Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Lên núi Cấm xem Phật cười

Lên núi Cấm xem Phật cười

73

Càng đi về phía mạn Campuchia càng thấy rõ ven đường là những dải đồng được viền bằng màu xanh của những cây thốt nốt cao vút, lá tua tủa. Những hàng quán đặc sản mắm khá dày.


Vùng đệm này là điểm mút của “cái lá dâu” trong kế lược tằm ăn rỗi (tàm thực) của Nguyễn Cư Trinh năm 1757 nhằm mở mang bờ cõi về điểm cùng của phương Nam. Đất này còn thể hiện rõ dấu ấn văn hoá Chân Lạp trong ngôn ngữ của một số cư dân địa phương hay hệ thống chùa Khơme…


“Đường dẫn” Thiên Cấm Sơn


Đến chân núi đã quá nửa chiều. Một nhóm chọn cách đi xe ôm theo con đường mới mở, xe bốn chỗ lên đỉnh núi khá rộng, dài 7km. Đứng từ xa nhìn, như một vết lằn lở lói chém xéo vách núi. Giá xe ôm: 50 ngàn cho một cuốc đi, về (nếu có ý định đi xe ôm nên thoả thuận giá trước, tránh tình trạng co kéo về sau).


Cũng như những điểm hành hương khác, cảnh ngổn ngang hàng quán bình dân và mời chào khá rộn ràng dù không phải là mùa đông du khách.


Leo và khấn


Trong đoàn, có người vừa hay tin mẹ mình lâm trọng bệnh, chị ta quyết định leo 4 km đường bộ để lên núi gặp Phật, khấn nguyện cho mẹ mình tai qua nạn khỏi.


Hai bên là những hàng quán xộc xệch, ngổn ngang lều bạt, bán cơm, nước phục vụ khách hành hương, nhiều đặc sản, trong đó một số quán còn rao bán cả thịt rừng. Nhiều gian che tạm cho khách thuê ngồi nghỉ trưa hoặc ngủ lấy sức trên chặng đường “đăng sơn kiến Phật”.


Kiểu kinh doanh bình dân đặc trưng trong du lịch hành hương của người Việt. Những con dốc đứng, nhiều chặng đường nhầy nhụa sình lầy và ổ gà, ổ voi… rồi cũng đến được đỉnh núi.


Phật cười trên núi Cấm


Trải ra trước mắt là một khung cảnh hoàng hôn huyền ảo. Mặt trời nghiêng đỏ trên vồ Bồ Hong – 710m, đỉnh cao nhất của núi Cấm (dân địa phương gọi đỉnh là vồ). Những vồ Đầu Tròn, vồ Bướm thoai thoải như hình sấp của đôi cánh bướm… phô lên nền trời rực đỏ một sắc của không gian huyền thoại.


Ngọn tháp bảy tầng của chùa Vạn Linh như một điểm nhấn đẹp trên nền hoàng hôn an bình. Vạn Linh Tự với những mái cong như những đài sen phá cách và phóng khoáng, một kiểu kiến trúc gần với chùa Phật giáo Đại Thừa.


Đứng từ tầng thứ 7 của ngọn tháp này, phóng tầm mắt có thể thấy hình dáng trải dài 30 km của dãy Thất Sơn, chạy dài theo trên mạn bằng chỉa cửa sông. Và đứng từ đây cũng thấy rực lên trong màu nắng chiều là tượng Phật Di Lặc với nụ cười an lạc vô ưu.


Tượng cao 32m đang được xây dựng vào giai đoạn cuối có bàn chân giao chỉ. Bên trong tượng là ngôi nhà 8 tầng, nghe nói sẽ là nơi để khách hành hương về vãn chùa viếng Phật có thể ở lại tĩnh tâm.


Gặp nụ cười của Phật toả sáng trên đỉnh Núi Cấm, cao nhất của dãy Thất Sơn. Người đàn bà đứng tuổi đã vượt qua chặng đường dài, quỳ trước tượng Phật và khấn nguyện cho người mẹ được bình yên.


Hành trình tâm linh – khám phá núi Cấm hoàn tất với cuộc diện kiến Phật ngay trong chính những bước chân thành tâm lẫn thách thức trở ngại! Hành trình thoả mãn vì đích đến là nụ cười của Phật!