Tham dự buổi hướng dẫn thiền có TT. Thích Huệ Vinh, cùng Chư tôn đức Tăng Ni trong và ngoài tỉnh.
Nhiều năm qua Lễ hội Quán Thế Âm tại chùa Quán Thế Âm – Đà Nẵng đã được TT. Thích Huệ Vinh tổ chức thành công. Những hoạt động tâm linh tín ngưỡng mang đậm bản sắc dân tộc và tính nhân văn đã thu hút sự tham dự của hàng vạn lượt người. Tuy nhiên, giữa không khí Lễ hội rộn ràng, Thượng tọa vẫn cảm nhận rằng phải có thời khóa hướng dẫn tu tập thiền để làm cốt lõi, làm trái tim của Lễ hội. Vì vậy, hàng năm Người đã thỉnh mời TT. Thích Chân Quang về tổ chức hướng dẫn thiền cho phật tử vào mỗi chiều ngày 19/02 âm lịch. Đây quả thực là cái nhìn của một bậc có chiều sâu trí tuệ.
Được biết, trong tình pháp lữ giữa những người xuất gia đồng hạnh, đồng nguyện, TT Thích Chân Quang và TT Thích Huệ Vinh đã kết nghĩa huynh đệ. Theo TT. Thích Huệ Vinh, một lần kết nghĩa rồi thì các vị sẽ mang tình nghĩa đó theo suốt đời mình, suốt cuộc đời là sống vì nhau, vì Phật pháp, vì chúng sinh. Nhân đây Thượng tọa Trụ trì bày tỏ lòng biết ơn với TT. Thích Chân Quang đã về tham dự Lễ hội, đồng thời hướng dẫn Thiền cho phật tử gần xa.
Tiếp theo, Thượng tọa Thích Chân Quang chia sẻ, cách đây 8 năm, trước vẻ đẹp của thành phố Đà Nẵng, Người đã cảm tác nên ca khúc “Non nước mênh mông”. Rồi mỗi lần quay lại đều thấy thành phố đẹp đẽ hơn. Có lẽ đó cũng là lý do mà Đà Nẵng thường được lựa chọn làm nơi tổ chức các Hội nghị cấp cao.
Dĩ nhiên một thành phố như thế luôn thu hút ngày càng nhiều du khách. Và khi đến với Việt Nam, người ngoại quốc sẽ tiếp cận với nền văn hóa của nước ta, đặc biệt nhất là đạo Phật. Tuy nhiên, những người tri thức cao không bao giờ chấp nhận một lối tu đơn giản chỉ cần niềm tin. Điều thế giới cần là một con đường đầy trí tuệ, giúp tăng trưởng công đức, Thánh vị. Đó chính là con đường thiền định.
Trong đạo Phật có Bồ tát Quán Thế Âm là biểu tượng sự dung hòa giữa niềm tin và trí tuệ. Chúng sinh dù nhớ tưởng về Bồ tát bằng niềm tin hay bằng trí tuệ đều được Ngài nhiếp độ bình đẳng cả.
Thượng tọa chia sẻ rằng, dù bản thân chuyên tu thiền nhưng người vẫn thường niệm danh hiệu Bồ Tát Quan Âm, và nhiều lần đã được sự linh ứng. Quả thực lời kinh Phổ Môn nói không sai: sức linh nghiệm của Bồ Tát Quán Âm có thể đánh tan cả độc dược, lửa thiêu, rừng gươm, vực thẳm. Và Bồ Tát Quán Âm không chỉ cho ta sự linh ứng qua niềm tin từ sự cầu nguyện, Ngài còn dạy ta về thiền định. Đó là con đường của trí tuệ.
Ngày nay nhiều nhà nghiên cứu, triết học, tâm lý học, khoa học khắp nơi bắt đầu hiểu rằng thiền thật sự mang lại niềm an vui lâu bền cho con người. Con đường thiền mà Đức Phật đã chỉ dạy là con đường mà cả thế giới đều ngưỡng vọng.
Nhân đây Thượng tọa đã chỉ ra bốn điểm khác biệt giữa thiền đạo Phật với những trường phái thiền khác trên thế giới:
– Thứ nhất là được tuyên dạy bởi một “Bậc giác ngộ” tột cùng tuyệt đối.
– Thứ hai là có “công thức” rõ ràng, giống như một môn khoa học vậy, không nói mơ hồ lãng đãng, không nói theo cách muốn hiểu sao cũng được.
– Thứ ba là có “lộ trình” trải qua nhiều kiếp. Dù con đường rất dài, tuy nhiên mỗi trạng thái đều được Phật diễn tả rõ ràng để hành giả biết mình đang đến đâu, không ngộ nhận rằng mình đã rất cao, dù cho tâm được an lạc tỉnh sáng, dù cho xuất hiện nhiều kết quả tâm linh.
– Thứ tư, thiền đạo Phật có khả năng đưa đến “vô ngã” tột cùng. Đây là tính chất vô cùng đặc biệt.
Trước Phật, nhiều tu sĩ ngoại đạo cũng chứng đắc, họ phát được thần thông, nhập được định… Tuy nhiên đều nằm trong vòng bản ngã, chưa bao giờ đạt đến vô ngã. Chỉ có Đức Phật đã vượt thoát khỏi mọi hình thức bản ngã để chứng đạt vô ngã tột cùng, và suốt cuộc đời giáo hóa Ngài luôn dạy cho chúng sinh đi tìm vô ngã mà thôi.
Sau này, càng cách xa Phật, các vị A La Hán càng vắng bóng thì lý tưởng giác ngộ càng bị phai nhạt. Trước những cảnh giới màu nhiệm cao siêu, những trạng thái cực kì an lạc hạnh phúc của thiền, chúng sinh thường bị choáng ngợp, ngay đó đa phần đều dừng lại hưởng thụ niềm an lạc. Đây là niềm bất hạnh của chúng sinh trong thời mạc pháp này.
Bên cạnh đó, tất cả chúng sinh đều bị bản ngã thôi thúc, đều muốn tô điểm cho bản ngã, hễ tu hành thì luôn muốn tìm gì đó cao siêu về cho mình. Và tất cả đạo giáo đều tận dụng tâm lý này để thu hút, kêu gọi tín đồ, tức là hứa hẹn những kết quả cao siêu màu nhiệm. Chỉ có đạo Phật, một tôn giáo cực kì lạ lùng, lại kêu gọi mọi người tu để không còn gì là mình nữa, tức là tìm về vô ngã. Và chỉ có những người rất thiện căn, rất trí tuệ mới chấp nhận, mới thấy hạnh phúc với mục tiêu này.
Phải hiểu rằng, ai giữ vững lý tưởng vô ngã, đó là người giữ gìn cho Phật pháp không tan hoại. Ai lãng quên vô ngã, người đó bắt đầu ra khỏi Phật pháp.
Tiếp theo, Thượng tọa nói về ba nền tảng hỗ trợ thiền định, đó là: Công đức – Đạo đức – Khí công. Người tu tập thiền định phải tạo phước rất nhiều, tập khí công rất nhiều, và phải thanh lọc nội tâm cho rất thuần thiện đạo đức.
Càng tu đúng thì có ba kết quả hiện ra rất rõ:
– Thứ nhất là đạo đức, càng tu thiền càng hiền lành, tử tế, sâu sắc, chứ không phải càng ngông nghênh, kiêu ngạo, bất cần.
– Thứ hai là công đức, tức là siêng dấn thân hi sinh, chứ không thụ động lánh đời. Nhiều người buông hết chuyện đời để tu quyết liệt, thật ra đó cũng chỉ là một giai đoạn nào đó trên đường tu mà thôi, không phải là mục tiêu tối thượng. Hoặc rất nhiều người không muốn làm phước vì sợ động tâm, nhưng thật ra chính cái phước lại hỗ trợ cho tâm linh rất nhiều, làm phước nhiều rồi tâm sẽ dễ nhiếp hơn. Công đức luôn là nền tảng quan trọng của thiền.
– Thứ ba, người tu thiền thì càng lúc càng khỏe mạnh.
Tiếp theo, Thượng tọa nhấn mạnh rằng lộ trình để chứng đắc thiền định được Phật gọi là Bát Chánh Đạo, trong đó ba chánh cuối cùng là Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Cách dụng công ở mỗi Chánh được Phật diễn tả hết sức cụ thể, không mơ hồ.
– Chánh tinh tấn là giai đoạn tu khổ sở, vì chưa có kết quả, thân thì đau mỏi, tâm thì động loạn không yên. Bởi vậy Phật mới dùng từ “tinh tấn”, nghĩa là hết sức cố gắng. Đa phần người tu hay bỏ cuộc ở giai đoạn này. Với những ai dù chưa có kết quả mà vẫn kiên trì tu hành cho đến cuối đời, phải biết rằng họ đã từng cung kính lễ bái bậc Thánh giác ngộ nào đó. Cho nên có cái phước giữ gìn cho họ một ý chí phi thường. Và tùy phước duyên mỗi người mà giai đoạn Chánh tinh tấn này kéo dài trong vài tháng, vài năm, thậm chí vài kiếp.
– Chánh niệm: Đến giai đoạn này hành giả đã cảm nhận được niềm hỷ lạc của thiền định, ngồi thiền đã bắt đầu trở thành niềm an lạc hạnh phúc vô bờ. Hành giả không cần phải dùng đến ý chí, không phải cố gắng một cách vất vả như giai đoạn Chánh tinh tấn nữa.
Ở giai đoạn Chánh tinh tấn thì khi tiến khi lui, khi yên khi động. Còn giai đoạn Chánh niệm thì hành giả đạt được trạng thái ổn định, vững chắc để tiến tu.
– Giai đoạn Chánh định thì đã vào đến Thánh quả cao siêu rồi.
Trên lộ trình thiền định, Phật đã chỉ rất rõ ràng trong mỗi Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định có bao nhiêu bước để chúng sinh tu đến đâu thì biết rõ đến đó, không rơi vào sự ngộ nhận, không chứng thấp mà tưởng mình đã rất cao. Nhờ đó chúng sinh không kiêu mạn gây tổn phước, biết thận trọng, khiêm cung. “Tu đến đâu biết rõ mình đã đến đó”, ai hiểu được như vậy, người đó góp phần dựng lại chánh pháp.
Và trên tất cả, nếu không có lòng tôn kính Phật tuyệt đối thì chúng ta không thể đạt được Thánh vị, không thể chứng đạt vô ngã. Cái tâm kính ngưỡng bậc Thánh giải thoát chính là chánh nhân cho chúng sinh đạt được sự giác ngộ viên mãn.
Sau cùng, hội chúng đã tọa thiền tập khí công theo sự hướng dẫn của quý thầy.
Thật sự, càng ngày con người càng kiếm tìm những giá trị tâm linh vượt khỏi những vị kỷ, những bất an nhỏ nhặt tầm thường. Tuy nhiên vì cách Phật đã xa, người tu rất dễ ra khỏi lý tưởng vô ngã, hoặc ngộ nhận mình đã chứng rất cao để rồi tổn phước, lui sụt. Vì vậy thật hữu duyên cho những ai tìm được lộ trình tu hành chuẩn xác như Phật đã dạy xưa kia, và hiện tại được những bậc tu hành chân chánh nhắc nhở mình.
Để báo đáp thâm ân của Chư Phật, của Thầy tổ, chúng ta nguyện tinh tấn tu hành chân chánh, và lúc nào cũng mong muốn bản thân mình tu làm sao cho bản ngã càng lúc càng hết dần dần để có thể yêu quý mọi người, dấn thân phụng sự gây tạo rất nhiều công đức nhưng không chấp công. Đồng thời nguyện ước rằng cả thế giới đều siêng tu thiền định. Nhờ vậy bao điều thiện lạc, những Thánh tính cao cả sẽ xuất hiện trong tâm hồn chúng sinh. Nhờ vậy, sẽ có ngày cõi đất này này sẽ trở thành cõi thiên đường tịnh lạc an vui./.