Thấy vậy Bà la môn suy nghĩ: Ta thích làm việc về củi gỗ tại khu rừng này. Còn Sa môn Gotama thì thích làm việc gì ở đây?
Nghĩ vậy rồi Bà la môn Navakammika liền đi đến Thế Tôn nói lên bài kệ: Nay ông làm việc gì/Trong rừng cây sa la/Khiến ông sống một mình/Vui gì ông tìm được/Sa môn Gotama?
Thế Tôn đáp: Ta không phải làm gì/Trong khu rừng sa la/Với Ta, rễ đã cắt/Cả khu rừng rậm rạp/Như vậy Ta được thoát/Mọi rừng rú chông gai/Tâm Ta không bị đâm/Một mình sống an lạc/Đoạn trừ mọi bất mãn/Sống thích thú hoan hỷ.
Được nghe nói vậy, Bà la môn Navakammika bạch Thế Tôn:
Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama. Mong Tôn giả nhận con làm đệ tử, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bô I, chương 7, phẩm Cư sĩ, phần Navakammika, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.394)
LỜI BÀN:
Có những niềm vui, hạnh phúc biểu hiện ra bên ngoài, chìm ngập trong đèn hoa rực rỡ cùng vô số những tràng pháo tay, chúc tụng ồn ào. Nhưng cũng có những niềm an vui, hạnh phúc rất sâu lắng, thuộc về nội tâm mà người ngoài khó có thể biết được.
Và những ai chưa từng trở về với chính mình, chưa một lần trải nghiệm thiền định thì không thể ngờ rằng có những người dù sống cô độc, khắc khổ trong rừng nhưng lại ân hưởng một niềm hạnh phúc, an vui lặng lẽ và trọn vẹn (tịnh lạc).
Thời Thế Tôn, Bà la môn Navakammika đã nhiều lần tự hỏi không biết Sa môn Gotama sống một mình trong rừng vì mục đích gì? Hay là vị Sa môn này đã tìm được niềm vui nào đó trong lối sống độc cư ở nơi hoang vu rừng núi? Và những thao thức đó ngày nay vẫn hiện hữu nơi rất nhiều người khi họ quan tâm tìm hiểu đời sống tu tập của người xuất gia.
Thực ra, mỗi người sống ở trên đời đều mưu cầu hạnh phúc. Người xuất gia chối bỏ những niềm vui và hạnh phúc của thế thường vì nó mong manh, dễ vỡ và thực chất chúng là vỏ bọc của những khổ đau trá hình.
Hạnh phúc đích thực của đời sống con người không phải là sự sung mãn về vật chất, thỏa mãn tham vọng quyền lực và danh vọng… mà chính là thiết lập được bình an nội tại. Chính sự an tịnh nôi tâm, hỷ lạc do thiền định mang lại là hạnh phúc đích thực, là chất liệu nuôi dưỡng đời sống xuất gia.
Một khi đã dọn dẹp vườn tâm an tịnh, tẩy sạch cấu uế tham ái, phiền não thì người ấy, dù ở đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng hạnh phúc, an vui. Tâm thanh tịnh thì thế giới thanh tịnh.
Do đó, người xuất gia không hướng ngoại để cầu toàn mà luôn trở về tự tâm an trú trong hiện tại với chính niệm. Không vướng bận quá khứ, không bị chi phối bởi tương lai, sống thảnh thơi, hạnh phúc ngay trong hiện tại, bây giờ và ở đây…