Tại Đại hùng Bảo điện, chư tôn đức đã làm lễ niêm hương bạch Phật, đảnh lễ Tam bảo, kỳ an, chúc phúc cho đôi tân nương, tân lang… Giờ phút quan trọng nhất của buổi lễ hằng thuận là thời pháp thoại của Thượng tọa chứng minh, Ngài đã nhắn nhủ đôi tân lang, tân nương về ý nghĩa của lễ hằng thuận: “mang những điều dạy của đức Phật trong kinh Thiện Sinh, pháp Lục hòa trong thiền môn, Ngũ giới của người phật tử để biết giữ gìn bổn phận của người vợ, người chồng, phải biết yêu thương, nhường nhịn lẫn nhau để tình cảm luôn bền vững, tốt đẹp. Vợ chồng phải biết tôn trọng, lắng nghe để thấu hiểu nhau “Thuận vợ, thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”, có hòa hợp thì mới có thể sống với nhau lâu dài và vượt qua nhiều khó khăn, thử thách trong cuộc sống đi đến một tương lai tốt đẹp.
Đồng thời, đôi tân lang, tân nương cũng phải biết giữ đạo làm con, làm cháu, biết quan tâm, chăm sóc, phụng dưỡng cho cha mẹ, ông bà nội ngoại lúc tuổi già, không nên chỉ lo xây dựng tổ ấm của mình mà quên đi trách nhiệm, bổn phận với tổ tiên, dòng họ. Trong không khí trang nghiêm, hoan hỷ, thanh tịnh chư tôn đức và quan viên hai họ, đôi tân lang, tân nương sau khi đã đảnh lễ tứ thân phụ mẫu, đôi vợ chồng trẻ đã trao nhẫn cưới cho nhau. Thượng tọa ân cần chỉ dạy: “bách nhẫn thành kim” trăm điều nhẫn sẽ mang lại nhiều điều lành tốt đẹp quí hơn vàng, từ đó gia đình sẽ mãi mãi hạnh phúc, an vui… xây dựng một xã hội phồn vinh, tốt đẹp vì mỗi gia đình là một tế bào của xã hội…
Lễ hằng thuận của Phật giáo là nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, phát huy nền tảng trí tuệ, đạo đức tâm linh, định hướng con người sống hữu ích trong đời sống gia đình, xã hội. Lễ hằng thuận là cây cầu nối giữa đạo và đời, là sự hòa quyện nhuần nhuyễn giữa văn hóa truyền thống, đạo đức dân tộc và văn hóa tâm linh của Phật giáo, là nét đẹp văn hóa đặc thù của Phật giáo trong lĩnh vực hôn nhân gia đình đối với người phật tử để kiến tạo cho mình một đời sống an lạc trong hiện tại và trong kiếp lai sinh.
Lễ hằng thuận được tổ chức tại chùa đã trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh có ý nghĩa thiết thực trong việc xây dựng một xã hội an hòa trên nền tảng hạnh phúc của mỗi gia đình và là sự lựa chọn ngày càng phổ biến của giới trẻ trong ngày vui quan trọng nhất của đời minh . Chính vì vậy mà ngày nay, nhiều bạn trẻ đã chọn mái chùa thân thương ở địa phương mình để xin làm lễ hằng thuận, việc làm này đang được Trung Ương GHPGVN khích lệ và tuyên truyền nhân rộng trong các đạo tràng sinh hoạt Phật giáo ở khắp các tỉnh thành.