Trang chủ Văn hóa Bảo tồn & quản lý cổ vật Phật Giáo

Bảo tồn & quản lý cổ vật Phật Giáo

96

Cổ vật là đồ vật có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật được tạo từ các chất liệu khác nhau và ít nhất là một trăm năm tuổi trở lên” (Từ điển Bách khoa Việt Nam). Mặt khác, “Cổ vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, có từ một trăm năm tuổi trở lên” (Luật Di sản văn hóa, năm 2001). Cả hai định nghĩa trên đều nhìn nhận cổ vật là một loại di sản văn hóa vật thể, có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, khoa học…


Đối với các di tích lịch sử văn hóa – danh lam thắng cảnh, cơ sở tự viện của Phật giáo, cổ vật có một vị trí rất quan trọng. Chúng không chỉ là di sản văn hóa vật thể mang tính tâm linh sâu sắc mà còn là sự minh chứng cho sự trường tồn của đạo Phật đã có một quá trình tồn tại lâu dài trên đất nước Việt Nam này. Chính vì thế, việc đặt ra vấn đề bảo quản những cổ vật này là một yêu cầu tất yếu.


Bên cạnh sự hiện diện trong các bảo tàng, các nhà sưu tập tư nhân thì hiện nay trong các di tích lịch sử, văn hóa – danh lam thắng cảnh, cơ sở thờ tự, cơ sở tôn giáo, cổ vật Phật giáo chiếm một lượng tương đối lớn trong cả nước. Theo thống kê chính thức, đến cuối năm 2003 trên cả nước có tất cả 40.000 di tích, 2.727 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, trong đó đa phần là cơ sở của Phật giáo. Đó là chưa kể đến các cơ sở Phật giáo chúng ta chưa kiểm kê được. Với một hệ thống tự viện Phật giáo dày đặc từ Bắc đến Nam đã phần nào góp phần lưu giữ lại được bản sắc văn hóa Phật giáo và cả việc lưu giữ an toàn những cổ vật có giá trị.


Trong những năm qua, Nhà nước và các cấp lãnh đạo Giáo hội đã có những đầu tư nhất định về nhân lực, tài lực cho công tác bảo tồn mà điển hình là đầu tư, tôn tạo, nâng cấp kịp thời một số ngôi chùa cổ ở miền Bắc và miền Trung như: chùa Kim Liên, chùa Tường Vân, chùa Thiên Mụ, thắng tích Hương Sơn v.v… Thông qua hoạt động này, các cổ vật được bảo quản tốt và an toàn hơn. Tuy nhiên đây chỉ   mặt nổi của vấn đề. Theo dõi tình hình thời sự, chúng ta thấy tình trạng di tích Phật giáo xuống cấp đang kêu cứu khắp nơi, hiện tượng mất cắp cổ vật tại các di tích, các cơ sở tự viện diễn ra liên tục.


Nếu như trong thập niên trước đây, hiện tượng mất cắp chỉ rải rác như: Ngày 4-3-1992, chùa Hương Tuyết (Hà Nội) mất đi 30 pho tượng đồng và gỗ. Ngày 8-4-1992, kẻ gian vào chùa Tri Đông (Hà Nội)  lấy đi 3 tượng Tam thế bằng đồng. Thời gian gần đây việc đánh cắp cổ vật mang tính tổ chức và quy mô hơn. Rạng sáng ngày 24-7-2003, tại chùa Đức La (Bắc Giang) 6 pho tượng gỗ có niên đại 300 năm đã không cánh mà bay. Cùng thời điểm đó, Sở văn hóa-Thông tin và Công an tỉnh Bắc Giang cũng thông báo hiện tượng mất tích cổ vật diễn ra khắp các chùa chiền trong tỉnh như: Chùa Sàn (Lục Nam) mất 7 pho tượng Phật cổ và 1 đạo sắc phong thời Lý vào đêm 8-6. Chùa Xóm Bến (huyện Lạng Giang) mất 4 pho tượng cổ và 1 bát hương cổ bằng sứ ngày 1-7. Trước đó, chùa Dương Quang Thượng cũng bị mất 7 pho tượng cổ. Chùa Ngô Xá (Nam Định) mất 1 pho tượng Phật thời Lý, chùa Tây Phương (Hà Tây) mất tượng Bồ tát Quán Thế Âm bằng gỗ v.v…


Đó là tình trạng mất cắp, còn hiện tượng di tích, cơ sở tự viện xuống cấp và bị lấn chiếm cũng “nóng” không kém: Tại thành phố Hồ Chí Minh: chùa Gò (quận 11) các cây rui đã mục gần hết, mái âm dương sụp nhiều mảng, chùa Giác Viên (quận 11) bị nước thải ao cá của Đầm Sen tạo dòng nước chảy cạnh chùa, bên trong xuống cấp toàn bộ, bị nhà dân lấn chiếm, từ 40.000m2 (1975) đến nay (2002) chỉ còn lại 20.000m2. Tại Quảng Nam, cổ tự Phước Lâm mất dần vẻ xưa vì nhà dân và các cơ sở được xây dựng áp sát. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, danh thắng Thích Ca Phật Đài bị lấn chiếm làm hàng quán buôn bán.. Tại Bình Thuận, chùa Cổ Thạch cảnh quan và môi trường đang bị xuống cấp trầm trọng v.v….


Như vậy, thực tế cho thấy tình trạng xâm hại di tích, cơ sở tự viện Phật giáo cũng như việc đánh cắp cổ vật đang ở mức báo động cần được sự quan tâm mật thiết của các cơ quan chức năng, các cấp lãnh đạo Giáo hội và mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội.


Có nhiều nguyên nhân nhưng trước hết đó là sự hạn chế trong công tác quản lý và điều kiện vật chất để bảo quản. Về công tác quản lý nó bao gồm cả sự xây dựng pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật về quản lý cổ vật cũng như ý thức, năng lực quản lý của các cơ quan chức năng và các chủ nhân trực tiếp là các vị đứng đầu các cơ sở tự viện Phật giáo.


Riêng cơ quan quản lý, dù luật đã có sự hướng dẫn tường tận nhưng khi thực thi vẫn có sự giẫm chân nhau, trên thực tế vai trò của các cơ quan này rất mờ nhạt. Đối với các cơ sở Phật giáo, việc quản lý cổ vật rất khó khăn do thiếu các điều kiện vật chất đảm bảo như: cơ sở mặt bằng, môi trường, trang thiết bị, nhân sự có đầy đủ chuyên môn…


Bên cạnh đó, việc tuyên truyền giáo dục quần chúng hiểu luật, thực hiện luật, hiểu những giá trị của cổ vật, ra sức bảo vệ cổ vật tại đất nước ta còn yếu kém. Do vậy, chúng ta cần hoạch định những biện pháp tuyên truyền, thông tin nhắc nhở quần chúng bảo vệ giữ gìn cổ vật, chống buôn lậu cổ vật. Muốn ngăn chặn được tình hình thất thoát cổ vật hiện nay thì sự đầu tư, khắc phục các nguyên nhân này là một nhu cầu bức thiết.


Để quản lý các cổ vật trong các cơ sở Phật giáo được tốt hơn trong điều kiện hiện nay, theo chúng tôi, cần có sự nỗ lực và hợp tác từ nhiều phía bằng các hoạt động thiết thực như sau:


 Nhà nước cần quy rõ trách nhiệm cho các cấp, sở, phòng, ban chuyên môn về văn hóa trong việc quản lý những cổ vật tồn tại rải rác tại địa phương, việc phân cấp quản lý như vậy rất cần thiết. Trong những quy định này, Nhà nước phải xác định rõ cổ vật thuộc loại nào thì các cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý một cách tuyệt đối.


Mặt khác, phải tận dụng mọi nguồn lực, mọi kênh thông tin đại chúng để phổ biến cho dân chúng biết các giá trị mà cổ vật đóng góp vào nền văn hóa nước nhà. Khuyến khích mọi người phải tôn trọng di sản của tổ tiên và phải có những động thái tích cực trong việc xã hội hóa quản lý cổ vật. 


 Đối với các cơ sở Phật giáo, việc đầu tiên phải nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn cổ vật nơi các vị trụ trì chùa. Kế đến dùng các biện pháp kỹ thuật lưu giữ hình ảnh cổ vật bằng chụp hình, quay phim rồi lưu trữ. Qua thực trạng chủ sở hữu cổ vật không diễn tả được hình dạng cũng như không cung cấp một cách rõ ràng lý lịch của cổ vật cho cơ quan điều tra khi cổ vật bị mất cắp, thì hoạt động này là cần thiết.


Ngoài ra, cần thực hiện việc đăng ký cổ vật chưa đăng ký cho Nhà nước. Việc đăng ký này một mặt khẳng định tư cách chủ sở hữu của mình đối với cổ vật, mặt khác giúp cho cơ quan quản lý có những số lượng thống kê cổ vật cụ thể mà đề ra các biện pháp quản lý phù hợp với địa phương mình.


Thực tế mất cắp cổ vật trong thời gian vừa qua cho thấy: Đa số các chùa viện mà cổ vật bị đánh cắp đều không được bảo vệ cẩn thận và đủ an toàn, bộ phận thường trực giám sát rất yếu kém, có nơi chỉ với một cụ già đơn chiếc. Chính những thiếu sót này tạo điều kiện cho kẻ gian dễ dàng đột nhập vào và thực hiện hành vi đánh cắp cổ vật. Nhân đây cũng kiến nghị: Các cơ quan Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi nhất để các di tích lịch sử, cơ sở tự viện Phật giáo hư hỏng sớm được trùng tu sửa chữa và phải nhanh chóng giải quyết dứt điểm tình trạng người dân lấn chiếm trái phép các khu vực này.


Cổ vật trong các cơ sở Phật giáo là một bộ phận quan trọng trong tài sản văn hóa Phật giáo và dân tộc. Ngày nay, cuộc sống tinh thần ngày càng cao dẫn đến nhu cầu nghiên cứu văn hóa, nghiên cứu cổ vật cũng ngày càng tăng vì những hấp dẫn về văn hóa, mỹ thuật và lịch sử của chúng. Chính vì thế mà thực trạng “chảy máu” cổ vật trở nên đáng báo động ở mọi nơi mà đặc biệt là trong các cơ sở Phật giáo. Cho nên hoạt động quản lý cổ vật một cách khoa học là cần thiết và cấp bách để chống lại tình trạng trên. Trước hết nó thể hiện ý thức bảo tồn những gì cha ông đã để lại về mặt vật chất. Kế đến, việc quản lý còn là sự trân trọng về cội nguồn dân tộc, cội nguồn văn hóa Phật giáo đồng thời thể hiện sự kế thừa của chúng ta đối với di sản của tiền nhân. Để làm được những trọng trách này, tất cả chúng ta hãy cùng xây dựng các chương trình quản lý đúng với nhu cầu thực tiễn như hiện nay Thành hội Phật giáo TP.HCM đang tiến hành xây dựng Nhà truyền thống văn hóa Phật giáo để lưu giữ các cổ vật của Phật giáo là một việc làm cụ thể. Có như vậy cổ vật mới được bảo vệ một cách an toàn nhất.