Trang chủ Tuổi trẻ Gia đình Phật tử Lá thư huynh trưởng gia đình Phật tử: Nét sống tâm linh

Lá thư huynh trưởng gia đình Phật tử: Nét sống tâm linh

140

California, Hoa Kỳ ngày 15 tháng 12 năm 2005

Thư gởi các em:
Đoàn sinh Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

Các Em thân mến,

Đây là lá thư thứ hai, anh gởi đến các em từ đất Mỹ xa xôi nầy. Cám ơn một số em đã gởi email đến cho anh để chia sẻ cảm tưởng; gợi ý hay đề nghị anh viết về những đề tài mà các em muốn biết.

Anh chọn đề tài cho thư nầy là “Nét Sống Tâm Linh”.

Anh rất vui mừng và hãnh diện khi qua thư liên lạc của các em, anh hiểu được rằng, tuy hoàn cảnh còn khó khăn nhưng các em đã cố gắng bằng phương tiện giới hạn trong tay mình để học hỏi. Các em biết khá rõ những gì đang xảy ra giữa thế giới chung quanh mình và tại các nước xa xôi trên hành tinh này. Sự hiểu biết của các em bao gồm nhiều lĩnh vực như khoa học, nghệ thuật, văn hóa, xã hội… Tuy nhiên, có một lĩnh vực rất gần gũi với các em nhưng chưa có thư em nào nói đến, đó là lĩnh vực tâm linh.

Khái niệm về tâm linh mà anh đang nói ở đây không phải là một hình ảnh mơ hồ của linh hồn, thần linh hay ma quỷ mà đấy là tâm hồn, là tinh thần, là niềm tin của các em, song song với thân xác và đời sống vật chất của các em.

Tuổi trẻ Âu Mỹ thuộc thế hệ sinh ra sau chiến tranh Việt Nam đang chuyển hướng từ khuynh hướng lệ thuộc và tôn sùng vật chất sang khuynh hướng gần gũi, tiếp cận với nếp sống tinh thần. Đặc biệt giới trí thức và doanh thương Mỹ bắt đầu tìm hiểu và thực hành đạo Phật. Trí thức tìm đến Phật giáo để tìm câu trả lời hợp lý cho ý nghĩa và sự biến chuyển của đời sống. Giới doanh thương tìm đến Phật giáo để giảm bớt sự căng thẳng do sự bon chen, cạnh tranh và tính toán gây ra. Phật giáo đến với xã hội Âu Mỹ ngày nay không phải bằng đức tin tôn giáo (religious belief) thuần túy mà bằng tinh thần khám phá khoa học (scientific discovery), chú trọng về đời sống tinh thần (mental health). Hẳn các em sẽ ngạc nhiên khi đọc tạp chí Forbes xuất bản tại Mỹ gần đây vừa công bố kết quả thăm dò ý kiến của họ rằng: 83% bác sĩ y khoa Mỹ có đức tin tôn giáo và hai phần ba trong số nầy cầu nguyện trước mỗi “ca” mổ.

Quan niệm tách rời tâm và vật, thể xác và tinh thần trong tư duy cũng như trong hành động của đời sống con người đang trở thành quá khứ trước những khám phá và thành tựu của khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Con người chẳng phải là một cây sậy hay một nguồn tư duy thuần túy riêng biệt. Có một sự tương tác – tác động qua lại – thường xuyên và thiết thân giữa đời sống tâm linh và đời sống vật lý. Con người là một hợp thể hài hòa tuyệt vời giữa hai đối cực như buồn vui, thương ghét, khổ sướng, giàu nghèo… mà mỗi cực tự trong bản thân nó đã hàm chứa bao nhiêu là yếu tính của vật chất lẫn tinh thần. Ngay như trong dòng sữa Mẹ đầu đời đã là một hình ảnh tâm vật tương quan. Nếu chỉ có “tâm” mà thôi thì lòng mẹ thương con cũng đủ, đâu cần dòng sữa tinh huyết của mẹ chảy vào lòng con và đời con. Nếu chỉ có “vật” mà thôi thì sữa hóa học, sữa lon, sữa bò… cũng đủ, đâu cần hơi ấm tình thương của mẹ ấp ủ trong từng giọt sữa nuôi con. Người Phật tử sống và nhìn sự sống bằng cái nhìn toàn diện trong mối tâm vật tương quan. Bưng một bát cơm dẽo thơm, người Phật tử nhìn hạt cơm mà tưởng đến bàn tay cần cù và tinh thần chịu khó của người nông dân, nhớ đến con trâu cày lao nhọc, vẳng tiếng gà gáy sớm đầu canh, thoáng tiếng mưa tưới vào đồng lúa…

Khoa học càng phát triển, đạo Phật càng tự chứng tỏ được tính khách quan và luận lý khoa học không phai cũ với thời đại. Nhà vật lý Albert Swanton cho rằng, chưa bao giờ lý thuyết Tánh không và Trung đạo của Phật giáo gần với những định đề khoa học bằng lúc này. Đó là khi khi những nhà lý thuyết vật lý học hiện đại chứng minh tốc độ ánh sáng thay đổi và ánh sáng đi theo đường cong rồi cuối cùng, cuộc hành trình tưởng như vô lượng, vô biên ấy sẽ có ngày quay trở về điểm cũ. Cái muôn trùng vô tận tưởng như không có gì sánh nổi ấy hóa ra không diệt, không sinh gì cả để cho điểm khởi đầu và kết thúc chỉ là một.

Các em thân mến,

Tuổi trẻ Việt Nam các em đang ở quê nhà hay ở xứ người đều đang trải qua một khúc quanh mới. Khúc quanh của thế kỷ 21. Khúc quanh đang đưa ta vào điệu sống chung của thế giới. Các em ở quê nhà và bản thân anh đang ở trên xứ Mỹ này dẫu có muốn sống tách biệt sau lũy tre xanh cũng không được nữa. Bằng cách này hay cách khác, mọi tin tức và sự việc xảy ra trên toàn thế giới và quanh ta đều được thông báo rõ ràng. Như hôm nay, anh đang từ California đi công tác tại thành phố Phoenix, bang Arizona. Ngồi trong phòng trọ khách sạn này, viết thư cho các em vào chiều cuối tuần, nhưng anh cũng có thể biết được Huế đang mưa hay nắng; Hà Nội sinh họat ra sao; Sài Gòn chuẩn bị chợ hoa cho Tết Bính Tuất 2006. Và anh cũng hình dung được các em, những người em áo Lam thương mến đang lũ lượt đến chùa sinh hoạt.

Suốt tuần, các em bận rộn với học hành và nghiệp vụ nhưng vẫn dành một ngày hay một buổi để lo cho đời sống tinh thần, sinh hoạt tâm linh. Một đời sống hài hòa giữa tinh thần và thể chất sẽ giúp cho khả năng suy nghĩ sâu sắc hơn và cuôc sống toàn diện phong phú hơn. Văn hào Dostoievsky nói lên kinh nghiệm sống của mình: “Sự phong phú tâm linh chẳng những không chia bớt sức năng động của thể chất; trái lại, nó càng làm cho năng lực suy nghĩ sâu hơn và hành động cẩn trọng hơn trước mọi vấn đề của cuộc sống.” Các em đang sinh hoạt trong Gia Đình Phật Tử, thắp sáng đức tin Tam Bảo, tức là các em đang nuôi dưỡng sức mạnh tinh thần. Niệm Phật không phải là thụ động cầu xin một sức mạnh từ bên ngoài mà chính là đang soi rọi và phát khởi sức mạnh bên trong. Tuổi trẻ khoác áo lam là khoác hành trang tâm linh để vào đời. Tinh tấn: Biết rõ hướng đi để lên đường, con đường ngời ánh Đạo Vàng giữa một mùa Xuân mới.

Xuân năm nay, anh lại ăn Tết xa nhà, cái Tết lần thứ 23 ở Mỹ.

Ở Mỹ, hàng năm cứ đến mùa Thanksgiving (Lễ Tạ Ân) vào cuối tháng 11 dương lịch, không khí "Tết" lại bắt đầu nhộn nhịp hẳn lên để chuẩn bị đón lễ Giáng Sinh (Christmas) và Tết Tây (New Year). Giáng Sinh mới là ngày lễ trọng đại nhất trong năm đối với các nước phương Tây. Tết Tây hay Tết Dương Lịch ở các xứ Âu Mỹ cũng chỉ là một ngày nghỉ bình thường vào đầu năm mới. Nhưng tự trong sâu thẳm, những tấm lòng Việt Nam tha hương vẫn còn vương mang bên cạnh hương vị, cung cách, tâm linh thiêng liêng, hồn phách độc đáo… của ngày Tết cổ truyền ở quê nhà. Nhà nào cũng sắm đủ thức ăn, mức bánh, đồ nhắm bia rượu… có lẽ vì ngại: "Khóa cửa, che rào Xuân vẫn tới. Nằm im, nhắm mắt, Tết càng sang” hơn là dọn mình chờ ăn Tết vì nếu Tết không nhằm vào hai ngày cuối tuần thì ai nấy vẫn đi làm. Một nét truyền thống tâm linh vẫn còn đậm đà trong lòng người Việt sống xa quê là “đầu xuân lễ Phật”. Giờ Giao Thừa hàng năm, hầu hết các ngôi chùa Việt Nam trên khắp thế giới đều tấp nập đón người đến lễ Phật. Dù các xứ tuyết lạnh, khách vẫn đến chùa lễ Phật đầu năm trong mầu hoa đèn tươi vui và trước Phật đài nghi ngút khói hương trầm.

Một mùa Xuân mới đang về giữa tạo vật, đang đến trên đất nước quê hương. Đại gia đình Áo Lam ở quê nhà và khắp năm châu đang sum họp dưới biểu tượng của đài sen trắng và hồng ân Tam Bảo. Anh cùng với các em lắng lòng cầu nguyện cho tổ quốc, dân tộc và đạo pháp một mùa Xuân an lạc và một Năm Mới thịnh vượng.

Thân mến chào các em với lời chúc tinh tấn.

Hẹn các em thư sau.