Trang chủ Văn học Vẽ cây, vẽ chim

Vẽ cây, vẽ chim

342

Từ khi đọc "Cánh đồng bất tận" tôi đã muốn viết một thư cho tác giả mà chưa có dịp.  Bỗng nhiên đây là dịp tốt.  Không phải tôi định viết về cả tác phẩm: chỉ về một trang trong đó thôi.  Không ngờ trang đó bây giờ ăn khớp với thời sự văn chương, cho phép tôi vừa gởi lòng đến tác giả, vừa mặc niệm với kim đồng hồ.  Đó là mấy câu mở đầu cho truyện "Cánh đồng bất tận":

"Tôi hiểu biết về Phật giáo không nhiều, vớ được quyển sách nào thì đọc cái ấy.  Cũng có điều hiểu được, học được, làm được, nhưng nhiều điều buộc phải "bó tay".  Ví dụ như mấy lời này: "Khi nào bạn bực tức, giận dữ, hãy bất động!  Ngay tại đó!  Đừng cử động!  Đừng làm gì cả!  Đừng nói gì – dù chỉ một lời.  Hãy yên lặng và bất động hoàn toàn.  Tuyệt đối không biết gì đến kẻ hoặc sự việc làm cho mình giận dữ (Hạn chế sân hận, trải rộng tình thương – Tỳ kheo Visuddacaraz).  Trời ơi, mình giận muốn chết, muốn gào thét, muốn cào cấu, muốn đập phá mà không cho mình nhúc nhích, sao có thể hả hê? Đạt được đạo mới khó làm sao …"

Đọc lại những hàng trên trong hoàn cảnh mới, tôi có cảm tưởng bây giờ tác giả đã …  đạt đạo.  Chắc chắn cô đã không đập phá, cào cấu.  Chắc chắn cô đã cần một sự yên lặng "tuyệt đối" để suy nghĩ, để hành động sao cho đúng.  Nhà sư kia cũng chỉ nói bấy nhiêu thôi, nhưng lời nói hùng hồn quá và đã đến không đúng lúc.  Giận là chuyện thường ngày.  Nhiều khi là cần thiết, là hay, nếu đó là giận bất công, giận áp bức, giận cái xấu.  Vấn đề là mình phản ứng thế nào, có muốn làm Trương Phi hay không, có muốn đốt nhà hay không khi giận con chuột.  Cô Tư đã đem chuyện giận ra để mở đầu, tôi cũng bắt chước cô đi vào chuyện giận trước.  Không chừng giữa cái giận và cái hứng sáng tạo của nhà văn có một khoảng trống yên lặng nào đó giống nhau chăng. 

Kinh nghiệm của tôi về cái giận là tôi rất khổ mỗi khi giận.  Tôi rất khổ và khổ rất lâu mỗi khi cãi cọ với ai.  Biết như thế nhưng vẫn giận, vẫn cãi.  Vậy thì làm sao vẫn cãi, vẫn giận, mà đừng khổ? Chiến lược thì rất rõ: đừng để cái giận nó kéo mình đi.  Nhưng chiến thuật là thế nào? Kinh nghiệm riêng của tôi là thế này: làm bất cứ một hành động gì, cử chỉ gì, ý nghĩ gì không có chút liên quan nào với cơn giận đang bốc.  Rót một ly nước.  Uống một ngụm.  Nhìn chậu hoa đang héo và nghĩ: hôm qua quên tưới nước cho nó.  Sắp lại một quyển sách vào kệ.  Nhìn hai con ngựa đang đùa với nhau trong bức tranh trên tường.  Nghe theo tiếng xe đang chạy ngoài đường.  Tiếng nói chuyện của trẻ con đi học về.  Trong khi cơn giận đang kéo mình đi, nghĩ đến bất cứ một cái gì khác là để cắt đứt nó.  Một hình ảnh đẹp.  Một người thân.  Một câu thơ.  Một câu kinh.  Nghĩ đến thôi, không cần đọc, nghĩ chớp một cái, rồi nếu bám theo được một chữ thì cố bám.  Câu kinh nằm lòng của tôi là:

Chận được cơn giận

Khi đang bùng lên

Như thể hãm được

Xe chạy có đà

Thì người như vậy

Như Lai gọi là

Người lái xe giỏi

Còn những người khác

Chỉ cầm cương hờ.

Nghĩ như vậy để làm gì? Để tạo khoảng trống giữa cơn giận và thân miệng.  Để tay chân đừng làm bậy, miệng đừng nói bậy.  Làm một cái gì, nói một câu gì trong khi giận là thêm cũi cho lửa.  Tất nhiên, không phải lúc nào tôi cũng thành công; nhưng càng ngày tôi càng bớt thất bại. 

Nếu tôi giận quá, không nghĩ gì khác được, thì chiến thuật thứ hai được đem ra: nhìn cơn giận.  Nhìn nó đến, nhìn nó đang hành hạ mình, nhìn nó bốc lửa, nhìn nó thiêu đốt, cứ để nó thiêu đốt, nhìn nó hạ lửa, nhìn than hồng …  Cơn giận đang muốn cuốn tôi theo nó; tôi hãm nó lại không được thì tôi nhìn nó đi.  Vấn đề không phải là cố làm mất nó: sức mấy mà nó mất.  Vấn đề là phải ý thức về nó, đừng để mất ý thức.  Cơn giận không muốn gì hơn là mình đổ nó lên đầu người khác.  Mình nhìn theo nó thì mình tránh được chuyện đó, tránh làm nô lệ.  Nhìn theo nó cũng là để tạo khoảng trống trước bước chân nó đi. 

Hai chiến thuật đó được hỗ trợ thêm bằng một suy nghĩ căn bản: phải biết phân biệt con người và hành động, có hành động ác nhưng không có con người ác.  Nếu giận, hãy giận cái hành động, đừng giận con người.  Người gây cái ác cũng chỉ là nạn nhân của hàng trăm yếu tố bên ngoài; họ đáng thương hơn là đáng giận và nên thương họ.  Hơn ai hết, chắc bây giờ cô Tư đang thấm điều này.  Chung quanh tôi ở đây, chung quanh cô Tư ở bên nhà, dường như ai cũng biết gởi cái giận của mình vào đâu cho đúng chỗ.  Dường như ai cũng biết giận và biết thương, biết giận cái gì, biết thương ai.  Giận cái hành động chứ không giận người thì không đổ giận lên đầu người khác bằng thân, bằng miệng.  Tức là tạo khoảng trống đó thôi !

Tôi học được câu chuyện này trong sách.  Hãy tưởng tượng ta đang chèo thuyền dạo chơi êm ả trên sông một buổi chiều sương mù.  Thuyền đang nhẹ trôi như vậy thì, ô hay, bỗng hiện ra từ trong mù sương một chiếc thuyền của ai cứ nhắm thẳng vào thuyền ta mà xông tới.  Choảng!  Nó đâm vào ta rồi.  Giận quá, ta muốn la lối, chửi mắng một trận nên thân, nhưng nhìn lại thì thuyền kia trống trơn, chẳng có ai trong đó.  Làm gì bây giờ? Chửi đổng trời đất một tiếng rồi cũng im thôi.  Nhưng ví thử bây giờ thuyền kia không trống mà có người chèo, chuyện gì sẽ xảy ra? Trời đất sụp đổ, xô xát, không chừng đổ máu.  Cái gì làm hai tình trạng khác nhau? Chỉ thế thôi: một bên có người khác để ta trút cơn giận, một bên chẳng có ai nên cơn giận tự tiêu.  Vậy thì phải chăng hãy suy nghĩ về cái trống thì mình làm chủ được cơn giận? 

Cho nên các người học thiền phải học ngồi.  Học thở.  Thở vào thì biết thở vào, thở ra thì biết thở ra.  Thở như vậy để làm gì? Để chú tâm? Không hẳn.  Để rốt cuộc chỉ còn hơi thở mà không còn người thở.  Chỉ còn thở vào, chỉ còn thở ra, như gió thổi qua cửa trống.  Cái gì bên ngoài cũng vào ra như vậy.  Con chim hót trên mái nhà? Thì tiếng chim đi vào, tiếng chim đi ra.  Không có người để thích thú: chà, con chim mùa xuân đã về.  Cũng không có người để bực dọc: chà, con chim làm ồn quá không để cho người ta thở.  Cái gì trống thì không vướng mắc.  Cơn giận cũng thế.  Cơn giận đi vào, cơn giận đi ra, như tiếng chim.  Học thiền là học mở cửa.  Mở cửa cho tất cả đi vào, kể cả cơn giận.  Mở cửa cho tất cả đi ra, kể cả chính mình.  Quên mình đi là cứu cánh của học thiền.  Bởi vì quên mình thì mới có tất cả.  Cái vỏ lúa không quên mình, không làm trống mình đi, thì cây lúa không mọc được.  Khúc củi không quên mình đi thì lửa không rực bốc.  Có nhiều khi khúc củi không chịu quên mình: khi đó thì không có lửa, chỉ khói cay mắt.  Lửa bốc lên không phải từ gỗ, mà từ cái trống của gỗ.  Cô Tư đâu có cần theo đạo Phật, nhưng cô Tư biết trống hơn bao nhiêu người học thiền.  Có người phỏng vấn cô về chuyện nhà văn thế này thế kia, cô trả lời: "tôi vẫn không nghĩ mình là nhà này nhà nọ".  Cô trống như vậy thì khó đánh cô lắm.  Đánh vào khoảng trống thì tự mình mất đà, đã không trúng ai mà còn ngã chúi.  Hơn thế nữa, cô biết cô trống thì cô nhìn ai mà chẳng thấy người đó cũng trống? Cô sẽ nghĩ: đâu có ai đánh mình!  Ấy là một mớ thành kiến, một mớ mê muội đang biểu diễn mấy đường quyền đó thôi, có con cá nào đâu mà chém cái thớt! 

Thế là từ chuyện giận của cô Tư tôi đã đi qua chuyện trống của thiền mất rồi.  Nhưng thiền và sáng tạo nghệ thuật thì có gì khác nhau đâu!  Cả hai bên đều nhắm vào cái chỗ trống ấy!  Đây, tôi kể chuyện nghệ thuật.  Đời xưa, có người thợ mộc vâng lệnh vua đẽo một cái giá chuông.  Ông đẽo tài tình thế nào mà khi chuông đánh lên, tiếng ngân nga như đi vào tận tâm can của cả thiên hạ.  Hỏi ông bí quyết, ông bảo: có gì đâu, tôi ăn chay nằm đất cho lòng thanh tịnh, rồi tôi quên mất lợi lộc vua ban, quên mất thưởng phạt, quên cả triều đình chức tước, quên luôn thân thể tứ chi của tôi, cứ thế tôi đi vào rừng, tôi ngắm thân cây, ngắm thiên nhiên hiển lộ trong thân cây, lựa cây nào tràn đầy thiên nhiên nhất, rồi sau đó, sau đó, chỉ sau đó thôi, tôi mới mường tượng ra cái giá chuông sẽ đẽo.  Ông thợ mộc vứt hết; ông vứt hết thì ông mới có tất cả, có tất cả thiên nhiên trong ông.  Thiên nhiên đó bắt gặp thiên nhiên cuồn cuộn trong thân cây, làm sao chuông không ngân nga tiếng thần? Ông vứt hết, vứt luôn ra khỏi đầu cái định kiến, cái chấp trước về giá chuông; với cái đầu trống trơn như vậy, giá chuông ông đẽo làm sao không khác giá chuông của cả thiên hạ từ xưa đến nay? Chuyện ấy, tôi kể lại từ ông Trang Tử. 

Cùng nói chuyện nghệ thuật cả thì đời nay cũng vậy, bên Tây cũng vậy thôi.  Ai cũng biết những tranh vẽ cây nổi tiếng của Matisse.  Nhà danh họa ấy đã vẽ cây như thế nào? Ông thú thực: bao nhiêu lần ông đã vẽ cây nhưng chẳng lần nào thành công.  Lúc đầu, ông bê cả cái cây vào tranh, nghĩa là cái cây thế nào thì ông vẽ thế ấy.  Kết quả làm ông nản, vì ông thấy tranh không có hồn, chẳng nói được gì về mối cảm xúc của ông về cây.  Tiếp theo, ông cố đưa vào tranh chỉ tình cảm, xúc động của ông mà thôi, nhưng ông lại bị choáng ngợp trước vẽ đẹp của thân cây, trước sức vóc lực lưỡng của thân ấy và bí ẩn chứa đựng trong đó, đến nỗi ông chỉ vẽ thêm được một hai cành thôi rồi ngưng nửa chừng.  Vậy mà, lạ thật, khi ông nhìn cây trong lúc không có ý định vẽ thì lại thấy toàn thể cây từ thấp lên cao.  Cứ thế, dù cảm nhận được cây từ gốc đến ngọn, hễ cầm cọ vẽ là ông bị thân cây chiếm trọn đầu óc.  Vẽ thân cây xong, đến khi thêm cành lá, lá cành tuồng như chỉ để cắt nghĩa đây là cái cây, chẳng đem lại chút rung động nào.  Mãi hoài như vậy, rất lâu, hễ động đến cành lá là y như ông bị dội lui, rất khổ sở.  Cho đến một hôm, không có ý định gì trước, ông vớ tập giấy viết thư và thử vẽ cành lá bằng cách đơn giản nhất: mỗi lúc cây từ từ hiện ra dưới ngòi bút, ông lại thấy lá cành mọc ra.

Đó là đoạn thư ông viết cho người bạn tâm giao.  Ông vẽ cảnh không được vì vướng tình, tình quá đầy.  Ông vẽ tình cũng không được vì vướng cảnh, cảnh rào rạc thần hồn.  Đầy ắp tình, đầy ắp cảnh, đầu ông lại còn đầy ắp cái ý định vẽ.  Chưa vẽ mà đầu đã bị đóng khung trong ý định, làm sao bức tranh vọt ra? Phải mở cửa cho nó!  Phải làm trống cái đầu!  Cho nên Matisse chỉ vẽ được cây khi không có ý định gì trước.

Ông viết rõ trong bức thư: "Tôi nghe nói các ông thầy dạy vẽ bên Tàu dặn học trò: vẽ cây, hãy có cái cảm giác trèo lên với nó khi bắt đầu vẽ từ gốc".  Làm sao trèo lên dần dần với cây trong tranh nếu không sống trọn vẹn với nó và chỉ với nó mà thôi? Làm sao sống trọn vẹn với chỉ một mình nó nếu không vứt bỏ hết tất cả ra khỏi đầu, nếu không làm trống cái đầu? 

Matisse viết thêm trong một thư khác: để vẽ cây thực sự, đừng bao giờ có "một hình ảnh đã tạo ra trước".  Ông giải thích: "Tôi không lý luận khi tôi vẽ: các họa sư Trung Quôc bảo rằng khi vẽ cây phải trèo lên với nó.  Tôi cũng làm như vậy.  Nhưng đừng nói trong khi vẽ: tôi đang trèo lên với nó đây và lý luận trên đó.  Khi tôi làm một việc gì, tôi không tìm kiếm, tôi chỉ cho".  Matisse nói: chỉ cho.  Có khác gì các ông thiền sư đâu: chỉ làm, chỉ ngồi, chỉ thở.  Cho, làm, ngồi, thở là có.  Còn tất cả là không.  Từ đâu thổi tới phơi phới ngọn gió trong tranh Matisse? Từ cái trống đó.  Ông thổ lộ:"Hình như nỗi vui toát ra trong tranh của tôi bây giờ nhiều hơn trước; đó thực là điều mà tôi đã thử làm cách đây năm mươi năm.  Phải trải qua bấy nhiêu năm tôi mới đạt được trình độ cho phép tôi nói được điều tôi muốn nói".

Diễn tả một cách khác, cụ thể hơn, nhưng cùng trên một ý phải biết vứt bỏ trong khi sáng tạo nghệ thuật, Picasso viết:"Ai cũng có một dự trữ như nhau về năng lượng.  Người trung bình phung phí năng lượng của họ bằng trăm nghìn cách.  Tôi, tôi dồn tất cả sức lực của tôi vào một hướng mà thôi: vẽ.  Và tôi hy sinh tất cả mọi chuyện khác vì nó: hy sinh anh, hy sinh tất cả mọi người, kể cả tôi".  Kể cả tôi!  Chỉ còn vẽ thôi.  Người vẽ cũng không còn.  Cũng trống trơn.  Vì không còn người đứng vẽ nữa cho nên Picasso có thể vẽ ba bốn giờ liên tục, không làm một cử chỉ nào thừa.  Có người hỏi ông đứng lâu như thế có mệt không, ông lắc đầu: "Không.  Khi tôi làm việc, tôi để cái thân của tôi ngoài cửa, như các người hồi giáo cất bỏ giày dép trước khi vào giáo đường.  Trong tình trạng đó, cái thân chỉ nguyên vẹn hiện hữu dưới dạng cây cỏ, và chính vì vậy mà giới họa sĩ chúng tôi thường sống rất lâu". 

Giống hệt như thiền, bí quyết của sáng tạo nghệ thuật là trở về lại với cái đầu trống trơn, cái đầu của đứa bé, cái sơ tâm, cái đầu chưa hề bị ảnh hưởng về bất cứ cái gì khác.  Viết một câu văn cũng vậy, một câu thôi, không người cầm bút nào nảy ra được một ý hay, một tứ mới, nếu không vứt bỏ đi hết những gì đã học, đã đọc.  Vậy thì cô Tư giận gì, giận ai, nếu người nào đó đổ tràn vào đầu cô một trăm cái chữ "phải": phải thế này, phải thế nọ? Người đó nói cái chuyện gì đâu đâu, nào có liên quan gì đến chuyện viết văn?

Trên kia, tôi nói: khi cơn giận nổi lên, tôi cố cắt đứt nó bằng một cử chỉ, một hình ảnh, một ý nghĩ, một câu thơ, một câu kinh …  Bây giờ, giận chuyện cô Tư, tôi cũng cắt đứt bằng một bài thơ, bài thơ mà tôi vốn thích từ ngày còn đi học, của Jacques Prévert,

"Để vẽ chân dung một con chim"

Trước hết vẽ một cái lồng

với cánh cửa mở

sau đó vẽ

một cái gì xinh

một cái gì đơn sơ

một cái gì đẹp

một cái gì ích lợi

cho con chim.

Rồi đặt khung vải cạnh thân cây

trong vườn

trong rừng non

trong rừng già.

Nấp sau cây

không nói

không cử động …

Đôi khi chim đến nhanh

nhưng cũng có khi hàng năm đằng đẵng

mới quyết định đến. 

Đừng nản.

Chờ.

Chờ hàng năm cũng chẳng sao.

Chim đến nhanh hay chậm

chẳng liên hệ gì

với thành công của tác phẩm.

Khi chim đến

nếu nó đến

hãy im lặng thật sâu

chờ chim vào lồng

và khi chim vào rồi

nhè nhẹ đóng cửa lồng bằng bút vẽ.

Rồi

xóa hết nan lồng từng cái một

mà cố tránh đừng động đến lông chim.

Sau đó vẽ cây

chọn cành nào đẹp nhất để vẽ

cho chim.

Cũng vẽ lá cây xanh và hơi mát của gió

bụi mặt trời

tiếng côn trùng tỉ tê trong cỏ nóng bỏng mùa hạ. 

Rồi chờ chim quyết định hót.

Nếu chim không hót

thế là điềm chẳng lành

dấu hiệu bức tranh vẽ xấu.

Nhưng nếu chim hót thì đó là điềm tốt

dấu hiệu bạn có thể ký tên.

Khi đó bạn nhẹ nhàng rất nhẹ nhàng

nhổ một lông chim

và viết tên bạn trên tranh nơi góc.

Tôi cam đoan với cô Tư, khi nào cô Tư "giận muốn chết", cô Tư hãy nghĩ đến con chim trong bài thơ, cơn giận sẽ đi qua.  Cô Tư nhớ nghen: vẽ một cái lồng chim với cánh cửa mở; đặt cái lồng giữa thiên nhiên; con chim là thiên nhiên thì mình cũng phải thiên nhiên như nó; như vậy thì nó đang là mình và mình đang là nó, cả hai là một; chỉ lúc đó và chỉ lúc đó mới vẽ; và vẽ là mở cửa lồng ra, làm biến nó mất, như chính mình cũng mất; giữa thiên nhiên chỉ còn lồng lộng con chim, không biết chim trong tranh hay chim ngoài trời, tranh vẽ hay chính thiên nhiên tràn trề sức sống  đang hót với chim, nồng với nắng hạ, xanh với lá non, tỉ tê với cỏ …  Mình nói chuyện sống trong sáng tạo nghệ thuật.  Người kia nói chuyện chết.  Hai chuyện có ăn nhậu gì với nhau đâu mà giận?

19-4-2006

Chú thích:

1.Về Matisse: "Lettre à André Rouveyre sur le dessin de l’arbre", Ecrits et propos sur l’art, H.  Matisse et D.  Fourcade, Paris, Hermann, 1991.  Xem thêm: Cynthia Fleury, La joie de peindre, http://humanite.fr/journal2005-04-27/2005-04-27-633266

2.Về Picasso: François Jullien, Nourrir sa vie, Seuil, 2005, trang 164.

Ông là Phật tử trí thức, sinh tại Huế, học đại học Luật Sài Gòn (1955-1960), dạy đại học Huế (1962-1964), xuất bản tờ báo Lập Trường (1964) trước khi qua Pháp du học. Đầu năm 1969, ông bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Paris và sau đó là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Cộng đồng châu Âu tại Đại học Picardie Hiện nay ông là giáo sư giảng dạy tại Đại học Picardie, Pháp. Cũng như một số trí thức Việt kiều khác, ông cũng thường xuyên về Việt Nam tham dự các cuộc hội thảo về các lĩnh vực chính trị, xã hội Ông đã in rất nhiều tác phẩm bằng tiếng Pháp về khoa học chính trị và quan hệ quốc tế. Với tiếng Việt, ông cũng đã in và viết rất nhiều bài báo tại Việt Nam