Chứng minh tham dự chương trình có sự chứng dự của Ni trưởng (NT) Thích nữ Tịnh Nguyện, Quyền Trưởng Phân Ban Ni giới TƯ; NT. Thích nữ Tân Liên, Phó Trưởng Phân Ban đặc trách Ni giới Hệ phái Khất sĩ; NT. Thích nữ Huệ Hương, Phó Trưởng Phân ban Ni giới TƯ, Trưởng tiểu ban đối ngoại; NT. Thích nữ Như Xuân, Phó trưởng Phân Ban Ni giới TƯ, Trưởng tiểu Ban Từ thiện; sự có mặt của Trưởng Phân Ban Ni giới từ 45 tỉnh, thành trong cả nước, cùng đông đảo Phật tử đến từ các tỉnh, thành về tham dự.
Về phía Chánh quyền có Ông Bùi Hữu Dược – Vụ trưởng vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ, Bà Nguyễn Thị Hương- Trưởng phòng Phật giáo Ban tôn giáo tỉnh Bình Dương và các vị tri thức, học giả các tỉnh thành trong cả nước đóng góp bài tham luận cho buổi tọa đàm đồng tham dự.
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Ni sư Thích nữ Tịnh Diệu nói: “Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo mở ra chân trời giải thoát cho Ni giới, để từ đó bao thế hệ Ni lưu đã tiếp bước kế thừa và phát huy ngày một sang lạn hơn. Những người con gái của Đức Phật đi theo chân Ngài đã thể hiện phạm hạnh của mình, đem nét thuần khiết đó dấn thân vào cuộc đời, với trách nhiệm “Lợi sanh vi gia vụ”. Phân Ban Đặc trách Ni giới TƯ được thành lập cuối năm 2009 đánh dấu sự khởi sắc của Ni giới Việt Nam. Ni giới Việt Nam luôn thể hiện tinh thần kính Phật trọng Tăng, vâng giữ Bát Kỉnh pháp, Thúc liễm Chư Ni trẻ tu tập, tích cực tham gia công tác xã hội, thiết lập đạo tràng Bát Quan trai, một ngày an lạc… Ngày nay, sự có mặt của Ni giới tu theo hệ phái tại Việt Nam, đã lên tới hàng ngàn, số tự viện Ni phát triển thật đáng kể. Với những thành tựu đó, hôm nay cũng theo truyền thống hàng năm, được sự cho phép của Chư Tôn giáo phẩm TƯ, nhất là sự đồng thuận của Hòa thượng Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Bình Dương và Quý tôn đức trong BTS, cùng sự hỗ trợ đặc biệt từ Phân Ban Ni giới TƯ, Phân Ban Ni giới tỉnh Bình Dương, chương trình Tọa đàm nhằm ôn lại công hạnh của các bậc Thánh Ni, cùng công đức pháp hòa và những đóng góp tích cực của Chư Tôn túc Ni, để tạo tiền đề giúp cho buổi Đại lễ Tưởng niệm Thánh tổ Ni Đại Ái Đạo thêm phần ý nghĩa”.
Tại buổi tọa đàm, đại diện Ni giới các tỉnh, thành đã đóng góp những nội dung tham luận vô cùng ý nghĩa và sâu sắc xoay quanh 6 chủ đề đã làm sáng tỏ những góc cạnh khác nhau trong sự phát triển của tổ chức Ni giới như “Vai trò của Thánh tổ Ni Đại Ái Đạo trong việc thành lập Giáo đoàn Ni”; “Sự hình thành và phát triển của Ni giới Việt Nam”, “Đặc điểm của Ni giới Việt Nam trong giai đoạn hiện tại”; “Ni giới Việt Nam và sự nghiệp giáo dục”; “Gương sáng điển hình Ni giới Việt Nam thời hiện đại”.
Qua hơn 30 bài tham luận từ các tỉnh, thành đã khái quát bức tranh vô cùng ý nghĩa và sống động về truyền thống tốt đẹp của Ni giới Việt Nam từ quá khứ đến hiện tại, trong đó hình ảnh những ngôi chùa với sự chăm chỉ và hành trì cần mẫn của Ni giới đã góp phần tích cực hoằng dương chánh pháp, tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, độ sanh cứu giúp người nghèo khó… Quả thật là ánh sáng Phật pháp đã soi sáng cho thế gian, một phần nhờ sự thể hiện đầy từ bi và tuệ mẫn của người con gái của đức Phật.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Bùi Hữu Dược, Vụ Trưởng Vụ Ban Tôn giáo Chính phủ nói: “Chúng ta vui vô cùng khi Ni giới Việt Nam tổ chức Đại lễ Tưởng niệm để xiển dương Phật giáo truyền thống và phát triển Phật giáo Ni giới. Đó quả là rất đáng tự hào. Ni giới Việt Nam đã có đóng góp rất to lớn đóng góp tích cực cho sự phát triển của xã hội”. Ông cũng đã nhắc lại về những tấm gương hành theo đạo Phật rất có ảnh hưởng như Ni sư Phương Dung, thời kỳ Hai Bà Trưng, Công chúa Huyền Trân (Ni sư Hương Tràn)… Ông nói tiếp: “Thời xưa và thời nay, Ni sư Việt Nam vẫn giữ nguyên truyền thống phẩm hạnh, hòa hợp, đoàn kết rất ý nghĩa. Đó là một nền Phật giáo thống nhất, lớn mạnh và phát triển. Kính chúc Đại lễ Tưởng niệm Thánh tổ Ni Đại Ái Đạo sẽ thành công tốt đẹp”.
Ni trưởng Thích nữ Huệ Hương, Phó Trưởng Phân ban Ni giới TƯ đạo từ cùng với hội nghị: “Nội dung tọa đàm đã diễn ra vô cùng thành tựu làm cho toàn thể Ni giới chúng ta vô cùng hoan hỷ. Trong lễ tưởng niệm chúng ta nhớ lại ân đức sâu dầy của Tổ Kiều Đàm Di Mẫu, để các thế hệ trẻ Ni giới học tập và noi theo. Qua các bài tham luận, các vị đã nói lên tâm tư, nguyện vọng để cho Ni giới phát triển vững mạnh thì vô cùng quý báu. Mặc dù, đâu đó, Ni giới chúng ta cũng còn gặp không ít khó khăn, nhưng mà chúng ta noi theo gương Tổ mẫu mà phấn đấu không ngừng, để vượt qua mọi thử thách. Sư mẫu của chúng ta hy sinh vô cùng lớn lao, bang rừng lội sối cầu xin Đức Phật 3 lần mới được Ngài cho phép xuất gia. Đó là một phước báu to lớn của thời đại thời bấy giờ. Vì thế, so với khó khăn của chúng ta với khó khăn của Sư tổ thì chính là động lực cho chúng ta vượt khó, làm cho chúng ta thành tựu, vinh danh và phát triển ngày càng vững mạnh hơn, xứng đáng là con gái của Đức Phật Thích Ca. Trong xã hội ngày nay, Ni giới chúng ta thật sự có nhiều phước báu để có tất cả môi trường thực hành và tu tập vô cùng thuận lợi”. Ni trưởng cũng đã khuyến tấn tu học và bày tỏ niềm phấn khởi vô cùng lớn lao, Ni trưởng nói tiếp: “Khi Đại lễ Tưởng niệm diễn ra tại Bình Dương đã quy tụ đông đảo các tỉnh, thành, đông đảo Phật tử vô cùng trọng thể và ấm cùng. Đó là nhờ sự quan tâm vô cùng sâu sắc của chính quyền và Phật giáo tỉnh Bình Dương”.
Xin giới thiệu chùm ảnh ghi nhận: