Trang chủ Diễn đàn Phía Tây TP.HCM Phật giáo lo ngăn chặn am cốc, thất/ Ca...

Phía Tây TP.HCM Phật giáo lo ngăn chặn am cốc, thất/ Ca tô La mã chuẩn bị hàng ngàn chục mét vuông xây Nhà thờ

156

1. Đối thoại giới thiệu

MINH THẠNH: Trong bài giới thiệu này, tôi giới thiệu với bạn đọc tăng ni Phật tử một bài viết đăng trên báo Công giáo và Dân tộc, cho thấy Đạo Ca tô La Mã đẩy mạnh hoạt động triển khai cơ sở Ca tô La Mã ở vùng ngoại thành cũ, vùng đang đô thị hóa TPHCM, mà cụ thể ở đây là khu vực phía Tây TP (huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, Tân Phú…)

Cần tìm hiểu những tính toán, tầm nhìn của đạo Ca tô La Mã ở khu vực này trong bối cảnh Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ giới hạn việc triển khai các cơ sở thờ tự Phật giáo ở khu vực này chỉ ở việc xây mới trên đất đã có (thu hẹp so với diện tích đất cũ) và mặt khác, gia tăng việc ngăn chặn am, cốc, thất.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Ý ông khi giới thiệu bài báo đăng trên “Công giáo và Dân tộc” là tạo sự so sánh, nhưng cần lưu ý, mỗi tôn giáo có đặc điểm rất khác nhau?

MINH THẠNH: Trước hết, tôi đồng ý là khác nhau.

Như ở vùng phía Tây TP Sài Gòn này, chính ra Phật giáo đã lưu tâm đến trước, với việc mua đất xây dựng khu An dưỡng địa (lò hỏa táng, nghĩa địa), Phật học viện Huệ Nghiêm, có cả chùa Phật giáo Nguyên thủy.

Nhưng đó là hướng phát triển xuất thế, theo con đường dịch vụ mai táng, tu nơi vắng vẻ lánh đời, khác hẳn kiểu tính toán dựa trên việc nghiên cứu và tầm nhìn nhân khẩu học như chúng ta sẽ thấy trong bài báo được giới thiệu dưới đây.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Nhưng kết quả, Phật giáo vẫn sớm có được chùa, có nghĩa địa ở vùng đất ngoại ô này.

MINH THẠNH: Thì trong cùng thời gian, thập niên 1960, nửa đầu thập niên 1970, đạo Ca tô La Mã mua những miếng đất và xây dựng những tòa nhà rộng lớn làm dòng tu, bệnh viện, trường học, trung tâm học thuật văn hóa ở giữa trung tâm Sài Gòn, mặt tiền ở những nơi sang trọng nhất tại quận 1, quận 3. Còn Phật giáo thì xây dựng ở những nơi ngoại ô xa xôi, còn vào sâu trong hẻm.

Tầm nhìn khác nhau này đã đưa đến những hệ quả khác nhau. Tuy nhiên, cục diện tôn giáo là chỉ một.

Bây giờ, đối với diện mạo trung tâm TPHCM, một thành phố Công giáo đang dần dần trở lại, với những cơ sở mới được hoàn trả ở quận 1, quận 3 và đang được xây dựng mới.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Nhưng ở vùng đất phía Tây TP, nơi chúng ta đang bàn luận đến, Phật giáo cũng đã triển khai nhiều công trình, như Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM, Bát Bửu Phật Đài…

MINH THẠNH: Qua bài báo được giới thiệu, chúng ta sẽ thấy sự khác biệt mà ông đã nói đến.

Phật giáo Việt Nam hướng ra phía Tây TP trong những đáng ứng cho yêu cầu toàn quốc, toàn thành phố. Cơ sở chính Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM dời ra huyện Bình Chánh, thì tất nhiên ảnh hưởng của trung tâm giáo dục đào tạo này ở khu vực trung tâm thành phố sẽ giảm sút.

Còn đạo Ca tô La Mã hướng ra phía Tây TP trong cố gắng đáp ứng yêu cầu có tính chất bộ phận của TP, phù hợp với sự gia tăng tín đồ của họ khu vực các quận huyện ở đây những trung tâm học thuật, giáo dục, văn hóa của đạo Ca tô La Mã vẫn sẽ giữ ở trung tâm TP. Chúng ta hãy xem những block nhà mới xây dựng ở Đại Chủng viện, trên đường Tôn Đức Thắng, hay đang xây dựng trong khuôn viên trước đây là Trung tâm Phao lô Nguyễn Văn Bình, trên đường Nguyễn Thông…

Khác nhau là như vậy đó.

Ngoài ra, còn có ý kiến cho rằng cơ sở mới của Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM nằm ở đoạn cuối của đường cất cánh của máy bay từ sân bay Tân Sơn Nhất, nên ở đó là tọa độ có khả năng tai nạn do tình trạng nguy hiểm của máy bay khi cất cánh (trong giao thông hàng không, khi máy bay cất hay hạ cánh là lúc nguy hiểm nhất trong lộ trình bay). Cách đây chưa lâu, một trực thăng quân sự đã rơi gần đó (1).

Nhưng bỏ qua những yếu tố đó, thì xu hướng ra ngoại thành của Phật giáo cũng là do tư duy cách ly xã hội. Còn chúng ta hãy đọc trong bài báo được giới thiệu dưới đây, họ hướng đến việc can thiệp vào bệnh viện nhi lớn nhất TPHCM, tức là chọn một đầu cầu đi vào tham gia hoạt động xã hội.

Ngoài ra, họ còn tính toán theo thống kê nhân khẩu học, xã hội học, trong mối liên hệ với địa lý giao thông. Những điều đó không có trong tư duy Phật giáo Việt Nam.

Cái cách hình thành cơ sở thờ tự của họ thể hiện trong bài báo cũng khác Phật giáo ở khu vực ngoại thành. Đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam những tu sĩ, nhiều trường hợp bị cho là “không rõ xuất thân”, lập am, cốc, thất tự phát, là hoạt động được coi cần phải hạn chế.

Còn ở đạo Ca tô La Mã, có sự tính toán từ cấp độ giáo phận, với những thửa đất nhiều ngàn mét vuông đến cả chục ngàn mét vuông. Không phải những am, cốc, thất vài chục mét vuông trong hẻm sâu, tự phát và bị chính giáo hội tự hạn chế.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Nhưng thực tế thì ở đó đã có nhà thờ nhiều nhặng gì đâu?

MINH THẠNH: Đọc bài báo, chúng ta sẽ thấy “quá trình xin cấp phép”, “đang xin phép chuyển đổi thành đất tôn giáo”. Nhưng điều cần chú ý là giáo phận của họ “mua khu đất” chủ trì quá trình Ca tô hóa ở đây và hoạt động trong điều đang xin phép. Trong hướng phát triển như vậy, thì cục diện tôn giáo mới với những nhà thờ trên khuôn viên nhiều ngàn mét vuông đến hơn cả chục ngàn mét vuông sẽ là điều tất yếu sẽ đến.

Còn tầm nhìn phía Phật giáo, chăm chăm vào mục tiêu hạn chế am, cốc, thất tự phát, dù những am, cốc, thất đều rất nhỏ hẹp, sẽ dẫn đến đâu, chúng ta có thể dự đoán.

Như vậy, Sài Gòn đang Ca tô La Mã hóa, “Công giáo hóa” theo cách gọi của họ, cả ở khu trung tâm (đáp ứng yêu cầu cấp độ toàn quốc, khu vực và TP) và cả ở khu ngoại vi (đáp ứng yêu cầu cấp độ quận huyện trong quá trình đô thị hóa).

Bài báo được giới thiệu là dự báo cho cục diện tôn giáo, trong đó có Phật giáo Việt Nam, dù chỉ nói việc của Ca tô La Mã.

2. Xuất xứ tư liệu được giới thiệu

2.1. Tên tư liệu: “Truyền giáo phía Tây”

2.2. Tác giả: Đình Quý

2.3. Thông tin xuất bản: Báo Công giáo và Dân tộc, số 2113-2114, trang 36.

3. Trích dẫn giới thiệu: 

“Sài Gòn là một trong những giáo phận lớn nhất nhì cả nước, xét về số tín hữu (khoảng 700.000 người và trên 200 giáo xứ). Tuy nhiên, có một thực tế, các họ đạo chủ yếu tập trung ở nội đô, còn ra các vùng ngoại thành vẫn còn khá ít cơ sở phụng tự. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong những ưu tư được nhắc đến nhiều nhất, thường nhắn nhủ hãy đi ra vùng ngoại biên để mang Chúa đến với nhiều người hơn nữa. Đáp lời mời gọi này của Đức Thánh Cha, giáo phận cũng đã và đang “đi ra”. Trong bốn hướng của thành phố thì hướng Tây là nơi có những bước đi khá mạnh mẽ.

Truyền giáo phía Tây

Sài Gòn là một trong những giáo phận lớn nhất nhì cả nước, xét về số tín hữu (khoảng 700.000 người và trên 200 giáo xứ). Tuy nhiên, có một thực tế, các họ đạo chủ yếu tập trung ở nội đô, còn ra các vùng ngoại thành vẫn còn khá ít cơ sở phụng tự. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong những ưu tư được nhắc đến nhiều nhất, thường nhắn nhủ hãy đi ra vùng ngoại biên để mang Chúa đến với nhiều người hơn nữa. Đáp lời mời gọi này của Đức Thánh Cha, giáo phận cũng đã và đang “đi ra”. Trong bốn hướng của thành phố thì hướng Tây là nơi có những bước đi khá mạnh mẽ.

Hành trình này đến nay ra sao ? Bà con Công giáo mong mỏi có được nơi thờ tự như thế nào ?… Chúng tôi đã đi và ghi nhận nhiều điều.

Phía Tây thành phố là vùng đất gồm huyện Bình Chánh rộng lớn cùng các quận liền kề như Bình Tân, Tân Phú, quận 6. Vấn đề truyền giáo ở đây từ lâu đã được giáo hạt Tân Sơn Nhì quan tâm và là chủ đề mỗi khi các cha sở có dịp họp mặt. Riêng giáo dân trong hạt cũng nhiệt tình vun đắp, luôn hy sinh đóng góp cả về nhân lực lẫn tài lực.

Thành phố ngày một đông, điều này có thể thấy rõ khi lưu lượng xe trên đường ngày thêm nhiều; nạn ùn tắc, kẹt xe cũng phổ biến hơn trước. Trong số những người đến, nhiều người, nhất là người có thu nhập trung bình, đã chọn cho mình vùng đất ngoại thành nơi đất đai, giá sinh hoạt rẻ hơn để định cư, biến những vùng trước đây vốn hiu quạnh nay trở nên sầm uất. Như tại quận Bình Tân, cha Phaolô Phạm Trung Dong – chánh xứ Thánh Phaolô, hạt trưởng Tân Sơn Nhì kể : Năm 2003, quận Bình Tân được thành lập sau khi tách một phần từ huyện Bình Chánh, dân số lúc đó mới 240.000 người. Nhưng giờ đây đã tăng lên gấp 3 lần với trên 700.000 người. Hay rõ hơn tại giáo xứ Bình Thuận (722 Tân Kỳ Tân Quý, phường Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân), cha chánh xứ Giuse Nguyễn Văn Thanh cho biết : năm 2007 khi cha về nhận sở, số giáo dân mới chỉ 9.000, nhưng nay con số đó xấp xỉ gần 20.000 người.

Với việc nội đô vốn đã chật chội thì giãn dân ra ngoại thành là một trong những hướng đi của thành phố. Do đó, việc giáo phận đi ra vùng ngoại biên cũng bắt đúng xu hướng chung để phục vụ, bởi với người Công giáo, khi đến định cư một nơi, bên cạnh ưu tiên về đường sá, việc làm… điều mọi người luôn canh cánh là có không gian thuận tiện để sống đạo. Khi gặp ông Nguyễn Viết Sự, một người vừa mới chuyển về cư ngụ tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, chúng tôi đã nghe ông tâm sự : “Sau khi di cư từ miền Bắc vào năm 2007, với nhiều tính toán, chọn lựa cuối cùng hai vợ chồng chọn đây để làm nhà vì kế bên có một ngôi nhà nguyện. Không gì vui sướng bằng phải đi lễ xa xôi nay được sống bên nhà thờ, trước nay tuần chỉ dự lễ Chúa nhật thì nay trọn vẹn sớm tối”… Vậy mới thấy, truyền giáo có khi đơn giản chỉ là sự hiện diện và phục vụ đời sống tâm linh cho bà con, một cách nhiệt thành và kịp lúc.

Chúng tôi đã tìm về một vài giáo điểm (tạm gọi như vậy vì về mặt hành chánh, nơi đây vẫn đang trong quá trình xin cấp phép), để nghe những thao thức, mong mỏi của nhiều người.

Ngang qua Vĩnh Lộc

Nằm cách con đường Vĩnh Lộc độ hai cây số, ẩn sau chiếc cổng sắt cùng lối vào sâu hút là một khu đất rộng, đây là nơi giáo điểm Vĩnh Lộc B đang dần thành hình. Khu đất trên 3.300m2 này vốn do một giáo dân dâng hiến cho Giáo Hội từ năm 2002, nhưng một thời gian dài nằm “trùm mền”, cỏ cây mọc um tùm. Chỉ cách đây độ hai năm, khi giáo hạt Tân Sơn Nhì hướng nhiều đến việc truyền giáo, cũng nhằm lúc chương trình của giáo phận được xúc tiến, thì các hoạt động nơi đây mới tích cực. Đêm giao thừa 2017 vừa rồi là thời điểm có thánh lễ đầu tiên.

Giáo điểm Vĩnh Lộc A nằm tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, cách Vĩnh Lộc B chừng 7 cây số. Dù đã có khá đông gia đình Công giáo hiện diện nhưng các cơ sở vẫn còn nhiều thiếu thốn. Hàng tuần cha Thái đến dâng một thánh lễ vào chiều thứ 7 trong một nhà dân mượn tạm, giúp mọi người khỏi phải đi xa vất vả.

Khỏi phải nói, giây phút đó bà con mừng vui như thế nào. Cha Giuse Trần Viết Thái, phó xứ Ninh Phát, người đang trực tiếp trông coi giáo điểm nhớ lại : đêm đó có tới 500 – 600 người đến dự lễ, còn như lễ Vọng Phục Sinh vừa rồi là khoảng trên 1000, mọi người ùn ùn kéo về khiến những người trông coi cũng phải giật mình dù trước đó không hề có thông báo. Nhiều cụ già yếu, đau bệnh tham dự mà mắt rưng rưng, hỏi ra mới biết cả mấy năm nay họ mới được dự lễ, trước đó hằng tuần chỉ có thể nghe qua chiếc radio nhỏ. Theo như con số mà cha Thái và mọi người vừa tổng kết để nộp lên địa phương thì trong bán kính chưa đến 3 cây số tính từ nhà nguyện, có trên 3.000 tín hữu hiện diện. Do đang xin phép chuyển đổi thành đất tôn giáo nên bên trong giáo điểm chưa xây dựng gì nhiều, chỉ ngôi nhà nhỏ cấp bốn để bà con đọc kinh xem lễ hằng ngày. Mỗi lễ ngày Chúa nhật tới nay đã có vài trăm người tham dự, và ngày một đông lên khi ngày càng có nhiều người biết tới.

Cũng tại huyện Bình Chánh còn có hai giáo điểm khác đang dần hình thành : một tại Vĩnh Lộc A, một ở Tân Nhựt. Đặc biệt tại Tân Nhựt, giáo phận đã mua khu đất rộng 11.000m2 dành cho dự định sau này. Trong vai trò hạt trưởng, cha Phaolô Phạm Trung Dong đã có những hướng đi : “Cách Tân Nhựt khoảng hai cây số hiện nay là Bệnh viện Nhi Đồng thành phố – bệnh viện nhi hiện đại nhất cả nước – do vậy giáo hạt sẽ có sự liên hệ với địa phương để ngoài lập điểm cầu nguyện tìm sự bình an thì chúng tôi còn mở nhà lưu trú giúp gia đình nghèo đưa con đến khám bệnh có được chỗ nghỉ chân; cạnh đó còn là lớp học tình thương hay nhà trẻ giúp người lao động thu nhập thấp có nơi gởi gắm con cái…”. Dù tất cả vẫn đang trong dự tính nhưng dám tin, khi thành hình sẽ gặt hái được thành công, bởi lẽ tại giáo xứ Phaolô và nhiều xứ khác trong hạt Tân Sơn Nhì hiện cũng có các hoạt động bác ái tương tự và đã mang lại ích lợi cho nhiều người.

Những mong mỏi trên miền đất xa

Người tín hữu ở Vĩnh Lộc trước nay muốn dự lễ phải đi về Gò Mây cách khoảng 8 cây số là thuận tiện nhất, các xứ liền kề khác như Phaolô, Ninh Phát hay Bình Thuận cũng có quãng đường tương tự hoặc dài hơn. Dù sống cách xa nhà thờ là vậy nhưng lòng đạo đức vẫn được bà con duy trì cách đều đặn, như cha Dong kể lần kia, sau lễ sáng ngày thường, có một nhóm đến mời cha về làm phép nhà, hỏi ra mới biết họ ở tận Vĩnh Lộc. Đáng quý hơn, đó là nhóm tín hữu quen mặt khi sáng nào cũng rủ nhau đi lễ. Còn cha Thái thì khoe từ ngày rục rịch khai phá đất xây nên giáo điểm đến nay chưa phải thuê bất kỳ một công thợ nào, từ làm mộc, sắt, thép, đến xây cất, trồng cây…, tất cả đều có giáo dân tại chỗ tự nguyện. Ngôi nhà nguyện cấp bốn đang dâng lễ chỉ đủ ghế cho số ít, nhiều người phải ngồi tràn ra bên ngoài, nhưng lễ nào người dự đều đông.

Vốn chưa được công nhận là cơ sở sinh hoạt tôn giáo nên mọi hoạt động ở Vĩnh Lộc B khá giới hạn, hằng ngày chỉ có một thánh lễ cử hành lúc 4g45 sáng. Anh Nguyễn Viết Xuân, giáo dân mới đến định cư chia sẻ rằng, mỗi Chúa nhật cả gia đình đi về Gò Mây dự lễ phải mất nguyên buổi sáng. Anh giải thích : “Thánh lễ thường diễn ra trong một tiếng đồng hồ, để con học giáo lý thêm một tiếng nữa, ngoài ra còn phải mất thêm hai giờ cho chặng đường đi – về và gởi, lấy xe. Mình thì không sao, chỉ tội cho mấy đứa nhỏ vất vả mưa nắng, bụi đường”. Cũng vì lẽ đó nên có hai điều mà bà con nơi đây mong mỏi thực hiện : đầu tiên là có lễ ban chiều để các cụ ở xa đi lại thuận tiện, thứ đến là mấy đứa nhỏ hằng tuần được học giáo lý ngay tại đây. “Chỉ ước như vậy thôi, còn những chuyện khác chúng tôi chưa dám mơ”, chị Phạm Thị Ven, một tín hữu sống gần nhà nguyện thật thà nói suy nghĩ của mình.

Giáo điểm Tân Nhựt nằm trên địa bàn xã cùng tên, trên đường dẫn vào cao tốc Sài Gòn – Trung Lương, và cách giáo điểm Vĩnh Lộc B khoảng 15 cây số. Hiện vẫn còn là miếng đất trống, trũng, do cha Giuse Vũ Hữu Phước, Phụ tá giáo xứ Phú Thọ Hòa đi về trông coi.

Khi chúng tôi ghé qua bên Tân Nhựt, lân la hỏi chuyện nhiều người thì gặp một cụ bà Công giáo, bà bảo mình theo người con út từ quê lên đây sống đến nay gần hai năm và “cuối tuần hắn nghỉ việc mới chở tui đi lễ được, mà phải đi xa lắm”. Khi biết giáo phận đang dự tính mở một giáo điểm, không lâu nữa có lẽ sẽ có nhà thờ, cụ không giấu niềm vui : “Thiệt hả cậu, nếu được vậy còn gì vui bằng!”.

Vẫn biết quá trình “Đi Ra” của giáo phận sẽ còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng hứa hẹn sẽ đơm hoa, trẩy cành, che mát nhiều tín hữu đang cần chốn an ủi, kinh nguyện sau những ngày mưu sinh cực nhọc.”

MT

(1) Đáp lại câu trả lời này, người đối thoại có hỏi một câu trả lời ngoài lề có tính chất chế giễu lại tôi, nhưng xét ra vẫn có ý nghĩa, nên xin dựa vào phần chú thích để chia sẻ với bạn đọc.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Ông Minh Thạnh làm như trên Tòa Tổng Giám mục có vùng cấm bay vậy?

MINH THẠNH: Đúng như ông nói đó. Tôi có đọc trong một tài liệu, nói trong bán kính 3km từ Dinh Độc Lập, Phủ Phó Tổng thống (nay là Nhà Văn hóa Thiếu nhi trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa), Phủ Thủ tướng (7 Lê Duẩn) là vùng cấm bay. Máy bay nào phạm vào vùng đó sẽ bị cao xạ bắn hạ. Hầu như toàn bộ những cơ sở của đạo Ca tô La Mã đều ở sát ba dinh thự này. Chẳng những cấm bay trên trời mà khu vực đó dưới đất, khu vực mà Nhà thờ Đức Bà, Tòa Tổng Giám mục, Đại chủng viện, các tu viện, trường học lớn… tọa lạc, là khu vực trọng yếu hàng đầu của thủ đô Sài Gòn trước 1975, ngay cả lính Việt Nam Cộng Hòa cũng không được tập trung.