1. THỰC TRANG ẢNH HƯỞNG CỦA NHÂN SINH QUAN PHẬT GIÁO Ở VIỆT NAM TRONG NHỮNG NĂM QUA
Đất nước ta thực hiện công cuộc đổi mới trong hơn hai mươi năm đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Bên cạnh những thành tựu về kinh tế văn hoá, xã hội mà chúng ta đã đạt được, mặt trái của nền kinh tế từ trường cũng phát sinh ngày càng nhiều tiêu cực gây ảnh hưởng xấu đến nhiều mặt của đời sống xã hôi nước ta.
Để kiếm được nhiều tiền, nhiều người dùng mọi thủ đoạn như gian lận thương mại, buôn lậu, làm hàng giải buôn bán ma tuý… Nhiều vụ án kinh tế lớn đã xảy ra.
Mục đích hoạt động của các cá nhân và tổ chức kinh tế là tối đa hoá lợi nhuận. Vì vây, bất chấp lợi ích của cả cộng đồng, họ có thể lạm dụng tài nguyên của xã hội, khai thác đến cạn kiệt và gây ô nhiễm môi trường sống ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người.
Tệ nạn tham nhũng, cửa quyền, quan liêu, mất dân chủ trở nên trầm trọng đe doạ sự tồn vong của chế độ. Các tệ nạn xã hội được dịp bung ra như nấm mọc sau cơn mưa: Lừa đảo, trộm cắp, nghiệp và buôn bán ma tuý, giết người cướp của, mai dâm …
Nghiêm trọng hơn, gia đình – nền tảng cho xã hôi – trở nên mong manh, dễ tan vỡ. Quan hệ trong gia đình đảo lộn. Nhiều trường hợp vì đồng tiền mà anh em đâm chém nhau, vợ chồng ly tán. Những mối tình ngoài hôn nhân, tình yêu nơi công sở, có con ngoài giá thú. Vì đồng tiền, mẹ đẻ bắt con gái bán dâm ở tuổi vị thành niên …
Trong đời sống xã hội, chúng ta thấy xuất hiện chủ nghĩa cá nhân, lối sống vì đồng tiền, danh lợi, hưởng thụ, sa đọa, truy lạc, làm băng hoại đạo đức và truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Con người trở nên dễ bị tổn thương hơn và dễ có những hành động cực đoan hơn.
Sự tác động của cơ chế thị trường hứa hẹn đưa lại hiệu quả kinh tế cao nhưng nó không tự động mang lại những giá trị mà xã hội muốn vươn tới. Kinh tế thị trường tất yếu dẫn đến sự phân hoá giàu nghèo và tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống trong xã hội.
Trong bối cảnh đó, rõ ràng là quan niệm nhân sinh của Phật giáo đã có tác động nhất định trong việc điều chỉnh suy nghĩ và hành vi của con người, trước hết đối với cộng đồng tín đồ đao Phật (Cộng đồng dân cư theo đạo Phật và có tín ngưỡng đạo Phật nước ta có khoảng 10 triệu tín đồ) và sau nữa, nó có tác dụng lan toả đến các tầng lớp nhân dân khác trong xã hội nước ta.
Triết lý nhân sinh của Phật giáo như: luân hồi, nghiệp báo, vô thường vô ngã, từ bi hỷ xả, cứu khổ, cứu nạn đã ảnh hưởng sâu đậm tới lối sống, nếp nghĩ của các Phật tử.
Điều này có tác dụng ngăn ngừa mỗi khi con người có ý định làm việc không chính đáng. Người Phật tử coi trọng việc sống phúc đức, trung thực, sống thiện ngay trong cuộc sống hằng ngày.
Việc thực hiện Ngũ giới và Lục độ có tác dụng điều tiết hành động của con người cho hài hoà với yêu cầu của xã hội. Những hiện tượng tham ô, hối lộ, trộm cắp của công, xâm phạm tài sản của người khác, thậm chí biển thủ cả tiền ủng hộ người nghèo làm nhức nhối lương tâm con người, chẳng những đe doạ sự phát triển bền vững của xã hội, mà còn báo hiệu đạo đức xã hội của nước ta đã xuống cấp trầm trọng.
Trước tình trạng nói trên, bên cạnh việc Nhà nước tăng cường công tác quản lý và hiệu lực của pháp luật, ta cần khơi gợi yếu tố tích cực của giới luật trong đạo Phật để mọi người có ý thức hơn trong hoạt động kinh tế của mình sao cho ích nước lợi nhà.
Trong bối cảnh đồng tiền có sức mạnh dường như có thể làm đảo lộn luân thường đạo tý thì những điều Phật dạy ta không tham ngũ dục (danh vong, tiền tài, nữ sắc, ăn, ngủ nghỉ), phải tiết chế dục, làm cho mọi người sống giản dị, an lạc có tác dụng làm ta tĩnh trí lại, ngăn giữ cho ta hành động chân chính, hài hoà với lợi ích cộng đồng.
Những tư tưởng nhân quả, nghiệp báo của nhà Phật đã ăn sâu vào tiềm thức nhân dân ta. Ông cha ta đúc kết thành những lời răn day con cháu như: “Nhân nào quả nấy”, “ác giả ác báo”, “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, và “Kẻ gieo gió ắt phải gặp bão”… theo đó, hành vi thiện, ác ta gây ra đều là nhân của một quả tốt, xấu nào đó trong tương lai mà ta hoặc con cháu ta phải gánh chịu.
Có trường hợp quả đi liền với nhân không cần đợi đến kiếp sau, gọi là quả báo nhãn tiền”… Điều đó có tác dụng làm cho những người muốn làm điều gì đó xấu xa, ác độc cũng phải tự vấn lương tâm, nhìn lại bản thân mình. Và trong nhiều trường hợp, họ đã kịp tỉnh ngộ mà dừng tay, tránh làm những việc gây hại cho người khác.
Ở các Phật tử chân chính, hành vi ăn cắp, lừa đảo là không thể chấp nhận. Vì vậy, tình hình trật tự xã hội ở các địa phương có đông tín đồ tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng được đánh giá là khá tốt: số tội phạm giảm đáng kể; tệ nạn xã hội được kiềm chế; hạnh phúc gia đình được củng cố…
Một trong các bước tu tập của người Phật tử là thực hiện việc Bố thí. Các tăng ni tín đồ Phật giáo trong cả nước ngoài việc đóng góp tu bổ chùa đều đã tích cực hưởng ứng các phong trào ích nước lợi dân, đền ơn đáp nghĩa, từ thiện như: mở trường học, xây nhà tình nghĩa; ủng hộ đồng bào bị lũ lụt, thăm hỏi bệnh nhân nghèo, chăm sóc người già cô đơn không nơi nương tựa, trẻ mồ côi…
Ngoài ra, trong cuộc sống hăng ngày, mỗi khi gặp người trong cơn hoạn nạn, khốn khó, họ đều sẵn sàng giúp đỡ theo tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân” một cách vô tư không vụ lợi. Họ lấy việc “cứu người” làm hạnh phúc bởi theo họ:
Dù xây chín bậc phù đồ
Không bằng làm phúc cứu cho một người
Trong xã hội, đây đó vẫn còn hiên tượng con cái sống không có trách nhiệm với cha mẹ, thậm chí còn ngược đãi cha mẹ, đẩy cha mẹ già ra khỏi nhà, vào các trung tâm bảo trợ xã hội…
Trước những hiện tượng như vậy, chúng ta mới thấy sâu sắc hơn ý nghĩa của ngày lễ Vu lan mà bà con Phật tử vẫn thực hiện hằng năm. Trong tâm thức người Việt Nam, Mục Kiền Liên báo hiếu cha mẹ là tấm gương điển hình của lòng hiếu thảo của người con đối với cha mẹ, có ý nghĩa răn dạy con người phải hiếu thảo với cha mẹ, những người đã sinh thành và có công dưỡng dục cho mình thành người.
Cứ đến ngày lễ Vu lan của nhà Phật, mọi gia đình nô nức cùng nhau làm cỗ bàn thờ cúng tổ tiên và cúng chúng sinh mong cho người dưới âm phủ được xá tội, cùng với việc chăm sóc, tỏ lòng thành kính với cha mẹ đang ở cùng con cháu.
Đây cũng là dịp mọi người nhắc nhở nhau về trách nhiệm của con cháu đối với việc chăm sóc phụng dưỡng ông bà, cha mẹ ngay lúc còn sống chứ không đợi đến khi ông bà, cha mẹ khuất núi. Dân gian có câu:
Tu đâu cho bằng tu nhà
Thờ cha kính mẹ mới là đạo con.
Đêm đêm khấn nguyện Phật – Trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.
Rõ ràng là, trong đạo đức Phật giáo cũng chứa đựng những yếu tố đạo đức dân tộc. Và nhờ vậy đạo đức Phật giáo đã điều chỉnh được hành vi của các Phật tử và góp phần phát huy nền đạo đức dân tộc.
Phật giáo bám rễ rất sâu trong đời sống tinh thần; trong sinh hoạt văn hoá; trong tâm lý phong tục, tập quán cua các tầng lớp nhân dân. Phật giáo rất gần gũi với quần chúng. Đức Phật là biểu tương cho lòng từ bi, bác ái, là chuẩn mực cho đời sống có đạo đức của con người và đã được nhiều thế hệ người Việt Nam học tập và làm theo.
2. MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA VÀ KIẾN NGHỊ
Triết lý nhân sinh Phật giáo có vai trò lớn trong cuộc sống của người Phật tử cũng như đối với đời sống xã hội nước ta hiện nay cả về mặt đạo đức và về một hình thành nhân cách con người Việt Nam trong điều kiện của nền kinh tế thị trường.
Thứ nhất: Về mặt đạo đức:
Với một nhãn quan thực sự khoa học, cần phải thừa nhận rằng, trong hệ thống những giá trị, chuẩn mực tôn giáo, ngoài những điều khuyên răn, cấm đoán tạo nên nội dung riêng của đạo đức tôn giáo còn có những điều khuyên răn, cấm đoán biểu hiện những giá trị đạo đức trần thế. Chúng chỉ gắn một cách hình thức với các giáo lý tôn giáo. Phật giáo cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Ngũ giới của nhà Phật không sát sinh, không nói dối, không trộm cắp, không gian dâm, không uống rượu hay tư tưởng thấy làm điều thiện, không làm điều ác”… thực chất là những nguyên tắc đạo đức để những tín đồ Phật giáo rèn luyện tu dưỡng, điều chỉnh hành vi đạo đức của mình, hình thành những đức tính tốt đẹp cho người tín đồ Phật giáo trong nền kinh tế thị trường hôm nay như sống đức độ, trung thực, hướng thiện…
Những nguyên tắc đạo đức đó có những yếu tố hợp lý trong đời sống đạo đức ở mọi xã hội, trong đó có xã hội mới của chúng ta ngày nay.
Vì vậy, trong quá trình hình thành những phẩm chất đạo đức mới của con người Việt Nam hiện nay, chúng ta cần thấy rõ mặt tích cực của đạo đức Phật giáo để khai thác, kế thừa nhằm góp phần xây dựng nền đạo đức xã hội.
Thứ hai: Về hình thành nhân cách con người Phật giáo và ảnh hưởng đối với việc xây dựng con người Việt Nam hiện nay.
Phật giáo với các quan điểm về “vô thường”,”vô ngã”, “thập nhị nhân duyên”, “ngũ uẩn”, “ngũ giới”, “nhân – quả”, “nghiệp”, “nghiệp báo”, “luân hồi”, “tam học – bát chính đạo” đã ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách con người Phật giáo.
Người tín đồ Phật giáo luôn nhìn sự vật, hiện tượng trong mối quan hệ nhân quả. Người tín đồ sống từ bi, hỷ xả; sống trong sạch, có nề nếp, thật thà, giản dị, có trách nhiệm với hành vi của mình, quan tâm đến nỗi khổ của người khác, nhân ái, đức độ, vị tha, thương người…
Đó là những nét đẹp cao thượng của con người trong điều kiện nước ta hiện nay, khi mà cơ chế thị trường đã tạo nên một số người nào đó phát triển chủ nghĩa cá nhân, tính bàng quan và thói ích kỷ.
Những nét nhân cách đó phù hợp với truyền thống và đạo lý làm người Việt Nam và yêu cầu của việc xây dựng con người mới XHCN ở nước ta hiện nay.
Do vậy, chúng ta cần tiếp thu những yếu tố tích cực đó trên cơ sở có phân tích và chọn lọc để xây dựng con người Viết Nam hiện nay.
Nói về ảnh hương của Phật giáo trong việc hình thành con người Viết Nam hiện nay, GS.TS Nguyễn Tài Thư đã nhận xét: “Trong chừng mực nhất định, nhân cách Phật giáo đã góp phần làm nên nhân cách của con người Việt Nam ngày nay”.
Thứ ba: Những tồn tại cần khắc phục
Một bộ phận không nhỏ các tín đồ còn hiểu biết hạn chế về giáo lý, điều luật, lễ nghi của đạo Phật nên đã ảnh hưởng đến việc thực hành đạo cũng như hình thành nhân cách con người Phật giáo chân chính. Do đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần quan tâm đến việc phổ biến những kiến thức cơ bản về đạo cho các Phật tử.
Trong sinh hoạt tôn giáo của đạo Phật, trước những hiện tượng mê tín dị đoan, những hành vi tiêu cực của một số người mượn cửa chùa để mưu lợi làm ảnh hưởng đến sinh hoạt tôn giáo lành manh của đao Phật, các cấp chính quyền nhà nước và Giáo hội Phật giáo cần quan tâm đến việc tăng cường quản lý các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng để tránh những lệch lạc nói trên nhằm trả lại sự trong lành cho đời sống đạo của người tín đồ, bảo vệ uy tín của đạo Phật.
Tóm lại, triết lý nhân sinh, những giá trị tinh tuý của đạo Phật đã được người Việt Nam tiếp thu và biến đổi để trở thành một trong những nguồn sinh lực văn hoá của dân tộc.
Trong tương lai, cùng với sư biến chuyển của thế giới và con người, tinh thần nhân đạo cao đẹp của đạo Phật đã trở thành nét đẹp của con người Việt Nam chắc chắn sẽ trường tồn cùng thời gian.
Để thay cho lời kết luận, tác giả xin dẫn lời của các nhà nghiên cứu phương Tây: “Phật giáo là lời kêu gọi thâm trầm về nhân sinh, đạo đức con người”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Tập bài giảng lịch sử triết học, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 1.
2. Viện Triết học, Lịch sử tư tưởng Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993.
3. Viện nghiên cứu tôn giáo, Những vấn đề tôn giáo hiện nay, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nôi, 1994.