Trang chủ Đời sống Nghệ thuật sống Làm sao để Đức Phật luôn có mặt với bạn

Làm sao để Đức Phật luôn có mặt với bạn

88

Dưới lăng kính của Phật Giáo Đại Thừa, Đức Phật được biểu hiện qua nhiều hình ảnh và ý nghĩa, như chúng ta nghe nói đến “Tam Thân” của Phật, đó là: Báo thân, Hóa thân và Pháp thân.


Trong ý nghĩa đó, dù Báo thân của Phật không còn, nhưng Hóa thân và Pháp thân vẫn luôn còn đó để soi đường chỉ lối cho chúng ta. Đức Phật vẫn hiện hữu giữa lòng nhân loại để đem nguồn hạnh phúc đến mọi người.


Vấn đề là chúng ta phải làm sao tiếp xúc với Phật, để Đức Phật ở trong ta hiển lộ, để Đức Phật có mặt với chúng ta mỗi giây phút, làm cho đời sống của chúng ta trở nên có ý nghĩa, trở nên an vui thật sự.


Tùng Thẩm, một thiền sư nổi tiếng của Trung Hoa, có nói: “Phật vàng không khỏi hư hoại do lò đúc. Phật gỗ không khỏi hư hoại do lửa cháy và thời gian. Phật đất không khỏi hư hoại do nước. Duy chỉ có Phật thật ngồi ở bên trong thì bất hoại mà thôi.”


Điều đó chúng ta thấy rằng Phật tính trong mỗi chúng ta mới là quan trọng, còn mọi hình tướng bên ngoài chỉ là giả tướng, chứ bản chất vốn không thật.


Như vậy, để Đức Phật có mặt với chúng ta, chúng ta phải tiếp xúc được với những đức tính của Phật, làm cho những đức tính đó hiển lộ ra nơi con người chúng ta. Làm được như vậy, Đức Phật sẽ có mặt với chúng ta, bảo hộ, che chở cho chúng ta.


Những đức tính biểu trưng của một Đức Phật là gì? Đó là tâm từ bi, là tuệ giác và sự tỉnh thức thường trực. Các đức tính này có sẵn trong mỗi chúng ta, chỉ cần chúng ta biết tiếp xúc với các đức tính này thì Phật tính ở trong chúng ta sẽ hiển lộ một cách tự nhiên.


Tu tập có nghĩa là chúng ta có chính niệm trong mọi hoàn cảnh, giữ tâm ý của chúng ta được định tĩnh, tự chủ và tỉnh thức trong mọi lúc, mọi nơi, để tạo ra nguồn an lạc cho chính mình và mọi loài xung quanh. Đây là cốt lõi của sự tu tập.


Một trong những pháp môn quan trọng trong đạo Phật, có khả năng giúp con người thoát ly những khổ đau, trói buộc của cuộc đời, là pháp môn thiền quán.


Trong Kinh Tứ Niệm Xứ (Satipatthna Sutta), Phật dạy các thầy tỳ kheo rằng: “Này quý vị! Quý vị hãy an trú trong phép quán niệm thân thể nơi thân thể, cảm thọ nơi cảm thọ, tâm thức nơi tâm thức, và đối tượng tâm thức nơi đối tượng tâm thức một cách tinh cần, sáng suốt, và tỉnh thức để loại trừ mọi tham dục và chánh bỏ đối với cuộc đời.


Như vậy, hành thiền có nghĩa là khi hành giả đang làm gì, nói gì và suy nghĩ gì, vị ấy đều phải ý thức rõ về những gì mình đang làm, nói và suy nghĩ; tức là tâm của hành giả phải trú trong hiện tại để sống trọn vẹn, định tĩnh và tự chủ với những gì đang xảy ra.


Đây chính là sự thực hành thiền quán trong mỗi giây phút để chúng ta có thể trở về với chính mình một cách hoàn toàn, không để ngoại cảnh lôi kéo. Khi chúng ta ý thức được những gì đang xảy ra, chúng ta mới có thể ngăn ngừa không cho những ý niệm xấu xâm nhập vào tâm của chúng ta, cũng như không để cho chúng biểu hiện ra bên ngoài.


Nhờ có ý thức được như vậy, chúng ta có thể làm chủ được mình và không để cho những điều không hay xảy ra. Nếu chúng ta không có sự tỉnh thức trong mọi hoàn cảnh, để khi sự việc đã xảy ra rồi, dù có muốn ngăn ngừa cũng đã quá trễ.


Làm sao để khi cư xử với mọi người trong đời sống hàng ngày, bạn có thể cư xử một cách nhân ái và tế nhị, là điều rất quan trọng. Cách sống của bạn nói lên thực chất con người bạn và chứng tỏ khả năng tu chứng của bạn.


Thực tập quán sát chính mình trong đời sống hàng ngày sẽ giúp cho bạn hiểu rõ mình hơn. Điều quan trọng là bạn trở về với chính mình, nhận diện và kiểm soát tâm ý và hành động của bạn; dần dần, cách cư xử của bạn sẽ trở nên tinh tế hơn, từ ái hơn và chân thành hơn.


Bạn sẽ là một người có an lạc và có thể mang nguồn vui đến cho mọi người. Nếu bạn có hạnh phúc, tất cả mọi người trong gia đình cũng như ngoài xã hội đều được thừa hưởng niềm hạnh phúc của bạn.


Tại Việt Nam cũng như các nước Á châu, mỗi gia đình theo đạo Phật thường có bàn thờ Phật rất trang nghiêm ở giữa nhà để thờ cúng, chiêm bái mỗi ngày. Đây là một truyền thống tốt đẹp.


Nếu chúng ta biết áp dụng vào việc tu tập, bàn thờ Phật sẽ là nơi giúp ta và gia đình rất nhiều trong đời sống tâm linh. Tôi đã thấy ở Việt Nam có nhiều gia đình Phật tử thuần thành, mỗi buổi tối, cha mẹ và con cái sau khi ăn cơm và tắm rửa xong, đều đến trước bàn thờ Phật, cùng nhau dâng hương lễ Phật, rồi ngồi tĩnh tâm khoảng mười lăm phút và tụng một bài kinh ngắn, rất thanh tịnh và ấm áp.


Sau đó mọi người xá chào nhau và đi làm việc riêng của mình. Có những gia đình khác, mỗi buổi sáng, trước khi đi làm hay đi học, mọi người đến trước bàn thờ Phật.


Họ ngồi xuống yên lặng, thỉnh ba tiếng chuông thật ấm và trong, thực tập theo dõi hơi thở và nở nụ cười trong vòng vài phút cho thân tâm nhẹ nhàng, định tĩnh. Sau đó họ đứng dậy xá Phật rồi mới rời nhà. Đây là một phương pháp thực tập rất hay.


Nếu chúng ta biết bắt đầu mỗi ngày bằng sự tiếp xúc với Đức Phật thì còn gì cao đẹp hơn nữa? Và như vậy, chúng ta tiếp tục nuôi dưỡng sự tỉnh thức, nuôi dưỡng hình ảnh Đức Phật suốt ngày trong tâm tưởng thì chắc chắn chúng ta sẽ có một ngày an lạc.


Đây là những điều mà người lớn cần thực tập để trẻ em làm theo. Tức là chúng ta giáo dục con cái qua hành động chứ không bằng lời nói. Một Phật tử đã chia xẻ với tôi rằng: Bất cứ lúc nào anh cảm thấy bất an, thiếu tự chủ, thì anh thường bước vào căn phòng nhỏ của mình, ngồi xuống trong tư thế thoải mái và vững vàng để thực tập hơi thở và nụ cười như Đức Phật cho đến khi nào anh cảm thấy định tĩnh mới thôi.


Anh cho biết phương pháp này đã giúp anh rất nhiều trong việc khôi phục chính mình và làm chủ hoàn cảnh chung quanh. Khi chúng ta biết thực tập thiền quán đều đặn mỗi ngày, chúng ta sẽ tạo được không khí yên tĩnh, ấm cúng và thương yêu trong gia đình.


Lúc con cái của bạn có những khó khăn, bực bội, là lúc bạn tìm cách giúp chúng. Những lúc đó, sự trầm tĩnh của bạn rất cần thiết. Bạn không nên lớn tiếng hay la rầy con cái lúc đó, mà bạn hãy nên ôn tồn cầm tay con, rồi cùng đi vào trước bàn Phật, hay một căn phòng yên tĩnh, cùng ngồi xuống, thở những hơi thở khoan thai và đầy ý thức trước khi bắt đầu nói chuyện. Đây là cách thực tập để làm chủ chính mình.


Đức Phật vẫn luôn hiện hữu với mọi người và mọi loài, khắp mọi nơi, và ở ngay trong trái tim của mỗi chúng ta. Nếu chúng ta biết trở về, biết sống tỉnh thức trong từng phút giây một cách sâu sắc và trọn vẹn, thì ngay lúc đó chúng ta tiếp xúc được với đức Phật, với Phật tính trong ta. Nụ cười sẽ nở trên môi bạn thật tươi thắm. Có niềm vui nào lớn hơn sự tịnh lạc của tâm hồn, phải không bạn?