NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Trong bài đối thoại trước, ông đề xuất quay mặt tượng Bồ tát Quan Thế Âm đang xây dựng ở chùa Xá Lợi nhìn ra mặt tiền chùa. Như vậy, có nghĩa là phải trổ một cửa ở vị trí đó. Còn hàng rào xếp di động, thì do mở ra đóng lại được, nên nó đã là một cửa. Theo chỗ tôi biết, trổ cửa trong xin phép xây dựng không dễ dàng đâu?
MINH THẠNH: Dựng tượng đài Bồ tát Quan Thế Âm nhìn ra mặt tiền đường không nhất thiết phải trổ cửa.
Hàng rào kiên cố được duy trì có thể hạ thấp xuống, thiết kế sao đó để thông thoáng tối đa, nhưng vẫn không phải là cửa.
Để vào lạy tượng Bồ tát Quan Thế Âm, Phật tử vẫn phải vào trong chùa, nghĩa là vẫn đi theo những cửa đã có, không có cửa nào ở trước tượng Bồ tát Quan Thế Âm.
Nhưng điều quan trọng là:
– Người đi trên đường Bà Huyện Thanh Quan thấy được hầu như trọn vẹn phía trước kim thân tượng đài Bồ tát Quan Thế Âm, chiêm ngưỡng chân dung Bồ tát.
– Người đến cầu nguyện có thể đối diện tượng đài để cầu nguyện ngay cả khi chùa đóng cửa.
– Tượng đài Bồ tát Quan Thế Âm đóng góp vào vẽ mỹ quan chung của chùa Xá Lợi. Một bên là tượng đài, bên kia là tam quan, bảo tháp. Bối cảnh của tượng đài là chính điện.
NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Tường rào thấp sẽ tạo vấn đề về an ninh, kẻ xấu dễ dàng vượt rào để vào chùa?
MINH THẠNH: Nếu ngại vấn đề an ninh thì có thể xây tường rào thứ hai cao hơn bọc phía sau và bên hông tượng đài. Hàng rào kiên cố này có thể hình chữ L hoặc hình cong, nhưng nhiệm vụ của nó là bức tường an ninh. Tường rào có thể câu vào chân tượng đài, tạo không gian phía trước tượng đài một khoảng sân riêng, nhưng trong tầm nhìn của người đi đường, không gian phía trước tượng đài vẫn là không gian công cộng, vì nó gắn với đường phố. Còn việc ngăn cách thực sự vì lý do an ninh thì thực hiện phía sau tượng đài.
NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Nếu là không gian công cộng thì sẽ có bụi đời đến ngủ, mất trang nghiêm như ở các công viên?
MINH THẠNH: Ông có thấy bụi đời đến ngủ ở vườn hoa trước tượng Đức Mẹ, Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn hay ở tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức góc Nguyễn Đình Chiểu – Cách mạng Tháng Tám?
NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Không thấy. Ở đó đèn sáng, có camera, đông đảo người qua lại, có người bảo vệ.
MINH THẠNH: Một trong những yếu tố đó là đủ. Nhưng việc chiếu sáng mỹ thuật, tượng đài Bồ tát Quan Thế Âm suốt đêm đâu phải lãng phí? Đó là cúng dường ánh sáng lên Bồ tát.
NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Nếu quay mặt tượng đài Bồ tát Quan Thế Âm vào trong sân chùa, thì có thể che lưng, hông tượng đài bằng một hòn non bộ lớn, như vậy cũng đẹp?
MINH THẠNH: Tôi nghĩ mặt tiền của bất cứ kiến trúc nào cũng không nên có núi, mà núi chỉ ở phía sau. Đó là vấn đề phong thủy.
Ông nghĩ đi ngang chùa Xá Lợi thấy một quả núi giả là hơn hay chân dung tượng đài Bồ tát Quan Thế Âm là hơn?
Cho nên tôi mong có một không gian mở, không gian công cộng như ở tượng Bồ tát Thích Quảng Đức.
NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Hai tượng đài Phật giáo quá gần nhau, liệu có cần thiết?
MINH THẠNH: Riêng tôi, nhà gần đó, tôi thấy càng nhiều không gian Phật giáo công cộng, càng nhiều tượng đài Phật Bồ tát càng tốt. Khi đó, đối với tôi, khi đi tôi chiêm ngưỡng tượng Bồ tát Thích Quảng Đức, khi về tôi chiêm ngưỡng tượng Bồ tát Quan Thế Âm.
Hơn nữa, ở đây đối tượng nhằm vào là người đi đường, không phải chỉ là người đến chiêm bái. Người đi trên đường Cách Mạng Tháng Tám hầu hết sẽ không phải là người đi trên đường Bà Huyện Thanh Quan.
Trước đây, thời chưa kẹt xe, tôi có đọc một thông tin nói số lượng lượt người lưu thông trên đường Điện Biên Phủ hàng ngày là nhiều trăm ngàn.
Như vậy, có thể ước lượng số người lưu thông trên đường Bà Huyện Thanh Quan hàng ngày có thể chiêm ngưỡng tượng đài Bồ tát Quan Thế Âm là cả trăm ngàn lượt người.
NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Không gian công cộng như ở tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức có nghĩa là không còn hàng rào bên ngoài. Điều đó có nghĩa là chùa Xá Lợi mất một phần diện tích không?
MINH THẠNH: Tượng Bồ tát Quan Thế Âm sừng sững ở đó, thì còn ngại gì việc đất của chùa hay không đất của chùa, cho dù hàng rào kiên cố khuyết vào bên trong?
NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Ông có nghĩ tượng đài Bồ tát Quan Thế Âm quay ra mặt tiền hay nhìn vào trong sân chùa liên hệ đến vấn đề tâm linh khác không?
MINH THẠNH: Cũng có. Nhưng tôi căn cứ là chính tên Phẩm Phổ Môn, Kinh Pháp Hoa. Từ “Phổ” có nghĩa là rộng khắp.
Tôi tin chắc một điều là làm sao để hàng trăm ngàn lượt người chiêm ngưỡng Đức Bồ tát Quan Thế Âm hàng ngày sẽ có phước hơn nếu chỉ có vài trăm lượt người vào sân chùa chiêm ngưỡng mỗi ngày.
Việc xây dựng tượng Bồ tát Quan Thế Âm như vậy có ý nghĩa hết sức lớn lao. Nếu thành tựu mục tiêu công cộng hóa tượng Bồ tát Quan Thế Âm ở chùa Xá Lợi, thì hiện nay, đây sẽ là tượng đài Bồ tát Quan Thế Âm công cộng đầu tiên ở TPHCM.
Tôi nghĩ là tầm quan trọng của tượng đài hơn cả bảo tháp.
NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Bảo tháp chùa Xá Lợi là một trong những công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu cho thành phố.
MINH THẠNH: TPHCM đã và sẽ có nhiều bảo tháp đẹp như vậy.
Nhưng nhân duyên dựng tượng Phật, Bồ tát ở ngã ba đường và trở thành không gian công cộng không phải là điều mà chùa nào cũng có được. Đó là việc hy hữu.
Đối với bảo tháp chùa Xá Lợi, tôi chỉ ngắm nhìn.
Nhưng đối với tượng Bồ tát Quan Thế Âm, nhất là khi ở không gian công cộng, tôi sẽ đến cầu nguyện và nhiều người chắc chắn cũng làm như vậy.
Cho nên, việc tượng đài Bồ tát Quan Thế Âm có ý nghĩa rất lớn, khi xét đến khả năng tác động đến xã hội của tượng đài.
NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Có một điểm mà Minh Thạnh chưa tính đến. Chùa Xá Lợi dường như là di tích lịch sử cấp thành phố, nên việc thay đổi độ cao tường rào có thể là một khó khăn?
MINH THẠNH: Tôi nghĩ là ngay cả khi duy trì độ cao tường rào ở mức hiện tại, thì chiều cao của tượng đài Bồ tát Quan Thế Âm khi khuôn mặt tượng nhìn ra mặt tiền vẫn có thể tạo một không gian thống nhất với đường phố.
Chỉ khi khuôn mặt tượng đài Bồ tát Quan Thế Âm quay vào trong chùa thì mới tạo không gian ngăn cách, chia cắt.
Nhưng theo chỗ hiểu biết riêng của tôi, thì vị trí đang xây dựng tượng Bồ tát Quan Thế Âm trước đây không thuộc về chùa Xá Lợi.
Tại chỗ đó đã có một cái cổng. Nay có cổng thì không phải là mở cổng mới.
Chúng ta sẽ tiếp tục bàn về đề tài này trong một cuộc đối thoại sau.