Trang chủ Văn hóa Nghệ thuật Triển lãm ảnh “Đạo & Đời 2”: Chút khám phá cõi thiền

Triển lãm ảnh “Đạo & Đời 2”: Chút khám phá cõi thiền

91

Và trên nền đó là 60 bức ảnh liên kết với nhau như một sự khám phá đầy thú vị ở nơi chốn thâm nghiêm “một thế giới riêng mà sự xâm nhập của người thường dường như bất khả thi” – Cõi Thiền.


Không quá cầu kì trong thủ pháp nghệ thuật, NSNA Trần Việt Văn đã chọn lựa được những khoảnh khắc rất “đắt”, từ một bàn tay của Phật tử chắp lại trước tương Phật, những tượng Phật cổ ảo mờ trong các ngôi chùa như bóng dáng nhân gian, các vị La Hán đang chìm đắm trong cõi ta bà thế sự phàm trần, những chân dung, nụ cười, phút “đời” của các nhà sư,hay công việc Phật sự…  để ghi lại qua ống kính những hình ảnh tưởng như giản đơn về tạo hình, bố cục, màu sắc, nhưng thật ra lại ngầm chứa rất nhiều ý nghĩa, mà khi xem phải thật “chậm” mới “đọc” được những ý niệm chứa đựng trong đó.


7 bộ ảnh mang tên rất “Đạo” – Vô lượng nghĩa, Nguyện cầu, Tập đế, Vô thường, Thiền môn, Cõi nhân gian, Sắc và Không, – Nhưng ẩn trong đó nhiều triết lý nhân sinh rất “Đời”. Tạo cho người xem có cảm giác như tĩnh tâm, lắng đọng, chiêm nghiệm cuộc đời của bản thân mình, của nhân gian qua từng bức ảnh.


“Vô lượng nghĩa” – Trong nhà Phật, Vô lượng nghĩa là giáo lý mà các Bồ Tát học theo pháp này sẽ đạt tới sự “giác ngộ tối thượng”, biết chấp nhận và rời bỏ những gì xảy đến trong cuộc đời, cả hạnh phúc lẫn đau khổ, ả niềm vui va bất hạnh. Cũng như bầu trời không hề bị xao động, hỗn loạn bởi những đám mây, dù là êm đềm hay dữ dội. Mây đến, mây đi như một lẽ tự nhiên. Bầu trời luôn trong xanh như tâm thức tĩnh lặng của hài hoà vũ trụ.


Con người ta ở đời có nhiều ước muốn,vào cửa nhà Phật, ước muốn đó đã được NSNA Trần Việt Văn  “ghi”  bằng hình ảnh, để “đọc” và hiểu  “ngôn ngữ” nhà Phật – “Nguyện cầu”, những bàn tay chắp lại thành kính, những gương mặt in dấu ấn cuộc đời dù là khó nhọc hay hồn nhiên trong trẻo, nhưng đều toát lên sự hướng thiện – Bình an, hạnh phúc cho mình, cho đời, cho nhân gian.


“Thiền môn” – Một nơi vừa gần gũi vừa xa lạ với đời thường, mỗi một sinh hoạt là ẩn chứa một ý nghĩa gắn giữa thực với đời “tu hành”, tạo một sắc thái bí ẩn, không đơn điệu, cứ muốn khám phá, nhưng rồi cũng chỉ như cánh cửa hơi hé mở tí xíu.


Với những người tu hành, khi đã dấn thân vào thế giới của “Đạo”, để đạt được đến cảnh giới của chữ “Ngộ” – trong cõi Phật là cả một quá trình “Tập đế” gian nan, không những phải tuệ trí-tuệ nhãn mà còn phải minh tâm, phải biết “nhẫn”, để vứt bỏ tạp niệm “Đời”: Thất tình – Lục dục, phải luôn răn mình không phạm vào “Ngũ giới”.


Chân dung các nhà sư hay chân dung đời – đạo trên con đường đi đến “chính quả”, thoát khỏi cõi tục vào cõi “Vô thường”,, một trong 3 chân lý vĩ đại được gọi Tam Pháp Ấn của nhà Phật, không Tham – Sân – Si, hoằng pháp Từ – Bi – Hỉ – Xả Phật môn, các pháp đều vô ngã, Niết bàn luôn thanh tịnh.


Ở “Cõi nhân gian”, tượng không chỉ là “gỗ – đá” mà là hồn vía nhân gian, vui buồn, sướng khổ, ưu tư, suy ngẫm nghiệp chướng trần thế. Và giữa cái lung linh ảo ảnh “tượng – người”, con người cũng trầm tư chiêm nghiệm “Sắc – Không” – “Sắc Không – Không Sắc cõi sân si – Ngày đêm nhật nguyệt mộng vân vi…”.


Trong thế giới của tượng, mọi hỉ- nộ- ái – ố của đời như được trình diễn muôn hình vạn trạng. Những bức ảnh tượng như kết đọng cả thời gian, thấm hồn linh thiêng trong cái động là cái tĩnh, và qua đó thấy được ngầm ý một triết lý phương Đông “Lấy cái tĩnh khắc cái động” để điều chỉnh cuộc sống hài hoà.


Đây là triển lãm  thứ 2 về đề tài này (sau lần 1 tại Hà Nội tháng 12.2006), một triển lãm ảnh rất lạ cả chủ đề và hình thức thể hiện. NSNA Trần Việt Văn, được biết đến như một nhà báo chuyên viết về văn hóa nghệ thuật của báo Lao Động, nhưng với sự tò mò, chút duyên cửa Phật và cả sự kiên trì  anh đã theo đuổi đề tài này  từ  năm 2003, và theo anh sẽ còn “theo” đến khi nào cảm thấy không còn “duyên” với cửa Thiền, Phật môn.


Lần này, trong triển lãm ảnh nghệ thuật  Đạo & Đời 2, tại “Ngôi nhà Phật giáo Việt Nam”- Cố đô Huế, trong thời gian diễn ra Festival từ 2.6- 11.6.2008, 7 bộ ảnh, có nhiều bức được chụp trong thời gian gần đây, và có cả những hình ảnh” Đạo & Đời “ rất ý nghĩa trong Đại lễ Vesak 2008 tại Hà Nội vừa diễn ra trong tháng 5.2008 .


Ý tưởng khác lạ, anh đã trưng bày những bức ảnh của anh như một tác phẩm nhiếp ảnh sắp đặt lớn – như một bước tiên phong cho phong cách triển lãm “đương đại” của nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam.