Cuộc sống ngày càng bận rộn, nhiều Phật tử rất muốn tiếp cận với kinh kệ nhà Phật nhưng không có nhiều thời gian để đọc. Thêm vào đó, các phương tiện để nghe cũng phát triển và phổ biến hơn, nên việc Phật tử tìm một máy nghe CD không phải là chuyện khó nữa. Trước thực tế đó, năm 2003, Hội Ấn tống Đạo Phật ngày nay đã đưa ra dự án đọc và thu lại “Đại tạng kinh”, sau đó in thành CD phổ biến cho các chùa, các Phật tử. Khi dự án này được đưa ra bàn bạc, rất nhiều Phật tử đã ủng hộ.
Thế là, từ kinh phí ban đầu của Hội và một số chùa ở TP.HCM cùng Phật tử phát tâm, Hội Ấn tống Đạo Phật ngày nay đã mua sắm một số máy móc cần thiết nhất. Kỹ thuật viên là các nhà sư. Phát thanh viên là những Phật tử hoặc không phải Phật tử có giọng đọc rõ ràng, tự nguyện tham gia.
Từ những ngày đầu khó khăn vì không có địa điểm thu thanh cố định, đến nay, Hội đã tìm được một địa điểm yên tĩnh, có thể làm việc hàng ngày với khoảng 30 người tham gia đọc hoàn toàn tự nguyện.
Những người đọc “Đại tạng kinh” là phát thanh viên của các đài phát thanh, đài truyền hình, là diễn viên (lồng tiếng, sân khấu, điện ảnh) và ca sĩ… Việc đọc kinh Phật hay các tác phẩm Phật giáo để thu âm hoàn toàn xuất phát từ cái tâm, từ tấm lòng hướng thiện của họ.
Chị Thanh Thuyết, một người tham gia đọc “Đại tạng kinh” ngay từ những ngày bắt đầu thực hiện nói: Tôi nghĩ rằng, đây là một cơ hội để đưa kinh, sách của Phật giáo đến với mọi người. Đọc sách, kinh của Phật giáo thì ngoài giọng đọc hay, truyền cảm còn phải có tâm, truyền được cả cái tâm của mình qua giọng đọc. Cho nên trước khi đọc, chúng tôi luôn cầu nguyện Đức Phật gia hộ làm sao để khi mình đọc lên thì người nghe thực sự là nghe bằng cái tâm và thấm nhuần được giáo lý của Đức Phật.
Việc âm thanh hóa “Đại tạng kinh” đang tiến triển tốt đẹp. Đến nay, 2/3 “Đại tạng kinh” với phần Kinh tạng bao gồm: Pàli, A hàm, Đại thừa bằng tiếng Việt đã được đọc xong.
Hội Ấn tống Đạo Phật ngày nay đã tặng hơn 300 bộ “Đại tạng kinh” cho các cộng đồng người Việt ở nhiều nước châu Âu, hơn 500 bộ “Đại tạng kinh” khác cho các chùa trong nước, tổng cộng khoảng 32 ngàn CD.
Nhiều Phật tử khác tiếp cận bộ “Đại tạng kinh” bằng âm thanh này qua website tusachphathoc.com và phản hồi từ người nghe là rất tích cực.
Có thể nói, việc âm thanh hóa “Đại tạng kinh” Phật giáo là một cách để đưa đạo Phật gần với cuộc sống, phổ biến đạo Phật được rộng rãi hơn và cũng là góp phần giáo huấn đạo đức cho mọi người thông qua giáo lý nhà Phật hiệu quả hơn.
Theo một số nhà chuyên môn thì ở nhiều nước đạo Phật phát triển, kể cả những nước mà đạo Phật là quốc giáo, sách về đạo Phật thì rất nhiều nhưng sách “nói” thì gần như chưa có. Tại một vài hội thảo, tổ chức Phật giáo ở một số nước xem đây là cách làm hay, sẽ xem xét để áp dụng.
Đại đức Thích Nhật Từ, Chủ tịch Hội Ấn tống Đạo Phật ngày nay là người khởi xướng việc âm thanh hóa “Đại tạng kinh”, Đại đức cho biết: Có thể nói đây là chương trình âm thanh hóa Đại tạng kinh Việt Nam đầu tiên. Các nước Phật giáo được xem là quốc giáo cũng chưa làm điều này. Trong một số hội nghị Phật giáo, khi tặng CD cho một số phái đoàn, dù họ không nghe được tiếng Việt nhưng họ rất thích, CD có giá trị tham khảo cho việc âm thanh hóa Đại tạng kinh bằng ngôn ngữ của họ, họ cho đây là một ý tưởng hay.
Với chúng tôi, việc âm thanh hóa không chỉ dừng lại ở Đại tạng kinh, sau đó sẽ là các tác phẩm Phật giáo vừa mang yếu tố nghiên cứu vừa mang tinh thần ứng dụng trong đời sống thường nhật.
Sau “Đại tạng kinh” là các tác phẩm Phật học ở dạng sách ứng dụng, tức là những sách truyện có tính giáo dục, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người sẽ được âm thanh hóa. Không chỉ Phật tử mà tất cả mọi người đều cần đến những sách truyện này để nghe và chiêm nghiệm. Ngay từ bây giờ, quý vị và các bạn có thể truy cập vào website tusachphathoc.com để tham khảo và nghe kinh.