Tham dự buổi lễ có HT.Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTSTW GHPGVN – HT.Thích Thanh Nhiễu – Phó chủ tịch thường trực HĐTSTW GHPGVN; TT. Thích Quảng Hà, TT. Thích Thanh Quyết – Phó chủ tịch HĐTSTW GHPGVN cùng chư Tôn đức Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, HĐCM, HĐTS TW GHPGVN và Sơn môn pháp phái Nho Lâm cùng chư Tôn đức trụ trì các Tổ đình tự viện trong toàn quốc về tham dự.
Cố trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ – Thế danh Trần Văn Long, sinh năm 1927 tại thôn Miêu Nha, xã Song Mai, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Thành viên Hội đồng Chứng minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, XII; Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Tôn giáo; Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội; nguyên Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam; Uỷ viên Ban Chấp hành Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản; Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Hà Nam; Chứng minh Đạo sư Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh, Tỉnh hội Phật giáo Thái Nguyên; Chủ tịch Ban Chấp hành họ Trần Việt Nam; Viện chủ Tùng lâm chùa Quán Sứ, chùa Châu Long, chùa Thọ Cầu – thành phố Hà Nội, Tổ đình chùa Bái Đính – tỉnh Ninh Bình, Tổ đình chùa Nho Lâm, chùa Bình Kiều – tỉnh Hưng Yên.
II. NHỮNG ĐÓNG GÓP CHO ĐẠO PHÁP VÀ DÂN TỘC
Sống trong cảnh thực dân phong kiến đô hộ, nhân dân lầm than đau khổ, Ngài đã sớm nhận thức rằng: nước mất thì đạo cũng bị hủy hoại Thấm nhuần tư tưởng:
“Phật pháp bất ly thế gian giác” với truyền thống yêu nước “Hộ quốc an dân” của Phật giáo Việt Nam suốt 2000 năm hiện diện và đồng hành với dân tộc, Ngài đã sớm giác ngộ Cách mạng, , Ngài đã hóa thân Bồ Tát, lúc làm tu sĩ, lúc làm dân thường, lúc là người chiến sĩ Cách mạng với bầu nhiệt huyết ưu đời mẫn thế.
Từ tháng 10 năm 1951 đến tháng 4 năm 1953, Ngài đã bị thực dân Pháp bắt giam và tra tấn, giải qua nhiêu trại giam, nhà tù: Bốt La Tiến, bốt Lực Điền ở thị xã Hưng Yên; nhà thờ Kẻ Sặt, nhà giam giam ở tỉnh Hải Dương; Nha công an, nhà tù Hỏa Lò, trại giam Thanh Liệt, tỉnh Hà Đông, nay là thành phố Hà Nội.
Trong cảnh giam tù, thực dân Pháp đã sử dụng nhiều thủ đoạn tra tấn dã man. Song với tinh thần đại hùng, đại lực, đại từ bi, Ngài đã thể hiện rõ bản lĩnh của người Trượng Phu phụng sự đất nước. Ra khỏi nhà lao, Ngài lại tiếp tục tham gia hoạt động Cách mạng cho đến ngày miền Bắc được hoàn toàn giải phóng.
Từ năm 1974 đến năm 1980, Ngài được suy cử Uỷ viên Ban Trị sự kiêm Chánh Văn phòng Trung ương Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, chính thức làm việc tại chùa Quán Sứ, Trụ sở Trung ương Hội. Với trọng trách của mình, Ngài đã cùng Chư tôn Giáo phẩm thành viên Ban Trị sự Trung ương, xây dựng nhiều chương trình hoạt động Phật sự ích đạo lợi đời, củng cố hệ thống tổ chức từ trung ương đến địa phương, tạo nền tảng và tiền đề cho việc phát triển tổ chức Giáo hội Phật giáo toàn quốc khi đất nước hoàn thành sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà.
Năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, Nam Bắc chung một nhà, non sông liền một dải, Trung ương Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam đã chủ động thành lập các phái đoàn vào thăm các tổ chức hệ phái Phật giáo miền Trung và miền Nam để tạo mối liên hệ pháp lữ và chia sẻ tâm nguyện của Tăng ni Phật tử giữa các vùng miền sau nhiều năm đất nước chia cắt.Ngài được cử làm Thư ký đoàn để tham vấn Chư tôn đức trong việc xây dựng nội dung và chương trình làm việc tiếp xúc với chư tôn đức lãnh đạo các tổ chức hệ phái Phật giáo ở miền Trung và miền Nam.
Cuối năm 1979 đầu năm 1980,Sau một thời gian chuẩn bị, Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam được thành lập và Ngài được cử làm Phó Thư ký Ban vận động. Với trọng trách của mình, Ngài đã đi thăm nhiều cơ sở tự viện, gặp gỡ nhiều chư tôn Giáo phẩm thuộc các tổ chức, hệ phái Phật giáo, trên cơ sở đó Ngài đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng, giúp chư tôn Giáo phẩm của các tổ chức, hệ phái Phật giáo đồng thuận, hòa hợp để sớm đi đến sự hợp nhất tổ chức thành lập Giáo hội toàn quốc.
Với sự gia trì của Tam Bảo, sự nhất tâm của Tăng ni, Phật tử, Hội nghị Thống nhất Phật giáo Việt Nam đã được long trọng tổ chức từ ngày 04 đến ngày 07/11/1981 tại chùa Quán Sứ – Hà Nội, Trụ sở Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam. Sau 04 ngày làm việc trong tinh thần đoàn kết, hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm tổ chức, Hội nghị đã quyết nghị thống nhất các tổ chức hệ phái Phật giáo Việt Nam, với danh xưng Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, thông qua Hiến chương, chương trình hoạt động Phật sự và nhân sự Ban lãnh đạo trung ương: Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự. Và Ngài được suy cử làm Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng I Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho đến tháng 11 năm 1997.
Tháng 11 năm 1997, Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IV (1997-2002) thành công, Ngài được suy cử làm Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự. Năm 2001 Ngài được suy cử làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội. Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ V (2002-2007) và lần thứ VI (2007-2012), Ngài được suy tôn là thành viên Hội đồng Chứng minh và suy cử làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Học Viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội.
Trải qua các chức vụ Ngài đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với đạo Pháp, đặc biệt là sự phục hồi các hoạt động Phật sự của Phật giáo miền Bắc sau ngày đất nước được thống nhất. kiện toàn tổ chức, nhân sự Giáo hội tại địa phương, phục hồi các hoạt động Phật sự đúng chính pháp tại các cơ sở tự viện, kêu gọi công đức trùng tu các cơ sở tự viện bị xuống cấp, động viên Tăng ni, Phật tử yên tâm hành đạo và tích cực tham gia lao động sản xuất, đăng ký hộ khẩu ổn định đời sống tu hành, độ người Phật tử xuất gia và Phật tử tại gia.
Nhiều di tích lịch sử văn hóa của Phật giáo được tôn tạo và mở hội truyền thống, giữ gìn bản sắc dân tộc, Phật pháp được xiển dương và hạn chế hủ tục không phù hợp với chính pháp., Ngài đã trực tiếp đảm trách ngôi Chứng minh đạo sư hoặc làm Trưởng Ban Trị sự để cho Tăng ni, Phật tử địa phương nương tựa, như Tỉnh hội Phật giáo Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Hà Nam.
Bên cạnh đó, Ngài còn trao truyền giới châu tuệ mệnh cho hàng ngàn Tăng ni mới xuất gia và hàng vạn Phật tử tại gia thông qua các đại giới đàn do Ban Trị sự các tỉnh thành phố và các Tổ đình tổ chức.
Sự nghiệp giáo dục đào tạo Tăng ni có đủ tài đức là một trong những Phật sự được Ngài quan tâm đặc biệt. 30 năm xây dựng và trưởng thành của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội luôn gắn liền với tên tuổi và công lao to lớn của Ngài., Ngài đã dành nhiều tâm lực và trí tuệ với một mong muốn Phật giáo miền Bắc phải có một tuyển Phật trường xứng tầm với lịch sử Phật giáo Việt Nam.với bao vất vả, Ngài đã xây dựng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội với một cơ ngơi to đẹp, trang nghiêm, đủ điều kiện ăn ở nội trú để Tăng ni sinh yên tâm tu học như hôm nay.
30 năm xây dựng và trưởng thành của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ngài đã có nhiều đóng góp to lớn cho những thành tựu Phật sự chung của Giáo hội hội Phật giáo Việt Nam, Ngài trở thành cấu nối giữa đạo với đời, giữa Phật giáo miền Bắc với Phật giáo miền Trung và Phật giáo miền Nam. Là thành viên tích cực trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Ngài được tín nhiệm cử tham gia Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Tôn giáo của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Với tinh thần phụng sự chúng sinh là thiết thực cúng dàng chư Phật, Ngài đã thường xuyên đến thăm hỏi và tặng quà động viên các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi khuyết tật, ảnh hưởng chất độc da cam, các trung tâm nuôi dưỡng người không nơi nương tựa, những gia đình gặp hoạn nạn, khó khăn, xây dựng nhà đại đoàn kết, nhà tình thương, tham gia các hoạt động xóa đói giảm nghèo. Ngài còn trực tiếp tham gia Ban Chấp hành Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam, Hội Người Cao tuổi Việt Nam để cùng đóng góp tham mưu xây dựng chính sách xã hội ngày một hiệu quả hơn.
Đối với công tác Phật sự quốc tế, Ngài đã đi thăm, làm việc và tham gia nhiều Hội nghị tôn giáo Quốc tế được tổ chức ở các nước châu Mỹ, châu Âu, châu Á, và Liên Xô (trước đây). Ngài chủ trì nhiều buổi làm việc, tiếp nhiều vị chính khách Quốc tế đến thăm và làm việc với Giáo hội. Những nơi Ngài đến, những vị khách được Ngài tiếp đều nhận được tình cảm thân thiết thắm tình. Thông qua đó, hình ảnh và đất nước con người Việt Nam, Phật giáo Việt Nam đã được bạn bè quốc tế hiểu hơn và đánh giá cao. Với những khả năng trí tuệ tinh anh, Ngài được mời tham gia Ban Chấp hành Liên hiệp Các tổ chức Hữu nghị Hòa bình Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Hữu Nghị Việt Nam – Nhật Bản.
Với những đóng góp to lớn đối với Đạo pháp và Dân tộc, Ngài được Trung ương Giáo hội công cử làm đại diện giới Tăng ni, Phật tử tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và được cử tri bầu trúng cử hai khóa Quốc hội khóa XI, XII, và là thành viên Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội. Là một đại biểu lớn tuổi nhất trong Quốc hội, song Ngài vẫn luôn tích cực tham gia đầy đủ các kỳ họp, thực hiện chức năng nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, xác đáng tại các kỳ họp, các phiên thảo luận của Quốc hội, tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp được Quốc hội và cử tri đánh giá cao, với tấm lòng kính trọng một vị cao Tăng luôn vì dân vì nước. Đúng như Anh hùng Lao động, Giáo sư Vũ Khiêu đã tặng Ngài đôi câu đối: “Chính Đại Quang Minh Tâm Hướng Phật – Từ Bi Hỷ Xả Chí Ưu Dân”.
Dù ở vị trí cương vị nào, Ngài luôn nhận được tình cảm kính trọng đặc biệt của Tăng ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như cộng đồng xã hội. Đảng và Nhà nước đã trao tặng Ngài nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương kháng chiến hạng nhất, hạng nhì; Huân chương Độc lập hạng hai; Huân chương Đại đoàn kết toàn dân tộc; Thủ Tướng Chính Phủ tặng kỷ niệm chương chiến sỹ Cách mạng bị địch bắt và tù đầy tại Hòa Lò. Các Bộ ngành và các đoàn thể xã hội trao tặng Ngài nhiều kỷ niệm chương, bằng khen. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tặng nhiều Bằng tuyên dương công đức.
Và đặc biệt, ngày 12 tháng 10 năm 2011, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ký quyết định trao tặng Trưởng lão Hòa thượng Huân chương Hồ Chí Minh, phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước.
Sau một thời gian lâm bệnh. Hòa thượng đã an nhiên thu thần thị tịch vào hồi 08h15’ ngày 26 Tháng 11 năm 2011 (nhằm ngày 02 Tháng 11 năm Tân Mão, trụ thế 85 tuổi, gần 80 năm tu sống trong cảnh thiền môn, tham gia hoạt động Cách mạng, lãnh đạo phong trào Phật giáo.
Hòa thượng mãi mãi là tấm gương sáng về tình thần phụng sự Đạo pháp và Dân tộc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Một số hình ảnh của buổi lễ: