Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi. Bấy giờ, Bà la môn Mànatthada là người không cung kính mẹ, cha, thầy và huynh trưởng.
Khi Thế Tôn đang thuyết pháp với đại chúng đoanh vây, Bà la môn Mànatthada suy nghĩ rằng: Sa môn Gotama đang thuyết pháp, vậy ta hãy đi đến. Nếu Sa môn Gotama nói chuyện với ta thì ta sẽ nói chuyện. Nếu Sa môn Gotama không nói chuyện thì ta sẽ im lặng.
Rồi Bà la môn Mànatthada đi đến Thế Tôn và im lặng. Thế Tôn không nói chuyện với Bà la môn ấy. Nghĩ rằng Thế Tôn không biết gì nên Bà la môn Mànatthada định trở về. Thấy vậy Thế Tôn liền khuyên bằng một bài kệ hàm ý “kiêu mạn là không tốt”. Bà la môn Mànatthada suy nghĩ: Sa môn Gotama biết được tâm tư của ta, nên cúi đầu đảnh lễ, hôn chân Thế Tôn.
Rồi Bà la môn Mànatthada nói lên bài kệ với Thế Tôn: Đối với ai không nên kiêu/Đối với ai nên kính trọng/Đối với ai nên tôn kính/Cúng dường ai, tốt lành?
Thế Tôn đáp: Với mẹ và với cha/Với anh nhiều tuổi hơn/Với thầy là thứ tư/Không nên sinh kiêu mạn/Nên kính trọng chư vị/Nên tôn kính chư vị/Cúng dường họ, tốt lành/Các bậc A la hán/Thanh lương, lậu hoặc đoạn/Việc nên làm đã làm/Hãy nhiếp phục kiêu mạn/Bậc Vô thượng tôn ấy/Ông thật nên đảnh lễ…
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 7, phẩm Cư sĩ, phần Mànatthada [lược], VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.390)
LỜI BÀN:
Trong cuộc sống, tất yếu cần phải có sự cung kính và tôn trọng với mọi người. Vì đó là cách hay nhất để mình được người khác tôn trọng. Đây được xem như một ứng xử văn hóa và văn minh. Trong đó mẹ, cha, thầy và những bậc đàn anh phải luôn là những đối tượng quan trọng, hằng lưu tâm để cung kính và phụng dưỡng.
Mỗi người có mặt trên đời đều nhờ cha mẹ sinh dưỡng, lớn lên nhờ thầy chỉ dạy và các bậc đàn anh đã trưởng thành dìu dắt mới có thể thành danh, vẻ vang sự nghiệp. Thiếu vắng một trong bốn yếu tố quan trọng này thì khó có thể bước đến thành công.
Mặt khác mẹ, cha, thầy và những bậc huynh trưởng là những người đi trước nên trải nghiệm nhiều, quan trọng hơn, họ là những người yêu thương ta nhất nên sẵn lòng sẻ chia tất cả. Do đó mọi sự biểu lộ như kiêu mạn, khinh chê và bất cần đối với bốn hạng người này là một sự tự đánh mất và chịu thiệt thòi.
Theo tuệ giác Thế Tôn, một người được xem là chuẩn mực về phương diện đạo đức biểu hiện qua sự kính trọng và phụng dưỡng mẹ, cha, thầy và những bậc đàn anh của họ. Các bậc tiền nhân luôn mong muốn làm nền tảng cho hàng hậu thế vươn lên. Như một tòa nhà, tầng trên có được là nhờ sự nâng đỡ của nền móng và các tầng dưới. Đây là điều mà mỗi người con Phật cần phải biết để tránh lỗi kiêu mạn với người đi trước và tận lực hiếu thảo, đáp đền.