Năm 2000, trong bài viết trên Báo Dân Sinh, Đài Loan, Hòa Thượng Thánh Nghiêm đã có một số nhận định liên quan đến vấn đề tình yêu đồng giới.
Theo Hòa thượng, mối quan hệ vợ chồng của người khác giới là nền tảng cho việc ổn định đời sống xã hội. Song đối với người đồng tính, họ cũng có thể làm được những điều người bình thường có thể làm, nếu thực sự họ bình yên và ổn định trong bốn phương diện như: Sức khỏe, tinh thần, gia đình và sự nghiệp.
Cố HT.Thích Thánh Nghiêm (1937 – 2009)
Hòa thượng nói thêm, ngày nay tình yêu đồng giới đã trở thành một thực tế xã hội được công khai một cách rộng rãi. Tuy nhiên, vẫn còn một số người cảm thấy lo lắng về hiện tượng xã hội này. Nếu nhìn nhận tình yêu đồng giới dựa trên “Bốn phương diện của sự bình yên và ổn định” trên có thể thấy rằng tình yêu đồng giới sẽ không làm ảnh hưởng và phiền toái đến ai.
Hôn nhân đồng giới lần đầu tiên được tổ chức tại một ngôi chùa ở Đài Loan
Trong bài viết này, Hòa thượng nhấn mạnh, xã hội loài người phát triển chủ yếu đi theo kiểu gia đình vợ chồng khác giới, cho thấy kiểu gia đình này là nền tảng cơ bản để ổn định, phát triển xã hội. Song trong xã hội hiện nay có rất nhiều người đồng tính tài ba, hiền lành và đảm đương các vị trí sáng giá trong các cơ quan, ngành nghề. Việc yêu nhau, sống chung, thậm chí kết hôn, nếu họ hội đủ 4 phương diện về sức khỏe, tinh thần, gia đình và sự nghiệp một cách bình yên và ổn định thì chúng ta cũng nên chấp nhận họ.
Sau đây là nội dung trích dịch từ nhận định của HT.Thánh Nghiêm về tình yêu đồng giới trên Báo Dân Sinh (năm 2000):
Hiện tượng tình yêu đồng giới đã trở thành một thực tế xã hội được công khai một cách rộng rãi. Một vài nhóm người đã tỏ ra lo lắng về xu hướng này, liệu số lượng của tình yêu đồng giới có tăng thêm nữa hay không? Tôi thưc sự không có đánh giá về tình yêu đồng giới, nó bình thường hay bất bình thường. Song nếu xét khía cạnh cấu trúc xã hội, kiểu gia đình theo mối quan hệ vợ chồng khác giới (nam nữ) mới là cái gốc để ổn định, phát triển xã hội loài người.
Trong lịch sử, hiện tượng tình yêu đồng giới đã có, tồn tại trong xã hội từ lâu, thời nào cũng có, thậm chí đối với động vật thấp hơn cũng không ngoại lệ. Mặc dù, người đồng tính có thể yêu nhau, sống chung, thiết lập gia đình với nhau, nhưng họ lại không thể sinh con nối dõi, và thường là họ phải nhận con nuôi.
Điều mà chúng ta quan tâm là những đứa trẻ lớn lên trong một gia đình “kép” của hai con người độc thân cùng giới như thế, bọn trẻ sẽ ra sao, chúng có đủ can đảm để đối mặt với những áp lực của xã hội như: Sự loại trừ, sự nghi ngờ, sự khinh thường của người khác hay không? Tính cách, ý thức của chúng có thể phát triển một cách toàn diện hay không? Và nếu những người đồng tính muốn có con theo phương pháp nhân bản vô tính thì xã hội này sẽ xáo trộn ra sao ?
Tuy nhiên, nếu tình yêu đồng giới dựa trên “bốn phương diện của sự bình yên và ổn định”: Bình yên và ổn định về sức khỏe, Bình yên và ổn định về tinh thần, Bình yên và ổn định về gia đình, Bình yên và ổn định về sự nghiệp thì họ có thể “Thành gia lập nghiệp, an đốn thân tâm” (Thân tâm an ổn, lập gia đình, xây dựng cơ nghiêp). Nhưng nếu trong 4 phương diện vừa nêu trên, họ vẫn chưa đáp ứng một cách trọn vẹn, thì chúng ta cũng cần phải suy nghĩ lại.
Sự phát triển của xã hội loài người dựa trên cơ sở của kiểu gia đình vợ chồng khác giới. Kiểu gia đình này là nền tảng cơ bản để ổn định xã hội. Nhưng tôi thấy rằng hiện tại có rất nhiều người đồng tính có thể làm và làm tốt hơn những điều mà người bình thường làm, họ rất xuất sắc, rất tử tế, và rất có tài năng trong nhiều lĩnh vực xã hội. Họ là những người có phẩm chất tốt.
Cho nên, việc người đồng tính yêu nhau, sống với nhau, thậm chí đi đến việc kết hôn, nếu hội đủ 4 phượng diện về sức khỏe, tinh thần, gia đình và sự nghiệp được bình yên và ổn định thì chúng ta cũng không có lí do gì mà không thể chấp nhận họ.
Nếu đứng từ góc độ Phật giáo, ban có suy nghĩ gì về vấn đề này?!