Trang chủ Tin tức Thái Bình: Các chùa được vinh danh điển hình về sinh vật...

Thái Bình: Các chùa được vinh danh điển hình về sinh vật cảnh

75

Theo báo cáo tổng kết “Phong trào bảo tồn và phát triển sinh vật cảnh nơi thờ tự” hiện nay trên toàn địa bàn tỉnh Thái Bình có 449 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 110 di tích cấp quốc gia, 826 ngôi chùa, 330 nhà thờ Công giáo và hàng trăm đình, đền, miếu, nhiều nhà bia, nhà tưởng niệm, nghĩa trang liệt sỹ… Các chức sắc tôn giáo cùng bà con tín đồ Phật tử, giáo dân đã gắn kết phong trào bảo tồn và phát triển sinh vật cảnh với các phong trào thi đua xây dựng chùa cảnh bốn gương mẫu, xứ họ đạo bốn gương mẫu. Nhiều tự viện Phật giáo đã xây dựng cảnh quan, khuôn viên nơi thờ tự thành các vườn cảnh hấp dẫn, có giá trị kinh tế và tinh thần cao, thu hút nhân dân địa phương và khách đến lễ Phật, thăm quan, vãn cảnh, tìm lại sự thanh tịnh nơi thiền môn như: chùa Phúc Minh (xã Hiệp Hòa, Vũ Thư), chùa Keo (xã Duy Nhất, Vũ Thư), chùa Quan Âm, chùa Bảo Trai, chùa Phú Mỹ (Kiến Xương), chùa Tam Bảo, chùa Hướng Tân (Tiền Hải), chùa Thánh Long, chùa Hoàng Kim, chùa Chành (TP.Thái Bình)… Nhiều chư tôn đức tham gia tích cực, có hiệu quả trong ban Chấp hành Hội SVC các cấp như: TT.Thích Thanh Định, TT.Thích Thanh Hòa, TT.Thích Thanh Tụ, ĐĐ.Thích Thanh Vượng, NT.Thích Đàm Lưu… Nhiều nơi thờ tự đã bảo tồn được các cây cổ thụ găn với các sự kiện cách mạng của quê hương, được công nhận là cây di tích lịch sử văn hóa Việt Nam, góp phần khơi dậy và phát huy truyền thống yêu quê hương đất nước; là sự trân trọng và biết ơn quá khứ tốt đẹp; đẩy mạnh phong trào trồng và bảo vệ cây xanh, cây bóng mát nhằm cải thiện môi trường và chống biến đổi khí hậu.

Tại hội nghị, thay mặt cho BTS Phật giáo tỉnh và Tăng Ni trụ trì các chùa trên địa bàn tỉnh, TT.Thích Thanh Định nhấn mạnh tầm quan trọng của sinh vật cảnh đối với cảnh quan, môi trường nơi thờ tự, tạo không khí trong lành, thanh tịnh nơi cửa Phật, giúp con người rũ bỏ phiền não, tìm lại niềm vui cho bản thân trong khi phải đối mặt với nhiều áp lực trong cuộc sống. “Thú vui chơi cây cảnh, làm đẹp cho ngôi chùa, làm vui lòng mọi người chính là tâm nguyện tốt đẹp của người con Phật và cũng là làm đẹp chính mình”, Thượng tọa tâm sự.

Hội nghị đã vinh danh 5 nghệ nhân SVC, trao Bằng khen của TƯ hội SVC cho 2 chùa và 5 Tăng Ni có thành tích xuất sắc trong phong trào bảo tồn và phát triển SVC nơi thờ tự. Trong thời gian tới, hội SVC tỉnh sẽ đẩy mạnh phong trào bảo tồn và phát triển SVC ở các nghĩa trang liệt sỹ, nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, các di tích lịch sử văn hóa, nhà chùa, nhà thờ, đình, đền, góp phần thiết thực xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Xin giới thiệu chùm ảnh: