Trang chủ Diễn đàn PGVN thiểu số hóa: Chỉ còn khả năng tập trung tín đồ...

PGVN thiểu số hóa: Chỉ còn khả năng tập trung tín đồ ở… rừng núi?

233

MINH THẠNH: Trong hướng nghiên cứu xác định chính xác hiện trạng của Phật giáo Việt Nam, mà theo tôi là đang thiếu số hóa, để đi đến thống nhất chấn hưng Phật giáo trong buổi đối thoại này, chúng ta thảo luận về khả năng tập trung tín đồ nơi trung tâm thành thị, một nét lớn trong bức tranh cục diện tôn giáo.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Vâng. Trước tiên, xin nêu với Minh Thạnh thông tin Thiền Tôn Phật Quang vẫn đều đặn tổ chức Đại lễ Phật Thành đạo với số người tham dự lên đến 20-30 ngàn người. Đây là thông tin cho thấy cục diện Phật giáo Việt Nam hưng thịnh?

MINH THẠNH: Thông tin bạn đọc vừa nêu rất đáng lưu ý. Khả năng tập trung tín đồ của Phật giáo Việt Nam rất hạn chế. Nay có con số như vậy thì rất là mừng.

Tuy nhiên, khi đánh giá liên hệ với sự phát triển tôn giáo, thì cần phải xem xét trong mối quan hệ giữa các tôn giáo. Không thể chỉ so sánh Phật giáo hôm nay với Phật giáo trước đây.

Sự phát triển của Phật giáo Việt Nam, dù có, nhưng khi nhìn trong cục diện tôn giáo, nếu không đạt mức như các tôn giáo khác, thì ý nghĩa của sự phát triển đó vẫn là giới hạn trong cục diện tôn giáo. Và trong một chiều kích nào đó, lại có thể là sự thể hiện một Phật giáo Việt Nam suy thoái và thiểu số hóa.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Tập trung được vài chục ngàn Phật tử ở nơi xa trung tâm thành phố như trường hợp Thiền tôn Phật Quang không thể nào có thể đánh giá thấp, riêng đối với một ngôi chùa, cũng như chung với Phật giáo Việt Nam?

MINH THẠNH: Vấn đề là chỗ vừa được nêu đó. Có thể ông cho là tập trung như thế ở nơi xa trung tâm thành phố mới có ý nghĩa. Còn tôi cho rằng tập trung ở trung tâm các thành phố mới có ý nghĩa.

Thực ra, lễ hội Phật giáo ở một số ngôi chùa miền Bắc, lễ hội Quan Thế Âm ở Đà Nẵng vẫn tập trung thường xuyên ở mỗi cuộc lễ hàng chục ngàn Phật tử. Nhưng vẫn là tập trung ở ngoài trung tâm các thành phố. Cho nên, ví dụ mà ông vừa nêu, tập trung Phật giáo vẫn là trong khuôn khổ cố hữu của Phật giáo Việt Nam: tập trung tín đồ vùng ở thôn quê, rừng núi, xa trung tâm thị tứ.

Phật giáo là tôn giáo hàng đầu ở Việt Nam nhưng khi so với đạo Cao Đài, một tôn giáo có số lượng tín đồ ít hơn nhiều, mà họ vẫn tập trung trên hàng trăm ngàn người mỗi lần vào hai dịp lễ lớn trong năm tại Quảng trường Tòa thánh Tây Ninh và ngày càng tập trung đông hơn, thì quả thật là đáng tiếc cho Phật giáo Việt Nam.

Trong liên hệ kể trên, cục diện tôn giáo có vẻ vẫn như cũ, cho dù một nơi nào đó của Phật giáo mới nổi có sức tập trung tín đồ lên đến vài chục ngàn người.

Nhưng cục diện tôn giáo không như vậy. Khi Phật giáo Việt Nam chỉ có vẻ phát triển khi tập trung được 20-30 ngàn tín đồ ở nơi rừng cao núi thẳm, thì các tôn giáo phương Tây tại Việt Nam cho thấy những bước tiến lớn trong việc tập trung tín đồ, nhưng không phải ở nơi sơn cùng thủy tận như Phật giáo Việt Nam đâu, mà ở trung tâm các thành phố lớn.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Yêu cầu Minh Thạnh nêu các dẫn chứng cụ thể.

MINH THẠNH: Chúng ta chỉ điểm lại năm vừa qua, 2017 thôi, thì cũng có một số dẫn chứng.

Bài viết “Thành tựu về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam bác bỏ luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch”, tác giả Đặng Tài Tính, nguyên Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế, Ban Tôn giáo Chính phủ, đăng trên Tạp chí Công tác Tôn giáo số 4/2018, trang 4, có nêu 2 trường hợp điển hình “thành tựu về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam”, không có trường hợp nào của Phật giáo (trừ liên hệ đến các đám tang và đại hội). Bài báo viết:

“Thực tế rõ như ban ngày, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân ngày càng được tôn trọng, bảo đảm nhiều chính khách nước ngoài đã tận mắt chứng kiến, ghi nhận đánh giá cao. Trong cuộc làm việc với Đoàn công tác Ban Tôn giáo Chính phủ tại Mỹ năm 2016, Mục sư cao cấp B. Roberts của Hội thánh Tin Lành Northwood (Mỹ) cho biết: “Các tôn giáo ở Việt Nam đều đang phát triển. Tôi thấy Chính phủ Việt Nam đang tạo điều kiện để người dân được thực hành tôn giáo của mình”. Phó Chủ tịch Quỹ tưởng niệm Cựu chiến binh Mỹ C. Searcy nói: “được chứng kiến trực tiếp và bằng kinh nghiệm bản thân mình, tôi cho rằng Việt Nam không chỉ có tự do tôn giáo mà các hoạt động tôn giáo ở Việt Nam ngày càng phát triển”. Trong hai ngày 8 và 9-2017, tại sân vận động Quần Ngựa (Hà Nội), Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) tổ chức kỷ niệm “500 năm Tin Lành cải chính”, Mục sư F. Graham, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hiệp hội Truyền bá Phúc Âm Billy Graham đã trực tiếp chủ trì hai buổi truyền giảng với sự tham dự của hơn 10.000 người. Trả lời phỏng vấn hãng AP, Mục sư F. Graham khẳng định: “chính quyền Việt Nam đã không đặt ra bất kỳ điều kiện nào cho việc tổ chức hai buổi truyền giảng”. Trong những ngày ở Việt Nam, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có buổi tiếp Mục sư F. Graham”.

“Trong hai ngày 21 và 22-11-2017, Đại hội Giới trẻ giáo tỉnh Hà Nội lần thứ 15 được tổ chức tại giáo phận Thanh Hóa với khoảng 20.000 người Công giáo tham dự. UBND tỉnh không những đã đồng ý để Tòa Giám mục giáo phận Thanh Hóa mượn địa điểm Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tổ chức mà còn chỉ đạo các cơ quan chức năng giúp đỡ bảo đảm giao thông an toàn. Đại hội khai mạc với nghi thức rước Thành giá từ Tòa Giám mục giáo phận Thanh Hóa ra quốc lộ 1A, đi vào trung tâm thành phố, qua đại lộ Lê Lợi,… rất thuận lợi”.

Đối với Tin Lành, thì ghi nhận trên đánh dấu việc trở lại truyền giảng trên sân vận động, sau sự cố “lửa cháy ở Mỹ Đình”. Mà truyền giảng sân vận động là mục tiêu, là lợi thế, là đặc trưng của các hệ phái Tin Lành hợp pháp. Còn “truyền giảng” không có gì khác hơn là tập trung kêu gọi việc tin Chúa, những buổi vận động từ bỏ tôn giáo truyền thống, nói dễ hiểu là “cải đạo”.

Đối với Ca tô La Mã, mà bây giờ một số quan chức đã chuyển sang gọi là “Công giáo”, thì dù gần đó, tại Hà Tĩnh, đám đông tín đồ Ca tô vẫn là đối tượng để chính quyền phải dè dặt, trong chuỗi các sự kiện Formosa, thì tại Thanh Hóa, 20 ngàn thanh niên (tín đồ thanh niên có ý nghĩa rất khác với tín đồ phụ nữ cao tuổi của Phật giáo) tập trung tại trung tâm thành phố, rước thánh giá trên đường phố. Thành tựu của chính sách hai mặt, phân công phân nhiệm đối phó với chính quyền của Ca tô La Mã được thể hiện rất rõ. Giáo phận Vinh, Công giáo mang bộ mặt khác. Giáo phận Thanh Hóa, Công giáo mang một bộ mặt khác. Nhưng điều tương đồng ở chỗ hai giáo phận tập trung hàng chục ngàn người, một bên bất hợp pháp và một bên hợp pháp.

Thế còn Phật giáo Việt Nam, sao lại tự hào với kết quả tập trung tín đồ ở rừng cao núi thẳm?

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Phật giáo TPHCM cũng tổ chức Phật Đản, rước Phật đông người?

MINH THẠNH: Số Phật tử tham dự những buổi lễ đó của Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM bằng với số tín đồ Ca tô La Mã tham dự Lễ Phục Sinh chỉ riêng ở giáo xứ Đồng Tiến, cạnh Việt Nam Quốc Tự. Rất dễ để quan sát tận mắt.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng từng tổ chức những lễ Phật Đản rất đông người ở Quảng trường Cung Hữu Nghị và ở sân vận động Quân khu 7.

MINH THẠNH: Có, nhưng đuối, không duy trì được. Việc đuối, phải buông, không theo nổi đó là sự biểu hiện của Phật giáo Việt Nam suy thoái, thiểu số hóa.

Ấy thế mà, có một số nhà lãnh đạo Phật giáo vẫn cho rằng đạo Phật ngày nay tươi sáng, đạo Phật ngày nay huy hoàng, đạo Phật hưng long rực rỡ tuyệt đỉnh vàng son.

Thế nhưng, trong những thành tựu về tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam không có những cuộc tập trung Phật tử ở các thành phố lớn, như bài báo nói trên đã điểm qua. Cục diện đó càng cho thấy Phật giáo Việt Nam đang ở thế suy thoái, bị các tôn giáo khác cải đạo, rơi vào tình trạng thiểu số hóa.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Minh Thạnh có nói trừ hai đám tang? Truyền thống cho thấy Phật giáo vẫn tập trung được đông đảo Phật tử ở các lễ tang. Ở khía cạnh này thì sao?

MINH THẠNH: Phật giáo Việt Nam tỏ ra hết sức chuyên nghiệp trong việc tổ chức đám tang. Đó là so với những hoạt động khác trong chính Phật giáo Việt Nam. Nhưng nếu nhìn trong cục diện tôn giáo, thì số Phật tử tập trung trong các lễ tang chức sắc Phật giáo vẫn thấp hơn nhiều so với các tôn giáo khác.

Vừa qua, cùng lúc với phía Ca tô La Mã có lễ tang Tổng Giám mục Phê rô Bùi Văn Đọc, cùng lúc phía Phật giáo có lễ tang Phó Pháp chủ Thích Thanh Sam. Một số bạn đọc có gởi cho tôi hình ảnh hai lễ tang và đề nghị tôi từ đó bình luận về hiện tình hai tôn giáo.

Tôi nhận thấy việc so sánh tang lễ là một điều rất tế nhị, nên không đề cập gì đến. Nay bài báo “Thành tựu về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam bác bỏ luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch” có đề cập hai đám tang như trên, trong sự thể hiện thành tựu tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam, nên tôi xin phép đề cập, để từ đó rút ra những nhận xét về cục diện tôn giáo ở Việt Nam, trong đó có hiện trạng Phật giáo Việt Nam.

Hình ảnh tín đồ tham dự hai đám tang có rất nhiều trên mạng internet, bạn đọc có thể xem, so sánh và có những nhận xét từ khía cạnh số lượng tín đồ.

Riêng lễ tang Tổng Giam mục Phê rô Bùi Văn Đọc, do được tổ chức ở TPHCM, nên tôi đã có mặt tại chỗ. Nếu dùng mức mà báo chí chính thức vẫn xác định đối với những cuộc lễ đông người ở Tòa thánh Tây Ninh, thì đám đông tín đồ Ca tô La Mã trên đường Lê Duẩn mà tôi nhìn thấy có thể đến 200.000.

Tôi không thể xác định chính xác số người tham dự là bao nhiêu, nhưng đám tang trải dài một chiều lưu thông đường Lê Duẩn, phần đầu đến Trung tâm Mục vụ, coi như cuối đường, thì phần cuối còn ở Nhà thờ Đức Bà, coi như đầu đường.

Không có cờ xí, kèn trống, lễ nhạc, chỉ có vòng hoa, di ảnh, xe tang như đám ma một người nghèo, nhưng số lượng người tham dự lễ tang Tổng Giám mục Bùi Văn Đọc đối với tôi là một đám đông tôn giáo chưa từng có mà tôi được xem tận mắt.

Lễ tang Phật giáo nổi bật với trang trí, hoa tươi, cờ phướn, có vẻ tổ chức bài bản quy mô. Còn lễ tang của Tổng Giám mục Bùi Văn Đọc lại nổi bật với đám đông và cách tổ chức để đám đông chiếm lĩnh đường phố. Số Thiếu nhi Thánh thể, nói Thiếu nhi nhưng gồm cả thanh niên, số lượng có thể hàng chục ngàn, rất khéo léo kỷ luật và chuyên nghiệp bài bản trong việc chiếm giữ đường phố và bảo vệ đoàn người.

Đám đông Ca tô La Mã mà tôi chứng kiến cho thấy một cục diện tôn giáo, mà ở đó, so sánh về phẩm chất tín đồ giữa các tôn giáo thể hiện rất rõ. Trong khi tín đồ Ca tô La Mã quân bình tuổi, giới, có thiếu nhi người trẻ, trung niên người cao tuổi, thì Phật giáo chỉ tập trung được phần lớn phụ nữ lớn tuổi, thường hơn 50 tuổi, có vẻ giới hạn hơn về trình độ, trong tác phong.

Cho nên, nếu đã bàn luận về việc tập trung tín đồ, thì ngoài việc tập trung được bao nhiêu người, ở đâu, trong hoàn cảnh nào, thì cũng cần chú ý đến tập trung được lứa tuổi nào, giới tính nào.

Nếu xét toàn diện như thế, thì 20 ngàn thanh niên Ca tô La Mã tại Trung tâm thành phố Thanh Hóa rất khác với cũng 20 ngàn phần lớn bà già trên một ngọn núi mà đi 1-2km nữa là hết đường.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Có lẽ Phật giáo khác các tôn giáo khác không cần tập trung tín đồ?

MINH THẠNH: Về câu hỏi này, đề nghị ông đọc lại kinh Phật, để xác định quy mô hội chúng thời Đức Phật.

Điều tốt cho Phật giáo Việt Nam là Giáo hội Phật giáo Việt Nam ghi nhận hiện trạng Giáo hội Phật giáo Việt Nam không có những sự kiện đóng góp cho thành tựu tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam trong năm 2017 như Tin Lành (tại sân vận động Quần Ngựa, trung tâm Hà Nội) và Ca tô La Mã tại Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch, trung tâm thành phố Thanh Hóa, để tổ chức những sự kiện tương xứng trong năm 2018.

Với vị trí Phật giáo Việt Nam, nếu tổ chức được với quy mô 100 ngàn người, thì cũng chưa chứng tỏ được Phật giáo đang phát triển mà không suy thoái, vì con số tín đồ được tập trung như thế chỉ bằng với đạo Cao Đài.

Có lẽ, mục tiêu Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải là con số từ 200.000 tín đồ trở lên tại trung tâm các thành phố lớn và đó mới là đóng góp cho thành tựu tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam, khẳng định Phật giáo Việt Nam đang hưng long, thịnh đạt.