không được chữa bệnh cứu người nữa, vậy mà nhờ có bà Điểm “gieo duyên” tôi lại làm bác sĩ lần 2. Mấy chục năm trong nghề, số bệnh nhân không đếm xuể, nhưng đi khám chữa bệnh cho các Tăng – Ni, tôi không cầm được nước mắt bởi sự thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần của nhiều tăng ni Phật tử, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa“.
Không chỉ thu hút sự tham gia của bác sĩ về hưu, mà ban Y tế còn thu hút bác sĩ, y tá trẻ như vợ chồng bác sĩ Hồ Thái Phúc hiện đang công tác ở bệnh viện Hà Thành – thuộc Sở Y tế Hà Nội.
Bác sĩ Phúc chia sẻ: “Có đi mới hiểu cuộc sống của những tăng ni thiếu thốn như thế nào? Tụi em rất muốn tham gia tất cả các chuyến đi, nhưng hiềm nỗi mới ra trường hai vợ đều từ tỉnh lẻ phải thuê nhà, điều kiện kinh tế còn vất vả. Dù vậy vợ chồng em cũng cố gắng tham gia nhiều chuyến đi chữa bệnh cho các tăng ni“.
7 năm thành lập, Ban y tế đã đi khám và chữa bệnh cho hàng trăm tăng – ni sinh ở các trường hạ từ chính kinh phí của tập thể y bác sĩ đóng góp. Và trong những chuyến “vi hành” ấy luôn có lão bà Phạm Thị Điểm làm “nhạc trưởng”.