Trang chủ Tin tức Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang viên tịch

Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang viên tịch

727

Lễ nhập Kim quan lúc 08 giờ 00, ngày 06-07-2008 (mùng 04 tháng 06 năm Mậu Tý) tại Tu viện Nguyên Thiều, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.


Lễ cung nghinh Kim quan nhập Bảo Tháp lúc 07 giờ 00 ngày 11- 07- 2008 (mùng 09 tháng 06 năm Mậu Tý) trong khuôn viên Tu viện Nguyên Thiều.


Sự ra đi của Hòa thượng là mất mát, tổn thất lớn lao, để lại niềm kính tiếc cho Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước.


Theo thông báo của Thường trực Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Bình Định, để thể hiện sự kính ngưỡng đối với bậc Tôn túc Trưởng Lão, Ban đại diện Phật giáo các huyện, thành phố, chư Tôn đức Tăng Ni các Tu viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật Đường; Chư Thiện nam Tín nữ Cư sĩ Phật tử, gia đình Phật tử trong toàn tỉnh; Tăng Ni sinh trường trung cấp Phật học Bình Định tạm đình các công tác Phật sự, vân tập về Tu viện Nguyên Thiều, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước tham gia hộ niệm, cầu nguyện, góp phần công đức cho tang lễ được thành tựu viên mãn.


Hòa thượng Thích Quảng Độ, Hòa thượng Thiện Hạnh, Thượng tọa Chí Thắng, Thượng tọa Chí Tựu… đã có mặt tại Bình Định tham dự lễ tang.


Ðại Trưởng lão Hòa thượng Thích Huyền Quang sinh ngày 19 tháng 9 năm 1919, tại xã Nhơn An, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, xuất thân từ một gia đình sống về nghề nông và tiểu thương. Ngài đã theo đuổi việc học liên tục từ lúc 6 tuổi cho đến 26 tuổi. Lúc nhỏ hấp thụ nền văn hóa Khổng Mạnh, cho đến năm 13 tuổi Ngài xuất gia. Ngài đã từng đi nhiều nơi và hiểu biết tường tận cả hai miền Trung và Nam Việt Nam.


Năm 1932, lúc 13 tuổi, Ngài xuất gia và trở thành một tu sĩ Phật giáo. Từ năm 13 đến năm 19 tuổi Ngài theo học Phật học với Hòa thượng Chí Tâm, Hòa thượng Bích Liên, các Sư huynh Huyền Chiếu, Bảo Phong và cư sĩ Thám Mai. Đến năm 1939, Ngài được đưa vào học tại Phật học đường Lưỡng Xuyên, tỉnh Trà Vinh. Sau đó Ngài được cử ra học và tốt nghiệp tại trường Đại học Phật giáo Báo Quốc – Huế.


Sau khi hoàn tất chương trình Đại học Phật giáo, vào năm 1945, với tuổi 26, Ngài đã tham gia phát động và lãnh đạo phong trào Phật giáo cứu quốc tại Bình Định và Liên khu V (các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên)…


Hiệp định Genève ký kết vào năm 1954, Pháp rút khỏi Việt Nam, đất nước bị chia cắt, Ngài được cung thỉnh làm Giám đốc Tăng học đường Trung phần tại Nha Trang cho những năm 1955-1957, và trong thời gian này Ngài được mời làm Tổng Thư Ký Phật Học Viện Hải Đức – Nha Trang.


Năm 1958, Ngài giữ chức Phó Hội trưởng Hội Phật giáo Trung phần kiêm Hội trưởng Phật giáo tỉnh Thừa Thiên.


Năm 1962, Ngài trở về Bình Định, giữ chức vụ Hội trưởng Phật giáo tỉnh Bình Định. Cũng trong thời gian này, Ngài và chư Tăng trong tỉnh thành lập cơ sở đào tạo Tăng Ni cho bản tỉnh và các tỉnh lân cận. Phật học viện Nguyên Thiều được thành lập, Ngài được cung thỉnh làm Giám viện.


Cũng từ năm 1962 này, Ngài dẫn đầu phong trào đòi tự do tín ngưỡng, chống kỳ thị tôn giáo dưới thời Ngô Đình Diệm tại Bình Định rồi sau đó vào Sài gòn hoạt động và làm Thư ký Ủy ban liên lạc bảo vệ Phật giáo. Ngài bị bắt giam vào ngày 20.8.1963 tại Sài Gòn và được thả ra sau ngày đảo chính 1.11.1963.


Sau biến cố 1963, Ngài trở thành người lãnh đạo trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, được hình thành vào năm 1964. Trong vòng 10 năm sau đó, Ngài giữ trách vụ Tổng Thư ký viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Trong thời gian này, Ngài đã tham dự các cuộc hội thảo của Phật giáo Quốc tế được tổ chức khắp nơi trên thế giới (Tokyo 1970, Geneva 1973, Brussels 1974…)


Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất mà ngài là một thành viên đã tham gia thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng 8 tổ chức, giáo hội, hệ phái khác. Tuy nhiên, Ngài cùng một số vị khác không tham gia vào Giáo hội mới.


Tháng 10/2003, một số Tăng Ni hải ngoại họp tại Tu viện Quảng Đức (Australia) suy tôn Ngài vào vị trí Đệ tứ Tăng thống của GHPGVNTN mới – Giáo hội này hiện chưa được pháp luật Việt Nam công nhận.


Tháng 3 năm 2003, Ngài ra Hà Nội chữa bệnh. Trong thời gian dưỡng bệnh tại Hà Nội, Ngài tiếp xúc với ông Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thủ tướng chính phủ Phan Văn Khải và nhiều vị đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Sau đó Ngài đã đi thăm nhiều chùa ở Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh.


Hòa Thượng Thích Huyền Quang đã dịch và sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị như:


– Thiền Môn Chánh Độ;
– Sư tăng và Thế nhơn ;
– Nghi cúng chư Tổ và Chư vị Cao Tăng;
– Đạo Tràng Công Văn Tân Soạn ;
– Thiếu Thất Lục Môn ;
– Phật Pháp Hàm Thụ, v,v.


Phần lớn những tác phẩm và dịch phẩm này chưa được xuất bản và môt số khác bị thất lạc.


Trước khi viên tịch, Ngài tu hành tại chùa Nguyên Thiều ở Bình Ðịnh, trước đó tại chùa Quang Phước ở Quảng Ngãi (1982-1994), chùa Hội Phước ở Quảng Ngãi (1994-2003).



Đại lão HT. Thích Huyền Quang (1919 – 2008)



Thượng tọa Thích Huyền Quang với trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức



Thượng tọa Thích Huyền Quang đọc diễn văn chào mừng quan khách trong lễ khai mạc Đại hội Phật giáo Thống nhất năm 1964


HT. Thích Huyền Quang tại chùa Kim Liên, trong chuyến ra Hà Nội chữa bệnh năm 2003




Thủ tướng Phan Văn Khải tiếp HT. Thích Huyền Quang


HT. Thích Huyền Quang từ Hà Nội đáp tàu vào Huế năm 2003


HT. Thích Huyền Quang viếng giác linh cố HT. Thích Thiện Siêu – Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, Trưởng đoàn GHPGVNTN tham dự Hội nghị Đại biểu thống nhất PGVN, thành lập GHPGVN năm 1981


Chư Tăng Tỉnh GHPGVN Thừa Thiên Huế đỉnh lễ HT. Thích Huyền Quang





HT. Thích Huyền Quang quang lâm Tổ đình Từ Đàm – Trụ sở Tỉnh GHPGVN Thừa Thiên Huế


HT. Thích Huyền Quang tới Tu viện Quảng Hương Già Lam (TP. Hồ Chí Minh) viếng Giác linh HT. Thích Trí Thủ – Viện trưởng Viện Hóa đạo GHPGVNTN, Trưởng ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN



HT. Thích Huyền Quang với Tăng chúng Tu viện Quảng Hương Già Lam