Đạo Phật vào nước ta từ rất sớm, theo như sách Thủy Kinh chú (thế kỷ VI) thì vào thế kỷ thứ III trước công nguyên, vua A Dục, một đại anh hùng của Ấn Độ đã cho dựng ở đất Việt một ngôi tháp Phật.
Nhưng sau đó cả một thời gian dài, trên 1.000 năm, dấu tích liên quan đến ngôi chùa đều mất dạng. Chỉ tới thời Đinh – Lê mới để lại cho chúng ta một vài cột ghi kinh của Đinh Liễn và chiếc cột lớn hiện để tại chùa Nhất Trụ (Hoa Lư – Ninh Bình, được làm vào năm 996).
Và vào thời Lý, hình tượng nhân dạng về Đức Phật mới xuất hiện. Trên dặm dài của kiến trúc Phật giáo, thì giai đoạn đạo Phật được đề cao nhất lại rất hiếm tượng tròn, chỉ từ thế kỷ XVI trở về sau số lượng tượng dạng người mới ngày một nhiều và đa dạng.
Kết quả điều tra của các nhà nghiên cứu di sản mỹ thuật truyền thống cho biết rằng hiện chưa tìm được pho tượng nhân dạng Phật giáo nào (một cách chắc chắn) của thời Trần và thời Lê sơ, mà tượng Phật lại chỉ tìm được ở dưới thời Lý, song cũng rất hiếm hoi.
Pho tượng đầu tiên được các học giả Pháp xác nhận đó là tượng Phật ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh, được coi là làm vào năm 1057). Vào năm 1963, cán bộ trẻ của Vụ Bảo tồn bảo tàng đã phát hiện được pho tượng Phật thời Lý ở chùa Chương Sơn (Ý Yên, Nam Định) được coi là làm vào năm 1121.
Khoảng những năm 1965 – 1966, khi phát hiện ra chiếc bệ Phật tại chùa Hoàng Kim (Quốc Oai, Hà Tây) với niên đại 1099, thì đồng thời các cán bộ trẻ này cũng bắt đầu hoài nghi về việc đặt sai vị trí của pho tượng tương ứng và theo dân địa phương cho biết thì tượng đã bị quân viễn chinh Pháp lấy mất đầu vào năm 1947.
Vào khoảng trong thời kỳ máy bay Mỹ ném bom ác liệt thì một cán bộ nghiên cứu mỹ thuật cổ của Viện Nghệ thuật đã phát hiện nhiều hiện vật thời Lý bằng đá ở chùa Huỳnh Cung (Văn Điển – Hà Nội), trong đó có một chiếc bệ nhỏ bằng đá chạm đài sen mang phong cách Lý, bên trên liền khối đá với một tượng nhân dạng, nhưng tượng này đã bị phủ đất ra ngoài và lắp một chiếc đầu đất khác để chuyển hóa thành một tượng phi Phật. Như vậy, tượng đức Phật thời Lý nay còn tìm được rất ít.
Nếu kể tới những tượng tròn tương đồng về thời gian, chúng ta còn gặp được tượng Kim Cương đứng canh các tháp, tượng những Kinnaras (khẩn-na-la) đầu người mình chim với đôi tay kết ấn “phổ lễ” trước ngực, hay cầm nhạc cụ để tạo nên những âm thanh thiên thần.
Đồng thời cũng còn gặp nhiều vũ nữ thiên thần (Apsaras) đang hoặc điệu múa “vũ trụ” đầy tính thiêng liêng. Trên các mảng phù điêu còn gặp nhiều nhạc sĩ thiên thần (Gandhâvas) như ở chân tảng cột chùa Phật Tích, cũng đang hoặc điệu múa “vũ trụ”, mỗi người đang cầm một nhạc cụ để tấu lên bản nhạc Pháp, trong bố cục hướng đến chiếc lá đề đầy huyền lực đặt trên đài sen.
Thoảng đâu đó người ta như cảm thấy ở mặt hình thể, bố cục lá đề này là sự hội tụ của Phật pháp với tín ngưỡng dân gian bản địa. Yếu tố dân gian đa đọc được như vừa mang cả tinh thần của văn hoá nông nghiệp với những biểu tượng cầu mưa, cầu mùa sinh sôi và như có cả hình tượng xa lắc xa lơ về văn hóa của hệ Nam Đảo ở ngoài biển hội nhập vào.
Suy cho cùng lá đề (Pippala) biểu tượng cho trí tuệ được đặt trên đài sen với nghĩa Niết Bàn. Như thế có trí tuệ mới đạt được giải thoát để vào Niết Bàn.
Cố giáo sư Từ Chi và học trò của ông như đọc được ở đây câu phù chú: A – U – M pala padmé hum! (Úm ba la bát mê hồng -trong đó: pa -la hay pippala là lá đề, tức trí tuệ; Padmé là hoa sen, Úm và hum/hồng đó là những tiếng kêu đầy huyền lực, để hội tụ sức mạnh vũ trụ trong câu niệm)…
Ngoài ra, thời này cũng còn nhiều tượng khỉ, tượng linh thú, rồng, phượng, lân, rùa và hình tượng một số quái vật khác (dưới đài sen tượng 10 linh thú ở chùa Phật Tích).
Trở lại với những pho tượng Phật.
a) Trước hết, là tượng chùa Phật Tích. Trong tư liệu sách vở và bia ký của người Việt để lại, trước khi người Pháp đến, thì pho tượng này được gọi là tượng Phật. Định danh là A Di Đà Phật mới chỉ được nói tới trong vòng 1 thế kỷ nay.
Từ thực tế đó, tạm cho biết trong thời Lý chúng ta chỉ gặp những tượng Phật nhân dạng là Đức Thích Ca Mầu Ni rồi vị cổ Phật: Như Lai Đa Bảo (mà chúng sinh khi nghe thấy tên đều khởi lòng thiện)…
Một giả thiết được đặt ra là: Vào thời Lý với xu hướng khẳng định nền độc lập dân tộc ý thức cầu bền vững dài lâu… là một ý tưởng thường trực, phần nào có ảnh hưởng mạnh tới các ngôi chùa. Người ta thường mong cho sự tồn tại và phát triển, không mấy ai đặt trong tâm vào thế giới của các kiếp đời đã qua.
Rõ ràng tên chùa của thời đại này đã gắn nhiều với ý thức đó, như Chân Giáo, Vạn Phúc, Thiên Phúc, Diên Hựu (chùa Một Cột), Diên Phúc (chùa Trạm Trôi), Sùng Thiện Diên Linh, Sùng Nghiêm Diên Thánh… Có lẽ tinh thần và không khí ấy thích hợp với vị Phật hiện tại và các vị Phật hiện thân của thiện tâm.
Ở lĩnh vực tạo hình, một số nhà dân tộc học mỹ thuật cho rằng chỉ phần đế của tượng Phật Tích và thân tượng là có gốc của thời Lý, còn đầu tượng, xét về một tỷ lệ, nhất là nhìn nghiêng đã to hơn bình thường so với thân hiện tại.
Đi vào cụ thể, mắt tượng hơi xếch đuôi, mồm nhỏ môi dày và một vài chi tiết khác thì chiếc đầu này như được tạc lại và mang phong cách của nghệ thuật thế kỷ XVII – XVIII.
Đài sen của tượng nhỏ hơn độ mở của đầu gối, khiến ở mặt bố cục của hình khối đã thấy rõ sự khác biệt, đặc biệt là những con rồng được chạm trên cánh sen, chắc chắn không theo phong cách phổ biển của thời Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, thế kỷ XVII mà gần gũi hơn với phong cách tạo hình của thế kỷ XVIII hoặc muộn hơn.
Trở lại với lịch sử liên quan, nhiều ý kiến cho rằng chùa Phật Tích đã bị quân Minh đập phá, cho tới thế kỷ XVII, vào đời Trịnh Tráng, nhiều ngôi chùa như Phật Tích, chùa Dạm đã được đại tu mà trở thành một kiến trúc Phật giáo khang trang to lớn (theo dòng Lâm Tế hoặc Tào Động) để cho “tháng Tám đóng cửa chùa Dạm” với rất nhiều tượng Phật, Bồ Tát và các thần linh liên quan.
Sau thời kỳ này, tượng Phật Tích cũng được tu bổ tại và rồi lại chịu ít nhất một kiếp nạn nữa bởi sự tiêu cực của con người ở thế kỷ XX.
b) Về pho tượng chùa Chương Sơn (Nam Định): Nếu pho tượng Phật Tích, có nhiều yếu tố chịu ảnh hưởng dòng nghệ thuật Gandhâra với những nếp áo là những đường gân nổi tròn, có vai rộng, bụng rất thon và đặc biệt là áo phu làm hằn rõ cơ thể bên trong…, thì tượng của Chương Sơn nhỏ hơn chút ít, phần nào còn đầy đủ và biểu hiên rõ rệt hơn về tượng Phật thời Lý.
Cụ thể là: Tượng đã có “vô kiến đỉnh tướng” đồng nhất với luân xa Saharâra để biểu hiện về năng lực trí tuệ tuyệt đối. Huyệt này được đặt trên nhục kháo (Unisa) nằm trên đỉnh của chỏm sọ với tóc xoắn ốc, mà mỗi cụm như biểu hiện cho những chữ Thánh (Đức tự, Cát/Kiết tường tự, Vạn tự) để nuôi dưỡng bộ não, đồng nhất với đề cao trí tuệ.
Khuôn mặt tượng vẫn có mọi chi tiết gắn với yếu nghĩa của đạo pháp, như: Nguyệt mỹ kiểu vầng trăng lưỡi liềm, mắt nhìn xuống để soi rọi nội tâm, mũi cân phân để khẳng định tư cách chính nhân quân tử, đỉnh tai cao hơn lông mày biểu hiện về quyền uy, thùy tai dày và thấp hơn đỉnh mũi để nhấn mạnh sự phúc hậu và từ bi, tất cả hội lại là ở đôi môi thoáng nụ cười hàm tiếu nhằm cảm thông và cứu độ chúng sinh.
Khuôn mặt của tương Chương Sơn cũng hình trái xoan, nhưng trên nở dưới thon không béo tốt như các tượng của đời sau, đặc biệt là mang nhiều nam tính, áo của tượng mặc bó sát cơ thể làm lộ cả thân hình và các ống tay, khiến phần ken giữa thân và tay được tạo lõm hẳn vào. Đó là một phong cách phổ biến của thời Lý.
Đặc biệt, các nếp áo ở lưng thường chảy từ vai trái xuống hông bên phải rồi cuộn lên. Tượng Chương Sơn làm sau tượng Phật Tích khoảng gần 70 năm, tượng đã được Việt hóa một cách mạnh mẽ hơn (biểu hiện qua nếp áo, cách thể hiện…) đồng thời tượng như tiền đề cho các tượng thời sau.
Đài sen tượng ngồi, ở lòng các cánh đều được chạm đôi rồng chầu lá đề kiểu thức thời Lý một cách rõ rệt, độ mở của đài sen tương xứng với độ mở của lòng đùi. So với chùa Phật Tích thì đài sen và bệ tượng hiện còn đầy đủ hơn nhiều.
Ở lĩnh vực kỹ thuật thì đài sen cùng với phần sư tử và tầng một của đế được làm chung một khối đá, vì thế dễ tạo sự bền vững cho cả khối điêu khắc. Bố cục tầng một của đế được mở rộng ra rồi đè trên hai tầng đế dưới, hai tầng này tương đồng như của chùa Phật Tích, có nghĩa là gồm hai tầng vuông chém góc, dạt cấp, mở rộng để rồi đứng trên phần đế dưới cùng chạm sóng hình nấm và sóng nước (phần chạm sóng của chùa Phật Tích, vì lớn, nên được ghép bằng hai khối đá).
Từ kết cấu này, chúng ta có thể nghĩ trong đợt tu bổ tượng Phật Tích vào thế kỷ XVII- XVIII vì không làm đài sen cùng đôi lân và tầng một của đế cùng chung khối đá nên không tạo được sự cân bằng, đã dẫn tới việc người ta để thẳng đài sen lên trên phần đế dưới, khiến cho toàn bố cục của tượng Phật Tích trở nên khắp khiễng (đôi lân nằm dưới đài sen cũng như đài sen đã được làm riêng).
Gọi là đầy đủ hơn tương Phật Tích, nhưng rõ ràng tượng Chương Sơn cũng đã từng bị đổ vỡ, khiến đài sen bị thay vài cánh và khi đưa về tại chùa này (ban đầu tượng được đặt trong lòng tháp trên đỉnh núi), người ta đã quay phần đầy đủ của đài sen ra phía trước, khiến cho bố cục của các mảng trang trí không thống nhất với buổi ban đầu.
Bệ Chương Sơn cũng như bệ Phật Tích là những điển hình của chạm khắc Việt ở đời Lý với đề tài về rồng, lân, dây leo, sóng hình nấm và sóng nước…
Về cơ bản, các đề tài này đều thống nhất một phong cách với Phật Tích song ít nhiều đã có sư thay đổi. Cụ thể là, ở Phật Tích, cả mặt trước và mặt sau của ba tầng đất cấp đều có rồng chầu lá đề còn ở các mặt bên rồng đều “đuổi” nhau chạy ra phía trước.
Nhưng, ở Chương Sơn dù mặt sau có lá đề thì rồng vẫn cứ quay đuôi lạt và chạy ra, điều này như một biểu hiện phần nào về sự suy lạc nhận thức trong tạo hình Phật giáo.
Mặt khác, nếu ranh giới ở các ổ hoa dây Phật Tích thường có con người bé nhỏ, cởi trần mặc váy đang trong động tác vui đùa, mà nhiều nhà nghiên cứu ngờ rằng đó là những con người của thế giới bên dưới (âm ty) do nghe giảng đạo pháp mà phần nào giác ngộ nên đã quy y, thì những hình tượng như kể trên không còn thấy ở Chương Sơn nữa.
Pho tượng tại chùa Hoàng Kim hiện chưa được nhiều người nghiên cứu đầy đủ, tuy không còn đầu, nhưng thoảng đâu đó lại có nét gần gũi với pho tượng Phật dòng Đại Thừa rất cổ của người Chăm (chúng tôi sẽ đề cập tới sau).
Thực sự, chỉ với 2 pho tượng Phật giáo kể trên, chưa đủ cho phép chúng ta nhìn nhận chắc chắn về một phong cách, song hội lại tất cả những di sản hiện còn của thời Lý đã biểu hiện một tinh thần giải Hoa, mang yếu tố hướng nội, thích hợp với tư duy nông nghiệp, để bước đầu như cảm thấy có một nền nghệ thuật ít nhiều phi Hoa, phi Ấn, phi cả Đông Nam Á, với một tinh thần Việt đích thực, mở đầu cho bước đi của nền tạo hình tự chủ đầy bản sắc, bệ đỡ cho ý thức hướng tới tinh thần kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.