NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Ông Minh Thạnh, ông có xem những tin tức về tội ác của Phật giáo Miến Điện đối với người Hồi giáo Rohingya không? Ông có thể bình luận gì về những tội ác này mà dư luận quốc tế đang lên án, hay im lặng như truyền thông Phật giáo nói chung?
MINH THẠNH: Tôi có xem, nghe, đọc những tin tức về cuộc khủng hoảng liên quan đến người Hồi giáo Rohingya, nhưng không thể gọi đó là tội ác của Phật giáo Myanmar. Tôi sẽ chứng minh điều đó.
Tôi có thể trao đổi chi tiết về vấn đề này khi có yêu cầu. Tôi chưa đề cập đến vì cho rằng có những điều cần viết trước.
Nói truyền thông Phật giáo lẫn trốn, tránh né vấn đề này là không đúng. Đúng là có ít đề cập, nhưng như ông đã thấy, cũng có, vì liên hệ là không thể tránh khỏi, như vụ đánh bom Bồ Đề Đạo Tràng những năm trước.
NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Ông đã thừa nhận là truyền thông Phật giáo ít đề cập đến.Vậy tại sao? Trong khi người ta cáo buộc đó là tội ác diệt chủng của người Phật giáo, dưới sự lãnh đạo của tu sĩ Phật giáo và những người theo đạo Phật nắm chính quyền ở Miến Điện? Im lặng, chỉ nói đến khi thánh địa Phật giáo bị đánh bom là gì, nếu không phải là thừa nhận và đồng lõa với tộc ác của Phật giáo Miến Điện? Ông bình luận ra sao?
MINH THẠNH: Một số nhà lãnh đạo Phật giáo, nếu tôi nhớ không lầm, dường như là Đức Đạt lai Lạt ma cũng kêu gọi giải quyết nhân đạo những sự việc ở Myanmar. Phật giáo không bao giờ đồng lõa với tội ác.
Truyền thông Phật giáo Việt Nam và thế giới ít đề cập đến vấn đề này vì Phật giáo là tôn giáo xuất thế, gặp những vấn đề liên quan đến chính trị như vậy tất yếu sẽ bối rối, cách đối phó có vẻ thuận lợi nhất là im lặng. Sự im lặng đó không phải là thừa nhận trách nhiệm của Phật giáo Myanmar. Các nhà lãnh đạo Phật giáo tu sĩ và tín đồ Phật giáo chắc chắn phải biết đến những tin tức truyền thông liên hệ đến người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar.
Đây là một nhược điểm của Phật giáo. Đúng là có một số trang mạng Phật giáo coi như không có chuyện gì liên quan đến Phật giáo Myanmar.
Người Phật giáo, các nhà lãnh đạo Phật giáo có lẽ “chưa trưởng thành” như cách nói của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm từ diễn đàn Chùa Giác Ngộ. Các vị tăng sĩ nhìn đời bằng con mắt trẻ thơ, như hình tượng so sánh của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm, chỉ nói về hoan hỷ, an lạc, giải thoát, vãng sinh, tu niệm…, nên trước những vấn đề thời sự hóc búa, muốn nói, cũng không quen nói, không thể nói, không biết nói gì.
Đây là một cuộc khủng khoảng truyền thông đối với Phật giáo thế giới, mà có lẽ, Phật giáo chưa đối phó một cách hữu hiệu.
Nhưng vẫn có người theo đạo Phật là tôi đây sẵn sàng đối thoại với những ý kiến loại như “tội ác Phật giáo Miến Điện” mà ông đã nêu.
Tôi đối thoại như một người theo đạo Phật bình thường, cá nhân và hãy căn cứ vào nội dung lý lẽ của tôi mà bàn luận, nếu có luận cứ vững chắc thì bác bỏ. Ngược lại, nếu luận cứ của tôi thuyết phục, thì chúng ta cần thống nhất một số vấn đề.
Thời gian này, tôi có một số việc riêng, nên không thể thể hiện thành một bài dài. Nhưng với một loạt các bài ngắn, bạn đọc nào có câu hỏi đối thoại, thì thuận lợi tham gia ý kiến bài viết.
(còn tiếp).