Thường mỗi ngày tết Thượng tọa Trụ trì đều dành tặng một bài thuyết Pháp thật sự hữu ích cho quý phật tử. Mỗi đề tài đều nhấn mạnh đến sự dụng công hành trì chánh pháp mà Thượng tọa muốn gửi tới những người con Phật nhân dịp đầu năm mới. Đề tài của bài Pháp thoại Thượng tọa chia sẻ là NGHIỆP ĐIỀU KHIỂN TÂM TRÍ TA. Bài Pháp đã chỉ ra nguồn gốc sâu xa của ý nghĩ chính là phước và tội. Đồng thời, đưa ra phương pháp điều chỉnh, xây dựng nội tâm tối ưu. Nhờ đó, các phật tử biết vận dụng, thực hành, xây dựng nội tâm mình trở nên tốt đẹp, góp phần tạo dựng một xã hội thánh thiện, bình an.
Mở đầu buổi Pháp thoại có vài tiết mục văn nghệ do các phật tử biểu diễn đã góp vui, khiến không khí ngày xuân thật ấm áp và tăng thêm ý nghĩa.
Đầu tiên, Thượng tọa gửi lời cảm ơn chân thành đến những phật tử, dù ở xa nhưng vẫn cố gắng thu xếp về chùa nghe Pháp, vui tết với mọi người. Gác lại mọi hoạt động vui chơi tết, trở về với mái chùa là việc thật đáng khen vì không phải ai cũng làm được. Vậy nên, đây hẳn là những người rất có phước.
Vào bài Pháp, Người cho rằng năm vừa qua, không chỉ Việt Nam, mà trên thế giới có rất nhiều tội ác man rợn xảy ra khiến cuộc sống của con người bị xáo trộn. Nhưng lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt, dù vụ án phức tạp thế nào, hung thủ đều không trốn thoát. Thế nên, cứ sống yên lành, lương thiện, vừa mang lại niềm vui cho mình, vừa mang lại niềm vui cho người khác, vậy mới là khôn ngoan. Tuy nhiên, có một câu hỏi là động cơ nào khiến cho con người có thể làm ra những chuyện độc ác, man rợn như vậy?
Thường thì người chưa biết đạo có thể sát sinh, nói những lời làm cho người khác đau lòng. Người hiểu đạo rồi thì cái tác động nào vào tâm người khác cũng đều trở thành quả báo. Nghĩa là, chưa biết đạo, chưa hiểu nhân quả, chưa có lòng yêu thương con người sâu đậm thì ta cứ sống theo ý thích của mình. Lúc hiểu đạo rồi, ta biết cư xử dè dặt. Nếu giữ được cái đầu và cái tâm của mình, đừng để nó khởi lên điều xấu thì những hành động độc ác sẽ không xảy ra. Đó là căn bản của cuộc sống cũng như sự tu hành.
Thật vậy, cái hay nhất của cuộc đời là giữ tâm mình trong cái thánh thiện và làm sao để nó chỉ khởi lên những điều tốt đẹp, tử tế, yêu thương, phụng sự, cống hiến. Được vậy, ta chẳng những an toàn mà còn vui vẻ, hạnh phúc, được Chư Thiên và chúng sinh yêu mến.
Thượng tọa khẳng định, ai có tâm tốt thì gặp chó, chó không sủa; gặp chim, chim không sợ. Tức là, những con vật có linh cảm, trực giác sẽ nhận ra tâm tốt của họ ngay. Mọi người cũng từ từ nhận ra rồi yêu thương họ luôn. Người phát hiện sớm nhất chính là quỷ thần, Chư Thiên. Vậy nên, cái quan trọng nhất là tạo cho mình một tâm hồn tốt đẹp bởi nó chính là cái điều khiển tâm trí ta.
Ta phải nhớ, nhiều khi tâm này không phải của ta bởi nó bao gồm 3 điều: cái biết, cái muốn và nghiệp lực. Cái chi phối, điều khiển tâm ta chính là nghiệp lực. Những ý nghĩ của ta, đừng nghĩ rằng tự mình nghĩ ra bởi trong đó, nó bị nghiệp lực chi phối. Nhưng tại sao một người phật tử có pháp danh, thiết tha tu tập, lễ kính Phật hằng ngày mà tâm vẫn nghĩ bậy?
Thượng tọa giải thích, rất nhiều người bị rơi vào tình huống này nhưng đừng quá lo lắng, hãy kiên nhẫn sám hối rồi sẽ bớt nghĩ bậy thôi. Chính cách ứng xử của con người khi đó sẽ chia con người thành 2 hạng người: Một là tưởng ý nghĩ xấu đó là ý nghĩ của mình rồi làm theo thì sẽ xuống địa ngục thật. Hai là biết dằn vặt, chiến đấu với ý nghĩ xấu, rồi thoát được khỏi nó.
Hạng người khởi ý nghĩ xấu, tưởng đó là của mình rồi trở thành xấu luôn là người không có phước, không biết lễ Phật, không cung kính những bậc Thánh. Còn hạng người biết giằng co, chiến đấu vất vả với ý nghĩ xấu là người biết lễ Phật, biết cung kính bậc Thánh. Nhờ những cái phước đó, họ thoát được khỏi cái ý nghĩ xấu.
Tuy nhiên, quá trình chiến đấu với ý nghĩ xấu nhanh hay chậm là tùy thuộc vào cái phước của ta. Cái phước đó đầu tiên bắt nguồn từ việc lễ Phật, sám hối, sau đó là thương người, khuyên bảo mọi người cùng tu hành. Chính những điều ta muốn cho mọi người tốt thì tâm ta bắt đầu tốt. Tức là ta muốn người khác được cái gì thì ta sẽ được cái đó. Nhiều khi họ chưa được nhưng ta đã được rồi. Cái đẹp trong những lời chúc tết chính là như vậy.
Ngoài ra, muốn quả báo tới thì ta phải thật lòng cầu mong những điều tốt đến với người khác. Chúc mà không thật lòng thật dạ thì không có quả báo. Bên cạnh những điều tốt đẹp, ta cần chúc cho mọi người có một tâm hồn thánh thiện. Mong ước này sẽ giúp tâm ta dần dần trở nên đẹp hơn. Thế mới nói tâm ta không phải của ta mà là do nghiệp tạo nên.
Để ý ta sẽ thấy, mới bước vào cuộc đời tu hành, không bao giờ tâm tốt ngay. Ai cũng phải đi qua giai đoạn có những tâm xấu khởi lên và ta buộc phải chiến đấu với nó. Muốn thắng được nó thì phải khôn, phải biết rằng tâm đó không phải của ta mà là của nghiệp. Hơn nữa, tâm làm chủ và dẫn đầu các Pháp, có tâm rồi mới có lời nói và hành động. Tội, phước hay quả báo cũng từ đó mà ra. Đây là một quy trình. Và quả báo cũng có nhiều nhánh chứ không phải chỉ một. Giống việc ta gieo một hạt xoài thì được một cây có rất nhiều nhánh, nhiều cành, nhiều hoa, nhiều lá và nhiều trái. Từ một nhân thôi nhưng lại được rất nhiều loại quả.
Ví dụ, theo nhân quả, nếu ta bố thí thì kiếp sau được giàu sang nhưng đó là cách nói đơn giản thôi bởi nó còn có rất nhiều quả báo khác, hễ mà nó tới là tới nhiều luôn. Nghĩa là trong nhiều kiếp luân hồi về sau, bất cứ lúc nào ta gặp bế tắc thì đều có quý nhân giúp đỡ. Thế nên, đây cũng là một cái phước để dành.
Ngoài ra, bố thí còn những quả báo khác như là không bao giờ ta rơi vào cảnh mất danh dự, trước mặt mọi người, danh dự của ta lúc nào cũng sáng rỡ. Hay ta không bao giờ bị đói khát vì đã gieo nhân giúp đỡ mọi người lúc khó khăn…Tương tự vậy, khi ta tặng người khác quần áo, ta không chỉ được quả báu là nhiều kiếp ăn mặc đẹp, mà còn được cả khuôn mặt đẹp. Giống như ta chưng hoa cho Phật vậy. Quả báo có nhiều nhánh như vậy. Tuy nhiên, ta phải nhớ một nhánh rất quan trọng, đó là nhánh quay lại trong tâm ta, tạo thành tâm hồn cho ta.
Ví dụ, tâm mình chưa tốt lắm nhưng nghe nói bố thí kinh sách thì được phước. Vậy nên, ta mua sách nhân quả tặng cho mọi người. Họ đọc sách mà tâm hồn mở ra, được định hướng tốt lên thì phước trở lại ta là tâm ta cũng trở nên thánh thiện. Đây là điều đương nhiên vì ta làm tâm người khác tốt lên mà.
Thêm nữa, ta mất tiền mua sách để tặng thì ta còn được thêm cái phước là có lộc, có tiền. Cái phước này giúp mọi việc của ta trở nên suôn sẻ hơn. Tuy nhiên, bản thân việc cúng dường cũng bị cái nghiệp chi phối. Nhiều người có có tiền của, muốn cúng dường nhưng bị chuyện này, chuyện kia cản nên không thể cúng dường được. Vậy mà người có lộc lại rất dễ bố thí. Cái lộc trong đời lạ vậy. Cái lộc đó ở đâu ra? Chính là ở việc ta mua sách, cúng dường cho người khác. Một hành động thôi nhưng rất nhiều quả báo đi theo. Nhờ những quả báo đó là tâm ta trở nên vị tha, yêu thương, vui vẻ hơn, mọi căng thẳng tự dưng biến mất, muốn buồn cũng không thể buồn được. Cái phước trở lại tâm ta là như vậy.
Thượng tọa nhấn mạnh, tâm ta là của ta nhưng lại không phải là của ta, nghe thì mâu thuẫn, vậy mà lại đúng. Muốn hiểu rõ điều này, ta phải thấy được 2 tính chất của tâm. Một là cái chủ động của mình, muốn nghĩ gì thì ra cái đó. Hai là cái thụ động, do nghiệp ép ta phải nghĩ như vậy. Biết tâm có 2 mặt này, ta mới thấy ý nghĩ vừa là nhân, vừa là quả. Nhân là lúc ta dùng lí trí để cân nhắc, lựa chọn. Qủa là lúc ta bị thôi thúc, không lựa chọn được nữa, chỉ còn ý nghĩ để suy nghĩ mà thôi.
Cũng giống việc ta cân nhắc mùng 2 tết nên đi đâu, đến mừng tuổi sếp, đi chơi hay đến chùa nghe Pháp. Việc cân nhắc này chính là nhân, là lí trí, là sự chủ động trong tâm ta. Khi ta lựa chọn đến chùa thì quả báo bắt đầu đi theo con đường đó luôn. Con đường mà ta uốn nắn dòng nghiệp của mình trong năm nay và cuộc đời về sau.
Hướng về Phật, nương tựa nơi Tam Bảo, sống và đi theo điều thiện thì cái lợi này lớn vô cùng. Ngược lại, nếu lựa chọn đi chúc tết sếp hay đi chơi thì nhân quả biến ta thành người thực dụng hoặc thích hưởng thụ. Cuộc đời ta sau quyết định đó mãi không khá lên được, có khi còn đi vào bế tắc. Còn nhân quả của việc chọn lên chùa nghe Pháp sẽ rẽ cuộc đời ta sang một hướng tích cực khác. Đó là do ta gieo nhân.
Tuy nhiên, nếu đang suy tính nơi cần đi trong ngày mùng 2 tết mà bất chợt có một ý nghĩ khác khởi lên mạnh mẽ, khiến ta không kiềm chế được thì đó là do cái nghiệp thôi thúc, khiến tâm ta rơi vào trạng thái thụ động, bị nghiệp ép. Cho nên, trong tâm ta vừa có nhân, vừa có quả.
Ta để ý rằng cái gì ta còn lựa chọn được, còn có lí trí thì đó là nhân. Cái gì ta bị cưỡng bách một cách cảm tính thì là quả. Tâm mà có phước thì tính lí trí tăng, kéo theo nhiều ý nghĩ tốt phía sau. Tâm có tội thì cảm tính tăng, là nguyên nhân khởi lên những ý nghĩ xấu. Vậy mới nói, tâm được chia làm 2 loại: có phước và có tội.
Ví dụ, một người đi chùa sám hối mà có người khác ngăn lại, nói Phật cũng chỉ là bức tượng bằng đất sét có gì đâu mà lạy, thầy chùa cũng giống ta có gì đâu mà kính xá. Nhân quả bây giờ chưa hiện ra nhưng 30 năm sau, một người sẽ trở thành người đạo đức mẫu mực, ai cũng kính trọng; một người làm những chuyện bậy bạ, khiến gia đình xấu hổ, cả xã hội coi khinh. Nguyên nhân cũng chỉ do một câu nói xúc phạm Phật và những bậc đáng kính ở 30 năm trước.
Nghĩa là cái nghiệp nghĩ Phật là đất sét, thầy chùa cũng là người bình thường đã thúc ép ta làm tội theo cảm tính, không kiềm chế được ý nghĩa xấu, dẫn đến làm bậy. Chúng ta đâu biết rằng nơi tượng Phật, tưởng cục đá nhưng lại là đại diện của Phật, trong đó hàm chứa đầy đủ thần lực của Ngài. Cho nên, khi tạo nghiệp trong tâm, ta không thể lường được quả báo về sau. Nó đi một vòng rồi sẽ trở lại tâm ta.
Ví dụ, một người vì nghèo quá nên đã đi ăn trộm. Khi đột nhập vào nhà, thấy có bàn thờ Phật liền trang nghiêm, xá rất kĩ rồi mới trộm đồ đi. Một tên trộm khác cũng đột nhập vào nhà có bàn thờ Phật để ăn trộm nhưng không lạy Phật mà cứ thế lấy đồ đi. Cả 2 tên trộm đều bị công an bắt ngay sau đó. Lúc bị bắt, 2 tên trộm giống hệt nhau: nghèo đói, không nghề nghiệp, bị mọi người ghét bỏ.
Vậy nhưng, 30 năm sau, tên trộm không lạy Phật vẫn là một tên trộm, phạm tội tới lui, không làm được việc gì. Còn tên trộm mà biết lạy Phật thì làm lại cuộc đời, trở thành người có nghề nghiệp, ai cũng yêu thương. Dù có nhắc lại quá khứ tù tội, mọi người chẳng những không khinh bỉ, ngược lại còn rất nể phục vì họ dám chiến đấu với chính mình để trở thành người lương thiện, có ích cho xã hội.
Do vậy, tâm chính là cái điều khiển lời nói và hành động của ta. Ngay khi ý nghĩ xuất hiện, quả báo tương ứng cũng được hình thành. Ta thù hận người khác rồi phát ra thành lời nói và hành động thì quả báo trở lại tâm, khiến tâm ta tệ hơn lúc trước. Khi đó, không chỉ là thù ghét mà đủ thứ xấu xa khác. Cuối cùng, ta đọa súc sinh luôn.
Ngược lại, nếu tâm ta khởi được ý nghĩ yêu thương muôn loài, rồi phát ra thành lời nói và hành động thì cái phước báo trở lại trong tâm. Khi đó, tâm ta không chỉ có sự yêu thương mà còn tràn đầy những điều tốt đẹp khác. Chẳng hạn như sự thông minh. Tại sao yêu thương, bố thí lại giúp ta trở nên thông minh? Đó là do quả báo có nhiều loại. Vậy nên, các bậc cha mẹ muốn con mình học giỏi, thay vì bắt nó học thêm, hãy bố thí, giúp đời, tự nhiên con sẽ học giỏi lên.
Khiêm hạ hay tự cao cũng vậy. Nếu có tâm khiêm hạ, biết tôn trọng người khác, khi được khen mà biết tìm đủ mọi lí do để thoái thác ở trong tâm thì ta được quả báo giàu sang, tài giỏi, xinh đẹp mãi. Quả báo quay lại cái tâm, làm tâm ta trở nên thanh tịnh, hạnh phúc, an vui. Còn người tự cao, luôn nghĩ mình hơn rồi coi khinh người khác thì quả báo trở lại trong tâm là nghĩ cái gì cũng sai, làm cái gì cũng bậy khiến mọi người ghét.
Ở đây, tâm ta là do nghiệp. Phước đến thì ta có lí trí, biết cân nhắc, lựa chọn. Tội đến thì ta bị thúc đẩy, thúc ép phải suy nghĩ theo một hướng và hướng đó rất xấu. Thấy tâm mình thì đừng nghĩ đó là tâm mình bởi đó là tội và phước. Do đó, muốn xây dựng nội tâm mình trở nên tốt đẹp thì phải làm phước thật nhiều.
Thượng tọa chia sẻ, căn bản của việc làm phước là lễ kính Phật, cung kính những bậc đáng kính, giúp đỡ mọi người, giữ tâm khiêm hạ, trải lòng yêu thương. Nếu biết tác ý mãi như vậy, mọi cái tâm tốt sẽ nảy nở, vô số điều lành theo đó mà phát sinh trong tâm, khiến cuộc đời ta trở nên mẫu mực, thánh thiện.
Hiểu được điều đó, khi thấy người khác xấu hay làm sai điều gì, ta không dám mắng chửi, thù ghét vì biết đó là cái nghiệp của họ. Muốn họ sửa, chỉ còn cách khuyên nhủ họ làm phước để chỉnh nội tâm. Thêm nữa, việc mắng chửi họ không những không làm họ hết tội mà cái tội đó còn chạy qua tâm ta. Thế nên, đừng khờ dại mà chửi họ. Ngoài ra, ta cũng không được khen họ. Nhiều người nghĩ khen là tốt nhưng khen phải khen đúng nơi, đúng lúc, đúng cái cần khen. Ta khen cái xấu của người khác nghĩa là ta cổ vũ cho cái xấu. Khi đó, cái xấu không mất đi, có khi còn phát triển mạnh mẽ, rồi chạy qua tâm ta luôn.
Do vậy, đừng chê, cũng đừng khen mà chỉ tìm cách chỉnh cái nghiệp cho họ thôi. Ta khuyên bảo, thuyết phục người khác làm phước thì họ sẽ sửa được cái sai. Bản thân ta cũng vậy. Nếu tâm chưa tốt thì phải cố gắng làm phước thật nhiều để tâm mình từ từ tốt lên. Không bao giờ có chuyện cứ muốn là tâm tự tốt lên đâu. Ta phải lạy Phật thường xuyên, bố thí thật nhiều, cực khổ ngồi thiền, làm phước thật dày thì tâm mới tốt lên được. Đây chính là bí quyết xây dựng nội tâm hiệu quả và bền vững nhất.
Tóm lại, cứ mỗi quan điểm hay phương pháp ứng dụng đạo lý mà Thượng tọa nêu ra trong bài Pháp thoại đều được minh họa bằng những ví dụ cụ thể, thực tế và sinh động đã làm sáng tỏ luận điểm “Nghiệp điều khiển tâm trí ta”. Vậy nên, dù bài Pháp khá dài nhưng lại rất dung dị, dễ hiểu, giúp các phật tử nắm rõ nội dung và có thể thực hành được ngay. Từ đây, mọi người cùng nhau tu tập, xây dựng nội tâm cho mình và cho người khác để cộng đồng này toàn những con người đạo đức, thánh thiện, tử tế, yêu thương.
Thêm nữa, bài Pháp cũng chỉ ra nguyên nhân khiến xã hội ngày càng trở nên bất ổn chính là do sự xuống dốc của tâm hồn con người. Để xây dựng xã hội này, thiết nghĩ chúng ta phải có những giải pháp để xây dựng tâm hồn cho mọi người theo chiều hướng tốt hơn trước. Đây vừa là trách nhiệm của mỗi cá nhân, vừa là trách nhiệm của cả cộng đồng rộng lớn. Lợi ích của cá nhân cũng là lợi ích của xã hội. Vậy nên, không ai trong chúng ta được phép đứng ngoài trách nhiệm và nghĩa vụ này./.