Một trong những điều quan trọng nhất khiến ngôi chùa đẹp là do chùa chưa bị tu sửa, làm mới một cách hời hợt.
Đến chùa Bút Tháp mà tĩnh tại chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những pho tượng, rồi ra vườn ngước nhìn ngọn tháp Bảo Nghiêm sừng sững in dấu lên nền trời xanh thẳm, trong lòng cứ bổi hổi bồi hồi ngẫm nghĩ về một thời xưa cũ trên đất Bắc.
Tháp Bảo Nghiêm – biểu tượng của ngành du lịch tỉnh Bắc Ninh |
Mọi người đến chùa Bút Tháp hầu như đều theo lối cổng chính. Đã ai vào chùa theo lối từ trên đê chưa nhỉ? Đi lang thang trên đê gió sông Đuống mát rượi vi vu rặng tre, thấy hai ngọn tháp sau chùa thì lao xe xuống, để xe bên cạnh vườn chùa, rồi lúc về đi xe ngược ra cổng trước.
Chùa Bút Tháp có cấu trúc thành nhiều tòa, ngăn cách nhau bởi những khoảng trống lộ thiên, chứ không phải kiểu nội công ngoại quốc liền tòa thông thường.
Từ ngoài cổng là tam quan, gác chuông, tiền đường, thiêu hương, thượng điện, am Tích Thiện, hậu điện, bao quanh là các hành lang, giải vũ.
Sân chùa Bút Tháp |
Như mọi ngôi chùa thông thường khác, tòa tiền đường có bày tượng Cửu Long, Già Lam ở giữa, tượng Hộ pháp hai bên. Hai pho Hộ pháp khá lớn nhưng tòa Cửu Long thì nhỏ, không đặc sắc. Tâm điểm của chùa Bút Tháp là pho tượng cổ Quan Âm nghìn mắt nghìn tay đẹp nhất Việt Nam được tạc từ 350 năm trước.
Lần nào đến đây tôi cũng không thể không dành thời gian ngắm nhìn pho tượng tuyệt đẹp này. Dù thời gian đã làm tróc lớp sơn, thếp vàng trên tượng nhưng không làm mất đi sự duyên dáng của từng cánh tay, trên nét mặt thanh thản của Phật bà, của vầng hào quang tạo bởi nghìn cánh tay và nghìn con mắt. Đây là hiện thân của sự thấu hiểu nỗi khổ và cứu độ chúng sinh trong Phật pháp.
Tượng Hộ Pháp hiền từ trông xuống dân chúng |
Pho tượng có 42 cánh tay lớn và 958 cánh tay nhỏ. Có nơi nói rằng chỉ có hơn 700 tay nhỏ. Riêng tôi dù không đếm cũng luôn tin rằng phải có đủ 1.000 cánh tay. Đã làm được một kiệt tác thế này vì lẽ gì không thể làm đủ nghìn tay cho đúng chữ “Thiên thủ thiên nhãn” ?
Pho Quan Âm thiên thủ thiên nhãn được gọi là “Tập đại thành của nền điêu khắc Việt Nam“, vì dường như hội tụ đủ cả trời đất. Đại Bồ Tát ngồi trên tòa sen do một con rồng đỡ lên từ mặt biển nổi sóng, sâu bên dưới là bốn bức tượng nhỏ tượng trưng cho tầng địa ngục.
Giữa lòng đức Bồ Tát là hình tượng mặt trăng tròn vẹn, hai tay chắp trước ngực thể hiện hạnh nguyện vô lượng. Ngang hai bên mặt chính của tượng là hai mặt khác, tượng trưng cho quá khứ, tương lai. Phía trên đầu là các pho tượng Phật ngồi cao dần, và trên cùng là Phật A Di Đà, đức Phật của cõi Tây Phương cực lạc.
Một trong những vẻ đẹp riêng của pho tượng là các cánh tay lớn hoàn toàn trong tư thế tự do thanh thoát. Thường những pho tượng thế này thì các tay lớn sẽ cầm các pháp khí như kim cương chử, vòng, chuỗi hạt, hạt châu…. Nhưng ở đây tay tượng hoàn toàn thoải mái với những động tác mềm mại. Những cánh tay tỏa ra sau lưng như vầng hào quang rộng mở, trong mỗi lòng bàn tay có một con mắt.
Tôi đọc trên mạng có tác giả viết con chim trên cùng là chim thiên đường. Điều này thật lạ. Vì trong Phật giáo không thấy có hình tượng thiên đường bao giờ, chứ đừng nói đến chim thiên đường. Chỉ có con đại khổng tước xòe cánh che cho Đức Phật nên một số tranh tượng có con khổng tước này. Phải chăng nên gọi con chim trên đỉnh kia là khổng tước thì đúng hơn?
Toàn bộ tòa thượng điện của chùa Bút Tháp là một bộ sưu tập sống động của các pho tượng Phật, Bồ tát, La Hán với nhiều kích cỡ, dáng điệu. Những nghệ nhân xưa đã dành hết tâm trí, sức lực, lòng thành kính và sự sáng tạo vào đây, khiến mỗi pho tượng đều có thần khí riêng.
Như những ngôi chùa đất Bắc khác, mái chùa không cao, cửa điện không rộng, khiến người ta phải cúi mình, nhấc chân cẩn thận trong từng bước đi, cử chỉ, ánh mắt, lời nói. Đây là cõi linh thiêng bí mật, cũ kỹ nhưng tâm linh, xuống màu tàn sắc nhưng thâm sâu vô lượng. Bên cạnh tuyệt tác Quân Âm nghìn mắt nghìn tay, những pho tượng khác trong chùa cũng là những tác phẩm rất giá trị.
Pho tượng nghìn mắt nghìn tay – thiên thủ thiên nhãn, kiệt tác của điêu khắc Việt Nam |
Pho tượng tạc một vị sư Thiên Trúc với đặc trưng là mái tóc xoắn tròn, dáng vẻ khắc khổ nhưng an định. Pho tượng đại diện cho các vị tổ sư Phật giáo từng đến Việt Nam từ hai hướng: tây sang (Tây thiên), Trung Hoa đến (Đông độ).
Xét về tạo hình pho tượng này cũng giá trị không kém pho Phật bà, dù có thể công sức tạo dựng không bằng. Có thể thấy xa xa là pho tượng bà quận chúa – hoàng hậu – thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, con gái của Thanh đô vương Trịnh Tráng, hoàng hậu của vua Lê Thần Tông.
Đối xứng với pho Phật Bà là một pho tượng cũng rất đặc biệt: Tây Thiên Đông Độ lịch đại tổ sư |
Hai mẹ con là những người có công lớn trong việc trùng tu chùa và cũng về tu ở đây. Dựa vào pho tượng này có thể hình dung khá rõ về trang phục hoàng tộc thời Hậu Lê ra sao.
Tượng công chúa Lê Thị Ngọc Duyên, con gái bà thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc. |
Tượng ở chùa Bút Tháp còn một điều đặc biệt là hai bộ Tam Thế và Tam Thân. Ở tất cả chùa tôi từng đến và xem, chưa ở đâu có đủ cả hai bộ này. Thường chỉ có một bộ Tam thế Phật, rồi đến bộ Tam tôn, Tam thánh, Tam tổ chứ không có Tam thân Phật. Tam thế Phật là quá khứ, hiện tại, vị lai.
Tam thân Phật đại diện cho pháp thân, báo thân và ứng thân.
Tam tôn là A Di Đà, Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, cũng gọi là Tây thiên tam thánh.
Tam tổ là ba bậc tổ đầu tiên: Thích Ca Mâu Ni, A Nan, Ca Diếp.
Chùa Bút Tháp có ba pho Tam thân cũng đặc biệt, sơn màu đỏ chứ không màu cánh gián thếp vàng như Tam thế |