Hội Phật tử Việt Nam
Tại Hà Nội, song song với Hội Việt Nam Phật giáo còn có Hội Phật tử Việt Nam được thành lập tại chùa Chân Tiên (phố Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng hiện nay) do một số cư sĩ mến mộ đạo Phật như các ông: Văn Quang Thùy (thành viên sáng lập Hội Phật giáo Bắc Kỳ trước đây), Nguyên Văn Chế, Lê Văn Lâm, Trương Đình Vy, Lê Văn Giáp, và Bùi Hưng Gia góp sức.
Hội thường tổ chức diễn thuyết tại chùa Chân Tiên. Hội cũng thiết lập một Ban Hoằng kinh để xuất bản các kinh sách Phật giáo, đặt trụ sở tại số 56 phố Hàng Trống, Hà Nội.
Hội ra bán nguyệt san Bồ Đề do cư sĩ Tuệ Nhuận Văn Quang Thuỳ làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, trụ sở đặt tại số 108 đường Boret, Hà Nội. Những cây bút chính của Bồ Đề là Văn Quang Thuỳ, Hồng Liên Lê Văn Giáp, Nguyễn Xuân Chữ, Nguyễn Đại, Cát Thành Lan …
Nội dung chủ yếu của tạp chí là phần văn nghệ (thơ và truyện vui về Phật giáo) và một số bài về Duy Thức, Tịnh độ… nhằm phổ biến Phật học.
Ngày 22/9/1949, Bồ Đề ra số đầu tiên và đình bản vào tháng 5/1954.
Hội Phật tử Việt Nam cũng thiết lập được một số chi hội tại các tỉnh, hoạt động nhất là chi hội Hải Phòng mà trụ sở đặt tại chùa An Biên.
Gia đình Phật hoá phổ
Tổ Chức Gia đình Phật tử (GĐPT) đã được thai nghén từ năm 1943 khi Đoàn Phật học Đức dục dưới sự hướng dẫn của Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, Phó hội trưởng Hội An Nam Phật học (tức Hội Phật học Trung Kỳ) bắt đầu tổ chức và giáo dục các đoàn đồng ấu Phật tử theo phương pháp sinh hoạt thanh niên. Những đơn vị tổ chức được gọi là những Gia đình Phật hóa phổ (GĐPHP).
Năm 1947, sau ngày mặt trận Huế vỡ, tổ chức GĐPHP được tái lập với 2 gia đình đầu tiên là Gia đình Hướng thiện và Gia đình Gia thiện. Ngày 8/12/1948 Âm lịch, GĐPHP tổ chức lễ thành lập chính thức tại chùa Từ Đàm (Huế)… Ban Hướng dẫn có các cư sĩ Tống Hồ Cầm, Võ Đình Cường, Phan Cảnh Tuân …
Ở miền Bắc, từ năm 1937 đã có Ban Đồng ấu nam và Ban Đồng ấu nữ được cư sĩ Thiều Chửu và cư sĩ Công Chân huấn luyện về các khóa lễ, âm nhạc, tổ chức sinh hoạt văn nghệ, cắm trại… Có thể coi đó là hình thức sơ khai GĐPHP đầu tiên của Hội Phật giáo Bắc Kỳ.
Nhưng lúc đó do bận nhiều Phật sự khác quan trọng hơn nên vấn đề thành lập GĐPHP chưa được Hội quan tâm.
Nhận thấy tinh thần Phật giáo thấm nhuận trong tâm hồn người Việt Nam và cách tổ chức GĐPHP của Hội Phật học Trung Việt thích hợp với hoàn cảnh gia đình đời mới nên tháng 5/1949, sau ngày thành lập Hội Tăng Ni chỉnh lý Bắc Việt và tái thành lập Hội Việt Nam Phật giáo, các ngài Tố Liên và Trí Hải đã cử người vào Huế tìm hiểu tổ chức và hoạt động của các GĐPHP.
Tiếp sau, ngày 15/10/1950, ngài Tố Liên nhân danh Phó hội trưởng Hội Việt Nam Phật giáo đã mời chư tăng và một số đông giáo hữu đến chùa Quán Sứ, trụ sở Hội để họp hội đồng để thảo luận và ấn định chương trình thành lập Gia đình Phật hóa phổ tại Bắc Việt, có 52 vị đến dự buổi họp.
Trong phiên họp, thày Trí Không nói: “Chúng ta đều nhận thấy rằng: các đạo khác đều có ban chuyên môn để huấn luyện riêng cho thanh niên về phương diện đạo giáo cũng như phương diện chuyên môn. Bởi vậy mục đích của GĐPHP là cốt đem thanh, thiếu nhi hấp dẫn vào tinh thần cao quí của đạo Phật.
Chúng ta không mong các thanh niên sẽ thành nhà sư, ý muốn đó cao quá không dám nghe đến nhưng chúng ta chỉ cần đem áp dụng tinh thần đạo Phật trong đời sống hàng ngày của các em trong gia đình cũng như ngoài xã hội, để vun trồng cho các em có đủ 5 đức hạnh sau: Trí Tuệ; Từ bi, Tinh tiến; Hoan hỷ, Thanh tịnh…. Nếu theo đúng tinh thần Phật hóa phổ vạch ra thì xã hội sẽ đến chỗ an lạc hạnh phúc.”
Ban Hướng dẫn của GĐPHP được bầu lên có trách nhiệm điều khiển các công việc. Bên cạnh Ban Hướng dẫn có Ban Giáo hạnh gồm các chư tăng và cư sĩ có thực học, thực đức để duy trì phật, pháp, để giảng dạy giáo lý cho tất cả thanh, thiếu nhi.
Ban Giáo hạnh có trách nhiệm đề cử người đi dạy các em trong các gia đình. Sau đó tùy theo hoàn cảnh và phương tiện từng nơi mà lập các gia đình và ấn định công việc làm của hai ban trên cùng các ban chuyên môn Phật, pháp, điều khiển, hội họa, âm nhạc, văn chương…
Thượng toạ Tố Liên nhấn mạnh: “Cái đích để Ban Hướng dân sau này đạt tới là hướng dẫn thanh thiếu nhi trở nên Phật tử chân chính. Nếu mỗi thanh thiếu nhi có 5 điều đó ở trong tâm hồn, Phật pháp sẽ đem lại hạnh phúc rất lớn cho mỗi gia đình cũng như toàn thể xã hội.”
Ngài Tố Liên xin tạm nhận chức Trưởng ban danh dự. Hội đồng nhất trí thành lập Ban Hướng dẫn GĐPHP Bắc Việt lâm thời gồm: Trưởng ban danh dự: Tố Liên, Trưởng ban chấp hành: Nguyễn Văn Nhã, Phó trưởng ban: Lê Quang Đạt, Hương Tuyền; Chánh Thư ký: Trần Phúc Bảo; Phó Thư ký: Nguyễn Thăng Thái; Chánh Thủ quĩ: Đỗ Tư Khanh; Phó Thủ quĩ: Hồ Trọng Lý, Cố vấn bên Tăng: Thượng toạ Thiện Hòa (chùa Hưng Ký), sư ông Tâm Giác (chùa Quán Sứ), Cố vấn bên cư sĩ: Đỗ Đình Oánh, Nguyễn Hữu Tâm (chùa Quán Sứ), Trưởng ủy viên Phật pháp: sư Trí Không (chùa Quán Sứ).
Sau 3 tháng, nhờ sự chỉ đạo sát sao của Ngài Tố Liên, sư Trí Không, sự nhiệt thành và trí sáng tạo của các đạo hữu Lê Quang Đạt, Nguyễn Văn Nhã, Lê Văn Lãm và toàn thể các đạo hữu trong Ban Hướng dẫn GĐPHP, tới 15/2/1951, tại Hà Nội đã chính thức thành lập được 2 phổ: Phổ Minh Tâm và Phổ Liên Hoa với hơn 200 em.
Mỗi phổ có phổ trưởng đúng đầu. Ban Hướng dẫn dự định cho thành lập các phổ tại các tỉnh như Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng…
GĐPHP là một phổ gồm có một gia đình hay nhiều gia đình Phật tử họp lại để tu học theo đạo Phật, các phổ viên là toàn thể các con cháu hay là các bạn trẻ thân thích của gia đình ấy.
Một GĐPHP thành lập phải đủ những điều kiện sau: Có 20 phổ viên trở lên nhưng không quá 200 phổ viên; Những phổ viên dưới 18 tuổi phải có giấy ưng thuận của phụ huynh (nam nữ Phật tử từ 17 tuổi trở lên; thiếu niên thiếu nữ Phật tử từ 12-16 tuổi, đồng niên Phật tử từ 6- 11 tuổi).
Tất cả các môn học và sinh hoạt của GĐPHP đều bao hàm cả 2 nội dung “đức dục” và “trí dục”.
Với nội dung “đức dục”: các phổ viên được giáo dục về đạo đúc thanh niên và giáo lý nhà Phật, thực hành theo nghi lễ nhà Phật với trình độ tử thấp tới cao, chương trình Phật pháp cho phổ viên từ 17 tuổi trở lên, gồm ba cấp: sơ thiện, trung thiện, chính thiện.
Cấp Sơ thiện, gồm: sự tích Phật tổ Thích Ca Mâu Nữ Phật A Di Đà, Quan Thế Âm, tam quy, lục hoà, ý nghĩa của việc niệm Phật, ăn chay.
Cấp Trung thiện, gồm: sự tích Phật Di Lặc, ngũ giới, thập thiện, lịch sử Phật giáo Việt Nam từ khi du nhập đến đời Lý.
Cấp Chính thiện, gồm sự tích Ca Diếp, Ananđà, thuyết Tứ diệu đế, Thập nhị nhân duyên, lịch sử Phật giáo Việt Nam từ thời nhà Trần đến thời cận đạt.
Việc học tập, rèn luyện sinh hoạt đều có sự khác nhau, phù hợp với trình độ, tâm lý, nhận thúc lúa tuổi của các phổ viên.
Về nội dung “trí dục” (phần chuyên môn) GĐPHP đào tạo, hướng dẫn tạo điều kiện cho các phổ viên một số kiến thức về văn hoá, lịch sử, rèn luyện các kỹ năng về văn – thể – mỹ, hướng dẫn các sinh hoạt tập thể như xếp hàng, cắm trại, dấu đi đường, thường thức xem giờ, cấp cứu, chụp ảnh, thủ công, nữ công gia chánh, các trò chơi…
Gia đình Minh Tâm và Liên Hoa ở Hà Nội là hai GĐPHP thành lập sớm nhất và hoạt động khá tốt. Ngày đản sinh đức Phật Thích Ca năm 1950, gia đình Minh Tâm đã mở phòng trưng bày thủ công và nữ công tại chùa Quán Sứ, rất nhiều khách đã tới xem. Ngày 10/11/1952 tổ chức trại Trong Trắng tại làng An Hoà, quận Kim Mã cho đoàn đồng ấu Liên Hoa.
Từ 24 đến 26/4/1951, hội nghị toàn quốc của GĐPHP được triệu tập tại chùa Từ Đàm (Huế) gồm đại biểu 8 tỉnh miền Trung và các đại diện chính thức của các GĐPHP ở Bắc Việt và Nam Việt Danh hiệu của tổ chức được đổi thành gia đình Phật tử (riêng ở Bắc Việt vẫn giữ tên là GĐPHP). Một nội quy đã được Đại hội này soạn thảo và chấp thuận.
Ngày 6/9/1951, anh Võ Đình Cường, Huynh trưởng GĐPT Huế trong dịp ra thăm đất Bắc đã cùng anh Trưởng ban Hướng dẫn GĐPHP Bắc Việt họp mặt với toàn thể Phật tử và các Huynh trưởng gia đình Liên Hoa; ngày hôm sau, anh tham dự Trại họp bạn gặp 7 GĐPHP: Phả Quang, Thiện Tuệ, Minh Tâm, Hải Triều, An Biên, Linh Quang với hơn 400 phổ viên tổ chức tại Văn Miếu.
Anh cũng làm việc với Ban Hướng dẫn GĐPHP Bắc Việt và đề nghị đổi tên gọi Gia đình Phật hoá phổ thành Gia đình Phật tử cho thống nhất.
Ngày 7/9 (19/7 âm lịch), các đại biểu về Hà Nội dự Đại hội thành lập Giáo hội Tăng già Việt Nam đã đến thăm phòng triển lãm của các GĐPHP Bắc Việt trưng bày tại chùa Quán Sứ và đi thăm trại của 7 GĐPHP nói trên.
Ngày 1/1/1953, nhận lời mời của GĐPT Tổng hội Trung Việt, Ban Hướng dẫn GĐPHP Bắc Việt cử đạo hữu Chân Quang, Thư ký kiêm ủy viên Văn mỹ nghệ và đạo hữu Lê Vinh, ủy viên Tổ chức của Ban Hướng dẫn mang theo một số tài liệu văn nghệ phẩm của Phật tử Bắc Việt vào Huế họp Ban Huynh trưởng Phật tử tại chùa Từ Đàm.
Huynh trưởng GĐPHP và một em trưởng thiếu nữ Phật tử Bắc Việt đã đáp máy bay vào Huế dự cuộc họp này với tư cách cá nhân để thắt chặt tình thân ái giữa Phật tử Trung và Bắc.
Từ tháng 2 đến tháng 6, ngoài công việc trụ trì chùa Quán Sứ và đại diện Hội Phật giáo thế giới, Ngài Tố Liên còn giành nhiều thời gian tập trung chỉ đạo các hoạt động của GĐPHP ở các địa phương như cử Đại đức Thích Tâm Giác đi thăm các GĐPHP Thiện Tuệ, Minh Tâm, Minh Đạo, Phả Quang… ở Hà Nội và Hải Phòng.
Những cuộc đi thăm các gia đình và giảng đạo cho các em của sư ông Tâm Giác không chỉ khuyến khích các em tinh tiến trên con đường đạo mà còn gây được tinh thần liên kết thân ái giữa các gia đình Phật tử.
Từ 5/3 đến 9/3/1953, để đào tạo một số Đoàn trưởng cho một số GĐPHP còn thiếu Huynh trưởng. Ban hướng dẫn GĐPHP Bắc Việt đã mở trại huấn luyện Minh Đạo tại chùa Quán Sứ. Các trại sinh trước khi nhập học phải qua một thời kỳ sát hạch về Phật pháp và chuyên môn.
Sở dĩ có sự thận trọng như vậy vì Ban Hướng dẫn muốn có những người đoàn trưởng tiên phong chọn lọc để xây dựng một phong trào vững trãi. Chương trình huấn luyện gồm 4 phần: lý thuyết đại cương, Phật pháp chuyên môn, văn nghệ.
Giảng viên là các thầy cố vấn giáo lý, đạo hữu Tổng Thư ký Hội Việt Nam Phật giáo, Trưởng ban Hướng dẫn GĐPHP Bắc Việt, các ủy viên trong Ban và anh Nguyễn Tiến Chung (Ban Văn mỹ nghệ Phật giáo) v.v… ngoài giờ học ở lớp các trại sinh đã đi thăm các GĐPHP) Minh Tâm, Liên Hoa để sống thực sự không khí gia đình.
Với tên Minh Đạo, với châm ngôn dũng tiến và lá cờ danh dự do anh Võ Đình Cường – ủy viên Thanh niên Phật tử Toàn quốc tặng Phật tử Bắc Việt, rồi đây những nam nữ trại sinh sẽ đi khắp địa phương Bắc Việt, đặt những viên gạch đầu tiên cho đại gia đình Phật hóa phổ.
Ngày 1/4/1953, Đại hội Gia đình Phật tử lần thứ hai được tổ chức tại chùa Từ Đàm, Huế. Đại hội nhằm mục đích cải thiện đời sống tinh thần và thể chất GĐPT với ba khẩu hiệu: Đạo trong đời, đời trong đạo; Lý thuyết cho thực hành và thực hành cho lý thuyết; Áp dụng đúng thời và hợp thế. Tại Đại hội này, tên gọi, tổ chức và sinh hoạt của GĐPT được thống nhất trên cả ba miền Bắc – Trung – Nam.
Như vậy, chỉ trong vòng 4 năm: từ 1950 đến 1953 với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Thượng toạ Tố Liên và sự giúp đỡ của cư sĩ Võ Đình Cường, Huynh trưởng Gia đình Phật tử Huế, sự hoạt động tích cực của các sư ông Trí Không, Tâm Giác và Trưởng ban Nguyễn Văn Nhã, Gia đình Phật hoá phổ đã được thành lập rồi phát triển thành phong trào, hỗ trợ cho công cuộc hoằng dương Phật pháp ở xứ Bắc.
Có thể nói GĐPHP được Thượng toạ Tố Liên thành lập ở Bắc Việt là một mô hình tốt đối với mọi gia đình và xã hội Việt Nam.
Hội Phật tử Việt Nam và Gia đình Phật hoá phổ ở Bắc Việt hoạt động đến cuối năm 1954 thì giải tán.