Trường phổ thông Phật giáo ở Birmingham sẽ tiếp nhận học sinh của tất cả các tôn giáo khi trường được xây xong trong vòng 5 năm tới.
Tuy nhiên, các trường tôn giáo như thế này đang gây lo ngại cho một số nhóm trong xã hội Anh.
Trường tôn giáo
Các trường tôn giáo ở Anh được chính phủ tài trợ và Học viện Phật giáo không phải là ngoại lệ.
Họ đang thảo luận với Đại học Birmingham về việc cấp bằng.
Trường muốn dạy môn Phật học cho các sinh viên có quan tâm.
Bước tiếp theo là việc lập ra một trường phổ thông giảng dạy các môn theo chương trình học quốc gia nhưng cũng đáp ứng nhu cầu của trẻ em muốn có những nguyên tắc đạo đức của đạo Phật.
Birmingham chỉ có ba ngàn Phật tử từ các sắc dân khác nhau và trường phổ thông sẽ phải đón nhận một số lượng lớn học sinh từ các tôn giáo khác.
Một trường Ấn giáo do nhà nước Anh tài trợ cũng vừa mới bắt đầu được xây dựng ở phía tây London, nơi 20% dân số theo đạo Hindu.
Tại London cũng có một trường trung học cho người theo đạo Sikh và nhiều trường Thiên Chúa Giáo La Mã hay Anh giáo và Hồi giáo ở trên khắp nước Anh.
‘Co cụm’
Các trường tôn giáo (faith school) không bị buộc phải nhận học sinh theo các tôn giáo khác. Tuy nhiên, có những lời kêu gọi buộc các trường này nhận một phần tư học sinh từ các tôn giáo khác để thúc đẩy sự gắn kết trong xã hội.
Trường Anh giáo hay Thiên Chúa giáo La Mã vốn chiếm con số trường có tín ngưỡng đông nhất Anh vẫn nhận học sinh từ cấp tiểu học là người theo các tôn giáo khác tuy ưu tiên nhận con em các tín đồ của mình.
Những người chỉ trích cũng nói khi chính phủ tài trợ cho các trường tôn giáo, họ đã dùng tiền thuế của dân để làm tăng sự co cụm trong xã hội và cho phép các trường này phân biệt đối xử đối với học sinh và giáo viên từ các tôn giáo khác.
Trong khi đó những người ủng hộ nói rằng các trường tôn giáo có chất lượng đào tạo tốt và họ luôn có quá nhiều học sinh muốn xin vào học.
Các bậc phụ huynh cho con theo học các trường tôn giáo cũng nói chuyện dạy một tôn giáo chính ngay từ những năm đầu cho các em học sinh là quan trọng.