Trang chủ Tin tức Trường TCPH Hà Nội khai giảng khóa VIII (2018 – 2022)

Trường TCPH Hà Nội khai giảng khóa VIII (2018 – 2022)

172
Chứng minh buổi lễ khai giảng có: Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban hoằng pháp TW GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN thành phố Hà Nội; Thượng tọa Thích Thanh Quyết – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban giáo dục Tăng Ni TW; Hòa thượng Thích Thanh Chính – Ủy viên Thường trực HĐTS GHPGVN – Phó trưởng Ban Thường trực BTS GHPGVN thành phố Hà Nội; Thượng tọa Thích Tiến Đạt – Cố vấn Ban giám hiệu Trường trung cấp Phật học Hà Nội, trụ trì chùa Đại Từ Ân; Thượng tọa Thích Minh Hiền – Ủy viên thường trực HĐTS, Phó trưởng BTS GHPGVN thành phố Hà Nội; Thượng tọa Thích Minh Tín – Ủy viên HĐTS, Trưởng Ban giáo dục Tăng Ni GHPGVN thành phố Hà Nội, Hiệu trưởng trường Trung cấp Phật học thành phố Hà Nội; Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ – Ủy viên HĐTS, Phó ban hoằng pháp TW, Trưởng Ban hoằng pháp GHPGVN thành phố Hà Nội, Phó hiệu trưởng trường Trung cấp Phật học thành phố Hà Nội; Đại đức Thích Đạo Phong – Ủy viên HĐTS, Chánh thư ký BTS GHPGVN Thành phố Hà Nội; Thượng tọa Thích Tâm Hoan – Ủy viên HĐTS, Phó thư ký kiêm Chánh văn phòng BTS GHPGVN Thành phố Hà Nội cùng chư tôn đức thường trực BTS GHPGVN thành phố Hà Nội, chư tôn đức trong Ban giám hiệu trường Trung cấp Phật học Hà Nội.

Về phía chính quyền có: Ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội; Ông Nguyễn Đức Tuấn – Phó ban tôn giáo thành phố Hà Nội; Ông Lê Thanh Quảng – Đội phó đội Phật giáo phòng an ninh xã hội công an thành phố Hà Nội; Phó giáo sư Tiến sĩ Đỗ Hải Phong – Trưởng khoa ngữ văn trường đại học sư phạm Hà Nội; Ông Nguyễn Vũ Băng – Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty DIA; Ông Nguyễn Hữu Mạnh – Phó chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc huyện Đan Phượng; Ông Nguyễn Văn Thọ – Phó ban dân vận huyện ủy huyện Đan Phượng; Ông Nguyễn Hữu Phú – Phó ban thường trực Ban tôn giáo huyện Đan Phượng cùng quý vị đại biểu đại diện cho các cơ quan chức năng, ban ngành sở tại  và đông đảo nhân dân tín đồ Phật tử đã về tham dự buổi lễ.

  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  

Mở đầu chương trình, Thượng tọa Thích Minh Tín đã phát biểu khai mạc buổi lễ, chia sẻ “Khai giảng khóa VIII, về cơ sở hạ tầng đã ổn định hơn, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là trong công tác quản lý Tăng ni sinh. Quản lý con người đã là khó, đưa con người vào quy củ, nề nếp thiền gia lại càng khó hơn. Việc này đòi hỏi đội ngũ giảng sư, văn phòng, cán bộ quản lý phải là người mẫu mực, là tấm gương cho Tăng ni trẻ noi theo, dám hi sinh những lợi ích cá nhân để dấn thân vì sự nghiệp đào tạo tăng tài”. Qua đó, Thượng tọa đại diện cho toàn thể Ban giám hiệu nhà trường nói riêng và quý chư tôn đức lãnh đạo Phật giáo thủ đô nói chung, nhắn nhủ với 141 vị Tăng ni sinh khóa VIII “khó có thể tìm được một cơ sở, một môi trường tu học nào tốt hơn nơi đây, các vị đang có rất nhiều những thuận duyên, và tuổi trẻ đang là lợi thế của các vị, “ấu bất học, lão hà vi”. Đừng uổng phí thời gian của tuổi trẻ, đừng bao giờ quên trí nguyện xuất gia của mình, đừng phụ công ơn thầy tổ cho đi học. Chúng tôi kỳ vọng ở ý thức nỗ lực, tinh tấn tu học của các vị”.

  
  
  
  
  

Sau lời phát biểu khai mạc, Hòa Thượng Thích Bảo Nghiêm đã đánh trống khai trường. Tiếng trống như báo hiệu cho toàn thể tăng, ni sinh trường Trung cấp Phật học Hà Nội biết rằng khóa VII đã kết thúc, khóa VIII đã bắt đầu, đòi hỏi các tăng ni sinh cần phải cố gắng nỗ lực hơn nữa trong công tác tu học để có thể làm lợi lạc tự thân, góp phần xây dựng Giáo hội và đem lại lợi lạc cho chúng sinh.

  

Tiếp theo chương trình, Đại đức Thích Đạo Phong đã công bố quyết định chuẩn y thành phần nhân sự ban giám hiệu trường trung cấp Phật học Hà Nội khóa VIII gồm có 11 vị. Thượng tọa Thích Minh Tín đã đón nhận quyết định chuẩn y từ Hòa thượng Thích Thanh Chính.

  
  
  
  
  
  

Nhân dịp này, chư tôn đức BTS GHPGVN thành phố Hà Nội cùng quý vị lãnh đạo đại diện các cơ quan chức năng, các Phật tử đại diện cho các lớp giáo lý đã có những lẵng hoa tươi thắm chúc mừng ngày khai giảng của nhà trường.

  
  
  
  
  
  
  
  
  

Sau đó, Đại đức Thích Trí Thuần đã đại diện cho văn phòng Ban giám hiệu nhà trường báo cáo tóm tắt tổng kết công tác tổ chức – quản lý và đào tạo khóa VII (2014 – 2018) và tuyển sinh khóa VIII (2018 – 2022) trường Trung cấp Phật học Hà Nội.
Bản báo cáo nêu rõ: Tính đến ngày tốt nghiệp, tổng số Tăng ni sinh khóa VII (2014 – 2018) gồm có 232 vị, được chia làm 3 lớp: Lớp Tăng gồm 80 Tăng sinh. Lớp Ni I có 86 ni sinh, lớp Ni II có 66 ni sinh. Ngoài đào tạo Tăng Ni trong thành phố, khóa VII còn đào tạo cho Tăng Ni các tỉnh bạn như: đơn vị Phật giáo tỉnh Thanh Hóa có 3 Tăng ni sinh, đơn vị Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh có 4 Tăng sinh. 
Năm học thứ nhất Tăng ni sinh học tại cơ sở Mộ Lao, do cơ sở vật chất chưa đáp ứng được đầy đủ nên sang năm học thứ II nhà trường đã chuyển lên cơ sở mới là chùa Đại Từ Ân – huyện Đan Phượng. Tại đây, Ban giám hiệu, văn phòng trường đã tổ chức mô hình cho Tăng ni sinh tu học nội trú 100%. Việc sinh hoạt, ăn ở nội trú hoàn toàn do nhà trường vận động chư tôn đức Tăng Ni trụ trì các tự viện, Ban bảo trợ và Phật tử cúng dàng, Tăng ni sinh không phải đóng góp.
Hàng ngày, Tăng Ni sinh vừa học tập vừa duy trì các thời khóa tụng niệm, tu tập theo quy củ thiền gia, các cán bộ văn phòng cũng được phân công trực luân phiên để quản lý Tăng Ni sinh. Trong 3 năm tu học nội trú tại cơ sở Đại Từ Ân, tăng ni sinh đã được an cư tại chỗ để thúc liễm thân tâm, trau dồi Giới – Định – Tuệ. 
Trong 4 năm học từ năm 2014 đến 2018, Ban giám hiệu cùng Ban giáo vụ nhà trường đã hoàn thiện chương trình giảng dạy cho Tăng ni sinh khóa VII với 42 môn học, tổng thời lượng là 3825 tiết, bằng 255 đơn vị học trình. 
Từ kết quả của điểm tổng kết 4 năm học và điểm thi tốt nghiệp, loại xuất sắc có 2 vị đạt 0,86%; loại giỏi có 80 vị đạt 34,58%; loại khá có 75 vị đạt 32,32%; loại trung bình khá có 47 vị đạt 20,25%; loại trung bình có 25 vị đạt 10,77%. Chỉ có duy nhất 3 vị không đủ điều kiện tốt nghiệp chiếm 1,3%. Sau khi tốt nghiệp Trung cấp, có 118 vị Tăng Ni sinh của nhà trường đã trúng tuyển Học viện.
Khóa VIII, có 2 đối tượng tuyển sinh: Đối tượng thứ nhất được tuyển thẳng là Tăng ni sinh đã học Sơ cấp và đạt điểm chuẩn trong kỳ thi kết thúc; đối tượng thứ 2 phải dự thi gồm các Tăng ni sinh (trong và ngoài tỉnh) đã thụ giới Sa Di, Sa Di Ni trở lên, và các vị đã học sơ cấp nhưng thiếu điểm các môn học hoặc điểm trong kỳ thi kết thúc không đạt. Tổng số có 141 vị Tăng Ni sinh đầy đủ hồ sơ hợp lệ. Trong đó, tuyển thẳng 96 vị, dự thi 45 vị, có 11 tăng ni sinh đơn vị Phật giáo tỉnh Thanh Hóa, 1 vị Ni sinh đơn vị Phật giáo tỉnh Phú Thọ, 8 vị đơn vị Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh. Trong số 45 tăng ni sinh dự thi có 31 vị đạt và 14 vị không đạt.
Để đạt được những thành quả trên, Ban giám hiệu và thầy trò nhà trường đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, kịp thời của BTS Phật giáo Tp. Hà Nội, từ định hướng giáo dục, tổ chức nhân sự trong Ban giám hiệu, chương trình đào tạo, quản lý Tăng Ni v.v…

  

Sau đó, Tăng Ni sinh khóa VII đã đón nhận bằng khen và chứng nhận tốt nghiệp của chư tôn đức Ban giám hiệu trường Trung cấp Phật học Hà Nội trao tặng.
 
  
  
  
  
  

Trong niềm xúc động khôn nguôi, Đại đức Thích Đạo Tâm đã đại diện cho Tăng ni sinh khóa VII dâng lời cảm niệm tri ân công đức tới quý Thầy cô trong Ban giám hiệu nhà trường và đặc biệt là sự chỉ dạy của chư tôn đức trong BTS GHPGVN Thành phố Hà Nội đã tạo điều kiện để Tăng ni sinh có thể tinh tiến học và tu, phấn đấu làm rạng danh con cháu dòng họ Thích.

  
  
  
  
  
  

Cuối buổi lễ, Thượng tọa Thích Thanh Quyết đã có thời đạo từ tới đại chúng, bày tỏ niềm vui mừng trước những thành quả đã đạt được của thầy và trò trường trung cấp Phật học Hà Nội. Thượng tọa chia sẻ “hiện nay giáo dục Phật giáo trên toàn quốc có trên 40 cơ sở đào tạo từ trung cấp trở lên, chưa tính sơ cấp thuộc các quận huyện tổ chức đào tạo. Qua đánh giá một cách khách quan tại Học viện, số lượng Tăng Ni sinh của trường Trung cấp Phật học Hà Nội lên dự đông nhất, và cũng là những Tăng ni sinh có thành tích học tập xuất sắc nhất. Quan điểm chung của Giáo hội hay của ngành giáo dục và học viện Phật giáo Việt Nam nói riêng là không cần số đông, mà cần chất lượng đào tạo. Chúng ta mừng bởi 229 vị Tăng Ni sinh vừa mới ra trường đều đạt điểm rất tốt. Tỷ lệ giỏi và xuất sắc có tỉ lệ rất cao so với nhiều trường khác. Đây chính là điều đáng mừng mà chúng ta kế thừa từ các bậc tiền Tổ giữ vững và phát huy được.Hiện nay, ban giáo dục của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã được nhà nước cho phép đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành Phật học. Đây là một sự quan tâm và tin tưởng đặc biệt của nhà nước, và từ nay chúng ta đã hoàn chỉnh hệ thống giáo dục Phật giáo trong toàn quốc, đó là từ sơ cấp, trung cấp đến đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Nhưng chỉ tiêu mỗi năm bao nhiêu là do chính phủ quy định, chứ không phải chúng ta tự quyền là đào tạo bao nhiêu cũng được”.
Qua đó, Thượng tọa cũng nhấn mạnh “quản con người đã là khó, quản tăng ni sinh còn khó hơn, bởi vì bản chất tăng ni sinh cũng là con người. Ngoài quản con người, còn phải quản thêm cả giá trị chức sắc tôn giáo. Quản theo luật cái gì cũng khó. Khi động chạm vào việc nọ việc kia đều vướng vào ranh giới tôn giáo. Cho nên ăn học ngủ nghỉ đều phải quản thật chặt“. Thượng tọa mong rằng các cơ sở sơ cấp cố gắng quản tăng ni sinh và dạy dỗ uốn nắn chặt chẽ ngay từ đầu, để đến trung cấp chư tôn đức giảng sư và ban giám hiệu đỡ vất vả trong công tác giảng và dạy, đồng thời khuyến tấn Tăng Ni sinh trường trung cấp Phật học Hà Nội đang được thừa hưởng những ân đức lớn từ chư tôn đức, nên hãy cố gắng giữ vững kỷ luật nhà trường, học và tu thật tinh tiến, đem sức trẻ xây dựng Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Lời đạo từ ý nghĩa của Thượng tọa đã khép lại buổi lễ khai giảng khóa VIII của trường trung cấp Phật học Hà Nội tràn đầy niềm hỷ lạc.