Hỏi: Bạch thầy, Con đã công tác 10 năm, nhưng không hề có cảm giác thành công trong công việc. Nhưng vì công việc ổn định, mọi người đều ngưỡng mộ, nên con vẫn tiếp tục công việc của mình. Nhưng con lại không mạnh về phương diện xã giao, thành quả làm việc bình thường, càng ngày con càng cảm thấy thiếu tự tin. Mỗi khi nghĩ đến việc công việc sau này vẫn tiếp tục như vậy,con cảm thấy rất lo lắng và phiền muộn. Thưa thầy, con phải làm sao?
Đáp: Cần phải đối diện với sự khổ não của bản thân
“Tại sao tôi phải đi làm?”, kết quả khảo sát thăm dò gần đây về câu hỏi này cho thấy, đáp án được mọi người chọn lựa nhiều nhất là “tôi đi làm là để duy trì cuộc sống”. Thực ra, đi làm để “sống” được xem một sự thực không gì để bàn cãi nữa rồi, và đó cũng là câu trả lời trung thực và thực tế nhất hiện nay. Đúng vậy, chúng ta dành phần lớn thời gian của cuộc đời cho công việc là để duy trì cuộc sống.
Trong bản thăm dò, có rất ít người lựa chọn câu trả lời “thông qua công việc để thể hiện, phát huy năng lực bản thân, để nâng cao chính mình”. Phần lớn mọi người đều rơi vào tình cảnh: vừa khổ vừa mệt nhưng vẫn phải cố gắng chịu đựng.
Thực ra, nếu cuộc sống công sở có chút thú vị, dù có mệt một chút, khổ một chút cũng có thể chịu đựng được. Đằng này, đã làm việc cực nhọc vì cuộc sống, nhưng cuối cùng vẫn phải lo lắng, sợ hãi, làm việc gì cũng phải dè chừng người khác. Những cạnh tranh, đấu đá giữa đồng nghiệp đã đủ làm các bạn trở tay không kịp, thêm nữa còn phải đề phòng cả cấp dưới, chưa biết chừng một ngày nào đó, họ sẽ giẫm đạp lên vai mình mà leo lên. Trong tình cảnh ấy, các bạn làm sao còn dám mơ mộng đến việc kết thân với họ đây?
Những cạnh tranh, đấu đá giữa đồng nghiệp, áp lực công việc nặng nề, nỗi lo bị sa thải bất cứ lúc nào, ngày được thăng chức xa vời vợi… Sở dĩ các bạn chấp nhận chịu đựng tất cả những nỗi khổ này, chẳng phải là vì mong muốn được “leo” cao hơn chút nữa, kiếm được nhiều tiền hơn chút nữa hay sao?
Những đồng tiền vất vả kiếm được ấy rồi sẽ tiêu vào những việc gì? Mặc đồ hiệu, ăn uống ở nhà hàng cao cấp, tô vẽ trang điểm, mua nhà mua xe. Kết quả chỉ là hao tâm tổn sức cho những vật ngoài thân ấy. Cuộc sống như vậy có ý nghĩa gì đây?
“Tại sao con người phải sống?”, câu hỏi này quá ư tầm thường. Sống, chẳng vì một lí do gì đặc biệt, chỉ cần “sống” là được rồi. Vậy thì cách sống nào là tốt nhất. Hiển nhiên, tất cả mọi người đều hi vọng có thể sống một cuộc sống hạnh phúc, không bị khổ đau dằn vặt.
Nhưng cuộc sống thực tế của chúng ta ra sao? Vì một tương lai hạnh phúc, chúng ta lựa chọn việc đi học, rồi kết hôn, rồi sinh con đẻ cái, đi làm thuê hoặc tự mở công ty. Thế nhưng học hành vất vả, vợ chồng mâu thuẫn bất hòa, con cái gây ra nhiều chuyện đau đầu, công việc không như ý muốn, con đường lập nghiệp gập ghềnh trắc trở.
Người ta tin rằng cuộc sống gia đình hạnh phúc hơn cuộc sống độc thân, vì vậy họ chọn lựa hôn nhân. Nhưng sau này, khi hôn nhân làm cho họ mệt mỏi phát khùng, thì cuộc sống gia đình chẳng bằng “được” sống độc thân. Nhưng độc thân liệu có hạnh phúc hay không? Tuyệt đối không, bởi vì người ta rồi sẽ lại cô đơn đến phát khùng. Vì vậy đàn ông và đàn bà trên khắp thế gian đều bận rộn với chuyện yêu đương, hẹn hò, và rồi lại “dấn thân” vào cuộc sống hôn nhân, tiếp tục vì mâu thuẫn vợ chồng mà không muốn sống nữa. Nếu sau khi kết hôn mà không có con, người ta sẽ chạy khắp các chùa chiền, cầu trời khấn phật, hơn thế nữa, có người còn dùng thuốc đông Y, thụ tinh trong ống nghiệm… Sau một hồi cố gắng, cuối cùng họ cũng sinh được cả trai cả gái, nhưng tiếp sau đó lại là đau đầu vì chuyện nuôi dạy con cái.
Cuộc sống nơi công sở cũng như vậy. Người không có việc làm thì bận rộn đi tìm việc, trong khi không ít những người đang làm việc, vì chán ghét công việc nên cũng chẳng sung sướng hơn. Có người khổ não vì không tìm được việc làm, người có việc làm rồi cũng khổ não không kém. Thực ra công việc là tốt hay không tốt trong mắt người khác đều không quan trọng, nếu thực sự khổ sở như vậy, chi bằng ta dứt khoát từ bỏ. Công việc vốn dĩ là giúp người ta có được một cuộc sống hạnh phúc, vậy nếu nó làm cho ta khổ sở thì nên từ bỏ nó đi.
Chẳng hạn, luật sư và bác sĩ là hai nghề có mức thu nhập cao khiến người ta ước ao, nhưng đương nhiên vẫn có người không hề quan tâm. Công việc có gì là ghê gớm? Nó đáng để quý vị quyết không từ bỏ, để rồi khổ không muốn sống hay sao? Thực sự không cần thiết. Nếu công việc ấy là nguồn gốc gây khổ đau cho các bạn, thì từ chức, thôi việc có gì khó khăn đâu? “Từ bỏ một công việc tốt như vậy, anh có ngốc không đấy?” Những câu hỏi của người ngoài cuộc không cần thiết phải để tâm quá nhiều, chỉ cần lặng lẽ ra đi, làm công việc mà mình thích là được.
Thế nhưng, từ bỏ công việc này các bạn có thực sự hạnh phúc không? Câu hỏi này đáng để suy nghĩ. Mặc dù đi tìm cho mình lối đi mới, sợ rằng các bạnkhó có thể thoát khỏi lần đau khổ thứ hai của số mệnh. Điều tồi tệ hơn là, khi không tìm được điểm dừng chân mới, các bạnlại quay về cuộc sống của một “du dân” thất nghiệp, như vậy chẳng phải là đáng chán hơn sao? Vì vậy, ngay bây giờ, các bạn cần có một nhận thức rõ ràng về bản thân mình. Bất kể là chuyển sang công việc mới, hay thôi việc nghỉ ngơi giải trí, nếu cuộc sống của quý vị vẫn không thể đổi sắc lên hương, nghĩa là từ bỏ công việc hiện tại không phải là cách giải quyết vấn đề tốt nhất.
Thực ra, chúng ta không nên tập trung vào câu hỏi “có nên bỏ việc hay không”, điều nên làm hơn là trong khi tiếp tục kiên trì công việc của mình, cố gắng loại bỏ những khổ não trong công việc. Điều chúng ta nên suy xét không phải là bản thân công việc, mà là nhận thức sai lầm từ trong tâm mỗi người khi nghĩ rằng “đau khổ đến từ công việc”.
Vội vã từ bỏ công việc, sau đó lại tự hỏi những khổ não phiền muộn trước đây là do đâu mà có, có lẽ các bạn sẽ chỉ thấy hối hận tột cùng. Bỏ việc quả đúng là một trong những kế sách để thoát khỏi biển khổ, nhưng đó không phải là thượng sách. Bởi vì nếu quyết định ra đi khi còn đang do dự, khả năng rất lớn rằng sau một thời gian ngắn quý vị sẽ cảm thấy hối hận.
Vì vậy, theo ý kiến của tôi, hãy nhẫn nhịn, chịu đựng một chút vì công việc trước mắt, đồng thời, hãy bắt đầu việc tu tâm luyện tánh. Hãy thử vừa làm việc, vừa trãi nghiệm tu tập xem tâm hồn các bạn có thể trở nên an lành tĩnh tại hơn hay không. Còn chuyện thôi việc, khi quý vị đã hoàn toàn tĩnh tâm rồi xem xét lại cũng chưa muộn. Nếu làm vậy, cho dù kết quả cuối cùng vẫn là thôi việc thì cũng không có gì để oán hận.
Tương tự như vậy, khi bị dằn vặt vì chuyện hôn nhân, bế tắc đến mức có ý định ly hôn, các bạn cũng nên lấy lại bình tĩnh, suy nghĩ thật kĩ trước khi hành động. Các bạn phải hiểu rõ, nguồn gốc của đau khổ không vì các bạn sống độc thân, cũng không vì các bạn đã kết hôn, mà là do sự thiếu hiểu biết của bản thân.
Sau khi người ta tĩnh tâm suy nghĩ, đầu óc sẽ sáng tỏ, tỉnh táo, từ đó sẽ có sự lựa chọn sáng suốt, không sợ phải hối hận sau này. Cho dù người ta phải đưa mình vào “nấm mồ” của hôn nhân, thì ắt họ cũng sẽ có cách làm cho thế giới của hai người trở nên hòa hợp, mỹ lệ, khiến người khác ngưỡng mộ. Vấn đề nằm ở chỗ khi đang bối rối trước việc “làm hay không làm”, người ta thường thích đẩy quyền chọn lựa vào tay người khác. Làm hay không, đó là chọn lựa của mỗi người.
Khi bối rối hoang mang, người ta thường làm những chuyện mà sau này có lẽ họ sẽ hối hận, vì vậy, tôi khuyên mọi người trước khi quyết định điều gì hãy bình tĩnh, suy nghĩ kĩ càng. Chỉ có như vậy, quý vị mới có thể có được hạnh phúc, tự do thực sự.
Rốt cục phải đi đâu về đâu? Làm bằng cách nào? Khi còn đang do dự, băn khoăn, tình thế đang rối như lửa trên đầu thì quý vị đừng vội mong có thể giải quyết vấn đề. Trước tiên hãy gạt bỏ những vấn đề nặng nề đó sang một bên, ngoảnh đầu nhìn lại mọi việc, nhìn lại bản thân, và suy nghĩ, cho đến khi tâm lặng như nước lắng đọng, lòng sáng như gương, không cần suy tư trăn trở, lúc đó đáp án sẽ tự hiện ra rõ ràng.
Ven. Pomnyun Sunim